Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 06

KHIÊM NHƯỜNG LÀM TA YÊU QUÍ SỰ HÈN HẠ CỦA MÌNH

Tôi tiến thêm bước nữa để nói cho con, hỡi Philôtê, là hãy yêu sự hèn hạ của con trong mọi sự, mọi nơi. Chắc con sẽ hỏi : Cái đó nghĩa là thế nào ? Theo La ngữ, hèn hạ có nghĩa là khiêm nhường hạ mình, và khiêm nhường có nghĩa là hèn hạ. Khi Đức Mẹ nói lên trong bài ca của Người “vì Chúa đã ghé mắt nhìn phận hèn hạ của nữ tớ Chúa, rồi đây muôn thế hệ sẽ tung hô tôi diễm phúc”, Đức Mẹ có ý nói : Chúa đã vui lòng nhìn đến sự hèn hạ, ti tiện và thấp kém của Người để đổ tràn những ơn sủng và đặc ân. Tuy vậy, vẫn có khác nhau giữa khiêm nhường và hèn hạ. Vì hèn hạ là sự nhỏ nhoi, thấp kém và ti tiện có ở nơi ta, mà ta không nghĩ đến. Còn đức khiêm nhường là sự hiểu biết đích xác và chân nhận cái hèn hạ của mình. Mà tuyệt điểm của khiêm nhường không chỉ ở tại sự chân nhận sự hèn hạ, mà còn yêu nó, thích nó, không phải vì thiếu can đảm và đại độ, song để tôn vinh Thiên Chúa Uy linh hơn, cũng như để quý trọng người đồng loại nhiều hơn so với chính mình. Đó là điều tôi muốn khuyên con, và để hiểu rõ hơn, con nên biết trong số các sự khó ta phải chịu, có cái đê hèn, song có cái danh giá. Nhiều người chịu được sự khó danh giá, còn hầu như không ai muốn chịu cái đê hèn. Con hãy xem một thầy ẩn tu đạo hạnh, quần áo rách rưới và rét run. Ai cũng tôn trọng bộ quần áo rách nát, và cảm thương sự đau đớn của vị ấy. Nhưng nếu một thợ thủ công, một người quý tộc, một cô tiểu thơ mà nghèo đói như thế, người ta khinh bỉ chế nhạo. Chính đây sự nghèo khó của họ mới thật gọi là hèn hạ. Một tu sĩ nhận lời quở trách nặng nề của Bề trên cách cung kính, hay con cái của cha mẹ : ai cũng gọi đó là hãm xác, vâng phục và khôn ngoan. Nếu một hiệp sĩ hay một mệnh phụ nào cũng chịu như vậy bởi một người nào đó, thì dù có bởi lòng mến Chúa, người ta cũng cho đó là hèn nhát và ti tiện. Đây cũng là một sự khốn khó đê hèn nữa. Một người bị ung nhọt nơi cánh tay, kẻ khác nơi mặt. Thế mà người trước chỉ phải bệnh ấy thôi ; còn người sau vừa bị bệnh, vừa bị sự khinh bỉ, chê bỏ và tủi nhục. Cho nên tôi nói : không chỉ yêu cái sự khốn khó, đó là đức nhẫn nại, mà còn quý chuộng cả sự hèn hạ, cái này mới là đức khiêm nhường.

Lại nữa có những nhân đức hèn hạ và nhân đức danh giá. Đức kiên nhẫn, hiền từ, đơn sơ và khiêm nhường là các đức mà người thế gian coi là ti tiện, đê hèn. Trái lại, họ rất chuộng sự khôn ngoan, dũng cảm và hào hoa. Lại còn có giữa những hành động của cùng một nhân đức mà hành động này bị khinh chê, còn hành động kia được tôn trọng. Bố thí và tha thứ các xúc phạm là hai hành động của cùng một đức bác ái. Mọi người đều quý mến cái trên, còn cái dưới trước mặt thế gian thường bị khinh chê. Một người dòng dõi hay một mệnh phụ mà không buông mình sống bừa bãi theo nhóm người buông tuồn, không ăn nói, chơi bời nhảy nhót, ăn mặc, sẽ bị người khác chế nhạo và chỉ trích, và sự đoan trang đạo hạnh của họ bị mệnh danh là đạo đức rởm hay kiểu cách. Yêu sự đó, là yêu sự hèn hạ. Đây một ví dụ khác : ta đi thăm bệnh nhân, nếu người ta đưa tôi đến nơi khốn khó nhất, đó là một sự hèn hạ cho tôi xét theo thói đời, vì thế tôi yêu thích nó. Nếu người ta đem tôi đến những người có chức tước, đây lại là một sự hèn hạ trong tinh thần, vì đây không được nhân đức và công nghiệp bằng trên kia, vậy tôi cũng yêu quý sự hèn hạ này. Ngã giữa phố, ngoài cái đau còn có cái xấu hổ, phải yêu cái hèn hạ ấy. Có những lỗi, trong đó không có gì xấu nhưng có sự hèn hạ. Đức khiêm nhường không bắt ta phải cố ý làm các lỗi ấy, nhưng đòi ta đừng quá bối rối lo âu khi đã trót phạm. Tỉ dụ : đối sự dại dột ngớ ngẩn, bất lịch sự và vô ý tứ… vẫn phải tránh các cái đó vì lịch thiệp và khôn ngoan, song trót lỡ thì phải khứng nhận sự hèn hạ do đó và phải vui lòng nhận chịu để sống khiêm nhường. Còn hơn thế nữa : nếu tôi đã buông theo tính nóng giận hay bừa bãi mà nói những điều bất xứng làm Chúa và đồng loại bị xúc phạm, tôi sẽ hối hận hết sức và đau đớn cực lòng vì đã làm, và tôi sẽ cố gắng đền bù được chừng nào hay chừng nấy. Nhưng tôi cũng không quên nhận sự hèn hạ và khinh bỉ do đó đem đến cho tôi. Mà nếu có thể tách đôi hai sự ấy thì tôi sẽ mạnh mẽ khu trừ tội còn giữ lấy sự hèn hạ trong khiêm nhường.

Dù ta yêu sự hèn hạ đi liền với sự dữ , vẫn phải nhớ đền bù sự dữ đã gây ra hèn hạ bằng các phương tiện ám hạp và chính đáng, nhất là khi sự dữ lại có hậu quả lớn. Nếu tôi có một nhọt bẩn trên mặt, tôi sẽ chữa đi, song không phải để người ta đừng để ý đến sự hèn hạ tôi phải chịu do đó. Nếu tôi làm một điều không xúc phạm đến ai, tôi sẽ không cần xin lỗi, dù đó là một lỗi sai, miễn là nó không xảy ra thường xuyên. Tôi không nên xin lỗi chỉ vì để có sự hèn hạ mà chịu : Điều này đức khiêm nhường không cho phép. Song nếu vì vô ý hay dại dột, tôi đã xúc phạm hay làm gương xấu cho ai, tôi sẽ đền bù bằng xin lỗi, nhất là sự xấu ấy cứ kéo dài và đức bác ái buộc tôi khu trừ đi. Tựu chung, có đôi khi đức bác ái đòi ta phải đừng nhận sự hèn hạ vì ích cho người khác, khi thanh danh ta cần cho họ. Nhưng trong trường hợp này, khi cất sự hèn hạ khỏi mắt người ta để tránh gương xấu cho họ, ta phải cất giấu nó vào lòng, để họ được thấy gương sáng sinh ích lợi cho họ.

Nhưng Philôtê, con muốn biết những sự nào hèn hạ hơn cả, thì đây : những cái lợi ích cho hồn ta và đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là những cái ta phải chịu vì tình cờ xảy đến hoặc do bậc sống của ta, ta không tự ý chọn, nhưng ta nhận từ tay Chúa gửi đến, mà Chúa chọn thì bao giờ cũng hơn ta chọn. Còn nếu phải chọn, thì những hèn hạ lớn hơn cả là tốt hơn cả. Gọi là lớn hơn cả, những cái trái ngược với xu hướng ta, miễn là chúng phù hợp cho chức bậc ta. Đây cần phải nói một lần cho rõ : cái tật chọn lựa làm hư, giảm hầu hết các nhân đức của ta.

Ôi, ai sẽ cho ta được nói như thánh vương Đa-vít : “Tôi chọn làm kẻ hèn trước nhà Chúa, còn hơn ở lầu đài kẻ có tội” (Ca vịnh 81, 11).

Philôtê thân mến, người đó chắc không ai ngoài Đấng, vì muốn nâng ta lên, đã sống và chết trong “tủi nhục và hèn hạ trước mặt mọi người và cả toàn dân”. Tôi đã nói nhiều điều con thấy có vẻ khó khăn cay cực khi thoạt nghĩ tới, song con hãy tin tôi, nó sẽ êm ái ngọt ngào hơn đường và mật và khi con thực hành.

--- o0o ---