Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Dẫn Nhập

Tự do nội tại của con người

Dạo gần đây, tôi quan tâm đặc biệt đến vấn đề tự do nội tại. Lời Kinh Thánh nói về việc Chúa Kitô giải thoát chúng ta trong thư thánh Phao-lô gởi tín hữu thành Ga-lat (Gl 5:1) mang một ý nghĩa mới đối với tôi. Vấn đề này cũng là vấn đề trọng tâm của triết lý Hy Lạp, như bản năng, nó gắn liền không tách rời được với khái niệm về cuộc sống. Vì thế trong Tân Ước, tự do Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta là câu trả lời cho khát nguyện của người Hy Lạp. Các tác giả Tân Ước thường dùng các khái niệm về tự do đã được triển khai trong triết lý của phái khắc kỷ. Tìm hiểu triết lý này, tôi ngừng lại ở câu nói sau của triết gia Epictète: chỉ có chính mình mới làm thương tổn mình. Tôi ngạc nhiên hết sức khi khám phá ra các Giáo Phụ trong Giáo Hội thường hay dùng câu này. Thánh Jean Chrysostome còn viết một bài có nhan đề: “Không ai có thể làm mình tổn thương, chỉ có mình làm tổn thương mình” (Quod qui seipsum non lae dit, nemo laedere possit). Đọc bài này, tôi ngạc nhiên thấy ông chọn đề tài này để biên khảo dựa trên các câu trích của triết gia Épictète liên hệ đến Thánh Kinh. Rất tiếc tài liệu này không có bằng tiếng Đức, nó chỉ có trong tiếng Hy Lạp và tiếng La Tinh trong ấn bản của Migne in từ năm 1770.

Bài viết kích động của thánh Jean Chrysostome

Bài viết của giám mục thành Constantinople viết từ những năm 400 đã làm tôi thích đến độ tôi dịch ra các đoạn chính để dùng. Dạo gần đây, trong các buổi hướng dẫn thiêng liêng do tôi hướng dẫn, tôi hay dùng lời nói kích động này để nói chuyện. Thời gian đầu, tôi hay phản ứng chống cự. Khái niệm được coi như quá đơn giản. Họ nói có quá nhiều đau khổ đến từ bên ngoài mà gần như chúng ta tuyệt đối chẳng thể nào tránh được. Có người nghĩ rằng, suy nghĩ như vậy làm họ nghĩ họ có trách nhiệm với tất cả những gì không tốt nơi họ. Nhưng, sau thời gian đầu bực tức phẫn nộ, rất nhiều người thấy có một cái gì đúng nơi lời khẳng định này. Xem lại các đau khổ của mình, họ thấy đúng là một phần cũng do họ. Có một bà còn nói với tôi, từ kinh nghiệm riêng của bà, bà có thể viết cả một quyển tiểu thuyết về đề tài này. Đó là vấn đề thường ngày của bà.

Một câu châm ngôn xem như một luật tuyệt đối thì lúc nào nghe cũng chướng tai. Vì thế tôi muốn nói ngay, ý kiến này của thánh Jean Chrysostome không thể áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Chẳng hạn, chúng ta không thể nào tránh các tổn thương mình phải chịu hồi còn nhỏ. Lúc đó, chúng ta không có một khả năng nào để thoát ra. Ngược lại, bây giờ, nếu có tự do, hoặc cứ muốn nhớ mãi các vết thương đó để đau khổ hoặc, ngược lại, tôi phải làm lành với nó để giải thoát mình. Đương nhiên cần phải có thời gian để tách rời khỏi các tổn thương này, thời gian dài ngắn thì tùy mỗi người. Trong tâm lý trị liệu, đôi khi có những trường hợp rất quan trọng cần phải khơi lại các giai đoạn cam go trong quá khứ – một cách có ý thức – để người bệnh thỏa lòng nói lên nổi khổ tâm của họ mà trước đây họ muốn quên quá nhanh. Chỉ lúc đó người ta mới có thể tách ra được. Nhưng ngày nay người ta có khuynh hướng chống lại việc khơi dậy vết thương. Trtiết gia người Pháp Pascal Bruckner đã mô tả khuynh hướng này dưới ngòi bút báo động trong bài viết Tôi đau khổ là tôi sống.

Chống lại khuynh hướng – mà ngày nay rất phổ biến – thích ngồi ghế nạn nhân – Giáo Phụ Chrysostome đưa ra một chủ đề đối ngược hoàn toàn, cho rằng “không một nạn nhân nào là nạn nhân của người kia, mỗi người biết phần số riêng của chính mình”. Triết gia Bruckner nêu lên cho thấy có những lối ứng xử thái quá đưa đến cách suy nghĩ thích làm nạn nhân, làm cho người ta nghĩ lời nói của giám mục ở thế kỷ thứ tư này như một quả bom. Chẳng hạn, ở thời buổi này, hút thuốc lá nhiều bị ung thư phổi lại đi kiện hãng thuốc lá lấy lý do hãng thuốc không thông báo cho công chúng biết hút thuốc lá nhiều có thể ung thư và họ thắng kiện; nếu một người khác muốn sấy khô lông chó, họ để con chó vào lò vi ba, rồi kiện hãng chế tạo không nêu chỉ dẫn rõ; những việc như vậy làm chúng ta có thể hiểu được khuynh hướng thích làm nạn nhân đã làm cho con người ấu trỉ đến mức như thế nào. Tự cho mình nạn nhân có nghĩa là mình hoàn toàn không có lỗi và gán lỗi này lên người khác. Đứng trước lối suy nghĩ này, thì cũng nên suy nghĩ lại lời nói của Giáo Phụ Chrysostome để không thấy nó đi ngược đời. Đúng vậy, đó không phải là những ý tưởng giúp mình tiến tới đàng trước. Ngược lại, phải quan tâm đến đương sự trong những gì cụ thể họ làm trong cuộc sốngï, đến những đau khổ của họ, giúp họ suy nghĩ một cách sáng tạo để tìm giải pháp giải quyết vấn đề.

Phân tích sâu xa theo phái khắc kỷ, chỉ có mình làm khổ mình, ít nhất cũng làm cho mình đặt lại vấn đề lúc nào mình cũng nghĩ mình khổ và tất cả đều chán nản. Phân tích này sẽ làm chúng ta coi lại cách nhìn vấn đề. Đương nhiên, chủ đề của Giáo Phụ không bắt chúng ta phải chối bỏ hoặc bình thường hóa cái đau khổ của mình. Tôn trọng khía cạnh đau khổ của con người là một thái độ kitô. Điều quan trọng đối với tôi trong chủ đề này là thánh Chrysostome và các Giáo Phụ của Giáo Hội thường xem con đường thiêng liêng cũng là một phương pháp trị liệu, là tiến trình để chúng ta phân tích cuộc đời và các tổn thương của chúng ta một cách trưởng thành. Mục đích của tiến trình thiêng liêng này là chữa lành và giải phóng cho con người. Chúa Kitô là người tự do, Người không để cho lực đau khổ của thế giới bên ngoài tác động, người chỉ tuân theo lệnh của Chúa Cha. Ai được Chúa đánh động, được sinh ra bởi Chúa thì người đó thật sự tự do. Đó là sứ điệp căn bản của Thánh Kinh mà những người kitô đầu tiên đã chứng nghiệm. Đó là kinh nghiệm tự do nội tại mà quyển sách này muốn đề cập đến.

Con đường thần bí, con đường tự do

Đối với Giáo Hội nguyên thủy, tiến trình đi tìm Chúa với một tinh thần phóng khoáng luôn luôn là một con đường mang đến nhiều tự do nhất. Đối với tôi, con đường thần bí là con đường đích thật dẫn đến tự do. Cũng vì lý do này, tôi muốn đề cập đến một vài khía cạnh của con đường này theo Tân Ước. Trên con đường thần bí, trước hết chúng ta sẽ gặp sự thật của chính mình. Và chỉ có sự thật mới làm cho chúng ta tự do. Trên con đường này, chúng ta sẽ thấy được phức hệ trong đó chúng ta bị giam hãm, các cách nhìn sai vấn đề làm cho thực tế bị bóp méo, và vì những lý do này mà chúng ta đau khổ. Càng nên một với Chúa, chúng ta càng có tự do. Tất cả chúng ta, ai cũng ước nguyện tự do. Tự do đích thực không phải là giải thoát khỏi ách chế ngự từ bên ngoài nhưng chính là ách thống trị từ bên trong, tự do đối diện với quyền lực thế gian, tự do đứng trước sức mạnh của người khác, tự do đối với các áp lực bên trong cũng như bên ngoài. Bởi vì đối với tôi, con đường thần bí là con đường dẫn đến tự do, tôi sẽ trình bày ba đoạn mô tả con đường này trong Tân Ước. Đó là thư thánh Phao-lô gởi ông Ti-tô; thư thứ nhất và thứ thứ hai của thánh Phê-rô. Đối với nhiều nhà chú giải, các bản văn về sau này không còn mang tính chất đích thực của Thánh Kinh. Chúng đáng nghi ngờ nhất là đối với vài tác giả tin lành. Theo họ, đây là giáo hội kitô sơ khai và họ lấy làm tiếc sứ điệp của thánh Phao-lô - mà họ xem là nòng cốt của Tân Ước không còn được giữ nguyên bản.

Nhưng những năm gần đây, tôi mở mắt ra và hiểu rõ những bản văn này hơn, thấy chúng thật quan trọng cho đối thoại giữa các tôn giáo và cho cuộc đối diện với các con đường thiêng liêng khác. Quả đúng vậy, ở đây, người ta thử tìm hiểu sứ điệp của Chúa Giêsu qua liên hệ với tinh thần triết lý Hy Lạp. Môi trường Hy Lạp thấm nhuần triết lý Hy Lạp, ngộ đạo, một phong trào rất phổ biến trong môi trường khao khát tri ngộ, đặc biệt qua việc tôn sùng huyền nhiệm mang một vài nét của việc thờ phượng của phương đông. Vì thế những bản văn xuất hiện về sau này có thể chỉ cho chúng ta một con đường để hình thành một ngôn ngữ thích hợp và hiểu một cách mới hơn sứ điệp của Chúa Giêsu, để có thể đối thoại với con đường thiêng liêng đông phương.

Khoa tâm lý chuyển bản vị và con đường thần bí

Trong vòng ba mươi năm gần đây, khoa tâm lý chuyển bản vị cách đặc biệt chú ý đến phương cách thiền của phương đông cũng như khía cạnh huyền nhiệm kitô, qua đó, họ khám phá một con đường trị liệu. Vì thế tôi muốn triển khai ở đây khái niệm tự do trong sứ điệp kitô như bài giảng của thánh Jean Chrysostome và trong các đoạn Thánh Kinh tôi trích dẫn, để nó trong tương quan đối thoại với khoa tâm lý chuyển bản vị. Phải thấy một cách rõ ràng trong suốt tự do là một khía cạnh thiết yếu của sứ điệp kitô và con đường thiêng liêng đích thực rốt cùng phải dẫn đến tự do nội tại. Lúc đó sống kết hiệp với Chúa và sống tự do nội tại mới được nối kết với nhau chặt chẽ từ bên trong.

--- o0o ---