Sống Thánh Giữa Đời

SỐNG THÁNH GIỮA ĐỜI

(Introduction À La Vie Dévote)

Nguyên tác của Thánh PHANXICÔ SALÊDIÔ, Giám Mục Tiến Sĩ Hội Thánh
Bản dịch của Lm.Ph. HOÀNG MINH TUẤN, Dòng Chúa Cứu Thế

[BBT] Nhóm Khơi Nguồn xin chân thành cám ơn cha Hoàng Minh Tuấn cho phép đăng bài Sống Thánh Giữa đời này. Xin Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn hồng ân xuống cho cha và trong sứ vụ của cha.


PHỤ TRƯƠNG II

CÁCH NGUYỆN NGẮM DỄ DÀNG

(Theo phương pháp thánh Anphongsô)

CHÂM NGÔN : “Nếu một người tội lỗi cứ vững vàng nguyện ngắm, thế nào Chúa cũng đem đến cõi hằng sống đời đời” (Thánh Anphongso). 
“Ngày nào anh chị em cũng cứ nguyện ngắm lấy một khắc đồng hồ, tôi dám hứa nước thiên đàng cho” (Thánh Tê-rê-xa Avila).

I. NGUYỆN NGẮM CẦN VÀ CÓ ÍCH THẾ NÀO ?

Thánh Anphongso ước ao cho mỗi người giáo hữu yêu mến và chăm chỉ nguyện ngắm, vì nguyện ngắm có nhiều ích lợi rất lớn ; chính những ích lợi ấy khiến ta yêu mến và chăm chỉ làm việc đạo đức này mọi ngày. Nhưng trên hết, vì lòng kính mến Chúa mà ta ao ước và muốn sống đời nguyện ngắm. Thật thế :

1) Không nguyện ngắm, không thấy những chân lý đời đời, là những sự thiêng liêng ; không hiểu biết việc rỗi linh hồn quan hệ đến đâu và phải dùng những phương thế nào cho được lo việc ấy. Vì thế đã có nhiều linh hồn hư đi khốn nạn. Trái lại, linh hồn nào luôn suy ngắm những chân lý đức tin dạy, nghĩa là luôn suy ngắm sự chết, sự phán xét, thiên đàng, hỏa ngục, thì chắc sẽ không sa ngã phạm tội. Chính Đức Chúa Thánh Thần đã phán : “Ngươi hãy nhớ suy đến cùng đích của ngươi, ngươi sẽ không phạm tội bao giờ “ (Huấn Ca 7, 40).

2) Không nguyện ngắm, không có sức chống trả các kẻ thù linh hồn, không tài nào giữ được các nhân đức. Nhờ nguyện ngắm, ta được những ơn cần, giúp mau mắn vâng theo những điều Chúa soi sáng, thúc giục, và sẵn sàng tuân giữ các điều Chúa truyền dạy.

3) Không nguyện ngắm, không biết các tính hư thói xấu của mình, cũng không biết những nguy hiểm linh hồn mình có thể mắc phải, nhưng khi nguyện ngắm thì trông thấy rõ những hiểm họa và những khuyết điểm mình, nhờ đấy sửa được các tật hư và xa tránh những nguy hiểm cho linh hồn.

4) Cầu nguyện và cầu nguyện cho nên là điều rất cần cho được rỗi linh hồn.

“Không cầu nguyện mà ăn ở đạo đức tốt lành là điều không thể có được !” Không nguyện ngắm thì thường cầu nguyện không nên. Về điều này, thánh Ao-gu-ti-nô có nói một lời ta cần phải hiểu rõ. Người nói : “Muốn được các ơn cầu xin mà chỉ cầu nguyện bằng môi miệng, không đủ, cần phải cầu nguyện trong lòng”. Thật vậy, nếu ta không suy ngắm, mà chỉ suy những sự đời này, thì biết sao được những sự cần cho linh hồn ? Biết sao được những phương thế phải dùng để thắng chước cám dỗ. Biết sao được cầu nguyện là việc cần ? Nếu không biết những điều ấy, hỏi ta có thể cầu nguyện bền mãi chăng ? Mà cho đi ta bền bỉ cầu nguyện luôn mãi, hỏi có cầu nguyện nên chăng ? Vì thế thánh Bel-lar-mi-nô đã nói : “Không nguyện ngắm thì hầu chắc không thể nào không phạm tội”.

5) Sau hết, nguyện ngắm là phương thế rất hiệu nghiệm các thánh đã dùng mà nên trọn lành. Kinh nghiệm minh chứng rằng : linh hồn nào chăm chỉ nguyện ngắm, ít khi mất nghĩa cùng Chúa, nhỡ ra có mất,  liền nhờ nguyện ngắm mà ăn năn đau đớn và trở lại cùng Chúa ngay. Nguyện ngắm là như lò lửa cháy ngùn ngụt làm cho linh hồn bốc lửa kính mến Chúa . “Không chăm chỉ nguyện ngắm cho nhiều, không tài nào lên cao trên đường thánh thiện”.

II. CÁCH NGUYỆN NGẮM

Việc nguyện ngắm gồm ba phần cốt yếu, là : Dọn mình – Suy ngắm – Kết thúc .

DỌN MÌNH : Gồm 3 việc :

1) Thờ phượng Chúa bằng cách nhớ Chúa trước mặt mình. Ví dụ ta than thở : “Lạy Chúa, con tin thật Chúa đang ngự trước mặt con, con xin thờ lạy Chúa hết lòng”.[1]

2) Hạ mình khiêm nhường trước mặt Chúa là Đấng ta không đáng nói chuyện và gặp gỡ Ngài. Ví dụ nói : “Lạy Chúa, vì muôn vàn tội lỗi con đã phạm, lẽ ra bây giờ con đang ở dưới hỏa ngục, nhưng lạy Chúa nhân lành vô cùng, con hết lòng ăn năn đau đớn vì đã xúc phạm đến Chúa, và cám ơn Chúa vì còn đoái thương ban phúc cho con than thở chuyện trò với Chúa”.

3) Cầu xin Chúa giúp ta nguyện ngắm nên, ví dụ nói : “Lạy chúa, vì lòng yêu mến Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria, xin hãy soi sáng và giúp sức cho con được nguyện ngắm nên và được nhiều ích lợi cho hồn con !” Rồi đọc một kinh Kính Mừng… (kính Đức Mẹ và xin Người cầu bầu cho ta).

- Ba việc trên đây, làm vắn tắt, song rất sốt sắng, rồi chuyển sang phần sau đây : SUY NGẮM : gồm bốn phần :

1) Trước hết hãy suy ngắm về chân lý ta đã chọn làm đề tài. Muốn làm việc ấy, thường nên đọc một đoạn sách đạo đức (hoặc ôn nhớ lại một đoạn sách hay, một bài giảng, sách tốt nhất là sách Kinh Thánh, hay phần Phúc Âm…), và đọc cho đến khi gặp ý tưởng gì tốt lành khiến mình cảm động mới thôi (cảm động đây không phải là tình cảm, song là thấy ý đánh động mình, giúp mình có ý tưởng mà suy, có tâm tình mà nói chuyện với Chúa[2].)

Thường thì chỉ đọc một đoạn nhỏ cũng đủ.

Đọc xong hỏi mình ba điều này :

- Tôi vừa đọc gì ?

- Tôi sẽ làm gì về điều ấy ?

- Tôi đã làm gì về điều ấy ?

Ví dụ ta đọc một đoạn sách dạy về sự cần phải cầu nguyện và ta lấy làm cảm động, đánh động ở đoạn này : “Ai cầu nguyện, chắc sẽ được rỗi. Ai không cầu nguyện chắc sẽ hư mất đời đời. Phàm những kẻ đã được rỗi linh hồn là vì đã cầu nguyện ; còn kẻ đã hư mất, vì khinh thường không cầu nguyện. Và điều làm cho kẻ ấy đau lòng thất vọng nhất là thấy xưa kia có thể cứu linh hồn mình dễ dàng như thế mà chẳng làm, bây giờ hối hận muốn làm, nhưng than ôi ! muộn quá rồi, chẳng còn giờ nữa !” Đến đây ta đừng đọc nữa, hãy tự hỏi mình ba điều vừa nói trên.

- Tôi vừa đọc gì ? – Tôi vừa đọc lời này : chăm chỉ cầu nguyện là phương thế chắc chắn nhất để cứu linh hồn mình ; kẻ nào khinh thường cầu nguyện, thì Chúa sẽ cất ơn Ngài đi, vì thế nó sẽ hư đi đời đời.

- Tôi phải làm gì về điều này ? – vì  sự cầu nguyện cần nhất, cho nên tôi buộc mình không bao giờ bỏ đọc kinh tối sáng, và phải luôn cầu nguyện, nhất là khi gặp cơn cám dỗ và dịp tội.

Từ xưa đến nay tôi đã làm gì về điều này ? Than ôi, từ xưa đến nay tôi đã lo về hết mọi công việc, duy có việc cầu nguyện là việc cần thiết nhất, tôi lại khinh bỏ biếng nhác. Biết bao lần tôi bỏ đọc kinh cầu nguyện trong những ngày thường ngay cả ngày Chúa Nhật nữa. Biết bao lần ở nhà thờ tôi đã không cầu nguyện, còn chia trí chia lòng về những của đời này.

2) Giục lòng than thở cùng Chúa[3] (những điều than thở hợp với đoạn đã ngắm).

a) Giục lòng tin, ví dụ : Lạy Chúa, theo lời Chúa phán, con tin thật cầu nguyện rất cần cho được rỗi linh hồn, con lại tin thật nếu con cứ vững vàng cầu nguyện chắc sẽ được rỗi. Vậy lạy Chúa, xin ban cho con được tin điều chân thật này hơn nữa.

b) Giục lòng cậy, ví dụ : Lạy Chúa, con trông cậy vững lòng, Chúa sẽ ban cho con bền chí cầu nguyện ; nhờ sự cầu nguyện con trông cậy sẽ được kính mến Chúa và được rỗi linh hồn. Xin Chúa ban cho con thêm lòng trông cậy sự cầu nguyện là phương thế thần hiệu giúp con rỗi linh hồn…

c) Giục lòng kính mến : Lạy Chúa, con kính mến Chúa, và vì kính mến Chúa con thích cầu nguyện, là phương thế giúp con thêm lòng yêu mến Chúa. Xin ban cho con nhờ việc cầu nguyện ngày càng yêu mến Chúa tha thiết hơn. Lạy Chúa, con kính mến Chúa vì Chúa tốt lành vô cùng, và đáng kính vô cùng, con kính mến Chúa, vì Chúa rộng rãi vô cùng, Chúa chỉ đợi con cầu xin một lời, Chúa liền ban các ơn cần cho con ngay.

d) Giục lòng ăn năn tội : Lạy Chúa, con phàn nàn vì đã nhiều biếng trễ việc cầu nguyện ; con cũng phàn nàn về các tội đã phạm bởi khinh thường chẳng cầu nguyện. Con xin Chúa hãy tha tội lười biếng cầu nguyện và hết các tội khác con đã phạm từ xưa tới nay.

3) Đem lòng cầu xin (trong số các việc làm lúc nguyện ngắm thì lời cầu nguyện, cầu xin có thể coi là việc quan hệ nhất : vậy ta hãy cầu nguyện nhiều, đem hết lòng trông cậy xin Chúa ban các ơn soi sáng, giúp sức kính mến, ơn bền đỗ và ơn chết lành).

a) Hãy xin ơn giữ điều đã dốc lòng cho cận thẩn hơn. Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán cùng các tông đồ rằng : ai xin thì sẽ được… Con cũng xin thưa cùng Chúa với các thánh ấy rằng : xin hãy dạy con biết cầu nguyện, xin ban cho chúng con được dùng thời giờ mà cầu nguyện…

b) Hãy xin các ơn khác : xin ơn sửa tính hư nết xấu này nọ ; xin ơn kia… vì con đang cần, giúp con thắng chước cám dỗ đang xông đánh ; hãy giúp con làm tròn việc bổn phận. Hãy ban cho con được lòng thương yêu anh em… hy sinh điều này nọ, biết vâng theo ý Chúa dù cay đắng gian khổ v.v…

c) Nhất là xin ơn kính mến Chúa Giêsu và ơn bền đỗ : Lạy Chúa Giêsu, nếu con kính mến Chúa, ắt là con thích dùng sự cầu nguyện mà nói chuyện cùng Chúa, vậy xin Chúa hãy ban thêm lòng kính mến Chúa cho con, vì nếu con kính mến Chúa, con sẽ được mọi sự. Lạy Chúa, xin ban cho con được vững vàng kính mến Chúa cho đến chết, để sau này con được lên thiên đàng hát mừng và kính mến Chúa đời đời, chẳng cùng…

4) Dâng những dốc lòng cho Chúa :

a) Dốc lòng chung : hãy dốc lòng xa tránh hết các tội cố tình phạm, ví dụ : Lạy Chúa, con ước ao thà chết ngàn lần còn hơn cố tình phạm một tội mất lòng Chúa. Con ước ao lánh hết mọi tội song xin Chúa hãy ban ơn giúp sức cho. Con xin hứa cùng Chúa từ nay sẽ ra sức làm trọn nghĩa vụ cách chu đáo.

- Dốc lòng riêng : như xa lánh tính xấu nọ ; hoặc quyết tập nhân đức kia, ví dụ : xin hứa siêng năng cầu nguyện hơn để tinh thần khỏi mất sức mạnh, và được nhiệt thành làm trọn các việc bổn phận hơn. Cần nhất là chọn một dốc lòng cụ thể nhỏ, dễ làm và thiết thực.



[1] Nếu ta nhớ Chúa ở trước mặt với Đức tin mạnh, sẽ bớt chia trí. Một vị đạo đức nói : “Nếu ta hay chia trí lúc nguyện ngắm, là dấu ta làm việc nhớ Chúa trước mặt cách chưa tử tế”.

[2] Thêm vào sách nói trên : hiện nay có nhiều sách có thể giúp suy ngắm : Thánh Alphong : Dọn Mình Chết Lành – Tên Lửa Yêu Dấu – Dẫn Đàng Mến Chúa – Từ Thánh Thể đến Chúa Ba Ngôi (Thiên An dịch cha V.Bernadot) – Trước Uy Nhan Chúa (Thiên An dịch) – Tin Ở Tình yêu Thiên Chúa (Sr J. Baptiste) – Đời Tận Hiến (dịch của Schrijvers) – Chúa Ki-tô Là Tất cả (Thiên An dịch) – Phút Suy Niệm (nhiều tập, dich) – Con Thơ Phó Thác – (dịch chị J. Baptiste) – Lay Chúa, con nghe đây ! (dich) – v.v…

[3] Đã hẳn không buộc phải gò bó theo các thứ tự tâm tình như đã nói ở đây. Có thể có nhiều tâm tình cảm mến khác nữa, tuỳ lòng sốt sắng.