Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh

Bản dịch của Lm.Ph. HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


PHẦN 4

Các điều chỉ dẫn để chống lại các chước cám dỗ thông thường.

CHƯƠNG 14

TÌNH TRẠNG KHÔ KHAN, LẠT LẼO THIÊNG LIÊNG

Philôtê thân mến, con hãy cư xử như trên kia khi được yên ủi. Nhưng buổi đẹp trời thú vị ấy không kéo dài vô tận đâu, trái lại có lúc con bị mất tất cả tâm tình đạo đức đến nỗi con tưởng hồn con là một mảnh đất hoang vu, không sinh hoa quả, đã đâm cằn cỏi, không có đường đi lối lại để tìm Chúa, không lạch nước ơn sủng nào tưới gội cho tình yêu, vì khô khan hình như đã gây nên tình trạng hoang dại ấy rồi. Linh hồn trong tình trạng ấy đáng thương thật, nhất là khi nỗi cơ cực ấy lại mạnh mẽ. Lúc đó, giống như vua Đavít xưa ngày đêm hồn sẽ như đầm đìa trong nước mắt, đang khi kẻ thù vận dụng muôn ngàn xúi giục để làm linh hồn ngả lòng, tỷ dụ nó nhạo : "À, con bé khốn nạn, Chúa mày đâu rồi? Mày sẽ tìm Chúa cách nào : Ai sẽ ban lại cho mày niềm vui trong ơn thánh ?"

Con sẽ phải làm gì trong thời gian đó, hả Philôtê? Con hãy coi chừng xem nỗi cơ cực ấy bởi đâu đến, nhiều khi chính ta là căn nguyên của các khô khan lạt lẽo của ta đó.

1) Như người mẹ không cho con ăn của ngọt vì nó có giun sán, Thiên Chúa cũng cất các yên ủi khỏi ta khi ta tìm hưởng những thỏa thích riêng tư, tức là mắc bệnh giun, sán ngạo mạn. "Lạy Chúa, con đáng Chúa hạ con xuống, vâng, trước khi bị hạ nhục thì con đã xúc phạm đến Chúa" (Ca vịnh 118, 71).

2) Khi ta chểnh mảng thu nhặt những ngọt ngào và khoái lạc của tình mến Chúa đang lúc Chúa ban, thì Ngài sẽ cất đi để phạt tính biếng trễ ấy. Thánh kinh kể : "Người Do Thái nào sáng tinh sương không lo lượm mana, khi mặt trời đã mọc không còn lượm được nữa vì mana tan rồi.

3) Nhiều khi ta lặn lội ham sống theo vui thú giác quan và yên ủi phù vân thế tục, như người Hôn Thê nói trong sách Nhã Ca. Bạn tình của linh hồn đến gõ cửa, Người soi sáng để ta chăm lo việc đạo đức lại, nhưng ta cò kè mặc cả với Người, nhất là ta bực bội vì phải bỏ các thú vui vô ích kia, phải vĩnh biệt các thỏa thích giả dối ấy. Vì đó người đã đi qua và để mặc ta trong cảnh tù hãm khốn đốn. Đến khi muốn tìm Người, khó mà kiếm được nữa. Ta đã đáng chịu cảnh cơ cực ấy, vì đã khinh rể tình Chúa mà chuộng phù vân thế gian, vì đã thất tín thất trung với tình Người, đã từ chối thi hành việc yêu mến để chạy theo yêu thích sự vật thế tạm. Như thế dĩ nhiên là ta chỉ có bột bánh thường của Ai-cập như dân xưa mà không được mana của trời ban. Con ong ghét các mùi thơm nhân tạo, các sự ngọt ngào của Chúa Thánh Thần ban cũng không đi đôi với các khoái lạc giả trá của thế gian.

4) Tính hai lòng, úp mở và khôn khéo trong lúc xưng tội và trình bày việc thiêng liêng, những trò đó cũng gây khô khan lạt lẽo. Vì con đã nói dối Chúa Thánh Thần, chẳng trách Ngài khước từ không ban yên ủi cho ! Con đã không muốn đơn sơ và thật thà như trẻ nhỏ, con sẽ không được kẹo ngon ngọt ban cho trẻ nhỏ.

5) Con đã no đầy các thỏa thích phàm tục, chẳng lạ gì các khoái lạc thiêng liêng trở nên lạt lẽo đối với con. Người xưa có câu cách ngôn rằng : "bồ câu khi đã no nê, dâu chín đào ngon cũng chê là đắng". Đức Mẹ cũng nói : "Thiên Chúa ban no đầy cho kẻ đói khát, còn kẻ giàu, Ngài đuổi về tay không" (Luca 1, 53. Kinh Magnificat). Kẻ giàu vui thú trần gian, không thể nếm khoái lạc thiêng liêng.

6) Nếu con đã khéo gìn giữ các hoa quả yên ủi đã được, con sẽ nhận lãnh thêm, vì kẻ đã có lại cho thêm, kẻ không có, song vì lỗi mình đánh mất cái người ta cho, thì người ta sẽ lấy cả cái nó không có đi, nghĩa là sẽ cất các ơn sủng đã dọn sẵn cho nó. Hiển nhiên là cây nào còn xanh tươi, mưa mới làm cho tươi tốt, cây nào chết khô, mưa chỉ làm cho thêm mục đi, tức là lấy mất cái sức sống mà nó không có. Vì những lý lẽ giống như trên mà ta mất các yên ủi trong đời đạo đức, rơi vào khô khan lạt lẽo tâm thần. Vậy, ta hãy kiểm điểm lương tâm xem có thấy những lỗi lầm giống vậy không. Nhưng Philôtê, hãy nhớ rằng đừng khảo xét cách quá lo lắng và tọc mạch. Song, khi đã cẩn thận suy xét về thái độ cư xử ta về đàng ấy, nếu thấy nguyên do sự cơ cực kia là tại ta, phải cảm ơn Chúa, - vì tìm được căn bệnh là đã khỏi một nửa rồi. Nếu ngược lại, con không thấy gì đặc biệt có vẻ đã là căn nguyên của sự khô khan kia, đừng tiếp tục tìm tòi muốn biết thêm làm gì nữa, song con hãy hết lòng đơn sơ làm như sau đây :

a) Con hãy hạ mình thẳm sâu trước mặt Thiên Chúa, và nhận biết sự hư không và hèn hạ của mình. "Hỡi ôi, tự mình tôi, tôi là gì ? Lạy Chúa, nếu chẳng phải con là nắm đất khô, nứt nẻ tứ bề, khát khao mưa trời. Ấy thế mà gió lộng làm nó tan đi mất".

b) Con khẩn cầu Thiên Chúa và xin Ngài ban hoan lạc cho con : "Lạy Chúa, hãy ban lại cho con hoan lạc ơn cứu rỗi" (Ca vịnh 50, 14). "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén này xa khỏi con" (Mat 26, 39) "Xéo đi, hỡi gió Nồm vô dụng chỉ làm khô cháy hồn ta. Hỡi gió mát niềm an ủi hãy đến ! và thổi vào vườn tôi, và tỏa muôn hương dịu dàng."

c) Con đến cùng cha giải tội, mở lòng cho ngài thấy mọi ngõ ngách của hồn. Nhận chỉ giáo ngài ban, với lòng đơn sơ và khiêm nhường hết sức. Vì Thiên Chúa yêu thích sự vâng phục các lời khuyên bảo mình lãnh nơi kẻ khác, nhất là nơi vị linh hướng, Ngài sẽ làm chúng sinh ích lợi, mặc dầu xem bên ngoài không có vẻ gì lớn lao, to tát cả. Cũng như xưa, Ngài đã làm cho nước sông Gio-đa-nô có sức chữa bẹnh cho Naa-man, khi ông vâng lệnh tiên tri Ê-li-dêu truyền tắm ở đó, dù theo lẽ thường, nước đó chẳng có đặc tính trị bệnh.

d) Khi đã làm các việc trên, chẳng có gì hữu ích và sinh lợi trong các cơn khô khan, cay đắng ấy cho bằng đừng ương ngạnh cố quyết muốn thoát ra khỏi cảnh đó. Tôi không bảo : ta không được mong ước như thế, chỉ nói đừng đặt hết tâm trí vào đó, song phú thác hoàn toàn cho Chúa Quan Phòng định đoạt, ngõ hầu bao lâu Ngài muốn, Ngài cứ việc để ta giữa các gai góc, giữa các ước muốn đó. Lúc đó, ta hãy thưa với Ngài : "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cất chén đắng này xa khỏi con", nhưng ta hãy can đảm nói tiếp : "Song đừng theo ý con, mà theo ý Cha" (Mat 26, 39). Rồi ta hãy ngừng lại đó, tâm hồn giữ cho hết sức bình an chừng nào hay chừng nấy. Khi Thiên Chúa thấy ta có tâm tư bình thản an nhiên như vậy, Ngài sẽ đem nhiều ơn sủng đến an ủi biệt đãi ta. Như khi Ngài thấy A-bra-ham bằng lòng hy sinh con một mình là Isaac, Ngài hài lòng vì thấy ông bình tâm vâng theo ý Ngài như thế, Ngài đã yên ủi ông bằng cách cho ông thấy trước tương lai dòng dõi sau này và tuôn xuống tràn trề muôn phúc lành (Sáng Thế thư 22, 1-18).

Vậy trong mọi nỗi u buồn xác hồn, những chia trí hay mất những cảm giác êm ái về sự đạo đức, ta hãy đem hết lòng và hết tâm tình vâng phục sâu xa mà nói : "Chúa đã ban cho tôi các yên ủi, Ngài lại cất đi, ngợi khen danh thánh Ngài" (xem sách Gióp 1, 21). Nếu ta bền đỗ sống tâm tình khiêm nhường ấy. Ngài sẽ ban lại chocác ơn huệ xưa, như đã ban lại cho ông Gióp, vì ông thường dùng những lời như vậy trong các cơn đau đớn u sầu.

e) Sau hết, Philôtê, ta đừng mất can đảm giữa mọi khô khan lạt lẽo. Hãy kiên tâm đợi các yên ủi trở lại. Đang lúc ấy cứ lo tròn bổn phận mình. Đừng vì thế bỏ qua một việc đạo đức nào. Hơn thế, hãy tăng số các việc phúc đức lên. Nếu không thể dâng Đấng Bạn Thánh quý mến những món đồ nước ngọt, ta hãy tiến dâng món bánh khô, tựu chung, hai thứ ấy như nhau, cái chính yếu là lòng người dâng hoàn toàn chỉ vì yêu mến Ngài. Mùa xuân đẹp, con ong tiết mật nhiều mà đẻ ít. Vì trời đẹp chúng thích bay lượn trên hoa để hút mật thành ra bớt sinh đẻ. Nhưng mùa đông xấu và u ám, chúng sinh đẻ nhiều, tiết mật ít, vì không thể ra ngoài hút nhụy hoa, nên để giờ mà sinh sản đầy đàn đầy đống. Đó Philôtê, đã bao lần linh hồn nhởn nhơ giữa mùa xuân phơi phới yên ủi thiêng liêng, chỉ thích thu tích và hưởng thụ các yên ủi, nên giữa các vui thú tràn trề đã sinh rất ít việc lành. Còn trái lại, quằn quại giữa những khô khan, cay cực thiêng liêng, chừng nào thấy mình thiếu thốn những tâm tình vui sướng đạo đức, linh hồn lại càng tăng số những việc dày công nghiệp chừng ấy, lại càng trổ sinh trong lòng những nhân đức chân chính như kiên nhẫn khiêm nhường, khinh chê mình, nhẫn nhục và dứt quyến luyến v.v...

Vậy, thật là một sự lầm lẫn lớn nhiều người mắc phải - đặc biệt là phụ nữ - tưởng rằng làm việc phụng sự Thiên Chúa mà trong lòng không cảm thấy thích thú, không vui sướng ngọt ngào hay yên ủi ít thì đẹp lòng Chúa. Trái lại, các công việc ta ví như hoa hồng, khi tươi thì sinh thắm, nhưng lúc khô lại thơm đậm đà. Đã đành khi làm công việc đạo đức mà tâm hồn thấy cảm động thì dễ chịu cho ta hơn, tôi nói "cho ta", vì thế dễ chỉ chú ý đến cái gì vui sướng cho mình, nhưng khi làm trong tâm trạng khô khan lạt lẽo, chúng lại thơm tho và giá trị hơn trước mặt Thiên Chúa. Phải thế đấy Philôtê, trong thời khô khan, ý chí ta bắt ta, hầu như cưỡng bách ta phụng sự Thiên Chúa, vì thế nên nó phải cương nghị và nỗ lực hơn thời êm ái ủi an. Phục vụ nhà vua trong thời bình và giữa các xa hoa lạc thú của triều đình, chẳng công trạng gì bao lăm. Nhưng vẫn một chữ trung quân ái quốc trong gian truân cơ cực của thời giặc giã, giữa biến loại và khói lửa, đó mới là dấu bền chí, là kẻ trung thần. Thánh nữ An-gê-la Phô-li-nhô nói : "Việc nguyện ngắm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là nguyện ngắm khi ép mình và gắng gỗ", nghĩa là việc mà ta làm không vì thoả thích tư riêng, xu hướng tự nhiên, song hoàn toàn chỉ vì muốn đẹp lòng Thiên Chúa ! Ý chí ta bắt phải làm việc đó ngược sở thích, cưỡng ép ta và như dùng bạo lực mà thắng các khô khan, ngại ngùng đang muốn gàn ta lại. Về các việc phúc đức khac, ta cũng phải nói như vậy. Vì càng bị phản đối, bên ngoài hay bên trong, mà cứ làm, các việc ấy nên tôn quý trọng vọng trước Thiên Chúa. Càng ít có tư lợi của ta bao nhiêu trong việc thực hành nhân đức, tình mến Chúa càng sáng rực tinh tuyền bấy nhiêu. Con hôn mẹ vừa cho kẹo, đó là chuyện thường ; nhưng nếu nó hôn mẹ sau khi mẹ cho uống bạc hà, thuốc đắng, đó mới là dấu nó yêu mẹ nhiều.