Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 03

ĐỨC KIÊN NHẪN

Thánh Phaolô tồng đồ nói : “Anh em cần có đức kiên nhẫn ngõ hầu, khi đã thi hành ý Chúa, anh em được hưởng lời Chúa hứa” (Thư cho Hy-Bá 10, 36). Thật vậy, Chúa Cứu Thế đã phán : “Cứ kiên nhẫn ắt sẽ giữ được linh hồn mình”. Philôtê, hạnh phúc của con là giữ được linh hồn mình. Kiên nhẫn càng hoàn toàn, ta càng giữ hồn ta hoàn toàn. Con hãy nhớ luôn : Chúa đã cứu ta bởi kiên trì chịu đau khổ, thì phần ta cũng mưu phần rỗi bằng đau khổ, cực phiền, chịu đựng các sỉ nhục, trái ý, chống nghịch, với tất cả sự hiền từ có thể có.


Đừng hạn định đức kiên nhẫn con vào một thứ sỉ nhục và cực khổ nào thôi, hãy nới rộng ra tất cả mọi thứ mà Thiên Chúa sẽ gửi đến và cho phép xảy đến cho con.

Có người chỉ muốn chịu các cực khổ đầy danh giá, như bị thương ngoài mặt trận, bị tù binh, bị bắt bớ vì đạo, bị nghèo khó vì một cuộc kiện tụng mà họ đã nắm được phần thắng. Những người này không yêu đau khổ, song yêu danh dự mà đau khổ mang lại. Người nhẫn nại thật chịu đựng các khốn cực có kèm nhục nhã cũng như các khốn cực gây danh giá. Bị khinh bỉ, quở trách và tố cáo bởi ác nhân : vẫn còn là ngọt ngào cho người can đảm. Nhưng bị quở mắng, tố cáo và hành hạ bởi chính người tốt lành, bạn hữu, thân thuộc mình đó mới thật tuyệt. Thái độ hiền từ của thánh cả Ca-rô-lô Bô-rô-mêô khi chịu một vị giảng thuyết nổi danh, tu sĩ của một dòng rất nghiêm nhặt, từ trên tòa giảng chê trách công khai, lâu dài : đức hiền từ ấy mới đáng quí hơn trăm nghìn lần khác ngài bị người khác tấn công. Ong chích thì buốt hơn muỗi đốt, các sự cực lòng và các chống đối mà người tốt lành làm cho ta thì khó chịu hơn các cái khác. Thường lại thấy xảy ra việc hai người tốt lành đối chọi, chống nghịch nhau rất dữ dội, trong một vấn đề mà cả hai cùng có thiện chí, song chỉ vì bất đồng quan điểm.


Con hãy kiên nhẫn không chỉ cách chung chung về các đau khổ, mà còn về các hoàn cảnh và chi tiết tùy thuộc nữa. Nhiều người muốn chịu đau khổ, miễn là đừng bị rầy rà cơ cực. Kẻ nói : “Bị nghèo không hề gì, nếu sự đó không cản trở tôi giúp bạn hữu, giáo dục con cái, và sống cách tử tế như tôi mong muốn”. Kẻ khác nói : “Tôi không ngại gì khác đâu, song chỉ ngại người ta sẽ nói rằng nghèo là lỗi tại tôi”. Có kẻ  vui lòng để người ta nói hành mình, chịu đựng hết sức nhẫn nại, miễn là đừng ai tin lời kẻ dèm pha họ. Người khác muốn chịu đôi phần cơ cực, song không phải tất cả. Họ nói : “họ không khó chịu vì mắc bệnh, song vì không có tiền để chạy chữa, hoặc vì các người chung quanh họ phải liên lụy”. Nhưng Philôtê, phần tôi, tôi nói, đức kiên nhẫn đòi không những chịu bệnh tật, song còn bệnh nào Chúa muốn, ở nơi Chúa muốn, ở giữa các người Chúa muốn, với các phiền hà Chúa muốn. Các khốn khó khác cũng vậy. Khi con mắc bệnh hoạn nào, hãy chạy chữa thuốc men tùy sức và theo luật Chúa, nếu không, tức là thử thách Chúa. Nhưng, làm hết sức rồi con hãy hết lòng nhẫn nhục đợi chờ hiệu quả mà Chúa bằng lòng cho phép xảy ra. Nếu đẹp ý Chúa mà thuốc chữa được bệnh, con hãy hết lòng khiêm nhường cám ơn Chúa. Nếu trái lại, bệnh vẫn hoàn bệnh, con hãy chúc tụng Ngài trong nhẫn nại.

Tôi đồng ý với thánh Grê-gô-riô : khi con bị cáo một tội gì đúng lý, con hãy hết sức hạ mình xưng ra mình đáng bị lời cáo ấy. Nếu là vu cáo, con hãy chữa mình cách từ tốn, vì con cần phải tôn trọng sự thật và làm gương sáng cho đồng loại. Nhưng sau khi chữa mình chính đáng như thế, người ta vẫn tiếp tục cáo con, con đừng xao xuyến và đừng tìm cách bắt người ta phải nhận lời bào chữa của mình. Như thế, sau khi có chu toàn bổn phận đối với sự thực, con cũng phải có bổn phận đối với đức khiêm nhường nữa. Làm như thế, con không phương hại đến bổn phận phải bảo vệ danh giá con, đồng thời cũng không đánh mất lòng mến chuộng sự bình an, đức hiền từ trong lòng và đức khiêm nhường.

Con hãy cố gắng ít than phiền về các sự tai hại người ta làm cho con. Vì chắc chắn kẻ than phiền thì phạm một tội đã đành, hơn thế lòng tự ái thường phóng đại các xúc phạm ra cho lớn hơn có thật. Nhưng cách riêng con đừng than phiền với những người mau nóng giận hay nghĩ trái. Nếu cần than phiền với ai để sửa chữa sự xúc phạm, hay để thư thái cho tâm trí con, thì chỉ nên nói với những tâm hồn bình tĩnh và mến Chúa. Nếu không, thay vì làm cho lòng thư thái, sẽ lại xao động lo lắng thêm. Thay vì nhổ gai, hóa ra lại ấn vào sâu hơn.


Có nhiều người, khi bị ốm đau, cực phiền và xúc phạm, gắng cầm mình không than vãn và nuông chiều xác thịt. Vì theo họ nghĩ như thế là tỏ ra mình thiếu can đảm và đại độ. Điều đó đúng. Nhưng họ lại hết sức mong muốn và dùng mưu mẹo để người khác ái ngại cho họ, thương hại họ, và quí chuộng họ, không những là người bị cực khổ, song còn là người nhẫn nại và can đảm. Đó cũng là một sự nhẫn nại, song nhẫn nại giả hiệu, chẳng qua là tham vọng và khoe khoang tinh vi và lắt léo. Họ được vẻ vang, song đâu có phải vẻ vang trong Chúa ! (Roma 4, 2) Người nhẫn nại chân chính không than về cái khổ của mình, không ước ao người ta ái ngại mình. Họ nói về đó cách chân thành, đơn sơ, không khóc lóc, không than vãn, không phóng đại. Nếu ai phàn nàn hộ họ đành kệ cho làm, trừ phi người ta phàn nàn về một sự khổ mà họ không có. Lúc đó, họ từ tốn nói là không bị sự khổ đó, và cứ bình tĩnh sống trong sự thật và nhẫn nại, ôm ẵm cực khổ và không kêu trách gì cả.

Giữa những chống đối sẽ xảy đến cho con khi tập sống đạo đức (chắc không thiếu đâu !), con hãy nhớ lời Chúa : “Khi người đàn bà sắp sinh thì đau đớn lo lắng, nhưng khi thấy con lọt lòng rồi, liền quên hết đau vì một người đã ra chào đời”. (Gioan 16, 21). Con cưu mang trong hồn con trẻ quý báu nhất trần gian, đó là Giêsu Kitô. Trước khi Ngài sinh ra, chắc hẳn con phải thấy đau đớn. Song hãy can đảm, vì một khi đau đớn qua đi, vui sướng muôn đời sẽ còn mãi trong con, vì đã sinh ra một người như thế cho trần gian. Mà Ngài chỉ sinh ra cho con, nếu con đã hoàn toàn nắn đúc Ngài trong lòng con và trong việc làm của con bởi bắt chước đời sống Ngài.

Khi bệnh tật, con dâng mọi đau đớn, cực nhọc và mệt mỏi để phụng sự Chúa, và xin Ngài kết hiệp chúng với các cực hình Ngài đã chịu vì con. Hãy vâng lời thầy thuốc, hãy dùng thuốc men hay các phương pháp trị bệnh nào khác vì mến Chúa, lòng hằng tưởng nhớ đến mật đắng Chúa đã uống vì yêu ta. Con hãy ước ao lành bệnh để để phục vụ Chúa. Đừng từ chối chịu đau đớn ngõ hầu tuân theo ý Ngài ; và hãy sẵn sàng chết, nếu đó là ý Ngài, để ca tụng và hưởng mặt Ngài đời đời… Con hãy xem : con ong ăn một thứ đồ đắng để có thể làm ra mật ngọt. Đây cũng vậy, có khi nào ta phát sinh những việc nhân đức, hiền từ và kiên nhẫn lớn lao, hoặc tiết ra thứ mật các nhân đức tuyệt đẹp cho bằng lúc ta ăn bánh đắng cay và sống trong sầu não ? Và như mật do hoa cây bách lý hương là thứ cây nhỏ và đắng làm nên, lại là mật ngọt nhất, thì nhân đức tập luyện trong cay đắng hèn hạ, và nhuốc hổ nhất lại là đức tuyệt hảo không gì bằng.

Con hãy luôn luôn đưa mắt tâm hồn nhìn ngắm Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, trần truồng, bị nói phạm, vu khống, chối bỏ và bị đè nặng dưới bao khó nhọc, buồn sầu và lao nhọc. Và con hãy nghĩ đến tất cả các nỗi đau đớn của con, có nhiều mấy, có to mấy cũng không tài nào sánh kịp được, và không bao giờ con sẽ phải đau khổ vì Ngài bằng Ngài đã đau khổ vì con.

Con hãy suy đến những cực hình các đấng tử đạo chịu xưa, những đau đớn mà bao người nay đang chịu, nặng nề hơn biết bao lần các đau đớn con đang trải qua, rồi con hãy nói : “Ôi, các lao nhọc của tôi chỉ là yên ủi, các cực khổ là hoa hồng, so sánh với những kẻ không ai giúp đỡ, cứu vớt cho nhẹ gánh đau thương, sống mà như chết liên lỉ, giữa bao cơn sầu khổ lớn lao vô ngần !”.

--- o0o ---