Công Giáo Khắp Nơi
Một vị giáo sư thần học Tin Lành sùng kính Mẹ Maria

Giáo sư Ed Sylvest giảng dạy môn lịch sử Giáo Hội trong suốt 38 năm tại đại học „Perkins School of theology, Southern Methodist University“ thuộc Dallas, USA. Ông là giáo sư Tin Lành duy nhất nghiên cứu sâu xa về Thánh Mẫu học. Đồng thời ông cũng là người quan tâm đặc biệt đến công cuộc đối thoại liên tôn.
Là con trai của một vị Mục Sư Tin Lành, Ed đã hằng ngày được nghe nói về Chúa và về các vấn đề tôn giáo ngay từ khi còn bé thơ. Nhưng ông đã thành thật thú nhận: „Các bài giảng của cha tôi, ở trong gia đình cũng như ở nhà thờ, tôi nghe từ tai này lại lọt ra ngoài khỏi tai kia.“ Trong thời gian còn học ở đại học, Ed chỉ muốn nghiên cứu và tìm hiểu vấn đề đức tin thuần tuý về phương diện tri thức mà thôi, chứ ít quan tâm tới vấn đề sống và thực hành đức tin. Và kết quả tai hại của cách thức tìm hiểu đức tin như thế là một điều không thể tránh, anh nói: „do đó, tôi đã dần dà xa rời đức tin.“

Nhưng một ngày kia, Ed cảm thấy như có một sức mạnh nội tâm thôi thúc, anh đã chạy vượt qua Campus để đến trung tâm sinh viên Methodist ở Wesley. Anh nói: „Đó là ngày tôi làm hòa lại với Giáo Hội. Tôi cảm thấy Chúa kêu gọi tôi.“

Sau khi tốt nghiệp đại học, Ed được lãnh nhận sứ vụ Mục Sư và được bổ nhiệm làm mục vụ tại Baton Rouge. Nhưng rồi Mục Sự Ed Sylvest cảm thấy mình có khuynh hướng về giáo dục hơn là làm mục vụ tại xứ đạo. Vì thế, vị Giám Mục Tin Lành của ông đã gửi ông trở lại trường cao học để dọn luận án tiến sĩ.

Tuy là một Mục Sư Tin Lành, nhưng cuộc đời thánh thiện của thánh Phanxicô Khó Khăn đã gây một ảnh hưởng vô cùng sâu đậm trong tâm hồn ông. Vì thế, giáo sư Ed Sylvest đã quyết định bằng mọi giá phải đi hành hương kính viếng mộ thánh Phanxicô tại Assisi, Ý. Và ông tâm sự: „Khi tôi đã có mặt tại Âu châu, tôi lại nảy sinh ước muốn đi hành hương Fatima. Thú thật, lúc bấy giờ tôi cũng không biết nguyên nhân tại sao. Tôi chỉ biết rõ một điều là có một sức mạnh nội tâm vô hình nào đó thúc đẩy tôi phải đi Fatima.“

Giáo sư Ed Sylvest giải thích: „Vào thập niên 60 của thế kỷ vừa qua, trong khi tôi còn là một nhà khoa học trẻ đang dọn luận án tiến sĩ, tôi được mời tham dự đại hội được tổ chức cho những nông dân người Méc-xi-cô. Tại đây, các tín hữu Công Giáo có lòng tôn sùng Đức Mẹ Guadalupe một cách hết sức đặc biệt. Hầu như ở khắp mọi nơi đều có sự hiện diện của Đức Mẹ Guadalupe. Vì thế, tôi đâm ra tò mò và đã bắt đầu tìm hiểu vai trò quan trọng của Mẹ Maria. Rồi từ chỗ ước ao tìm hiểu, tôi đã dần dà thay đổi chính mình và đã được Đức Mẹ cảm hóa tự đáy lòng. Qua sự tiếp cận với Đức Mẹ, tôi cảm thấy lòng mình luôn an bình và nhờ thế tôi đã có được can đảm nói cho các sinh viên của tôi về Mẹ Maria. Tôi xác tín rằng, chíng Mẹ Maria đã hướng dẫn tôi. Tôi cảm nhận được một cách chắc chắn rằng Mẹ Maria đang hiện diện bên tôi. Vì thế, tôi đã bắt đầu kể lại cho mọi người nghe một cách rất tự nhiên những gì đã xảy tới cho tôi. Khi kể những điều ấy, tôi cảm thấy lòng mình rất xúc động, đến nỗi tôi đã không thể cầm được nước mắt. Và trong khi tôi nói chuyện với các sinh viên như thế tôi luôn tránh không nhìn thẳng vào họ. Sau đó, khi tôi đã nói xong, tôi đưa mắt liếc nhìn khắp cả giảng phòng đại học, tôi thấy các sinh viên, nếu không muốn nói là hầu như tất cả sinh viên, đều khóc.“

Kể từ đó trở đi, giáo sư Ed Sylvest đã phụ trách chuyên đề „Mẹ Maria trong truyền thống Kitô Giáo“ tại đại học. Và ông đã vui vẻ mỉm cười thêm: „Tôi là giáo sư duy nhất phụ trách một đề tài như thế tại một đại học Tin Lành.“ Nhất là ông đã tâm sự: „Trong suốt cả năm, tôi đã khám phá ra được một điều quan trọng này là những người tự dâng hiến mình cho Mẹ Maria, họ đều có được một sự tương quan sâu xa với Con Mẹ. Đó chính là sự trải nghiệm của tôi. Và tôi luôn hết lòng tạ ơn Đức Mẹ về điều ấy.“

 
Lm Nguyễn Hữu Thy

(Trích trong Nguyệt San „Betendes Gottes Volk“, 2012/2, số 250, trang 6)