Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 16
CÁCH SỐNG GIÀU TRONG TINH THẦN, TUY NGHÈO VỀ CỦA CẢI

Philôtê thân mến, nếu con nghèo túng thật, thì con cần nghèo khó cả trong tinh thần. Phải biến tình cảnh bó buộc ấy nên một nhân đức, sử dụng viên ngọc khó nghèo quí báu ấy cho đáng với giá trị nó. Nó không chói sáng ở trần gian này ; dầu vậy, nó tuyệt đẹp tuyệt sang.

Hãy vui mừng, con không lẻ loi, Chúa Giêsu, Đức Mẹ, các Tông Đồ, bao thánh nam nữ đã sống nghèo khó. Dù có thể giàu, các đấng đã không muốn. Biết bao người sống ở đời mà đi ngược thói đời, đã hăm hở tìm kiếm sự nghèo khó thánh thiện trong các tu viện và nhà thương. Họ đã mất nhiều công để tìm kiếm, như thánh A-lệ-sĩ, thánh Pao-la, thánh Pao-li-nô, Ang-gê-la và bao vị khác. Còn con, Philôtê, con may mắn hơn, khó nghèo đã đến với con, con đã gặp mà không phải khó nhọc tìm kiếm. Con hãy ôm ẫm lấy như một người bạn chí thân của Chúa Giêsu Kitô, là Đấng sinh ra, sống và chết trong khó nghèo.

Philôtê, sự nghèo túng của con có hai lợi điểm : thứ nhất, cái khó nghèo đến với con không do con chọn, song do ý Chúa, ý muốn con không có can thiệp gì ở đây. Mà nhận lãnh do từ ý Chúa, là điều làm Ngài hết sức vui lòng, miễn là ta nhận lãnh cách vui lòng và vì mến yêu Thánh ý Ngài. Đâu ít có phần ta, đấy có Chúa nhiều hơn. Nhận lãnh hoàn toàn do từ ý Chúa, sự đau khổ của ta càng rất mực tinh tuyền.

Lợi điểm thứ hai của cái khó nghèo ấy : đó là một khó nghèo thực sự. Nghèo khó mà được khen ngợi, mơn trớn, quý trọng, giúp đỡ chạy chữa, thì như giàu có rồi, ít ra không còn hẳn là nghèo nữa. Nhưng nghèo khó mà bị khinh chê, bỏ rơi, xa tránh, và chê cười, mới thật là nghèo. Mà đó là sự nghèo khó của giáo hữu ngoài đời, vì họ không tự nguyện sống nghèo khó, song vì hoàn cảnh bó buộc, cho nên không ai chú trọng đến. Chính bởi không được ai chú trọng, nên sự nghèo khổ của họ nghèo hơn sự nghèo khó của các tu sĩ, dù nghèo khó này tuyệt hảo hơn và quý trọng hơn nhiều, nguyên vì lời khấn và ý hướng khi chọn lấy nó.

Philôtê thân mến, con đừng phàn nàn về nỗi khó nghèo con, vì người ta chỉ phàn nàn về cái làm ta bực mình. Mà nếu con bực tức vì nghèo khó, thế thì con không còn tinh thần nghèo khó nữa, trái lại, con giàu tinh thần quyến luyến của cải rồi.

Con đừng âu sầu thiểu não vì không được cứu giúp như con đáng, chính đây là tuyệt điểm của đức khó nghèo. Muốn nghèo khó, mà không chịu phiền lụy, thực là một tham vọng quá đáng, vì tức là vừa muốn được danh giá của sự khó nghèo, vừa muốn được cả tiện lợi của giàu có.

Con đừng xấu hổ vì nghèo, hay vì phải xin người ta bố thí. Hãy lãnh bố thí với khiêm nhường, và nếu bị từ chối, hãy hiền từ. Con hãy nhớ đến cuộc hành trình của Đức Mẹ sang Ai-cập để đem con Người đi lánh nạn : Người đã phải chịu bao khinh bỉ, nghèo túng và cơ cực. Nếu con sống như thế, con sẽ rất giàu trong cảnh khó nghèo của con.

--- o0o ---