Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh 
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.

Trân trọng kính dâng Đức Trinh Nữ Maria Hồng Phúc. Mẹ đã khấng hiện ra tại Medjugorje để dẫn dắt chúng con trên con đường thánh thiện


PHẦN 3

Gồm các lời chỉ dẫn giúp thực hành nhân đức.

 CHƯƠNG 27
LƯƠNG CHÍNH TRONG LỜI NÓI VÀ TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC 

Thánh Gia-cô-bê : “Nếu ai không lỗi trong lời nói, đó là người hoàn thiện” (3, 2). Con hãy cận thận giữ mình đừng buông lời bất nhã, dù con không có ý xấu, kẻ nghe cũng có thể bị ảnh hưởng xấu nào đó. Lời bất nhã rơi vào lòng kẻ yếu đuối loang ra như giọt dầu trên chiếc khăn vải, đôi khi nó lũng đoạn tâm hồn đến nỗi gây nên muôn nghìn ý tưởng và cám dỗ dâm dật.

Như thuốc độc qua miệng vào làm hại trong cơ thể, thì thuốc độc giết hại linh hồn qua tai lọt vào. Lưỡi nói lời độc là lưỡi sát nhân, dù may mắn nọc độc nó tiết ra không gây ác quả, vì tâm hồn người nghe có sẵn chất khử độc, thì cũng không phải bản chất nó không giết người đâu. Mà xin đừng nói là họ không nghĩ đến sự đó, vì Chúa Giêsu, Đấng biết thấu mọi tư tưởng, đã nói : “Miệng dào ra những điều ứa đầy lòng” (Matt 12, 34). Nếu người không nghĩ là xấu, thì thằng quỷ xảo quyệt nó nghĩ, lăm le rình lợi dụng những lời xấu nết để phá hủy lòng người. Tương truyền rằng : ai ăn cỏ, cỏ thiên thần, thì hơi thở luôn thơm tho dễ chịu. Kẻ có lòng lương chính, khiết tịnh, là nhân đức của thiên thần luôn nói lời thanh sạch, lịch sự, liêm chính. Thánh Tông Đồ (Phaolô) muốn ta đừng nói điều mất nết, các điều bất chính, ngài còn cho hay rằng : “không gì phá hoại phong hóa bằng các lời xấu xa” (1Corintô 15, 33).

Nếu những lời bất lương kia lại nói cách thầm lén, kiểu cách, tinh vi, chúng càng độc dữ. Vì lưỡi dao càng nhọn sắc càng đâm thấu tim gan, thì lời càng sắc bén, càng thấu đến linh hồn. Kẻ tưởng mình nói những lời như thế trong khi đàm đạo, là văn vẻ hoa bướm, hóa ra họ chẳng hiểu đàm đạo nhằm mục đích gì. Đàm đạo phải giống như một bầy ong tụ hội để làm mật qua các câu chuyện thanh lịch, đạo đức, chứ đâu phải một lũ ong vò vẽ xúm lại để rúc rỉa đồ thối tha ! Nếu có kẻ ngu xuẩn nào nói với con những lời bất nhã, con quay đi chỗ khác hoặc cách nào khác khôn ngoan tùy xử sự, để cho chúng biết những lời ấy đau tai lắm.

Thích châm biến là thói xấu nhất trong mọi thói xấu mà một trí óc có thể có. THIÊN CHÚA ghét cay đắng nết xấu ấy, xưa ngài đã ra nhiều hình phạt lạ kỳ. Không có gì nghịch đức bác ái, và phản lòng đạo đức bằng khinh bỉ, chê bai người đồng loại. Chê bai, cười nhạo luôn là bởi khinh bỉ, vì thế, nó là một tội rất lớn đến nỗi các đấng tiến sĩ có lý mà nói : Nhạo báng là điều xúc phạm lớn nhất, người ta có thể làm cho đồng loại bởi lời nói. Vì trong các xúc phạm khác còn có đôi chút tôn trọng kẻ bị xúc phạm, còn nhạo báng hoàn toàn chỉ còn có khinh khi miệt thị.

Còn những câu nói chơi trong lúc vui vẻ đùa bỡn, nó thuộc về một đức tính người Hy-Lạp gọi là “hoan hỉ”, còn ta có thể gọi là ăn nói có duyên.

Nói chơi là cách giải trí lương thiện, hòa nhã tươi vui về những trường hợp ngây ngô, dớ dẩn mà con người khiếm khuyết ai lại chẳng bị. Song cần phải giữ cho đừng từ vui cười tử tế đâm ra phỉ báng. Phỉ báng là làm cho cười vì khinh bỉ, miệt thị kẻ khác, còn nói đùa, khôi hài là làm cho cười cách đơn sơ vô tội trong tình thân thiện, bởi đôi câu nói ngộ nghĩnh khéo léo. Khi các tu sĩ muốn nói với người về những chuyện cao hơn sau bữa ăn, thánh LU-Y nói : “Bây giờ không phải là giờ lý luận, song giờ giải trí qua câu nói vui đùa hay hài hước. Ai có gì nói cứ việc nói cách tử tế”. Người nói thế là có ý biệt đãi hàng quí phái đang hầu quanh người, mong được nhà Vua để ý. Nhưng, Philôtê, ta làm thế nào để qua thời giờ giải trí, mà vẫn giữ được cuộc đời bởi lòng đạo đức.

--- o0o ---