SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI
(Introduction À La Vie Dévote)
Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph. HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế
[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.
PHẦN 4
Các điều chỉ dẫn để chống lại các chước cám dỗ thông thường.
CHƯƠNG 11
SỰ LO ÂU
Lo âu không là một cám dỗ, song là nơi bắt nguồn của nhiều cám dỗ, vậy tội sẽ nói đôi lời về điều này. Buồn rầu tức là đau đớn trong tâm trí về một sự dữ có trong ta mà trái ý ta : Có thể là một sự dữ bên ngoài như nghèo khó, bệnh hoạn, khinh chê... hoặc bên trong như ngu muội, khô khan, nhờm chán, cám dỗ... khi hồn cảm thấy có một sự dữ gì trong mình, thấy khó chịu vì đó, chính là buồn rầu. Tức khắc nó muốn thoát ly và tìm cách để tống khứ đi. Đến đây, hồn vẫn đủ lý mà hành động như thế, vì dĩ nhiên ai cũng muốn sự lành và tránh cái họ thấy là dữ.
Nếu linh hồn tìm phương cách gỡ mọi sự dữ khỏi mình vì lòng mến Chúa, họ sẽ tìm cách kiên nhẫn, hiền từ, khiêm tốn và bĩnh tĩnh, trông đợi sự giải quyết do lòng nhân lành và quan phòng của Thiên Chúa hơn là do khổ công, tài khéo hay chuyên cần của mình. Nếu hồn tìm giải thoát vì tự ái , họ sẽ hối hả, sẽ nóng ruột tìm phương tiện y như coi sự giải thoát kia do mình hơn là nhờ bởi Chúa. Tôi không nói là họ nghĩ như thế, song tôi nói họ hối hả thành ra có vẽ nghĩ như thế.
Nếu không được ngay các điều họ tìm, họ đâm ra lo âu, mất hết kiên nhẫn, thay vì cứu họ thoát khỏi sự dữ thái dộ đó lại làm thêm trầm trọng, linh hồn lâm cơn khắc khoải khốn cực, bị dồn vào thế mất hết can đảm và nghị lực đến nỗi tưởng chừng cái khó của mình vô phương điều trị. Qua trình bày trên ta thấy sự buồn rầu ban đầu đúng, sau sinh ra lo âu, lo âu sinh ra buồn bã não nề : mà đó là tình trạng nguy hại vô cùng.
Trừ tội, lo âu là sự dữ lớn nhất một tâm hồn có thể gặp. Cũng như nội loạn và nội bộ lủng củng đưa quốc gia vào con đường diệt vong, ngăn cản sức chiến đấu với ngoại thù, linh hồn bối rối và lo âu bên trong cũng tiêu tan hết nhuệ khí để giữ vững nhân đức đã có, và mất hết phương thế ngăn chặn xâm lăng của kẻ thù đang dốc hết lực lượng để lơi dụng tình thế "đục nước béo cò". Lo âu phát sinh từ một mong ước lộn xộn hỗn loạn muốn thoát khỏi một cái khổ mà mình dự đoán hoặc chiếm một sự lành mà mình hy vọng. Song kỳ thực không gì lại làm sự khổ thêm trầm trọng và làm sự lành nên khó chiếm cho bằng cái lo âu hối hả kia. Chim càng rãy rụa, càng bị mắc chặt vào lưới.
Vậy khi nào con thấy mình muốn cấp bách thoát khỏi sự dữ nào hay hối hả chiếm đoạt sự lành nào, việc đầu tiên là hãy để tinh thần nghỉ ngơi bình tĩnh, để phán đoán và ý chí trấn tĩnh lại, rồi thong thả êm đềm hành động để đi tới đích bằng cách tuần tự sử dụng các phương tiện ám hạp. Khi tôi nói thông thả, không có ý bảo cẩu thả song là đừng hối hả, bồn chồn, lo âu. Nếu không thế, thay vì đạt nguyện vọng, con làm hỏng bét hết ráo và lại đèo thêm bực bội vào mình. Đavít cầu : "Lạy Chúa, hồn con luôn gọn ghẽ trong tay con, con không quên lề luật Chúa" (Ca vịnh 118, 109). Phần con hãy xét hỏi mỗi ngày đôi lần, ít nữa buổi sáng và buổi chiều, xem hồn con có gọn ghẽ trong tay con không, hay một dục vọng nào, một lo âu nào đã đánh cắp nó đi rồi ? Con hãy xem trái tim có còn phục tòng mệnh lệnh con, hay đã thoát khỏi tay con đi theo tiếng gọi cuồng loạn của yêu, của ghét, của ghen tị, tham vọng, sợ hãi, chán nản hay vui vẻ ? Nếu nó lạc bước, trước hết mọi sự, con hãy tìm nó và nhẹ nhàng đưa nó về trước mặt Chúa, trao gửi tâm tình và ước muốn của con để Chúa dẵn dắt theo thánh ý Ngài. Như người sợ mất báu vật thì xiết chặt trong tay, ta cũng vậy, bắt chước vua thánh ấy, ta hãy nói luôn luôn rằng : "Lạy Chúa, linh hồn con dễ hư mất, nên con luôn giữ chặt trong tay, như vậy con không bỏ lơi luật Chúa".
Con đừng để các ước muốn, dù nhỏ hay ít quan hệ, gây xao xuyến nơi con. Vì sau cái nhỏ ấy, đến phiên các cái lớn và quan trọng sẽ tìm được nơi trái tim con điều kiện thuận tiện dễ dàng để quấy phá và gây lộn xộn. Khi nhận thấy lo âu xuất hiện, con hãy ký thác mình trong tay Chúa và quyết tâm không làm theo những gì nó xúi giục, bao lâu lo âu còn đó, trừ phi điều đó phải thi hành ngay không trì hoãn được. Lúc ấy phải cố gắng êm ái từ từ cầm chừng cho triều sóng ồ ạt của ước muốn giảm dần, rồi con làm việc kia theo lý trí chỉ dẫn, không còn theo ước muốn đòi hỏi nữa. Nếu con có thể giãy bày mối lo âu với cha linh hướng, hoặc ít nữa với người bạn thân đạo đức, con sẽ thấy hồn con được yên tĩnh ngay. Vì đối với hồn, thổ lộ mối u sầu của con tim, cũng làm thư thái như lể chích đối với thân thể đang bị cảm sốt. Một món thuốc tiên đó con ạ ! Cho nên vua thánh Lu-y dạy con ngài : "Nếu con mắc khốn khó trong lòng, hãy bộc lộ với cha giải tội hay người tử tế nào đó. Nhờ họ nâng đỡ, con sẽ dễ dàng chịu đựng nó."