SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện
Tựa Của Tác Giả
Bạn thân mến,
Xin bạn đọc lời tựa này để bạn được vui lòng, và cũng để tôi được toại nguyện.
Chuyện cũ song mới
Gly-xê-ra là cô bán hoa. Cô khéo biết xếp và điều hợp các thứ hoa, khéo tới chỗ, cùng một thứ hoa, cô có thể làm thành một loạt các bó hoa khác nhau, khiến hoạ sĩ Pô-xia phải đầu hàng, dù muốn hoạ lại các vẻ đẹp muôn sắc ấy, vì ông ,không thể chế nước sơn ra nhiều màu như nàng Gly-xê-ra đã sắp xếp cho các bó hoa.
Chúa Thánh Thần cũng thế, khi Ngài dùng miệng lưỡi và ngòi bút các tôi tớ để dạy dỗ đường nên thánh, Ngài xếp đặt trình bày thành nhiều kiểu. Do đó, đạo lý luôn luôn vẫn là một, mà cách diễn giải lại khác nhau, do nhiều kiểu soạn thảo khác nhau.
Đã hẳn tôi chỉ có thể và chỉ muốn viết trong cuốn sách này những gì các bậc tiền bối đã viết. Bạn đọc thân mến, đây tôi cũng sẽ trình bày với bạn những bó hoa như họ, song chắc chắn bó hoa của tôi sẽ khác bó hoa của họ vì cách xếp đặt khác.
Cuốn sách đường thánh đức dành cho người sống ở thế gian
Các vị bàn về đời sống thánh thiện từ trước đến nay, hầu hết đều nhằm dạy người ta xa lánh cuộc sống thế tục 1. Hay ít ra, họ dạy một thứ đạo đức cuối cùng sẽ dẫn đến chỗ xa lánh hẳn thế gian. Chủ ý tôi là muốn chỉ bảo cho những ai sống nơi thành thị, tại gd, trong triều vua 2. Những người này vì hoàn cảnh bó buộc phải sống bề ngoài như mọi người. Song nhiều khi họ cứ viện cớ sống thánh đức là điều không thể làm nổi, nên không còn nghĩ đến chuyện đem công ra tập sống nữa. Họ tự nghĩ : cũng như không con vật nào dám nếm hạt cỏ gọi là “cành lá vạn tuế Chúa Ki-tô” thì không ai nên mong giật được cành vạn tuế của đời thánh đức, đang khi phải sống giữa giằng co của các việc thế gian.
Riêng tôi, tôi sẽ cho họ thấy : như con hầu trai sống giữa biển mà không bị ngộp ngạt nước biển ; và như ở phía bắc đảo Sê-li-đoan (các hòn đảo ở Địa Trung Hải) có những dòng nước ngọt ngay giữa biển mặn ; và có những loại bướm bay đêm bay giữa ngọn lửa mà không cháy cánh, thì một linh hồn mạnh mẽ và trung tín cũng có thể sống giữa đời mà không bị hơi hám của đời ; có thể tìm được những nguồn đạo đức dịu ngọt giữa những làn nước chua chát của thế gian này ; và bay giữa các ngọn lửa dục vọng trần tục mà không cháy bộ cánh là nguyện ước sống thánh thiện.
Đã hẳn điều ấy khó. Chính vì thế, tôi mong nhiều người sẽ đem tất cả sự chuyên cần lo lắng vào việc ấy cách hăng hái hơn trước. Cũng như tôi, dù hè kém, cúng cố gắng đem cuốn sách này góp phần giúp những ai có lòng đại độ lo việc rất xứng đáng ấy.
Lai lịch cuốn sách này
Cuốn sách này ra mắt công chúng không do quyết định hay do khuynh hướng tự nhiên. Số là cách đây ít lâu, một linh hồn đáng trọng và nhân đức, nhờ ơn Chúa ban có ước muốn sống thánh thiện nên đã ngỏ ý xin tôi giúp cách riêng. Vì trách nhiệm đối với người ấy, và cũng đã từ lâu xét thấy họ có tâm trạng và đủ điều kiện để tiến trên đường thánh thiện, nên tôi đã ra công chỉ bảo rất cẩn thận. Sau khi dẫn dắt họ tập luyện đúng theo nguyện vọng và địa vị của họ, tôi đã gửi những tài liệu dẫn dắt đó cho họ để họ dùng khi cần. Sau đó họ đã đưa cho một vị tu hành tài cao đức cả xem qua. Vị này cho rằng các bài đó có thể làm ích cho nhiều người khác, nên đã khuyên tôi đem in. ngài đã thuyết phục tôi cách dễ dàng : vì tình bạn của ngài có ảnh nhiều nơi tôi, và tôi cũng tín nhiệm nhiều vào lời phê phán của ngài.
Để cho ích lợi hơn và hay hơn, tôi đã duyệt lại và sắp đặt thứ tự. Đây đó có thêm đôi điều chỉ bảo hợp với chủ đích mới. Được soạn thảo giữa bao bận bịu, chắc cuốn sách này không được hoàn bị. Ít ra, bạn sẽ tìm thấy ở đây một loạt các lời chỉ giáo đáng tin cậy được giải thích rõ ràng và dễ hiểu. Đó là điều tôi mong ước làm. Còn việc chải chuốt văn chương, tôi chẳng chú ý đến, vì quá bận nhiều công vụ cần.
Tên “Philôtê” dùng trong sách là tên tượng trưng
Lấy cái tên tôi đã viết trước đây cho một linh hồn để làm ích cho nhiều linh hồn khác, nên trong kiểu văn đối thoại, tôi sẽ gọi chung tất cả những linh hồn nào muốn số́ng đạo đức là “Philôtê”, nghĩa là “người yêu Chúa”.
Phân chia cuốn sách
Đặt trước mắt hình ảnh một linh hồn đầy nguyện ước sống thánh thiện, đầy mong muốn mến yêu Thiên Chúa, tôi chia cuốn sách ra làm năm phần :
TRONG PHẦN NHẤT, với đôi lời răn bảo và vài thực hành, tôi mong muốn đổi cái ước muốn bình thường của Philôtê thành một quyết định. Cái quyết định này Philôtê chỉ có được sau khi xưng tội chung, bằng cách tuyên ngôn quyết liệt sau khi rước Chúa vào lòng và dâng mình cho Ngài. Từ đó linh hồn sung sướng bước vào sống trong tình yêu Ngài.
Để giúp bước tiến, tôi sẽ chỉ cho Philôtê hai phương thế lớn, nhờ đó sẽ được kết hợp mỗi ngày một hơn với Đấng Chí Tôn : đó là chịu Bí Tích, qua đó Chúa đến cùng ta, và việc nguyện ngắm, nhờ nó Chúa kéo ta đến cùng Ngài. Đó là tất cả PHẦN THỨ HAI.
TRONG PHẦN THỨ BA, tôi sẽ chỉ cho thấy phải tập nhiều nhân đức đặc biệt thích hợp để làm cho hồn tiến bộ. Tôi không nói dài dòng lôi thôi, trừ một ít chỉ bảo riêng mà hồn có lẽ không thể tự mình tìm ra hay tìm được ở chỗ nào khác.
PHẦN THỨ TƯ sẽ cho biết ít nhiều cạm bẫy của địch thù, và chỉ cách luột thoát và vượt qua.
Cuối cùng trong phần thứ năm, đem Philôtê ra nơi riêng một mình để nghỉ ngơi lấy sức, hầu sau đây, trở lại chốn cũ cách vui sướng hơn mà tiến bước trong đời sống thánh đức.
Một vấn nạn
Thời nay kỳ lạ lắm !
Tôi biết trước nhiều người sẽ nói : Việc dẫn dắt riêng cho linh hồn đi trên đường thánh thiện là việc dành cho các tu sĩ và những người thánh đức. Việc ấy đòi nhiều giờ giấc, một Giám Mục coi sóc địa phận lớn như tôi không thể nào có được. Việc ấy lại làm xao lãng trí khôn mà đáng lý ngài phải đem dùng vào những việc quan trọng.
Bạn đọc thân mến, cùng với thánh cả Đơ-ni (Denys) tôi xin nói với bạn câu này : Bổn phận chính của Giám Mục là làm cho các linh hồn nên hoàn thiện. Chức phẩm của các ngài cao trọng nhất trong nhân loại, như phẩm trật thần sốt mến giữa các thiên thần, thành ra giờ giấc các ngài chẳng dùng vào đâu xứng đáng cho bằng dùng vào việc ấy. Các đấng Giám Mục ngày xưa và các đấng Giáo Phụ ít nhất cũng tận tuỵ yêu mến chức vụ các ngài như chúng tôi, ấy thế mà các ngài đâu có xao lãng việc dẫn dắt riêng những linh hồn đến xin giúp đỡ, như ta thấy rõ qua các thư của các ngài !
Trong điều này, các ngài bắt chước các thánh Tông Đồ, dù bận lo mùa gặt chung toàn thế giới, vẫn hái gặt riêng vài bông lúa tươi đẹp hơn, với tình thương mến đặc biệt. Ai mà chẳng biết Ti-mô-tê, Ti-tô, Phi-lê-môn, Ô-nê-di-mô ; thánh nữ Tê-cla, Ap-pi-a, là con cái yêu dấu của thánh cả Phao-lô, cũng như thánh Mat-cô và thánh nữ Pê-trô-ni-la là con thánh Phê-rô ? Theo chứng tường tận của Ba-rô-ni-ô và Ca-lô-ni-ô, thánh Pê-trô-ni-la không là con đẻ song là con thiêng liêng của thánh Phê-rô. Còn thánh Gioan đã chẳng viết một trong số thánh thư của mình cho bà Ê-lét-ta sao ? 3
Cái sướng cái khổ trong việc dẫn đàng thiêng liêng
Phải thú thực, dẫn dắt riêng các linh hồn là một cực khổ. Song một thứ khổ làm cho sảng khoái tâm hồn. Đó là cái khổ của thợ gặt lúa và hái nho ; lúc bận bịu nhất, tuy đôi vai gánh nặng trĩu lúa vàng song lại là lúc thích chí hơn lúc nào hết ! Đó là một công việc ban nghỉ ngơi và làm cho tâm hồn thêm hăng hái, do hương vị ngọt ngào mà những ai tra tay làm đều nếm được, cũng như nhục quế mang lại hương thơm cho người Ả-rập đeo nó trong mình 4. Người ta thường kể khi hổ mẹ thấy một trong số các hổ con mà người đi săn đã bẫy được, để lại cho nó vì thương tình, nó liền ngoạm lấy, dầu hổ con đã lớn, nó cũng không thấy mệt hơn, lại có vẻ nhẹ nhàng hơn khi nó chạy tiếp cứu hổ con trong hang : đó tình thương tự nhiên của bản năng đã biến gánh nặng thành nhẹ.
Lòng một người cha hẳn còn hơn thế. Tấm lòng ấy vui sướng nhận lo cho một linh hồn mà ngài nhận thấy muốn nên trọn lành, ngài mang lấy trong lòng như người mẹ mang con, không cảm thấy nhọc nhằn vì gánh nặng yêu đương ấy. Đã hẳn phải có một tấm lòng người cha thật. Vì thế, các đấng Tông Đồ và các người làm việc tông đồ không những gọi môn đệ mình là con cái mà còn gọi cách âu yếm là “con nhỏ”.
Việc chỉ dạy cho người khác giúp ích cho chính mình
Tóm lại, bạn đọc thân mến, tôi bàn về đời sống thánh đức, dẫu tôi chẳng mấy thánh thiện. Không phải tôi không ước muốn nên thánh, trái lại, chính cái ước muốn ấy giúp tôi can đảm chỉ bảo cho bạn. Nhà văn hào kia có nói : “Học là phương thế tốt nhất để thu thập kiến thức, song nghe là phương thế tốt hơn, còn dạy là phương thế tốt nhất”. Thánh Ao-gu-ti-nô viết cho nàng Flo-ren-ti-na đạo đức rằng : “Thường thấy : người thi hành nghĩa vụ phân phát là người được lãnh nhận trước hết, và người dạy dỗ là kẻ được học biết thêm”.
Đại đế A-lịch-sơn truyền cho một mình chàng A-pê-lê được hoạ chân dung nàng Công-pát-pê, sủng ái của nhà vua. Vì phải luôn ngắm nàng lâu giờ nên A-pê-lê càng hoạ nét mặt của nàng lên khung vải bao nhiêu, thì càng ghi sâu tình nàng vào lòng bấy nhiêu. Sau đó chàng mê say nàng, đến nỗi khi A-lịch-sơn nhận thấy, đã phải đem lòng thương hại gả nàng cho chàng. Vua đành hy sinh tình yêu người mà vua yêu nhất đời. Văn hào Pli-nô viết về chuyện ấy : “với nghĩa cử ấy, Hoàng đế đã tỏ ra có đại dũng bằng khi phải chiến thắng một trận lớn”.
Bạn thân mến, tôi nghĩ rằng, khi đặt tôi làm Giám Mục, Thiên Chúa muốn tôi hoạ trong lòng người ta không những các nhân đức thông thường, mà cả sự thánh thiện Người hằng mến chuộng. Tôi sẵn lòng lo việc ấy mà chu toàn bổn phận. Đồng thời cũng mong rằng : khi ghi khắc vào lòng kẻ khác, lòng tôi may ra cũng đắm say các sự đó. Khi Đấng Chí Tôn thấy tôi si mê, hẳn Người sẽ gả nó làm bạn trăm năm đời đời đối với tôi.
Nàng Rê-bê-ca xinh đẹp và trong trắng, vì cho lạc đà của I-sa-ac uống nước mà được chọn làm vợ, và được ông tặng hoa tai, vòng vàng (sách Sáng Thế 24, 10-27). Phần tôi, khi dẫn các chiên của Chúa tới nguồn nước cứu rỗi của đời thánh thiện, tôi cũng dám trông mong ở lòng nhân hậu vô lượng của Chúa sẽ cho linh hồn tôi thành bạn trăm năm của Ngài, đeo vào tai tôi những lời vàng óng của tình Ngài, vào tay tôi sức mạnh để đem lời ấy ra thực hành. Cốt yếu của sự nên thánh là ở nơi hai điều ấy.
Cầu nguyện và thần phục
Đấy là điều tôi nài xin Đấng Chí Tôn ban cho tôi và tất cả các con cái của Hội Thánh Người.
Tôi cũng xin đệ lên Hội Thánh tất cả những sách vở, lời nói, ý muốn, tư tưởng và hoạt động của tôi cho đến muôn đời.
Viết tại Annecy.
Lễ thánh Ma-da-lê-na
Năm 1608.
1 : (các chú thích là của dịch giả). Lịch sử thời đó cho biết đời sống thánh thiện hình như được coi là đặc ân của tu sĩ, sống ần dật, xa lánh thế gian. Người giáo hữu lo rỗi linh hồn được là may mắn lắm rồi.
2 : Thời tác giả viết là thời quân chủ.
3 : Thực ra chữ E-lét-ta (Electa) đây - có nghĩa là kẻ được Chúa tuyển chọn - là một danh từ chung, thánh Gioan dùng mà gọi giáo đoàn ông gửi thư cho, chứ không phải tên riêng của một người.
4 : Người đời xưa mang chất thuốc thơm trong một cái túi nhỏ đeo trong mình.
--- o0o ---