Bà Là Ai?

BÀ LÀ AI ?

CHỨNG TỪ TRUNG THỰC VÀ ĐẦY XÚC ĐỘNG
CỦA MỘT KÝ GIẢ TIN LÀNH VỀ ĐỨC MẸ

Chuyển ngữ từ cuốn “MEDJUGORJE, THE MESSAGE” của Wayne Weible
Paraclete Press, Orleans, Massachussets, 22nd Printing, 1996.

[BBTMạng lưới Khơi Nguồn (Khoi-Nguon.com) xin chân thành cám ơn Linh mục Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR đã dịch ra tiếng Việt và cho phép chúng con được đăng lên mạng cho mọi người được hưởng ân huệ của Chúa. Xin Chúa trả công bội hậu cho cha.


  “Mẹ yêu tất cả các con... ngay cả khi các con sống lìa xa Mẹ và Con Mẹ...”

Chương 19 

NHỮNG LÚC NGHI NAN

    Tôi không có cách nào để thoát ra khỏi biển người đang đứng dưới chân thang. Bây giờ, người ta cứ xô lấn tới phía trước, để sáp lại với Marija và Jacov gần chừng nào hay chừng đó, và cố sức để chạm được vào họ khi họ ra khỏi phòng (nơi Đức Mẹ vừa hiện ra) để đi dự lễ. Tôi chen qua giữa đám đông để thoát ra, mong sao tìm được một chỗ yên tĩnh và kín đáo - bất kỳ chỗ nào. 
 
    Nhưng tôi bị trệch đường; vừa mới thoát khỏi đám đông thì gia đình Thompson, Tanya và nhiều bạn khác xấn đến tôi. Buổi hiện ra như thế nào? Người nói cái gì? Anh có thấy gì không? 
 
    Điều mà tôi không muốn làm một chút nào vào lúc này là nói chuyện với bất cứ ai - kể cả mấy người bạn thân. Nhưng tôi làm sao từ chối họ được? Tôi cứ lắp bắp trong miệng: “Đó là - tôi cảm thấy - đó là một cảm giác tuyệt vời nhất của sự bình an và tình yêu trọn hảo mà tôi chưa từng biết đến.” Tanya, mắt sáng rực, ôm hôn tôi. Sau cùng, tôi nói: “Này các bạn, tôi xin lỗi, tôi cần ở một mình vài phút - tôi hi vọng các bạn thông cảm.” Họ đều đồng ý. 
 
    Tôi vội vàng rút lui về phía lùm cây ngay sau lưng Nhà thờ, và tìm ra được một bãi cỏ, từ đó tôi có thể ngắm được cây Thập giá trên núi Krizevac. Thật là tuyệt! Ngồi xuống cỏ, tôi đăm đăm nhìn lên cây Thập giá. Chính xác thì tôi đã cảm thấy như thế nào, khi có mặt vào lúc Đức Trinh Nữ Hồng Phúc hiện ra với Marija và Jacov? Có một điều là tôi đã không thể chụp hình hoặc ghi nhận các chi tiết theo cách khách quan được - cả hai điều này tôi đã hi vọng làm được cho cuốn sách của tôi. Thay vào đó, tôi được cảm nghiệm riêng cá nhân về một tình yêu cao cả và một sự bình an sâu xa. Về mặt thể lý, tôi đã cảm thấy một hơi ấm bao phủ tôi, nhưng như thế thôi - không có ánh chớp chói lòa ngoạn mục hoặc âm thanh du dương nào. 
 
    Theo một nghĩa nào đó, đây là một sứ điệp khác, cũng mạnh mẽ như sứ điệp thứ nhất mà tôi đã nhận được từ Đức Trinh Nữ Diễm Phúc. Tuy lần này không có tiếng nói, nhưng cũng là cùng một ý thức rằng Thiên Chúa đã chọn tôi cho một ân huệ rất đặc biệt. Tôi không rõ những người khác ở trong phòng cũng có những cảm tưởng tương tự hay không. 
 
    Điều thú vị nhất về toàn bộ kinh nghiệm này, đó là một nhận thức đột ngột không thể giải thích được, rằng sự hiện diện của tôi ở đó, trong căn phòng đó, thực sự không khác gì hơn nếu tôi đã ở trong đám đông bên ngoài Nhà xứ, hoặc chỉ đơn giản có mặt tại Mễ Du. Lời chúc lành hoặc ân huệ đặc biệt đều được ban cho mọi người đang hiện diện, bất kể chỗ nào. Tôi mỉm cười khi nghĩ về điều đó; lại thêm một bài học nữa về sự đơn giản của lòng tin. 
 
    Hối hả quay về Nhà thờ, tôi đến đúng vào phần cuối Lễ và các kinh nguyện tiếp theo sau. Sơ Margaret thấy tôi và bảo đảm với tôi mọi sự đều được thu xếp để tôi được ở tại căn nhà mà sơ đang trọ, nhưng chỉ một đêm thôi. Còn thời gian sau đó, tôi phải ở chỗ khác. 
 
    Sáng hôm sau, tôi vội vàng thay quần áo, bỏ điểm tâm, đi thẳng tới Nhà thờ, vì nhóm Trung Tâm Hòa Bình sẽ lên xe đi Dubrovnik ngay sau Thánh Lễ sớm. Tôi muốn có mặt ở đấy khi cha Svet từ Konjic đến để giao bản thảo của ông cho sơ Margaret, rồi tôi có thể bố trí công việc cho những ngày tới tôi còn ở đây. Tôi hi vọng vẫn còn cơ hội đi Konjic như đã định từ đầu. Thánh Lễ bế mạc lúc hơn 8 giờ sáng. Trong số những người mới đến hành hương lần đầu đang bước ra khỏi Nhà thờ, trong ánh sáng ban mai, tôi thấy lộ ra trên nét mặt họ cũng một nỗi buồn bã, chần chừ vì sắp phải ra đi mà tôi đã kinh nghiệm một tháng trước đây. Nhưng lần này, tôi chưa cảm thấy điều đó, lần này thì chưa. Tôi nhìn đồng hồ. Cha Svet đâu? 
 
    Nhìn lướt qua đầu người lô nhô, tôi không thấy chiếc xe Volkswagen nhỏ của cha đằng sau Nhà xứ. À, bây giờ tôi đã quen với cái lối hẹn giờ của ông; chắc chắn, trước sau gì ông cũng đến. 
 
    Lúc 8 giờ 30, nhóm Trung Tâm Hòa Bình khởi sự lên xe. Vẫn không thấy cha Svet. Tôi nói với sơ Margaret: “Này sơ Margaret, chị cứ đi trước, nếu cha đến, tôi sẽ nhảy lên xe, sẽ bắt kịp chị tại khách sạn ở Dubrovnik và sẽ giao lại bản thảo cho chị. Rồi tôi trở lại đây, hi vọng sẽ làm việc với cha một tuần.” Chị cười đồng ý, rồi họ lên đường. 
 
    Tôi đợi. Nửa tiếng qua đi, rồi một tiếng - rồi lại một tiếng rưỡi - và tôi bắt đầu sợ. Nhớ lại mấy lời nghiêm trọng ông nói với tôi, rằng chúng tôi sẽ không đi Konjic vì “không thuận lợi vào lúc này” - bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. 
  

Là công chúa con cháu các hoàng đế Von Habsburg nước Đức thời Trung cổ, Milona đến Mễ Du năm 1984, và được ơn ăn năn trở lại. Sau đó cô ở lại Mễ Du 11 năm và phục vụ Đức Mẹ bằng cách làm thông dịch viên cho cha Slavko. Trong hình : Cô đến làm chứng ở Irvine, Hoa Kỳ, năm 2002.

    Đến trưa, tôi đã quá thất vọng. Tôi vào Nhà thờ để tìm Kathleen. Cô ấy biết người phụ tá cha Slavko là Milona, và hi vọng cô này sẽ gọi điện đi Konjic để xem có việc gì xảy ra. Kathleen đang ngồi trong Nhà thờ ở phía trước trên chiếc ghế dài để dọc theo tường. Tôi chen vào ngồi ở ghế trước mặt cô và hỏi nhỏ: “Này Kathleen, cô giúp tôi với, tôi cần lắm! Cô làm ơn nói với Milona gọi điện về Konjic xem có gì xảy ra cho cha Svet không. Ông muốn gặp tôi tại đây lúc 8 giờ sáng nay, và...” 
 
    Cô bình thản nhìn tôi, mỉm cười: “Bình tĩnh nào, anh Wayne! Tại sao anh thất vọng như vậy? Anh biết tính ngài rồi. Mọi sự rồi sẽ ổn thôi. Đừng lo !” 
 
    Tôi đăm đăm nhìn Kathleen: “Cô nói gì? Cô bảo đừng lo hả? Chuyện nghiêm trọng quá mà!” Tôi thêm vào, quên là phải nói nhỏ trong Nhà thờ: “Tôi cần gặp ông!” 
 
    Cô vẫn điềm tĩnh: “Anh Wayne, anh đang ở Mễ Du, và anh đang làm việc với cha Svet. Hãy trông cậy Chúa, Người sẽ liệu cho.” 
 
    Tôi gắt gỏng đáp lại: “Rõ ràng là cô chẳng hiểu chuyện này quan trọng như thế nào!” rồi tôi đứng dậy, ra khỏi Nhà thờ. 
 
    Không biết làm gì khác, suốt ba tiếng đồng hồ sau đó, tôi lang thang ở khu Nhà thờ và Nhà xứ, vẫn hi vọng cha Svet sẽ xuất hiện. Chiều ấy, tôi cứ rảo bước như người không hồn, cũng chẳng cầu nguyện gì hết. Chuyện gì đã xảy ra? Ơ, tôi đang làm cái gì ở đây? Tại sao tôi lại bỏ gia đình, vợ con thân yêu mà tôi thương nhớ, để vượt bảy tám ngàn cây số đến với cái thôn làng xa xôi bụi bặm này? Tại sao tôi lại để cho hàng ngàn người vây quanh xô đẩy mà vẫn lẻ loi một mình, vẫn nhớ nhà thế này? Tức khắc, tôi không còn là một phần của Mễ Du nữa. Tôi chẳng quen biết ai trong đám người này... 
 
    Tôi bước tới, ngồi trên bờ tường thấp xây dọc theo khoảng sân trống ở phía đông Nhà thờ. Hơn bao giờ hết, tôi hiểu ý nghĩa câu nói đã ám ảnh ông Môisen ngày xưa: “một người lạ nơi đất khách...” 
 
    Tôi chao đảo. Chuyện gì đã xảy ra cho lòng tin của tôi? Cho cái nhìn về ơn gọi của tôi? Cho sứ mạng đã đưa tôi đến đây? Cách đây chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, tôi được có mặt trong căn phòng hiện ra, với sự hiện diện của Đức Maria. Sự bình an có được từ kinh nghiệm ấy đã rời bỏ tôi hẳn rồi. Những gì tôi trông thấy bây giờ là bụi mù, là đám đông những người hành hương chen lấn, xô đẩy, là cánh cửa sổ bể nát bên hông Nhà thờ và là rác rến khắp nơi. “Đó mới là thực tế”, một giọng nói cứng rắn cất lên trong tôi, “đã đến lúc ngươi phải đối mặt với nó.” 
 
    Đúng vậy, tôi đã tự lừa dối mình hằng mấy tháng trời, thêu dệt một câu chuyện thần tiên, lãng mạn. Sao tôi lại có thể ngu ngốc đến thế? Tôi lắc đầu và quyết định về phòng sửa soạn hành lý. Vé máy bay của tôi ghi tôi sẽ đi sáng thứ ba tới, nhưng tôi chỉ cần đến văn phòng hãng hàng không Pan Am tại Dubrovnik xin sửa lại ngày về thôi. 
 
    Tôi cảm thấy một bàn tay đặt nhẹ trên vai. Đó là cha Pervan. Ông trao cho tôi một phong bì và mỉm cười nói: “Anh Wayne, cái này do cha Svet gởi.” 
 
    - “Do cha Svet? Bằng cách nào? Bao giờ?” 
 
    - “Hôm nay, vì không đến đây được, nên ngài nhờ người đưa đến.” - “Cám ơn, cám ơn cha rất nhiều.” 
 
    Ông gật đầu rồi đi. Tôi xé phong bì. Bên trong có một tràng hạt đen rất đẹp với mấy dòng chữ: 
 
        “Wayne, người anh em của tôi! Tôi không đến được vì những lý do khó giải thích. Tôi đã thu xếp để gởi bản thảo sang Mỹ cho anh, nên anh đừng lo gì về chuyện đó. Bây giờ anh rảnh rồi, vì tôi không thể trở lại Mễ Du trước cuối tuần sau. 
        Chúng ta sẽ liên lạc nhau. Đang khi đó, hãy ở lại và thưởng thức Mễ Du cho đến ngày anh phải đi. Sau đó, hãy về nhà và hưởng hạnh phúc gia đình bên vợ con anh. 
        Xin Thiên Chúa ở cùng anh và gia đình anh. 
        Svet” 

 
    Bỗng nhiên, tôi cảm thấy lòng mình như trút được một khối nặng. Ngay giữa đám đông ồn ào, nhốn nháo - một lần nữa - tôi lại trở nên một thành phần của cảm nghiệm Mễ Du. Tôi vừa mừng lại vừa hổ thẹn. Sao tôi có thể quay lưng đi như thế? Sao tôi lại có thể nghi ngờ - và để cho nỗi lo sợ che khuất không chỉ mục đích của chuyến đi, mà còn cả Mễ Du, cả ơn gọi của tôi, cả mọi thứ? Sao tôi có thể đánh mất những điều đó cách dễ dàng đến thế? 
 
    Lúc ấy, tôi đã học được một bài học ghi nhớ suốt đời: Đừng bao giờ tin vào những cảm xúc hơn vào những sự chắc thật của lòng tin. Cảm xúc thường dối trá, chúng có thể lừa được bạn, làm bạn nghi ngờ đủ thứ, ngay cả lòng tin của bạn. Satan thường dùng cảm xúc để tách ta ra khỏi Thiên Chúa. 
 
    Đâu là thuốc giải độc? Cầu nguyện! Đó chính là điều lẽ ra tôi đã phải làm khi tôi lang thang trong hoài nghi. Thế mà tôi đã không làm. Thay vào đó, cứ tưởng tượng ra đủ chuyện bi thảm dông dài – đáng lẽ tôi nên chiến đấu mà tìm đường về với thực tại của Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện.
 
    Từ bây giờ trở đi, tôi sẽ nỗ lực “cầu nguyện không ngừng”, như lời Đức Trinh Nữ Diễm Phúc yêu cầu chúng ta trong hầu hết các sứ điệp của Người. Và điều đó không có nghĩa là liên tục cầu kinh bằng môi miệng cách máy móc; nhưng là sống thực với lời cầu nguyện, không ngừng. Bằng cách sống trong Chúa, hãy để cho cuộc sống các bạn trở thành lời cầu nguyện. Các bạn không thể bị tách rời khỏi Thiên Chúa, nếu các bạn không tự lìa xa Người. Người là thực tại chứ không phải là những hoài nghi, sợ hãi và lo âu của thế gian. Tôi đã chọn một thực tại sai lầm. 
 
    Chỉ một bài học này cũng đủ làm cho chuyến du hành của tôi đáng giá - tôi nghĩ như thế, khi đứng lên đi thẳng về Nhà thờ. Tôi ngước nhìn và thấy Kathleen đang đi về phía Nhà xứ. Tôi liền đến với cô ấy, ôm hôn cô, lắc đầu và nói: “Cám ơn”. 
 
    Cô ngạc nhiên hỏi: “Về cái gì?” 
 
    Tôi mỉm cười: “Chẳng về gì cả. Tôi chỉ cám ơn cô, vậy thôi.” 
 
    Vừa bước lên bậc cấp, tôi vừa nghĩ không có cách nào để diễn tả bằng lời tất cả những điều đã xảy ra. Kathleen có được sự bình an nội tâm không thể lay chuyển mà tôi thèm khát, một sự bình an mà ta không đánh mất trong khi gặp khủng hoảng. Những gì cô đã nói với tôi trong Nhà thờ - hãy bình tĩnh, đừng lo, mọi sự rồi sẽ ổn - lúc đó, tôi coi là điên khùng, là một biểu lộ nữa của nét đồng bóng nơi cô. Nhưng nó đã đúng tuyệt đối. Và bây giờ, tôi có trọn một kỳ cuối tuần chỉ để thư giãn và tận hưởng Mễ Du. 
 
    Sáng thứ bảy, tôi lần theo lối mòn đến với đỉnh núi Krizevac và cây Thập giá kỳ diệu - là nơi tôi thích nhất tại Mễ Du, và là nơi tốt nhất để tôi cầu nguyện cho đến nay. Dừng lại trong chốc lát trước mỗi chặng của 14 chặng đường Thánh giá, tôi tạ ơn Thiên Chúa một lần nữa, về đặc ân được tham dự vào tất cả những sự kiện này. Tôi cũng xin Chúa tha thứ vì những nghi ngờ tôi đã ngã phạm vào chiều hôm trước. 
 
    Đỉnh núi vắng người, chỉ trừ một phụ nữ đang chìm đắm trong nguyện ngắm. Sau khi kiếm được chỗ ngồi trên một tảng đá bằng phẳng, tôi bị giật mình vì một giọng rất phấn khởi: “Chào anh!” Tôi đáp lại lời chào của bà ấy và bắt đầu trao đổi các thông tin thông thường. Bà ấy tên Francesca Lovatelli, từ Ý đến, đã tới Mễ Du nhiều lần. Khi nói chuyện với bà về lý do đến đây, tôi chợt nhắc đến việc tôi cần một chỗ trọ cho vài đêm nữa. Rồi cũng như bao nhiêu sự “trùng hợp ngẫu nhiên” khác đã xảy ra quá thường xuyên ở nơi thánh thiêng này, hóa ra bà đang trọ ở một gia đình hiện có một phòng còn để trống, đúng ngay lúc tôi cần đến. Thế là Chúa đã giải quyết vấn đề nhà trọ cho tôi. 
 
    Bây giờ, chỉ còn giải quyết vé máy bay thôi. Tôi phải bay sáng thứ ba, nhưng muốn đến Dubrovnik sớm vào thứ hai, để yên chí là mọi việc đều êm xuôi. Lại còn cái bóng đen của cảnh sát đang tìm kiếm tôi vẫn còn lảng vảng đâu đây, mà tôi lại không muốn liều mạng. Tuy vậy, trong thời gian này, một lần nữa, tôi lại tận hưởng từng giây phút ở lại đây, từng bữa ăn, từng cuộc gặp gỡ. Tanya ở lại với tôi gần cả ngày Chúa nhật, và tối đó, chúng tôi chia tay thật là cảm động, chan hòa nước mắt. Tôi bảo đảm với Tanya tôi sẽ trở lại vào cuối năm để hoàn thành quyển sách, và sẽ biên thư cho em ấy biết khi nào. 
 
    Sáng thứ hai, tôi thức dậy lúc 3 giờ 30 phút, hầu như một thói quen của tôi ở Mễ Du. Tôi đã chất đồ đoàn lên xe và chia tay Francesca cùng với gia đình người chủ trọ từ tối hôm qua, nên ban ngày tôi rảnh rang. Tôi vui mừng vì đã giải quyết đâu vào đấy mọi việc. 
 
    Con đường đến Dubrovnik rất ngoạn mục, và tôi muốn được thong thả ngắm cảnh. Nhưng tôi sực nhớ ra chuyến bay thường nhật đi New York chỉ cất cánh vào lúc 7 giờ sáng. Nếu tôi đến đó sớm và trả xe xong, tôi có thể lấy chuyến bay hôm nay, thay vì ngày mai. Với hình ảnh vợ con hiện đầy trong trí, tôi lên đường trước bình minh đi tới Dubrovnik, nhanh hơn rất nhiều so với dự tính. 
 
    Trước khi tôi tới bờ biển, trời đã bắt đầu mưa - nhẹ nhàng từng hạt vào lúc đầu, sau đó trở thành cơn mưa phùn dầy đặc. Tôi cóc cần biết, mưa đến mấy cũng không làm cùn được ý chí của tôi. Tôi đang về nhà đây! 
 
    Tôi đến phi trường lúc hơn 6 giờ, đậu xe rồi chạy vội vào trong tìm quầy vé. Nhưng - không có quầy vé của hãng Pan Am, cũng chẳng có người nào đổi vé cho tôi. Tôi được báo là phải đi lui về Dubrovnik, tới văn phòng Pan Am ở gần khu phố cổ. Đi tới đó mất khoảng 20 cây số - không mong gì chạy tới rồi chạy lui mà kịp giờ. Với tiếng thở dài, tôi vẫn lái xe đi; may ra máy bay đến trễ... Tôi chẳng để ý là mưa đã nặng hạt hơn, đường càng trơn trợt hơn. 
 
    Lẽ ra, tôi không nên có ý nghĩ trở về nhà sớm một ngày, nhưng lúc ấy, tâm trí tôi chỉ có thể nghĩ đến chuyện ấy thôi. Tôi không thể nhẫn nại đợi thêm trọn một ngày nữa mới được thấy vợ con. Tôi liếc nhìn lên, thấy có một chiếc xe ngừng lại ở giữa đường, ngay trước mặt tôi... 
 
    Tôi đạp thắng - quá mạnh: hai bánh xe phía sau trượt, và bỗng nhiên, xe mất điều khiển lạng qua lạng lại, lao tới thẳng xe trước. Tôi kêu lên: “Ôi, Chúa ôi! Không, không!” Lúc ấy, chỉ có điều này xẹt qua trong trí tôi: hoặc tôi sẽ chết tại đây, ở xứ Nam Tư này, hoặc tôi sẽ tông bể nát chiếc xe này, rồi cảnh sát sẽ phát hiện là chính quyền ở Citluk đang tầm nã tôi. 
 
    Trong cơn thất vọng, tôi bẻ mạnh tay lái, và làm cho chiếc xe xoay tít - một, hai, ba lần... Tôi thét lên: “Lạy Chúa Giêsu, xin cứu con! Xin cứu con!” Cuối cùng, bánh xe sau chợt đụng phải lề đường, giật nẩy lên, chiếc xe liền đứng khựng lại. Chết máy và im lặng. Tôi chỉ còn nghe tiếng lách cách đều đặn của hai cây gạt nước trên mặt kính trước của xe. Nhìn qua mặt kính trước, tôi chẳng thấy bóng dáng của chiếc xe đã chặn đường tôi. Ngó quanh, tôi mới thấy là tôi đang dừng cách trạm xe buýt khoảng 30 mét, nơi người ta đang đứng chờ xe - và đang chòng chọc nhìn tôi. Có ai đến để xem tôi có hề hấn gì không? Không, họ chỉ nhìn chòng chọc vào tôi. Tôi đã trở lại với thế giới thực một lần nữa. 
 
    Tôi bắt đầu run rẩy. Tôi bước ra khỏi xe và đi một vòng quanh xe quan sát. Không một vết trầy xước, nhưng phía sau xe, trên mặt đường là những vệt bánh xe ngoằn nghoèo in trên khắp mặt đường, trông như những sợi mì ống đen sì - và rất gần với đoạn đường đèo không có rào cản. Tôi thầm thì: “Con tạ ơn Chúa!” Chắc chắn đã có thiên thần canh phòng hai bên xe tôi. 
 
    Tôi ngồi vào xe, thử bật công tắc thì xe liền nổ máy. Cẩn thận, tôi lái xe đến khu phố cổ và tìm văn phòng hãng hàng không Pan Am. Đi chuyến bay hôm nay thì quá muộn rồi, nhưng tôi xác nhận với họ sẽ đi chuyến sáng mai. Sau đó, tôi tìm được một khách sạn và cả ngày đó chỉ chờ cho đến hôm sau. 
 
    Sáng thứ ba, khi chiếc phi cơ phản lực khổng lồ cất cánh rời khỏi Dubrovnik, tôi mới thở ra nhẹ nhõm. Bỏ lại phía sau mọi lo lắng về cảnh sát, rồi họ sẽ sớm quên tôi thôi. Còn Tanya - tôi cầu nguyện cho em tìm được sức mạnh thiêng liêng, để được bình phục hoàn toàn và sống hữu ích. Có một điều tôi rất chắc chắn: khi rời khỏi Mễ Du lần này, tôi biết tôi sẽ trở lại. 
 

---o0o---