Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


 “Các con hãy phó thác hoàn toàn cho Ngài - để rồi các con sẽ hiểu được và sẽ cháy lửa tình yêu Thiên Chúa...”

    Chương 14

    VỀ TỔ ẤM

    Khi máy bay của chúng tôi tăng tốc xuôi theo đường băng của sân bay Dubrovnik, sáng sớm ngày thứ sáu, tôi vẫn không ngớt suy nghĩ về sự biến đổi của nhóm chúng tôi từ khi đến đây tám ngày trước. Mễ Du đã ảnh hưởng sâu đậm trên mỗi cá nhân cũng như trên tập thể cả đoàn chúng tôi. Chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm phi thường này, và sự chia sẻ ấy đã tạo nên một mối liên kết sẽ tồn tại suốt một đời người. 
 
    Tôi đã có một hiểu biết mới về việc thế nào là một người hành hương, ấy là chia sẻ kinh nghiệm và cảm tưởng của mình với những người khác - vốn đến từ mọi khuynh hướng và hoàn cảnh xã hội khác nhau, và được sắp xếp sống cùng bạn trong một khoảng thời gian. Theo mặt tự nhiên, chúng tôi có thể đã không bao giờ thành bạn bè - nhưng chúng ta không ở trên mặt tự nhiên mà là trên mặt siêu nhiên. Bằng cách này cách nọ, tôi biết là những tình bạn như thế sẽ luôn bền chặt, dù chúng ta không gặp nhau hằng nhiều năm. Khi đèn báo thắt lưng vào ghế trên máy bay tắt đi, từng nhóm nhỏ chúng tôi tụ tập trên lối đi, trao đổi về kế hoạch và sắp xếp những cuộc gặp gỡ khi về đến nhà. 
 
    Maureen sẽ sớm đi về một tỉnh lẻ ở biên giới Texas-Mexicô, để làm việc tại một dưỡng đường phụ sản dành cho người nghèo trong một năm. Lương bổng ở đấy rất ít - chỉ được cấp chỗ ăn ở với một ít tiền mua sắm đồ cần thiết, còn công việc thì khó nhọc và lâu giờ. Tôi rất cảm kích cái quyết định dấn thân như vậy, còn cảm kích hơn vì quyết định ấy đã có từ lâu trước khi cô biết mình sẽ đi Mễ Du, ấy là vào lúc - theo lời cô - cô là một người Công giáo không tốt lắm. Tuy vậy, cô y tá tương lai này đã yêu mến Chúa đến nỗi dâng hiến năm hành nghề đầu tiên của cô cho người nghèo. Cô đã hứa hôn, nhưng cả hai lại quyết định đợi cho đến năm công tác tình nguyện của cô hoàn tất. Cô đồng ý sẽ ghé qua Myrtle Beach với Fred, chồng chưa cưới của cô, trên đường đi Texas, để thăm Terri và tôi. 
 
    Thời gian vừa qua thật là thời gian hạnh phúc, vui vẻ cho hết cả chúng tôi - nhưng trong trí tôi vẫn còn lấn cấn một điều mà tôi biết tôi phải giải quyết, vì còn nhiều điều về cha Svet mà sơ Margaret chưa nói hết cho tôi. Tôi đã không có thời gian gặp riêng chị để biết được các chi tiết. Nhưng bây giờ, chúng tôi đang trên đường về nhà, tôi nhất định phải hỏi. Cũng may, lúc ấy có một cái ghế trống bên cạnh chị. Sau khi xin phép nói chuyện với chị một chút, tôi đi thẳng vào vấn đề: “Thưa sơ, làm sao cha Svetozar chỉ gặp tôi có mấy phút lại có thể biết chắc tôi là người sẽ giúp ông sửa bản thảo của ông? Ông có biết tôi là ai đâu?” 

    Chị nhìn tôi một lúc rồi mỉm cười: “Được rồi, để tôi nói cho anh nghe: khoảng hai tháng trước chuyến đi này, tôi có ghé thăm cha Svet tại nhà dòng của ngài ở Konjic. Cha yêu cầu tôi đọc bản thảo của ngài và tôi đã đọc. Ngài hỏi tôi nghĩ sao, tôi nói nó rất tuyệt. Nhưng ngài thấy không chắc, nên ngài hết sức mong ước tìm được một người tinh thông tiếng Anh để giúp về cú pháp và biên tập - và là một người có thể làm việc trực tiếp với ngài. Cha hỏi tôi có chịu làm việc đó không.” 
 
    Chị mỉm cười hồi tưởng: “Tôi nói với cha tôi không đủ trình độ, mà dù có đủ, tôi cũng chẳng có thời gian. Khi về đến nhà, lịch công tác của tôi đã kín mít cho đến chuyến đi Mễ Du lần sau. Thế là ngài hỏi tôi xem có biết ai có khả năng giúp Ngài. Khi tôi nói không biết, ngài rất bối rối, vì ngài cần có gấp một người giúp Ngài. Tôi đề nghị chúng tôi cầu nguyện cho việc này. Anh biết không?” chị lại mỉm cười, “Tôi rất tin vào lời cầu nguyện.” 
 
    Tôi gật đầu: “Thế sơ cầu nguyện cái gì?” 
 
    Im lặng một lát, chị nói: “Tôi cầu rằng trong cái nhóm hành hương sắp tới của Trung Tâm Hòa Bình - tức là nhóm này đây - sẽ có một nhà văn hay nhà báo người Mỹ, và chúng tôi đã có anh.” 
 
    Tôi nhìn chị sửng sốt: “Thật không thể tin được!” Tôi kêu lên, vì thấy một bước tiến nữa của hành trình thiêng liêng - mà Đức Maria yêu cầu tôi đảm trách - đã được thực hiện. Nhớ lại thời gian tôi hầu như bị ám ảnh phải đến Mễ Du vào tháng năm, mặc dù có sự phản đối kịch liệt của Terri, tôi bỗng bàng hoàng hiểu ra: “Như vậy nghĩa là tôi chắc chắn sẽ trở lại đó...” 
 
    Chị nhẹ nhàng nhắc tôi: “Đừng quên là anh còn phải vượt qua cái chướng ngại này: đi về nhà và nói chuyện với Terri.” 
 
    Tôi cụt hứng. Tôi nghĩ nếu tôi đã đến được Mễ Du vào tháng năm như một phép lạ, do lời cầu nguyện của sơ Margaret, thì việc tôi sẽ trở lại đó để làm việc với cha Svet, cũng phải được coi như là tiền định. Thế nhưng bây giờ tôi lại không chắc gì hết. “Tôi phải làm sao đây? Tôi phải trở lại thôi.” 
 
    “Làm đúng như tôi đã làm,” chị trả lời thẳng thừng theo kiểu dân New York của chị. “Hãy cầu nguyện cho việc đó đi!” 
 
    Cảm thấy hơi xấu hổ, vì sau tám ngày ở Mễ Du mà vẫn cần phải được nhắc nhở cầu nguyện, tôi cám ơn và cam đoan với chị tôi sẽ làm. 
 
    Về chỗ ngồi, tôi nhắm mắt lại, lặng lẽ cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn con trở lại - mà thật tình ngay cả nghĩ đến việc ấy, con cũng không dám - thì khi con nói với Terri chuyện đó, nếu nàng chỉ hơi phản đối một chút xíu thôi, con sẽ biết đó không phải là Ý Chúa. Con sẽ đành bỏ lửng như vậy. Lạy Chúa - tôi vội thêm vào - con xin Chúa chớ gì câu trả lời của Terri sẽ là đồng ý. Amen!” Nói thẳng ra như vậy, tôi nghĩ cũng khó chịu, nhưng thôi, cái gì đã làm là đã làm. 
 
    Chúng tôi đáp xuống sân bay Kennedy và rời máy bay - rơi vào sự hối hả của một sân bay không ngớt hoạt động, vào tiếng ồn và sự nhộn nhịp có tổ chức của thành phố New York, với bao lớp người hối hả đi đến chỗ này, chạy qua chỗ kia, qua lại khắp nơi... Chúng tôi trở lại với thế giới mà sự khác biệt làm chúng tôi choáng váng - càng choáng váng hơn khi ra đến bên ngoài, người ta đang ơi ới la hét gọi taxi và các tài xế taxi cũng đang la hét lẫn nhau. 
 
    Sau khi cả nhóm chào tạm biệt nhau và hứa giữ liên lạc, thấy còn ít phút trước khi bay tiếp về Myrtle Beach, tôi liền kiếm điện thoại để gọi cho Terri. Có quá nhiều điều để nói: trong suốt bằng ấy năm hôn nhân, đây là lần đầu tiên chúng tôi xa nhau lâu như vậy mà không thể ít nhất là gọi điện cho nhau. Tôi nóng lòng được nghe tiếng nàng! Vậy mà khi đã bấm xong số và bắt đầu nghĩ mình sẽ nói gì, tôi khựng lại. Tôi không nói được. Đặt ống nghe xuống trước khi chuông kịp reo, tôi lắc đầu. Phải chờ về đến nhà thôi. 
 
    Tôi vào phòng rửa mặt, cố gắng sao cho có vẻ chỉnh tề - và giật mình khi thấy một khuôn mặt xạm nắng đang nhìn lại tôi từ tấm gương. Mắt tôi sâu hoắm, nhưng không chỉ vì đã hơn mười tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay không ngủ, hoặc chỉ vì bị sụt cân do ăn uống thất thường. Đôi mắt ấy trông đã già đi. 
 
    Khi chuyến bay kế tiếp đáp xuống sân bay tỉnh nhà, tôi đã bay hơn mười sáu giờ - thế mà vẫn chưa kềm chế được những xúc động của mình. Bình thường, tôi luôn là người đầu tiên rời khỏi ghế và đứng sẵn ở lối đi; tối nay, tôi lại rất sung sướng nhường cho người khác đi trước. Ngồi lại đó, cố trấn tĩnh để có thể gặp lại Terri như một người trưởng thành chín chắn, tôi đã là người cuối cùng rời máy bay. 
 
    Tôi vừa qua khỏi cửa phi trường đã thấy nàng đứng đó, đẹp tuyệt trần! Có một vẻ kinh ngạc trên nét mặt nàng khi thoạt nhìn thấy tôi - nhưng rồi nàng mỉm cười và giơ tay ra. Ngay giây phút tôi ở trong vòng tay ấy, nước mắt tôi tuôn trào, không thể kềm hãm. Sự sum họp gia đình cộng với tác động sâu xa của tám ngày sống nơi ngôi làng nhỏ bé, thánh thiện ấy, đối với tôi là quá sức chịu đựng. 
 
    Terri ôm chặt tôi, hỏi đi hỏi lại: “Chuyện gì vậy anh?” Tôi không trả lời được, nhưng cuối cùng cố kềm chế nói: “Em đi lấy xe đi, anh cần về nhà ngay.” 
 
    Chúng tôi ngồi bên nhau im lặng. Khi lái xe đến cổng nhà, lòng tôi mừng rộn rã được về nhà - nhưng vẫn cảm thấy sự khao khát trở lại Mễ Du rất dữ dội ấy. Và, bây giờ, bao nhiêu dồn nén về tâm lý, thể lý, bải hoải thần kinh bắt đầu ập đến, và tôi ngã gục trên đi văng. 
 
    Terri hỏi: “Anh có cần gì không?” Tôi chỉ lắc đầu. Nàng đến trước mặt tôi, chăm chú dò xét: “Anh trông khủng khiếp quá,” nàng nói với một nụ cười, “nhưng có vẻ khoẻ. Em không thể tưởng được anh sụt ký đến thế.” 
 
    Nàng tiếp tục kể những chuyện linh tinh, còn tôi cũng cố gắng thỉnh thoảng mỉm cười và trả lời. Rồi quyết định cứ kể hết ra cho nàng nghe, tôi bắt đầu nói về những gì đã xảy ra và ảnh hưởng của chúng trên tôi. Tôi đã phải dừng lại nhiều lần, không thể tiếp tục được. 
 
    Chúng tôi nói chuyện trong hai tiếng đồng hồ - nhưng chỉ đá động sơ sơ trên mặt thôi. Cuối cùng, khoảng 11 giờ đêm, tôi đi ngủ. Dù thức suốt gần hai ngày, thế mà bây giờ tôi cũng chỉ ngủ được khoảng bốn tiếng. Tôi đứng dậy, đi vào phòng khách và cầu nguyện, rồi ra ngoài đi bách bộ một lát dưới trời đêm ấm áp. Tôi thèm khát lời kinh, tiếng hát của ngôn ngữ Croát đẹp đẽ mà tôi quen nghe mỗi buổi chiều. Tám ngày ở Mễ Du, giờ đây như cả một cuộc đời đối với tôi, và tôi nhớ quay quắt ngôi làng với người dân ở đó. 
 
    Cuối cùng, tôi cố đi ngủ trở lại, và đánh một giấc cho đến khi bọn trẻ ùa vào và bắt đầu nhảy loi choi trên mình tôi. Tôi thấy khoẻ khoắn hẳn. 
 
    Chúng hét om xòm: “Ba ơi, ba ngủ lâu rồi, dậy đi!” 
 
    Chúng tôi đùa nghịch ầm ĩ với nhau một hồi, rồi tôi xua chúng ra ngoài, đi tắm, cạo râu và thay quần áo. Suốt ngày hôm đó, tôi không làm được gì mấy; chỉ biết mở vali và lấy các thứ trong đó ra. Nhưng chúng tôi nói chuyện với nhau mỗi khi một ít và ôm hôn nhau rất nhiều. 
 
    Ngày hôm sau là Chúa nhật, và là ngày đi Nhà thờ. Tôi bắt đầu sửa soạn chỉnh tề, nhưng rồi ngừng lại, bảo Terri là tôi đi không tiện. Tôi chưa sẵn sàng gặp mọi người, nhất là các mục sư của chúng tôi. Tôi nhớ lại sự cự tuyệt, sự từ chối chấp nhận bất cứ điều gì ngoài đường lối đức tin của Hội Thánh Tin Lành Lutêrô. Theo họ, những vụ hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc nằm ngoài giáo lý của họ. Thế mà tôi đã đến đấy. Đối với tôi, tính xác thực của Mễ Du không còn là vấn đề nữa: tôi tin đó là một biến cố quan trọng nhất đang xảy ra trong thế giới ngày nay. 
 
    Terri nài nỉ: “Đi đi anh! Anh sẽ không sao đâu.” 
 
    Cũng may là khi chúng tôi vừa lái xe vào bãi đậu xe Nhà thờ, thì có một anh bạn nhận ra tôi. Anh chào tôi, tay bắt mặt mừng vì được gặp lại tôi, rồi thêm: “Trời ơi, tôi dám cá là anh rất sung sướng được trở về nước Mỹ ngon lành này!” 
 
    Tôi trừng mắt nhìn anh, cười khó hiểu, không nói gì. Tôi không sung sướng trở về nước Mỹ ngon lành này. Tôi chỉ muốn đi ngay lúc ấy, nhảy lên chuyến bay đầu tiên tôi gặp để đến Nam Tư. Terri trấn an anh ta là tôi không sao, chỉ vì hiện đang bị bần thần khó chịu do ngồi lâu trên máy bay. 
 
    Bước ra khỏi xe, tôi nói nhỏ với Terri là chúng tôi phải về nhà ngay, tôi không muốn vào Nhà thờ. Nhưng nàng cứ nắm chặt cánh tay tôi và bảo mọi sự sẽ êm xuôi. 
 
    Thế là chúng tôi đi vào Nhà thờ, người này người kia hỏi tôi về chuyến đi, tôi chỉ mỉm cười, nói mọi sự đều tốt đẹp, v.v... để cố giữ bình tĩnh. Terri cứ lẽo đẽo theo sau, khỏa lấp hậu quả gây ra bởi thái độ kỳ lạ của tôi và xin lỗi mọi người. 
 
    Chúng tôi ngồi ở ghế cuối Nhà thờ, và thêm lần nữa, tôi lại thấy yêu thích Lễ nghi Phụng Vụ̣ của Hội Thánh Tin Lành Lutêrô quá chừng - một lễ nghi rất gần với Thánh Lễ bên Công giáo hơn tôi tưởng -, nhưng không gì có thể so sánh với Nhà thờ Thánh Giacôbê - niềm hân hoan, lời kinh vang rền của tín hữu, tiếng hát làm sôi động tâm hồn. Tôi chỉ biết nhắm mắt lại và tưởng tượng như mình vẫn ở Mễ Du. 
 
    Lúc ra về, mục sư Wingard chào hỏi chúng tôi nồng hậu tại cửa Nhà thờ, thế là tôi lại bị xúc động. Đã từng thấy ông đôi khi xúc động đến rơi lệ tại bục giảng, tôi biết ông sẽ hiểu. Tôi chỉ nói với ông rằng: đó là một chuyến đi hành hương rất sâu sắc, và tôi muốn ngồi lại với ông để nói về chuyến đi ấy, vào một ngày rất gần đây. 
 
    Ông nói: “Tuyệt quá! Tôi mong mau đến ngày ấy.” 
 
    Sự việc đã xảy ra tốt đẹp hơn tôi ngờ. Nhưng tôi vẫn thích về nhà để được một mình với những hoài niệm của tôi. 
 
    Qua ngày sau, sự buồn ngủ do thay đổi múi giờ quả nhiên ập đến. Ngay cả khi đi vào phòng làm việc, tôi cũng không muốn ráng, nhưng cứ ngủ gà ngủ gật bất cứ lúc nào đến cơn - mà cái lúc ấy lại có vẻ như đúng vào lúc tôi muốn lảng tránh. Nhiều lần trong ngày hôm ấy, tôi nói với Terri là có chuyện quan trọng cần bàn với nàng; nhưng rồi tôi lại ngủ thiếp đi. Cuối cùng, vào khoảng 10 giờ 30 tối ấy, tôi xin nàng tắt tivi, chúng tôi cần nói chuyện với nhau. 
 
    Cố gắng kềm giữ cảm xúc, tôi kể cho nàng nghe về việc gặp cha Svet và tôi đưa cho nàng quyển sách đầu tiên của cha mà trước kia nàng đã đọc. Tôi kết luận: “Còn lâu anh mới tin nổi là ông đã xin anh trở lại đó mười ngày hoặc vài tuần, để giúp ông làm cho xong quyển sách kế tiếp.” 
 
    Không nhìn tôi, cũng không nói gì, nàng bắt đầu lật từng trang của quyển sách màu xanh. Tôi ngồi đó, khốn khổ - ba mươi giây - bốn mươi giây... 
 
    Rồi nàng nhìn lên, cười nhẹ: “À, nếu Đức Maria muốn anh trở lại và làm việc đó, em nghĩ em phải đồng ý thôi. Nhưng anh coi anh đang bịp ai đấy? Không chỉ là mười ngày, nhưng phải hơn ba tuần.” 
 
    Tôi không thể tin được điều tôi vừa nghe. Tôi chồm qua ôm siết nàng vào lòng và nói tôi yêu nàng quá chừng. Terri lắc đầu, cười nói: “Này, em không biết mình có đang bị lừa hay không đấy? Nhưng...” 
 
    Tôi ngắt lời nàng: “Terri, em không bị lừa đâu! Nếu em muốn đổi ý...” 
 
    Nàng thở dài: “Không, không, em hiểu. Bao giờ anh phải trở lại Mễ Du?” 
 
    Tôi đáp, cố không lộ vẻ mừng rỡ: “Giữa tháng sáu.” 
 
    Chúng tôi còn nói về chuyện ấy thêm một giờ nữa, và khi sắp sửa đi ngủ, nàng nói: “Anh biết không, em không mảy may hiểu tại sao em lại đồng ý về việc này. Thật là kỳ cục!” Nhưng nhìn thấy nét mặt lo âu của tôi, nàng tiếp: “Đừng lo, coi như chuyện anh phải làm thôi!” 
 
    Tôi đi ngủ, đầy tràn hạnh phúc. 

    ---o0o---