Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 2

Gồm những chỉ dẫn về nguyện ngắm và các Bí Tích, để giúp linh hồn lên cùng Chúa.

 CHƯƠNG 01

NGUYỆN NGẮM CẦN THIẾT

1) Vì nguyện ngắm đem ánh sáng Thiên Chúa soi cho trí ta, đem ý muốn ta hâm nóng trong lửa tình mến trên trời, nên không gì tẩy trừ trí khôn ta hỏi các ngu muội và ý muốn ta khỏi các tình luyến ái hư hỏng cho bằng. Đó là nước phúc lành đem tưới nhuần nhã cho các cây nguyện ước tốt được xanh tươi lại và nẩy hoa, rửa hồn ta sạch các khiếm khuyết giải khát hồn ta khỏi thèm khát dục vọng.

2) Nhưng hơn cả, tôi khuyên con dùng sự suy ngắm (trong trí) nhất là suy ngắm về đời sống và cuộc tử nạn của Chúa chúng ta. Nhờ suy ngắm thường xuyên mà nhìn lên Chúa, linh hồn sẽ tràn ngập bởi Người và con sẽ học cách sống của Người, luyện các hành động con theo gương Người. Người là ánh sáng thế gian : vậy ta phải được soi sáng trong Người, bởi Người và vì Người. Suy ngắm là cây ước nguyện mà ta phải núp bóng để được mát mẻ, là suối nước Gia-cóp để rửa sạch các nhơ bẩn ta. Trẻ con nhờ nghe mẹ nói và nhờ bập bẹ với mẹ mà dần dần nói được tiếng mẹ. Còn ta, nhờ nguyện ngắm mà ở gần Chúa Cứu Thế, nhờ chú ý suy các lời nói hành động và tâm tình Người, ta sẽ nhờ ơn Người, Người giúp mà biết nói, biết làm và biết muốn như Người. Phải, hỡi Philôtê, hãy tin tôi, ta chỉ có thể tới Chúa Cha qua cửa đó. Như chiếc gương sẽ không thể cho ta nhìn thấy mình ta nếu sau lưng nó không trát lớp thiếc hay chì, đây cũng vậy ta không thể nhìn ngắm được thần tính Chúa ở trần gian này, nếu thần tính ấy không được ghép liền với nhân tính cực thánh của Đấng Cứu Thế. Đời sống Người, cái chết của Người là đối tượng cân xứng, êm ái, ngọt ngào và hữu ích nhất mà ta có thể chọn để suy ngắm thường nhật. Không phải vô lý mà Chúa Cứu Thế đã tự gọi mình là bánh bởi trời xuống. Như bánh thường ăn kèm với các món thịt, thì Chúa Cứu Chuộc là Đấng ta chiêm ngắm, xét suy và tìm tòi trong các lần nguyện ngắm và hành động. Đời sống và sự chết của Người đã được các tác giả đạo đức xếp đặt phân phối thành nhiều điểm để giúp suy ngắm. Tôi giới thiệu cho con vài tác giả : Thánh Bo-na-ven-tu-ra, Bel-li-ta-ni, Bru-nô, Ca-pi-lla, Grơ-nát-đê, Đuy-pông.

3) Mỗi ngày, trước khi điểm tâm, con hãy lấy một giờ làm việc ấy, vào lúc sáng sớm nếu có thể được, vì tâm trí chưa bận rộn, còn thảnh thơi sau một đêm nghỉ ngơi. Con đừng làm quá một giờ, nếu cha linh hướng con không bảo rõ ràng (1).

4) Nếu có thể, con nên suy ngắm trong nhà thờ, và nếu con tìm thấy ở đó đủ yên tĩnh, thì thật là một điều rất tiện và thích hợp, vì chắc không ai, dù cha mẹ, vợ chồng hay ai khác lại có thể ngăn cấm con ở lại một giờ trong nhà thờ. Trong nhà con là chỗ nhiều bận bịu, con không thể chắc có một giờ hoàn toàn yên ổn như thế.

5) Hãy khởi sự nguyện ngắm bằng trí hoặc đọc ngoài miệng bởi nhớ Chúa trước mặt. Con hãy giữ trọn vẹn luật đó đừng bỏ lần nào, chẳng bao lâu con sẽ thấy nó hữu ích.

6) Nếu con nghe tôi, thì hãy đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Tin Kính bằng la ngư (2)̃̃ . Nhưng con phải học cho hiểu rõ ý nghĩa của các lời đó, hầu khi đọc theo tiếng chung của Hội Thánh con vẫn có thể thưởng thức ý nghĩa lạ lùng và tuyệt diệu của các lời cầu xin thánh thiện ấy. Phải đọc cách chú ý hết sức và đưa tâm tình mình theo sát nghĩa của kinh đó. Đừng đọc hấp tấp, để được nhiều, song ra sức chuyên cần đọc tử tế cái con đọc trong lòng. Vì một kinh Lạy Cha đọc hết tâm hồn còn hơn đọc nhiều mà vô ý tứ, lấy lệ.

7) Tràng hạt là một cách cầu nguyện rất hữu ích miễn là con biết lần cho đúng. Muốn thế, con hãy dùng quyển sách nhỏ nào dạy cách lần hạt. Đọc kinh cầu Chúa Giêsu, Đức Mẹ hay các thánh cũng tốt, hoặc những kinh đọc miệng khác chép trong sách kinh đã được giáo quyền phê chuẩn, miễn là nếu con được ơn suy ngắm bằng trí, con phải dành cho sự suy ngắm này địa vị chính. Như vậy, giả sử sau khi nguyện ngắm như thế, công việc hay lý do nào khác làm con bận không thể đọc kinh miệng nữa, con đừng lấy làm lo ngại, chỉ cần đọc trước hay sau việc ngắm một kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Tin Kính (3).

8) Nếu, đang đọc kinh, con cảm thấy lòng mình được lôi kéo vào sự nguyện ngắm bên trong (hay bằng trí), con đừng bỏ qua. Nhưng hãy để trí vào trong con nhẹ nhàng chuyển sang sự nguyện ngắm ấy. Đừng lo lắng vì chưa đọc hết các kinh con dư định. Vì nguyện ngắm bằng trí mà con đã làm thay, đẹp lòng Chúa hơn và ích lợi cho linh hồn con hơn. Tôi không nói về kinh Hội Thánh, nếu con có bó buộc phải đọc trong trường hợp này con phải đọc cho đủ bổn phận.

9) Nếu có khi nào qua một buổi sáng mà không nguyện ngắm bằng trí được vì bận nhiều việc hay vì lý do nào khác (đã hẳn con phải phòng ngừa trước được chừng nào hay chừng ấy) thì con hãy bổ khuyết cái thiếu xót đó sau bữa trưa, ở một giờ nào cách xa bữa cơm ấy. Vì nguyện ngắm sau bữa cơm, mà cơm chưa tiêu chắc sẽ dễ buồn ngủ lắm và sức khoẻ sẽ bị tổn hại.

Nếu cả ngày không nguyện ngắm được, phải bù sự thiếu sót ấy bằng cách dâng nhiều lời nguyện tắt, và bởi đọc sách đạo đức nào đó, với vài việc đền tội để ngăn cản những hậu quả của sự mất mát kia. Rồi thêm vào đó, con hãy mạnh mẽ dốc quyết ngày mai sẽ làm điều đặn hơn.

Chú Thích:

(1) Thời nay, cuôc sống dồn dập, một giờ suy ngắm hẳn quá dài, nhất là cho ai phải đi làm. Cũng có thể chia đôi : nửa sáng, nửa chiều.
(2) Thực ra không nên. Ngài khuyên vậy vì thói quen thời đó, và có lẽ vì muốn tránh cái lờn quen khi ta đọc các kinh đó bằng tiếng mẹ đẻ.
(3) Xem phụ trương 1  Cách lần hạt.

--- o0o ---