Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 09

HIỀN TỪ VỚI CHÍNH MÌNH

Một trong những thực hành đức hiền từ tốt nhất : là tập đối với chính mình, không bao giờ tức về mình, hay tức vì thấy mình khuyết điểm. Dù lẽ phải bảo rằng, sau khi phạm lỗi, ta phải buồn phiền, thống hối, song vẫn không được bực tức cay chua, ray rức, hờn giận và nóng nảy. Nhiều người phạm lỗi lớn về điều này : họ tức mình vì đã tức giận, họ bực bội vì đã bực tức, giận mình vì đã nóng giận. Làm như thế, họ nuôi lòng họ trong nóng giận, dù sự nóng giận thứ hai có vẻ là sửa phạt cái thứ nhất, kỳ thực nó làm mồi cho một cơn nóng giận khác nữa sẵn sàng có dịp là bùng dậy. Không kể những cơn nóng giận, hờn dỗi và bực tức với chính mình đó đưa đến kiêu ngạo, và bắt nguồn từ cái tính tự ái cứ hay lo lắng xao xuyến vì thấy mình còn khiếm khuyết nhiều.

Vậy, phải có lòng buồn bực vì đã phạm lỗi, nhưng cách êm ái, bình tĩnh và cương quyết. Khi ông chánh án cứ bình tĩnh và chiếu theo pháp lý mà tuyên án thì ông phạt tội kẻ gian ác hiệu nghiệm hơn là khi ông nóng nảy hung hãn, vì làm như thế ông không phạt theo lỗi mà lại theo tính tình của ông. Chúng ta cũng tự phạt mình bởi tâm tình sám hối bình tĩnh và đều đặn thì hiệu nghiệm hơn là bởi những thống hối cay đắng, dồn dập và nóng nảy. Những sám hối như thế đâu có phải là chiếu theo trọng tính của tội, nhưng theo những khuynh hướng tự nhiên. Tỷ dụ, người yêu quý đức thanh khiết sẽ bực tức cách cay đắng bất cứ lỗi nhỏ mọn nào nghịch đức này, trái lại họ tỉnh không khi phạm một lỗi gièm pha lớn. Ngược lại, kẻ ghét sự gièm pha sẽ âu sầu não nề vì tội gièm pha thoáng qua, nhưng coi thường một lỗi lớn phạm đức thanh khiết. Về các đức khác, cũng vậy. Cách cư xử lộn xộn ấy là do họ không xét xử lương tâm theo lý trí, nhưng theo tư dục.

Philôtê hãy tin tôi, cũng như các lời khiển trách dịu dàng và thật tình của người cha có sức khiến đứa con sửa mình chứ không phải các lời sấm sét lôi đình, thì khi hồn ta phạm tội lỗi nào, nếu ta trách móc cách êm ái, bình tĩnh, tỏ ra nhiều thương hơn là tức, đồng thời khuyến khích nó sửa mình đền tội, tâm tình thống hối của nó sẽ sâu đậm hơn và làm nó đau buồn hơn là nếu ta bực bội, giận dữ, ầm ỹ.

Riêng tôi, chẳng hạn tôi ước ao chẳng bao giờ mắc tính khoe khoang, thế rồi tôi đã sa ngã cách nặng, dầu vậy tôi cũng sẽ không trách phạt hồn tôi như sau : “Sau bao lần dốc lòng mà mày còn buông theo tính khoe khoang, có phải là đồ khốn nạn, đáng ghê tởm không ? Hãy xấu hổ mà chết đi, đừng ngước mặt nhìn trời nữa, hỡi đồ đui mù, vô liêm sỉ, phản trắc và thất trung với Chúa mày”, và những câu tương tự… Nhưng tôi sẽ sửa lỗi vừa phải, với niềm thương cảm : “Đó thấy chưa, hỡi hồn tôi, ta đã ngã sa trong tội, mà ta đã bao lần quyết định lướt thắng. Thôi ! ta hãy chỗi dậy, hãy từ bỏ nó cho đến mãn đời. Ta hãy kêu cầu lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy trông cậy lòng thương xót ấy sẽ trợ giúp ta để từ này vững vàng hơn. Ta hãy hạ mình khiêm nhường. Can đảm lên ! từ nay hãy đề phòng. Thiên Chúa sẽ giúp ta, ta sẽ khá hơn”. Sau khi đã trách lỗi như thế, tôi sẽ dốc lòng cương quyết vững vàng không bao giờ còn tái phạm, đồng thời dùng những phương tiện thích hợp, kể cả lời chỉ dạy của vị linh hướng tôi.

Tuy thế, nếu ai tự cho mình không thể dễ cảm kích bởi cách sửa lỗi êm ái ấy, họ có thể trách mắng và rầy la mạnh mẽ và cứng cỏi để kích thích mình cảm thấy tủi hổ sâu sa. Miễn là sau khi đã nặng lời trách mắng và giận mình, họ giảm bớt sự hung hãn và kết thúc niềm hối hận trong tâm tình trông cậy êm ái và thánh thiện nơi Chúa, theo gương vị Đại-Xám-Hối kia, khi thấy hồn mình ưu sầu, đã tự khích lệ mình rằng : “Sao buồn sầu, hỡi hồn tôi, tại sao xao xuyến ? Hãy trông cậy Chúa vì ta sẽ còn chúc tụng Ngài là phần rỗi và Thiên Chúa thật của ta”. (Ca vịnh 41, 6)

Vậy con hãy êm ái nâng tâm hồn con dậy khi nó ngã, và hạ mình thẳm sâu trước mặt Thiên Chúa để xưng mình khốn nạn mà không ngạc nhiên về sự sa ngã của mình. Vì có chi lạ khi sự suy yếu thì bạc nhược, sự yếu đuối thì yếu hèn và sự khốn cực thì khốn nạn ? Miễn là con hết sức chê ghét việc xúc phạm đến Chúa, và con lại đem hết can đảm và trông cậy lòng từ bi Chúa mà tiếp tục việc thực hành nhân đức đang dở dang.

--- o0o ---