Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


“Hãy vui mừng luôn trong Chúa! Tôi nói lại lần nữa: Hãy vui lên! ước gì tâm hồn nhân hậu của anh em được mọi người biết đến...” (Ph 4,4-5)

    Chương 12

    TIẾNG CHIM HÓT LÚC NỬA ĐÊM

    Tối đó, chúng tôi trở lại khách sạn ở Citluk để dùng bữa và chia sẻ cảm nghiệm với nhau. Tôi quá phấn khích, không ăn được khi kể chuyện bà cụ Croát đứng lên nhường chỗ cho mình. Những anh em khác thì kinh ngạc vì thấy đám đông chật cứng Nhà thờ và nhiều người đã đứng suốt hơn hai giờ dự buổi cầu nguyện và Thánh Lễ. Tất cả chúng tôi đều đã xúc động sâu xa về sự tôn nghiêm trong buổi thờ phượng: thật không còn lời nào để mô tả nữa. 
 
    Ăn xong, chúng tôi về chỗ riêng của mình, nhưng không ai muốn đi ngủ. Tính đến giờ đó, chúng tôi đã thức suốt 30 tiếng, vậy mà vẫn muốn nói chuyện hơn là ngủ. Cuối cùng, rồi cũng ngủ thôi, nhưng khi thức dậy đồng hồ chỉ 4 giờ 30 sáng - và tôi hoàn toàn tỉnh táo. Quyết định đi bộ một vòng quanh Citluk, tôi thay quần áo bước ra ngoài và hết sức ngạc nhiên thấy trời đã gần sáng hẳn. Mặt trời chưa mọc, mà bầu trời xem ra sáng hơn lúc mặt trời sắp mọc ở xứ tôi. Thực ra, ở Nam Carolina, thì trước rạng đông trời vẫn còn tối lắm. 
 
    Một lúc sau, những người bạn khác thức dậy. Chúng tôi vội vàng lót lòng với bánh mì và cà phê hoặc nước trà, rồi lên xe đến Mễ Du. Đến nơi, chúng tôi rảo bộ khắp nơi, kể cả con đường mòn phải đi mất hai mươi phút để đến đồi Podbrdo, nơi Đức Maria hiện ra lần thứ nhất. Trên đường đi, một bà cụ người Croát bưng một rổ trái cây tặng cho chúng tôi mỗi người vài trái với một ly rượu vang, khi chúng tôi đi ngang qua. Một người trong chúng tôi muốn cho bà tiền, nhưng bà từ chối. Ở đâu trên đường, chúng tôi cũng đều thấy cảnh này. Thỉnh thoảng, một bé trai hay gái đứng đó cạnh bà nội hoặc bà ngoại, để phụ bà một tay. Đây là hình ảnh tôi sẽ ghi nhớ suốt đời. 
 
    Ba ngày kế tiếp trôi qua không có gì đặc biệt. Chúng tôi đi lễ tiếng Anh buổi sáng và tiếng Croát ban chiều; chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có thể ở trong Nhà thờ nhiều giờ đến thế và yêu mến từng giây phút của thời gian ấy. Chúng tôi chen vào đám đông bên ngoài Nhà xứ lúc giờ hiện ra, chúng tôi lang thang đi đây đi đó xem xét mọi nơi mọi chỗ của Mễ Du. 
 
    Tối thứ hai, cả nhóm quay về Citluk, vừa mới ngồi xuống chuẩn bị ăn tối, sơ Margaret hổn hển chạy vào: “Tôi hiểu thế này là quá gấp gáp, nhưng trong buổi hiện ra tối nay, Rất Thánh Đức Mẹ nói với các thị nhân là người sẽ hiện ra với các em đêm nay tại đồi Podbrdo.” Chị nghỉ để lấy hơi rồi tiếp: “Xe buýt đang đợi ngoài kia, nếu có bạn nào muốn đến, phải đi ngay bây giờ!” 
 
    Muỗng nĩa rơi loảng xoảng, bàn ghế xô đẩy khi chúng tôi vội vã đứng lên, chạy tán loạn ra bóng đêm bên ngoài và ào ào leo lên xe buýt. Khi đến đồi tôi hơi thất vọng, vì thấy đã có nhiều xe buýt đến trước chúng tôi rồi. Tôi cứ tưởng chúng tôi là những người duy nhất biết được lần hiện ra đặc biệt này. 
 
    Chúng tôi nhập vào làn sóng những người hành hương, dò dẫm leo lên từng bước trên con đường dốc dác và lởm chởm đá, trong bóng tối của một đêm không trăng. Đèn chiếu không được phép sử dụng, vì chính quyền cấm chỉ những cuộc tụ tập trên đồi. Trời tối đen như mực, khó mà thấy được bóng người đi trước mình, nhưng không một ai trượt chân hoặc than vãn. Hình như chúng tôi ai nấy đều tìm được đúng chỗ để đặt bàn chân lấy đà trèo lên. Hằng triệu ngôi sao chằng chịt trên bầu trời, góp thêm vẻ đẹp vào sự kiện đầy kịch tính này, dù chúng chỉ thắp sáng yếu ớt. 
 
    Chúng tôi đến đỉnh đồi và kiếm được một khoảng trống nhỏ xíu - mà tôi cảm giác là khá gần với các thị nhân. Tiếng xầm xì của đám đông khi họ cầu kinh cho biết đang có một cuộc tụ họp đông đảo ở đây. Sơ Margaret đã dặn chúng tôi không được chụp hình bằng đèn chớp, và ngay cả khi chúng tôi đứng thu mình chờ đợi trong bóng tối, các hướng dẫn viên vẫn lặp đi lặp lại lời cảnh báo ấy bằng tiếng Pháp, tiếng Ý cũng như tiếng Anh. Nhưng trong đám đông nào cũng có những kẻ cảm thấy là nguyên tắc không áp dụng cho mình. Họ cứ chụp ảnh, đèn chớp loé lên gởi đi những tín hiệu lồ lộ xuống thung lũng bên dưới, nếu ngẫu nhiên có ai đang nhìn về hướng chúng tôi. 
 
    Trong một nhóm nọ, có người bắt đầu xướng kinh Mân Côi bằng tiếng Đức, và tất cả chúng tôi lặng lẽ đáp lại. Chúng tôi thầm thĩ rất khẽ, nhưng tất cả ngần ấy người cùng nhau, tiếng chúng tôi tạo thành một tiếng rầm rì trầm vang khắp vùng đồi. Khi nó chấm dứt, sự im lặng tiếp theo đó khá nặng nề, còn chúng tôi hầu như không thở, lắng nghe. Rồi một người nào đó lại bắt đầu một chuỗi Mân Côi khác. 
 
    Vào khoảng 11 giờ đêm (khó mà nói được giờ chính xác, vì không có cách nào để xem đồng hồ), cuộc hiện ra bắt đầu. Tất cả bỗng im bặt. Tôi nghe thấy các thị nhân cầu nguyện bằng tiếng Croát ở gần bên. Có lúc họ ngừng, lúc lại cầu nguyện, và tôi hiểu là Đức Maria đang cầu nguyện với họ. Rồi các em nhẹ nhàng nói chuyện với Người, khi lần lượt mỗi người, khi cùng nói đồng loạt. Cuối cùng, một trong các thị nhân kêu lên nhẹ nhàng: “Ode!” nghĩa là “Người đi rồi!” và một em khác loan báo một điều gì bằng tiếng Croát, điều ấy được dịch liền ra tiếng Ý và tiếng Anh: Ivan đã gởi gấm chúng tôi (hiểu theo bất cứ nghĩa nào) cho Đức Mẹ, Người hài lòng vì chúng tôi đã lên đồi. Điểm chính yếu trong sứ điệp của Người cho chúng tôi đêm ấy là: “Hãy về nhà và cầu nguyện chung với nhau trong gia đình”, vì nếu cùng cầu nguyện, chúng ta sẽ cùng trở nên thánh thiện, để Người có thể giới thiệu chúng ta như một bó hoa đẹp cho Con của Người, Đức Giêsu. Người cũng ban phúc lành cho tất cả những ai có mặt trên đồi trong đêm đặc biệt này.

Trong lần hiện ra trên đồi ban đêm mà tác giả được dự, Đức Maria nhắn nhủ việc đọc kinh chung trong gia đình. Và còn nhắc lại rất nhiều lần trong các thông điệp….


    Có nhiều tiếng thầm thì hân hoan và mọi người đứng lên, lần mò đi xuống con đường mòn lởm chởm đá trong đêm đen như mực. Có quá đông người nên đi xuống rất chậm, nhưng không sao. Ai đó cất tiếng nhẹ nhàng hát “Ave Maria”, tất cả chúng tôi hòa theo. Tiếng hát bay đi khắp nơi, lên trên cao trong bầu trời đêm, quyện quanh chúng tôi và như thấm nhập tâm can chúng tôi. Có đi khỏi khu đồi hay không, tôi cũng không cần biết. 
 
    Rồi khi đang đứng ở trên đường đợi xe buýt và lắng nghe tiếng hát của những người còn đang đi xuống, bỗng có người la lên: “Chúa ôi, nghe chim hót kìa!” 
 
    Tôi đáp: “Ừ, hay quá!” 
 
    - “Anh không hiểu sao? Chim không hót ban đêm!” 
 
    Quả thật như vậy, nghe như mọi con chim biết hót trong thung lũng đang cất tiếng hót hết cỡ, như thể chúng đang chào đón bình minh, đương khi giờ này là nửa đêm. Và tiếng hót ấy cứ tiếp tục cho đến khi tất cả chúng tôi đã lên xe và đi khỏi. 
 
    Lúc đầu, không ai nói gì khi chiếc xe chật vật len lỏi trên con đường vừa đủ rộng cho một mình nó. Mỗi chúng tôi đang mải nghiền ngẫm thưởng thức phép lạ nho nhỏ mới vừa cảm nghiệm. Chúng tôi thực sự đã ở đó, đã có mặt trong một cuộc hiện ra - và Mẹ Thiên Chúa đã ban phúc lành cho chúng tôi - để rồi đi xuống đồi giữa tiếng hát và khám phá tiếng hót của hằng ngàn con chim cất lên vào lúc nửa đêm! Quả thật, phép lạ hiển nhiên về sự hiện diện của Thiên Chúa đang diễn ra nơi đây! 
 
    Sự im lặng bị phá vỡ bởi một phụ nữ mập mạp ngồi dẫy ghế bên kia: “Tôi thất vọng quá!” bà la lên, “Tôi không thấy gì hết!” 
 
    Tôi nhìn bà, không tin: “Thế bà mong thấy gì? Bà không biết là bà đã có mặt trong lúc Đức Mẹ hiện ra, ở chính nơi Người đã đến lần đầu tiên à? Bà có mặt ở đó mà!” 
 
    - “Phải, nhưng có người bảo họ thấy những tia sáng loé lên. Còn tôi không thấy gì hết!” 
 
    Tôi nhăn mặt, không nói gì nữa. Trong ít ngày chúng tôi có mặt ở đây, tôi đã nghe nhiều lời bình luận tương tự từ những người muốn thấy phép lạ mặt trời, hoặc muốn cho tràng hạt của họ biến thành màu vàng kim loại. Nhiều người đến đây thật ra chỉ vì muốn thấy dấu chỉ và phép lạ, rồi khi không được thỏa mãn, họ cảm thấy bị lừa bịp. Họ không nhận ra được hiện tượng đích thực ở đây là sự thay đổi kỳ diệu nơi những người đến đây và những người sống ở đây. Nhiều cuộc đời đã thay đổi một cách rất mạnh mẽ, trở thành mến Chúa và yêu đồng loại, nhưng ngay lúc này thì điều đó không ngoạn mục bằng mặt trời quay. Sau này, tôi hiểu ra là sự hối cải có những đường lối khác nhau, và tất nhiên nó là trung tâm điểm của một cuộc hành hương đến Mễ Du. Một ngày nào đó, phụ nữ này sẽ nhận ra ân huệ mà bà đã cảm nghiệm trên đồi. 
 
    Khi về đến khách sạn thì đã 12 giờ 30. Tôi liền đi ngủ, dù rất muốn thức để nói chuyện với những người khác. Tôi cần giấc ngủ ngắn ngủi quí giá này, vì đã quyết định sẽ dậy sớm, đủ thời gian để đi bộ từ Citluk đến Mễ Du, và đạt đến đỉnh núi Krizevac vào lúc mặt trời mọc. Không biết đích xác mặt trời mọc giờ nào, tôi cứ tính dậy sớm để có đủ thời gian đi hết chín cây số rưỡi trước rạng đông. 
 
    Vài người khác tỏ ý muốn cùng đi với tôi, nhưng cuối cùng, chỉ có Maureen và Bernie Hanley, một trong những tình nguyện viên của Trung Tâm Hòa Bình đang phục vụ cho chuyến đi này, quyết định đi với tôi. Tôi sắp xếp với Bernie để gặp anh tại cây cầu nhỏ, dọc theo con đường từ chỗ chúng tôi đang trọ. Maureen cũng trọ một chỗ với tôi, cách phòng tôi bốn phòng. 
 
    Khi tỉnh giấc, tôi mò tìm cái đèn pin, chiếu nó vào đồng hồ đeo tay: gần bốn giờ sáng. Vội vàng thay áo, tôi chạy đến gõ nhẹ vào cửa phòng Maureen, rồi đi đến phòng chính đợi cô. Một lát sau, Maureen đi ra, có vẻ nhợt nhạt và mệt mỏi: “Tôi không được khoẻ, tôi thực sự muốn đi, nhưng tôi nghĩ là không nên. Ngày mai đi được không?” 
 
    - “Maureen à, hôm nay tôi phải đi, dù cô không đi được. Nhưng nếu cô muốn, ngày mai chúng ta lại đi.” 
 
    Bên ngoài, đêm không trăng vẫn còn tối đen, khi tôi bắt đầu bước trên con đường hướng về phía Mễ Du. Trong không khí mát lạnh, dưới bầu trời đầy sao, tôi mải miết đi thẳng luôn qua cầu, quên bẵng là đã hẹn Bernie ở đó.

Sơ đồ Giáo xứ Mễ Du : Bên trái: xóm Bijacovici; phía trên : Đồi Podbrdo, nơi Đức Maria hiện ra. Bên phải: núi Krizevac, với các chặng đàng Thánh giá ngoằn ngoèo lên tới đỉnh.


     Không có tiếng chim hót nào trong đêm nay. Tôi giật mình, khi chợt nhận ra tôi là tạo vật duy nhất đang động đậy trên toàn miền cao nguyên này - không chim, không bò, không gì hết. Con đường tôi đi được chiếu sáng chỉ bằng ánh sao. Bắt đầu bước đều, tôi rút xâu chuỗi ra và bắt đầu lần hạt. Đi được một lúc, tôi nhận ra bóng ngọn núi Krizevac hiện ra lờ mờ từ xa. Tôi sẽ còn phải hành hương lên núi Krizevac để đi Đàng Thánh Giá, và tôi đã bắt đầu thấy ưa thích sâu đậm ngọn núi này, coi nó như người lính canh thân thương của ngôi làng. 
 
    Bây giờ, khi tôi nhìn vào cái bóng lờ mờ còn khó phân biệt của ngọn núi, tôi chú ý thấy một ánh sáng phát ra từ trên đỉnh. Có lẽ là một ngọn đèn hiệu cho máy bay, tôi lơ đãng nghĩ - nhưng chợt giật mình nhớ lại: không có một đèn hiệu cho máy bay nào - mà tôi đã từng thấy - lại phát ánh sáng như vậy. Đó không phải là một tia sáng, cũng không phải là ánh sáng của hỏa châu, nhưng là một thứ ánh sáng dịu nhẹ hơn nhiều.

Phải chăng W.Weible đã nhìn thấy một hiện tượng ánh sáng như thế này quanh cây thập giá trên núi ? Hình kỳ diệu này do một nhiếp ảnh gia chụp được vào lễ Phục sinh năm 1989.


 
    Khi tôi ngắm nhìn mê mệt, ánh sáng có vẻ như rung động theo một nhịp không đều, tăng lên rồi hạ xuống trong một chuyển động nhẹ nhàng. Không thể đi tiếp, tôi ngừng lại và đăm đăm nhìn, ngây ngất vì vẻ đẹp lạ lùng của nó. Và rồi từ trong tim, tôi nghe thấy những lời này: “Dành cho con đấy!” 
 
    Tôi lịm người. Một tâm tình bình an, hạnh phúc và tri ân sâu xa tràn ngập tâm hồn tôi. Hít một hơi dài và lần hạt hết sức sốt sắng như chưa từng làm, tôi bắt đầu tiến bước. Khi bước đi, mắt tôi cứ ngoái nhìn đỉnh núi: ánh sáng vẫn còn đó, khi tỏ khi mờ. Được chừng hai mươi phút, tôi bỗng lúng túng tự nghĩ: Thôi được rồi, đủ rồi, tôi đã thấy và không nghi ngờ gì hết: ánh sáng đã có ở đó. 
  

Dọc theo con đường dốc dác và đá lởm chởm từ chân núi lên tới đỉnh cao 540 mét, có 14 chặng Đàng Thánh Giá. Vậy mà hầu hết các người hành hương đều thành kính đi đàng Th.Giá ấy theo chân Chúa


    Ánh sáng còn tiếp tục mãi đến khi tôi tới Nhà thờ, và chỉ nhạt dần khi ánh bình minh bắt đầu ló ở viền chân trời phía sau đồi Podbrdo về hướng đông. Tôi phấn khởi đến nỗi khi tới chân núi và bắt đầu leo lên theo con đường mòn lởm chởm đá, tôi đã dừng lại và cầu nguyện tại mỗi chặng trong mười bốn chặng của Đàng Thánh Giá, một truyền thống tốt đẹp khác mà tôi đã khám phá khi đọc sách về Mễ Du. Lúc cầu nguyện, tôi để cho thần khí mới mẻ này của Tình Yêu Thiên Chúa đổ tràn ngập tâm hồn tôi, với công nghiệp vô cùng vĩ đại của hi lễ mà Đức Kitô đã thực hiện. 
 
    Ở trên đỉnh là một cây Thập giá khổng lồ bằng xi măng, do dân làng dựng lên năm 1933, để kỷ niệm năm thứ 1900 Đức Giêsu chịu đóng đinh. Đó là một kiến trúc thô nhám mà hùng vĩ, và khi chiêm ngưỡng nó lúc mặt trời lên dần và chiếu vào chóp Thập giá, tôi nghĩ đến khối lượng công việc khổng lồ đã đổ vào công trình này. Bởi lẽ không có con lộ nào dẫn lên đây, ngoại trừ cái lối mòn lởm chởm đá và cheo leo ấy. Mọi thứ đã phải đặt lên lưng của dân làng, đàn ông cũng như đàn bà, mà vác lên. Nó nói lên điều gì đó về lòng mộ đạo của người dân trong thung lũng này - và lý do tại sao Thiên Chúa đã chọn nơi này. 
 
    Tháo ba lô ra, tôi ngồi bệt xuống một tảng đá dưới chân Thập giá và ngắm cảnh mặt trời phủ dần lên thung lũng. Ở quê nhà bên Mỹ, tôi chưa từng bao giờ có thể ngồi yên lặng lâu như thế này, mà không làm gì hoặc ngay cả nghĩ gì. Mễ Du đã thực hiện nơi tôi những thay đổi lớn lao và bằng nhiều cách.  

Bóng trắng nhỏ bên trái Thập giá, đó là Đức Maria đến cầu nguyện mỗi sáng. Ảnh kỳ diệu này một khách hành hương đã chụp được, và nó đã làm ông ăn năn trở lại.

    Tôi cảm thấy như đang đắm mình trong ánh sáng tuyệt đẹp này, mà Đức Trinh Nữ đã ban cho tôi như một món quà đặc biệt. Tôi nhớ đã đọc trong một quyển sách về Mễ Du, Đức Mẹ nói: Người cầu nguyện với Con Chí Thánh của Người mỗi buổi sáng tại chân cây Thập Giá hùng vĩ này. 
 
    Hai tay ôm đầu gối, tôi ngồi đấy nhìn thung lũng trở mình thức giấc. Đây chắc chắn phải là ngưỡng cửa của thiên đàng. Cơn mơ màng của tôi bị cắt đứt do tiếng động của bước chân đạp trên lớp đá sỏi trên đỉnh núi. Đó là Bernie: “Ê, sao anh không đợi tôi? Tôi tưởng anh ngủ quên nên đi luôn một mình.” 
 
    - “Xin lỗi, Bernie! Cảnh bình minh hớp hồn tôi, nên tôi quên bẵng anh!” 
 
    Tôi lấy ra từ cái ba lô một thứ mà nay đã trở thành món ăn thích nhất - và nhiều khi duy nhất - của tôi tại Mễ Du: một loại bánh mì ngon lành, mộc mạc như làm ở nhà. Tôi cũng đem theo chút nước trái cây, và đề nghị chia sẻ bữa điểm tâm dã chiến này với anh. Bernie cao, gầy, lớn tuổi hơn tôi, và là một vận động viên môn chạy. Anh đã đến Mễ Du nhiều lần, và thường hay leo núi Krizevac. 
 
    Khi ăn, tôi định chia sẻ cảm nghiệm của tôi với anh, nhưng một cách dè dặt, thói quen cũ của nghề nghiệp nhà báo khiến tôi khó lòng cởi mở hoàn toàn: “Bernie, lúc nãy, khi anh đi, anh có thấy ánh sáng ở trên cao này không?” 
 
    - “Không, tại sao?” 
 
    - “Bởi vì, ừ... tôi thấy...” 
 
    Kể lại cho anh nghe những gì đã xảy ra, tôi bất chợt phải kềm lại mối xúc cảm đang chực dâng lên, khi tất cả những điều đó cùng ùa về trong trí tôi. Bernie mỉm cười nói: “Đó là một ơn đặc biệt đấy. Trước kia, tôi có nghe nói về vụ này. Thường thường, khi một người dân trong làng thấy ánh sáng ấy, anh ta bèn bắt đầu đi từng nhà để kể lại.” 
 
    Mắt tôi đẫm lệ, tôi xin kiếu và đi sang mé bên kia của ngọn núi. Tôi không cầu nguyện một cách có ý thức; tôi chỉ như đang mang trái tim mình nhốt thẳng vào thiên đàng. 
 
    Sau một hồi, không biết bao lâu - có thể là vài giờ - Maureen tìm thấy tôi, khi cô ấy và cả nhóm leo lên núi sau Thánh Lễ tiếng Anh. 
 
    - “Nó thế nào?” cô cười tươi rói, hỏi. 
 
    - “Cái gì?” tôi nhìn lên, giật mình. 
 
    - “Cảnh mặt trời mọc ấy! Đẹp không?” 
 
    - “Đẹp”, tôi gật đầu, “Nhưng tôi còn thấy một cái khác đẹp hơn nhiều”, và tôi kể cho cô ấy nghe về ánh sáng. “Nghe này, Maureen, tôi xin lỗi, nhưng bây giờ tôi phải đi xuống. Tôi cần ở một mình. Hẹn gặp lại ở Nhà thờ lát nữa.” 
 
    Cô gật đầu: “Tôi hiểu.” Tôi rời đỉnh núi và thong thả tìm đường đi xuống. Có một điều mà bây giờ tôi biết rất rõ: tôi sẽ viết một quyển sách về Mễ Du. Tôi đã luôn luôn cảm thấy một ngày nào đó, tôi sẽ viết một quyển sách, nhưng đề tài và thời gian chính xác khi nào trong đời tôi sẽ bắt đầu, tôi hoàn toàn không biết. Giờ đây tôi đã biết rõ. 
 
    Con đường từ chân núi đến Nhà thờ Thánh Giacôbê nay đã thành một lối mòn đi vòng qua một vườn nho, rồi qua một nghĩa địa cổ xưa nằm dưới lùm cây bách hương, cách mặt sau Nhà thờ khoảng nửa cây số. Khi tôi đến, ở đó không có một ai và hoàn toàn yên lặng, kể cả một làn gió nhẹ lay động những ngọn cây xanh cao vút. Một tia nắng mặt trời chiếu vào một bụi huệ trắng trồng dưới chân một tấm bia mộ cổ xưa. Tôi dừng lại, bất động trong bóng râm lốm đốm nắng, hòa mình vào cái tĩnh mịch của nơi vĩnh cửu ấy. 
 
    Rồi, từ nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn, tôi tạ ơn Chúa đã đưa tôi đến chốn này, tạ ơn Chúa đã trao nhiệm vụ cho tôi và tạ ơn Chúa cho hết mọi sự. 
 

    ---o0o---