Thánh Thần

 

CHÚA THÁNH THẦN

 (x. SGLC từ 0683 đến 0741)

Bài 17 

"Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em" (Ga 14:16-17). "Khi công trình Chúa Cha trao phó cho Chúa Con thực hiện trên trần gian đã hoàn tất (x.Ga 17:4) Chúa Thánh Thần được sai đến trong ngày lễ Ngũ Tuần để thánh hóa Giáo Hội mãi mãi, và như thế những ai tin sẽ được tới cùng Chúa Cha qua Chúa Kitô trong Thánh Thần duy nhất (x.Ep 2:18). Chính Ngài là Thánh Thần ban sự sống, là mạch nước vọt lên sự sống vĩnh cửu (x.Ga 4:14; 7:38-39), nhờ Ngài, Chúa Cha hồi sinh những kẻ đã chết vì tội lỗi, đợi đến khi phục sinh thân xác hay chết của họ trong Chúa Kitô (x.Rm 8:10-11). Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x.1 Cr 3:16; 6:19). Trong họ Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử (x.Gl 4:6; Rm 8:15-16:26). Ngài thông đạt cho Giáo Hội toàn thể chân lý (x.Ga 16:13). (GH 4).

I-   Nhận biết Chúa Thánh Thần

"Không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa" (1Cr 2,11). Nhưng Thần Khí chân lý, Đấng tỏ lộ cho chúng ta Chúa Kitô lại không nói điều gì về mình. Chúng ta không nghe Người nói, nhưng ta nhận ra hành động của Người. Trong Hội Thánh ta nhận ra Chúa Thánh Thần qua: 
 
•        Kinh Thánh mà Ngài linh hứng. 
 
•        Thánh truyền mà các giáo phụ là các chứng nhân cụ thể. 
 
•        Huấn quyền của Hội Thánh có Ngài tham dự. 
 
•        Phụng vụ bí tích: bằng lời nói và biểu tượng; Thánh Thần làm cho chúng ta thông hiệp với Chúa Kitô. 
 
•        Lời cầu nguyện, nhờ đó Ngài bầu cử cho chúng ta. 
 
•        Ơn đoàn sủng và thừa tác vụ mà Hội Thánh được xây dựng nhờ đó. 
 
•        Những dấu chỉ của đời tông đồ và thừa sai. 
 
•        Chứng tá của các thánh, qua đó Ngài tỏ lộ sự thánh thiện của Ngài và tiếp tục công trình cứu độ. 
 

II.  Danh xưng và biểu tượng 

1.  Danh xưng 
 
            Chúa Thánh Thần là tên riêng của Đấng chúng ta thờ lạy và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Hội Thánh nhận tên ấy từ Chúa Kitô và tuyên xưng Danh ấy trong bí tích thánh tẩy. Từ "Khí" dịch từ tiếng Do Thái Ruah với những nghĩa ban đầu là: hơi thở, khí, gió. Thánh Thần là hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở Thần linh. Đức Giêsu khi hứa sai Thánh Thần đến đã gọi Chúa Thánh Thần là "Đấng Bảo Trợ" (Ga 14,16), thường được dịch là Đấng An Ủi. Chính Đức Giêsu cũng gọi Chúa Thánh Thần là "Thần Chân Lý" (Ga 16,13). Thánh Phaolô gọi Ngài là Thần Khí của lời hứa (x.Gl 3,14), Thần Khí làm cho ta nên nghĩa tử (Rm 8,15) Thần Khí của Chúa Kitô (Rm 8,11) Thần Khí của Đức Chúa (2Cr 3,17) Thần Khí của Thiên Chúa (Rm 8,9). Còn thánh Phêrô thì gọi là "Thần Khí Vinh Hiển" (1Pr 4,14). 
 
2.   Biểu tượng 
 
a.   Nước: Nước có ý nghĩa về hành động của Chúa Thánh Thần trong Bí tích Thánh Tẩy. Vì sau lời cầu Chúa Thánh Thần, nước trở nên dấu chỉ hữu hiệu mang lại ơn tái sinh. 
  
b.  Dầu: dầu và Thánh Thần có liên hệ mật thiết đến nỗi trở thành đồng nghĩa. Trong nghi thức khai tâm Kitô giáo, dầu là dấu chỉ của Bí tích Thêm Sức. Bí tích trao ban Chúa Thánh Thần cách đặc biệt. Nhưng để có một ý nghĩa xác đáng, cần phải trở lại việc xức dầu, đầu tiên Thánh Thần thực hiện: xức dầu cho Đức Giêsu. Trong Cựu Ước có nhiều người được xức dầu của Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu là Đấng được xức dầu đặc biệt: nhân tính mà Ngôi Con nhận lấy được xức dầu trọn vẹn bởi Thánh Thần. 

c.   Lửa: tượng trưng sức mạnh biến đổi của tác động Thánh Thần. Lửa từ trời đến biến đổi của lễ của Elia và Đức Giêsu nói: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất" (Lc 12,49). Một trong những kiểu nói diễn tả hành động của Thánh Thần gợi cảm nhất là: "Đừng dập tắt Thần Khí". (1Tx 5,19). 

d.  Mây: tỏ lộ Thiên Chúa hằng sống và cứu độ. Với Môsê trên núi Xinai, ở lều hội họp và đang khi đi trong sa mạc; với Salômôn khi cung hiến đền thờ; khi Chúa biến mình cũng như khi che khuất mắt các tông đồ ngày Chúa về trời, đám mây đều mang một ý nghĩa: Sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng khi Sứ thần nói: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà" (Lc 1,35) thì đám mây nầy chỉ rõ về Chúa Thánh Thần hơn cả.

 
e.   Chim bồ câu: Khi Đức Giêsu lên khỏi nước trong dịp chịu phép rửa, dưới hình chim bồ câu. Thánh Thần xuống trên Người. Thánh Thần cũng xuống và ở lại trong tâm hồn đã được thanh luyện của người chịu Thánh Tẩy.

III-   Chúa Thánh Thần trong lịch sử Cựu Ước

1.   Trong việc tạo dựng: 
 
Lời Thiên Chúa và Thần Khí của Ngài là khởi đầu cho sự hiện hữu và sống động của mọi tạo vật (TV 33,6). Về phần con người, thì Thiên Chúa đã tác tạo nên bằng chính bàn tay Người, là Chúa Con và Chúa Thánh Thần (thánh Irênê). 
 
2.   Thần Khí lời hứa: 
 
Bởi tội và sự chết, con người "bị tước mất vinh quang Thiên Chúa" (Rm 3,23), nhưng do lời hứa, khi đến hạn kỳ. Con Thiên Chúa sẽ phục hồi con người cho đồng hình đồng dạng với Thiên Chúa, bằng cách ban lại cho con người vinh quang của Thiên Chúa là Thần Khí "Đấng ban sự sống". 
 
3.  Trong các cuộc thần hiện: 
 
Truyền thống Kitô giáo luôn nhận rằng trong các cuộc thần hiện. Ngôi Lời Thiên Chúa vừa tỏ lộ vừa che dấu thần tính, qua đám mây Thần Khí. 
 
4.   Trong niềm mong đợi Đấng Cứu Thế: 
 
Khởi đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng Nước Trời, Chúa Kitô đã dùng sách Isaia để nói về chính mình. "Thần Khí Chúa ngự trên tôi" (Is 61,1; Lc 4,18). Trong những thời sau cùng Thần Khí Chúa sẽ đổi mới tâm hồn con người, khắc sâu trong họ lề luật mới; Người sẽ thâu họp và hòa giải những dân tộc tản mác và chia rẽ; Người sẽ biến đổi công cuộc tạo dựng đầu tiên: Thần Khí sẽ sửa soạn cho Chúa "một dân được chuẩn bị sẵn sàng" (Lc 1,17).

IV. Chúa Thánh Thần và đời sống Chúa Kitô 

1.  Nơi vị Tiền Hô: 
 
Gioan vị tiền hô của Đấng Cứu Thế "ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần" (Lc 1,15). Nơi Gioan, Thánh Thần hoàn tất việc "chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa" (Lc 1,17). Nơi Gioan, Thánh Thần hoàn tất "việc nói qua các ngôn sứ". Chính Gioan là người làm chứng: "tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người... Người thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần" (Ga 1,32-33). 
 
2.  Nơi Đức Maria: 
 
Thánh Thần đã chuẩn bị Đức Maria bằng thánh ân của Người. - Nơi Đức Maria Thánh Thần đã thực hiện chương trình nhân hậu của Chúa Cha. Nhờ và bởi Thánh Thần. Đức Maria đã thụ thai và sinh hạ người Con Thiên Chúa. - Nơi Đức Maria, Thánh Thần chứng thực Con của trinh nữ là Con của Thiên Chúa hằng hữu. - Nơi Đức Maria, Thánh Thần bắt đầu đưa con người vốn được Thiên Chúa thương vào trong mối hiệp thông với Chúa Kitô, đặc biệt là những người bé mọn. 
 
3.  Nơi Chúa Kitô: 
 
Tất cả sứ mạng của Chúa Con và Thánh Thần trong thời viên mãn đều gồm tóm trong điều nầy: Chúa Con là Đấng được Thần Khí Chúa Cha xức dầu tấn phong làm Đức Kitô. Tất cả công trình của Đức Kitô là sứ mạng chung của Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu chưa tỏ lộ rõ ràng Chúa Thánh Thần bao lâu Ngài chưa được tôn vinh bằng cuộc Tử Nạn và Phục Sinh. Tuy vậy Ngài gợi ý dần dần ngay từ lúc Ngài dạy dỗ đám đông khi nói thân xác Ngài sẽ là lương thực cho cuộc sống con người. Ngài cũng gợi ý cho Nicôđêmô, cho người thiếu phụ Samaria và cho những người tham dự lễ Nhà tạm. Với các môn đệ, Ngài nói rõ hơn khi đề cập đến cầu nguyện và vai trò chứng nhân của họ. Chỉ khi giờ đã đến, lúc Ngài sắp được tôn vinh, Đức Giêsu mới hứa gửi Thánh Thần đến vì sự chết và sống lại của Ngài sẽ hoàn thành lời hứa với các tổ phụ. Thần Khí sự thật, Đấng bầu cử khác, sẽ được Chúa Cha ban theo lời cầu xin của Đức Giêsu. Khi giờ đến, Ngài trao phó Thần Khí Ngài trong tay Chúa Cha. Và Đấng chiến thắng khi sống lại từ trong kẻ chết đã ban ngay Thần Khí bằng cách thổi hơi trên các môn đồ.

V.   Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh 

1.  Lễ Ngũ tuần: 
 
Việc đổ tràn Thần Khí ngày lễ Ngũ Tuần hoàn tất công cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô. Việc Ngài đến, đã đem thế giới vào thời buổi sau cùng, thời của Hội Thánh, thời mà Nước Trời đã được lãnh nhận, nhưng chưa hoàn thành. 
  
2.   Chúa Thánh Thần, ơn huệ Thiên Chúa: 
 
Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu là ơn huệ đầu tiên, chứa đựng mọi ơn huệ khác. "Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Chúa Thánh Thần ban lại cho những người được rửa tội được giống Thiên Chúa điều họ đã mất vì tội. Nhờ quyền năng của Thánh Thần con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái thần linh (x.Gl 5,22-23). Vì "chúng ta sống nhờ Thánh Thần, nên càng từ bỏ chính mình, chúng ta càng nhờ Thánh Thần mà tiến bước" (Gl 5,25). 
 
3.   Chúa Thánh Thần và Hội Thánh: 
 
Sứ mạng của Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần được hoàn thành trong Hội Thánh, thân thể Chúa Kitô và là đền thờ Chúa Thánh Thần. Sứ mạng chung nầy từ nay nối kết các tín hữu của Chúa Kitô thông hiệp với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Thánh Thần chuẩn bị con người bằng ân thánh, và lôi kéo họ về với Chúa Kitô. Ngài bày tỏ cho họ Chúa Phục Sinh, nhắc nhở họ lời của Ngài, mở tâm trí họ hiểu sự chết và sự sống lại của Ngài, hiện tại hóa mầu nhiệm Chúa Kitô, nổi bật trong Bí Tích Thánh Thể, để giao hòa họ và đưa họ vào hiệp thông với Thiên Chúa và làm cho họ "sinh nhiều hoa trái" (Ga 15,5,8.16). Như vậy sứ mạng của Hội Thánh không thêm gì vào sứ mệnh Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần nhưng Hội Thánh nhưng Hội Thánh là bí tích cho sứ mệnh ấy: bằng sự hiện diện của mình và bằng mọi phần tử. Hội Thánh được sai đi để rao giảng, làm chứng, hiện tại hóa và lan tỏa mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa.

VI.   Trong tác động của Thánh Thần.

   1.   Có nhiều điều Chúa Kitô dạy mà các môn đồ quên, hoặc chưa hiểu, khi nào có Thần Khí đến, Ngài sẽ làm sáng tỏ (x.Ga 16,13). Hãy cầu xin Ngài để ta hiểu rõ lời Chúa dạy, hầu đi trong ánh sáng. 
 
   2.   Trong đời sống cầu nguyện nhiều khi ta không biết phải làm sao cho thích hợp. Hãy chạy đến với Thánh Thần để Ngài trợ giúp, dạy dỗ (x.Rm 8,26). 
 
   3.   Có những điều ta thấy là phải làm nhưng ta lại không làm, ta không đủ can đảm và ơn thánh. Hãy bắt chước  Hội Thánh: Khởi đầu một công việc bao giờ cũng thành tâm xin Chúa Thánh Thần trợ giúp.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam