SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph.HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
PHẦN 4
Các điều chỉ dẫn để chống lại các chước cám dỗ thông thường.
CHƯƠNG 03
VỀ CHƯỚC CÁM DỖ : CẢM THẤY VÀ
ƯNG THEO LÀ 2 ĐIỀU KHÁC NHAU.
Phi-lô-tê con hãy tưởng tượng một nàng công chúa trẻ đep, được chồng yêu cực điểm, rồi có đứa khốn nạn rắp tâm làm nàng trụy lạc, làm hoen ố đời ân ái của vợ chồng nàng. Nó mới gửi tới nàng một người bắn tin yêu đương để ướm hỏi nàng về dự tính khốn nạn kia. Đầu hết, người đưa tin sẽ đề nghị với nàng công chúa ý định của chủ hắn, thứ đến ; nàng công chúa ưa thích hay không ưa thích lời đề nghị và việc đưa tin kia ; thứ ba, nàng ưng thuận hay từ chối. Đây cũng cậy, Satan, thế gian và xác thịt thấy một linh hồn được làm bạn yêu dấu của con Thiên Chúa, chúng sẽ gởi đến linh hồn những cám dỗ và xúi dục, nhờ đó :
1) Tội được trưng bày ra.
2) Hồn sẽ ưa thích hay không ưa thích
3) Cuối cùng, hồn ưng thuận hay từ chối : đó là ba bậc đi đến phạm tội : cám dỗ, ưa thích, ưng thuận.
Dù ba việc đó không hiển nhiên rõ rệt như thế trong bất cứ loại tội nào, ít nữa, chúng rất rõ và dễ nhận thấy trong những tội lớn lao.
Một cơn cám dỗ về bất luận tội gì, dù kéo dài suốt cả đời ta, nó cũng không thể làm ta nên đáng ghét trước mặt Chúa cao cả, bao lâu ta không ưa thích và không ưng thuận nó. Lý do là : trong cơn cám dỗ, ta không làm chủ động, song ta chịu đựng việc ấy xảy ra đến với ta, và vì ta không ưa thích chút nào, nên không có tội lỗi gì. Thánh Phaolô chịu đựng lâu dài các cám dỗ trong thân xác, không những người chẳng mất lòng Chúa, trái lại, Chúa được thêm vinh hiển vì đó. Thánh nữ An-gê-la Fô-li-nhô cảm thấy những cám dỗ nặng nề đến nỗi ai cũng phải chạnh lòng khi nghe người kể lại. Các ơn cám dỗ của thánh Phan-xi-cô và thánh Bê-nê-đi-tô cũng ghê gớm lắm, đến nỗi đấng thì nhảy vào bụi gai, đấng thì lăn xuống tuyết để giảm sức cám dỗ. Dầu vậy, các ngài không vì thế mà mất ơn nghĩa Chúa, trái lại, càng được tăng lên gấp bội.
Vậy Phi-lô-tê, con phải can đảm nhiều giữa các cơn cám dỗ. Đừng cho là mình đã bại trận khi nào ta chưa ưa thích chúng, nhờ biết phân bệt cái “cảm thấy” với cái “ưng thuận”. Khác nhau là ở chỗ nầy : người ta có thể cảm thấy mặc dầu không ưa thích ; nhưng ta chỉ ưng thuận khi ta ưa thích rồi, vì thường sự ưa thích làm bậc thang đưa ta đến ưng thuận1. Cho đi các địch thù linh hồn ta có trưng bày ra bao nhiêu mồi bả để nhử thì mặc kệ, chúng cứ ở ngoài cửa của lòng ta ; mạc chúng muốn dụ dỗ bao nhiêu tùy ý, bao lâu ta còn nhất quyết không ưa thích các sự ấy, không thể nào ta lại xúc phạm tới Thiên Chúa được. Hoàng tử chồng công chúa nói trên kia, không thể giận ghét nàng vì lá thư gửi đến mà nàng không hề ưa thích. Chỉ có cái khác nầy giữa hồn và nàng công chúa, là phần nàng khi nghe trình bày điều bất chính ấy, nếu nàng muốn, nàng có thể đánh đuổi kẻ đưa tin và không thèm nghe hắn nữa. Còn linh hồn, không phải hễ muốn đánh đuổi cám dỗ đi là được ngay luôn đâu, mặc dầu luôn luôn hồn có khả năng không ưng theo nó. Vì thế, dù cám dỗ kéo dài, nó không thể làm hại ta bao lâu ta còn chán ghét nó.
Còn cái khoái cảm thường thấy đi liền với cám dỗ là vì ta có hai phần trong linh hồn : thượng và hạ. Phần hạ không luôn vâng theo phần thượng, hơn thế, nó đi theo xu hướng riêng của nó, cho nên có nhiều lần phần hạ thích thú trong cám dỗ, nhưng không được sự ưng thuận của phần thượng có khi còn nghịch lại sự đồng ý của phần thượng nữa là đàng khác. Đó là trạng thái đấu tranh xung đột mà thánh Phaolô miêu tả trong câu : “xác thịt ước vọng nghịch tinh thần” và “có một luật trong xác thịt chống báng luật của tinh thần” v.v… (Thư Rôma 7, 14-25).
Phi-lô-tê, chắc đã có lần con thấy đám than hồng ủ dưới lớp tro rồi. Nếu sau đó nửa ngày, muốn đi kiếm chút lửa ở đó thì người ta chỉ tìm thấy mãi trong giữa một chút than hồng còn đỏ, ấy là chưa kể có khi khó mà kiếm được cho ra chút than hồng đỏ. Nhưng khi đã kiếm được, với chút tàn đỏ ấy, có thể làm cháy hồng lại các cục than đã tắt khác. Đức mến của ta tức là sự sống linh hồn ta cũng thế giữa cơn cám dỗ dữ dội mù mịt. Cơn cám dỗ đem khoái cảm đến phần hạ tầng trong ta, ví như vùi dập hồn ta dưới tro, làm cho đức mến Chúa trong ta chỉ còn như tàn đóm, chôn sâu tận đáy lòng trong phần sâu kín nhất của tinh thần, ngoài ra không còn thấy ở đâu nữa. Đôi khi hầu như ở đây cũng không còn có nó nữa, vì khó mà kiếm cho ra nó. Nhưng thực ra, tình mến vẫn còn đó, cho dù hỗn loạn bao nhiêu trong hồn trong xác đi nữa, ta vẫn nhất quyết không ưng theo tội lỗi và cám dỗ cơ mà. Còn cái khoái cảm kia mà con người bên ngoài tự nhiên của ta ưa thích, con người bên trong lại chê ghét, cho dầu nó có lởn vởn hay dồn dập quanh ý chí ta, nó vẫn chưa vào được trong, do đó ta biết là khoái cảm kia không là cố ý, và như vậy không có tội gì cả.
1: Có khi những điều tác giả nêu ra đây vẫn còn có thể làm cho nhiều linh hồn bối rối khó phân biệt rõ, tưởng có thể đề nghị thêm một kiểu nữa : Muốn thành tội phải có hai điều này : 1) Biết rõ là tội thực sự. 2) Cố tinh ưng theo.