Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 01

TẬP NHÂN ĐỨC, PHẢI BIẾT CHỌN LỰA

Không bao giờ Ong chúa ra ngoài đồng mà không có lũ ong quân đi theo, thì đức mến cũng không bao giờ vào trong một linh hồn mà không kéo theo đoàn các nhân đức, rồi tập dượt chúng, như một viên tướng thao luyện binh sĩ mình. Song đức mến không bắt các nhân đức hành động đột ngột, bằng nhau, hay ở mọi nơi, mọi chỗ như nhau. Người công chính như cây trồng bên dòng nước, sinh hoa trái theo mùa, vì đức mến tưới bón một linh hồn làm cho nảy ra các việc nhân đức mỗi thứ mỗi mùa. Có câu cách ngôn rằng : “Âm nhạc có đặc tính làm ta vui tai, song không hợp tình hợp cảnh trong một đám tang” (Sách Huấn Ca 22, 6). Nhiều người có lỗi lớn này là khi tập một nhân đức nào riêng, thì cố quyết thi hành bất kể trường hợp nào. Họ muốn làm như những triết gia thời xưa, hoặc luôn cười hay luôn khóc. Còn tệ hơn, họ trách móc và phê bình những người không luôn tập những nhân đức như họ. Thánh Tông Đồ Phaolô nói : “Phải vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” “đức thương yêu thì kiên nhẫn, dịu dàng”, khoáng đạt, khôn ngoan, nhún nhường (Xem 1Cor 13, 4-5).

Tuy nhiên, có những nhân đức có thể dùng khắp nơi, mà không nên hạn chế vào một nơi riêng ; hơn thế chúng còn phải đem các tính chất tốt thấm nhuần các hoạt động của các đức khác. Không phải luôn ta có dịp tập đức dũng lực, đại đảm, hào hoa, nhưng đức hiền từ, tiết độ, lương thiện và khiêm nhường là những đức phải luôn thấm nhuần mọi hoạt động đời ta. Đã hẳn, có những đức khác còn tuyệt hảo hơn chúng song thường ta cần dùng đến chúng hơn. Đường ngon hơn muối, song người ta cần dùng đến muối nhiều hơn. Vì thế luôn phải có sẵn một số vốn các thứ nhân đức chung có thể dùng ngay ấy, vì ta cần đến chúng hầu như mọi lúc.

Trong số các nhân đức đang tập, mình phải chọn cái nào cho phù hợp với bổn phận hơn, chứ không phải hợp sở thích hơn. Thánh Paola thích hãm dẹp xác thịt cách khắc khổ để được hưởng các ngọt ngào thiêng liêng dễ hơn, nhưng bổn phận đời người phải vâng lời bề trên hơn. Vì đó, thánh Hiê-rô-ni-mô mới bảo là người đáng trách vì đi ngược ý của vị Giám mục của mình mà làm những việc phạt xác quá độ. Trái lại, các Thánh Tông Đồ, nhận sứ mệnh rao truyền Phúc Âm và phân phát bánh thiêng (Lời Chúa) cho các linh hồn đã khôn ngoan nhận xét rằng : Các Ngài không được trễ nải công việc thánh đó để thực hành một nhân đức khác, tuy rất tốt lành, là lo cho kẻ nghèo (xem Công Vụ 6, 2 tiếp). Mỗi bậc sống đều cần tập đôi nhân đức riêng. Nhân đức của vị Giám mục không phải là của nhà vua, của quân nhân không giống của người phụ nữ kết hôn hay của người cô quả. Đã đành, mỗi người phải có tất cả nhân đức, song không phải đều tập y như nhau. Nhưng mỗi người tập các đức cần riêng cho bậc sống Chúa đã kêu gọi mình.

Trong số nhân đức không mật thiết liên quan đến bổ phận riêng mình, phải chọn các đức tuyệt hảo nhất, chứ không phải các đức có hình dáng bên ngoài nhất. Sao chổi thường có vẻ lớn hơn các tinh tú và được đánh giá trọng hơn. Nhưng thực tế, có lớn có đẹp đến đâu chúng cũng không thể sánh bì các vì sao khác. Chỉ vì chúng gần ta hơn, nên có vẻ lớn hơn. Có đôi nhân đức cũng giống vậy, vì gần ta, dễ nhận thấy hơn và có thể nói là vật chất hơn, nên rất được quý trọng và được người tầm thường ưa chuộng. Ví dụ : người ta thích bố thí của cải hơn bố thí thiêng liêng, thích áo nhặm, ăn chay, trần trụi, đánh tội và các hãm xác hơn là hiền từ, nhân ái, nết na và các kềm chế linh hồn khác, là những đức tuyệt hảo hơn. Vậy Philôtê, con hãy chọn những đức tốt nhất chứ không phải được ưa chuộng nhất, tốt đẹp nhất chứ không phải có điệu nhất.

Mỗi người cũng nên chọn vài nhân đức riêng mà tập, không phải bỏ các đức khác, song để tâm trí mình được thao luyện và có quy củ. Một thiếu nữ sinh đẹp, chói sáng như mặt trời ; trang điểm như một hoàng hậu, đầu mang triều thiêng lá ô-liu, hiện ra cùng thánh Gioan Giám Mục thành Ale-xan-dria mà nói : “Ta là trưởng nữ của nhà vua, nếu người muốn coi ta là bạn, ta sẽ dẫn người trước mặt Ngài”. Thánh nhân nhận ra đó là lòng thương các kẻ khó mà Thiên Chúa muốn Ngài có. Sau đó, ngài tập nhân đức này cách đặc biệt đến nỗi mọi nơi người ta đều mệnh danh ngài là thánh Gioan hay bố thí. Ơ-lê-giê A-lê-xan-dri-nô (Euloge d’Alexandrie) muốn làm đôi việc gì cho Chúa, nhưng không đủ sức sống đời ẩn tu, hay sống trong một dòng tu nào khác, ông nghĩ ra cách vời một kẻ phong hủi khốn cực về nhà ông để thi hành đức bác ái và hãm mình đối với người nầy. Để làm việc ấy xứng đáng hơn, ông đã khấn tôn kính, phụng sự, đối xử với người ấy như tôi đòi với chủ nhân và Chúa mình. Xảy ra có một cơn cám dỗ làm hai người lìa nhau, cả hai đến trình bày cùng thánh An-tôn (ẩn tu), người bảo họ : “hai người hãy ý tứ đừng lìa bỏ nhau, vì cả hai sắp đi đến đích của đời mình, nếu thiên thần không thấy hai người còn ở với nhau, hai người có thể liều mình mất triều thiên phần thưởng”.

Vua thánh Lu-y đi thăm nhà thương và tự tay hầu hạ các bệnh nhân y như một người làm công. Thánh Phan-xi-cô yêu quý đức khó nghèo mà người gọi là Bà Chủ mình. Thánh Đa-minh quý việc rao giảng và dòng Ngài đã mang tên ấy. Thánh Grê-gô-riô Cả yêu thích tiếp đón các lữ khách theo gương ông A-bra-ham đón tiếp Chúa vinh hiển dưới hình người lữ khách. Tô-bia thực hành đức bác ái bởi mai táng kẻ chết. Thánh nữ Ê-li-gia-bét, dù là hoàng hậu sang trọng, song vẫn ưa thích khinh ghét mình. Thánh Ca-ta-ri-na thành Giê-nơ khi đã góa bụa, đã hiến mình vào giúp nhà thương. Ca-xi-a-nô kể chuyện một thiếu nữ đạo đức, muốn tập luyện nhân đức nhẫn nại, đã chạy đến hỏi ý kiến thánh A-ta-na-xia. Thánh nhân nhận lời, đã để cho nàng ở với một mụ góa nghèo khó, có tính bẳn gắt, giận dữ, không ai chịu nổi, mụ này luôn mắng nàng nhờ đó nàng có dịp tập đức hiền từ và nhún nhường.

Như thế, trong số các tôi tá Chúa, có vị hiến mình giúp bệnh nhân, vị khác cứu vớt kẻ nghèo khó, vị lo dạy dỗ các trẻ em biết đạo lý công giáo, vị khác đi tìm những linh hồn hư hỏng, xiêu lạc. Có vị đi trang hoàng các nhà thờ và bàn thờ, có vị lại dàn xếp cho người ta sống bình an, hòa hảo với nhau. Các vị bắt chước người thợ thêu đặt trên tấm vải làm nền những lượt chỉ lụa vàng bạc khác nhau dệt thành những cánh hoa sặc sỡ. Linh hồn nào thực hành một việc đạo đức riêng biệt cũng vậy, họ dùng việc ấy như một tấm vải làm nền để thêu lên trên đó các việc tập nhân đức khác. Như thế, các hành động, các tâm tình của họ được liên kết hơn với việc thực hành chính kia, và làm nổi vẻ đẹp của chúng lên.

“Áo dạ thêu chỉ vàng,
Mũi kim dệt nổi vạn hàng hoa xinh “

Khi ta bị một tính xấu nào làm lung lạc, được chừng nào hay chừng nấy ta phải tập một nhân đức ngược lại, và hướng các đức khác về đức này. Nhờ phương pháp ấy, ta sẽ thắng địch thù, và đồng thời tiến bộ trong các nhân đức khác. Nếu tôi bị tính kiêu ngạo hay nóng giận tấn công thì trong mọi sự, tôi phải hướng chiều, phải ngả về sự khiêm nhường và hiền lành. Còn các việc đạo đức khác như nguyện ngắm, lãnh Bí Tích, tập khôn ngoan, bền chí, tiết độ tôi đem tất cả phục vụ công việc trên. Như lợn rừng, muốn mài nhọn răng nanh, chúng cọ chúng chà với các răng khác, thành ra các răng này cũng nhờ đó thành nhọn sắc. Người nhân đức cũng vậy, đã đem công tập một nhân đức mình thấy cần hơn cả để bảo vệ cho mình, thì phài đem mài dũa nó bằng cách tập tành các đức khác. Các đức này, khi mài dũa đức kia, cũng được trở nên tuyệt hảo và bóng láng hơn. Trường hợp ông Gióp giống vậy. Ông tập cách riêng lòng nhẫn nại để chống lại bao cám dỗ mà ông đang mắc phải, thế mà ông đã nên hoàn toàn thánh thiện trong mọi nhân đức khác nữa. Thánh Grê-gô-riô Na-diăng nói : bởi tác động của một đôi nhân đức đã được tập luyện thuần thục, người ta có thể đạt tới đỉnh tất cả các nhân đức. Ngài có nêu chuyện bà Ra-háp làm tỉ dụ : chỉ vì bà này đã thực hành việc cho khách trú ngụ mà đã đạt tới đỉnh vinh quang. Nhưng phải hiểu đó là khi ta thực hành việc như thế một cách tuyệt hảo, với lòng sốt sắng và đức bác ái lớn lao.

--- o0o ---