Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Phần I:

Không ai bị người khác làm thương tổn bằng chính mình làm thương tổn mình

  1. Bài viết của thánh Jean Chrysostome
  2. Đức tin, con đường của tự do
  3. Tự làm khổ mình
  4. Các nhân vật tự do trong Thánh Kinh
  5. Các người trẻ trong lò lửa
  6. Ông Giuse ở Ai Cập
  7. Ông Gióp
  8. Căn nhà xây trên đá

9) Bài viết của thánh Jean Chrysostome

Thánh Jean Chrysostome sinh vào khoảng năm 344 đến 354 trong một gia đình quý tộc ở Antioche. Ông được ông Libanius, một nhà hùng biện lương dân nổi tiếng vào thời đó đào tạo. Khi đã lớn tuổi ông mới rửa tội, ông sống hai năm trong nhà tu nhưng vì sức khỏe kém, ông phải về Antioche. Ông chịu chức linh mục năm 386, trong vòng mười hai năm, ông giữ nhiệm vụ giảng ở nhà thờ chính tòa, ông nổi tiếng nhanh chóng nhờ những bài giảng sống động. Năm 397, ông là giám mục thành Constantinople, thường xuyên tranh cãi với hàng giáo sĩ và giới chính trị làm ông bị đi đày. Ông được xem như người rao giảng hay nhất của Giáo Hội Hy Lạp, vì vậy đến thế kỷ thứ VI, ông có biệt danh là Chrysostome có nghĩa là cái miệng vàng. Ngoai các bài bình giảng Thánh Kinh, Chrysostome còn để lại một vài bài khảo luận. Bài khảo luận có câu “không ai làm mình tổn thương nếu không phải là mình” được xem như một bài viết đem lại trợ lực tinh thần rất mạnh.

Trong bài khảo luận, Jean Chrysostome muốn chứng minh “không một nạn nhân nào là nạn nhân của người khác nhưng họ đau khổ vì số phận dành cho họ”. Ông xây dựng luận chứng của ông dựa trên sự kiện người ta chỉ có thể tạo thiệt hại cho người khác khi chạm đến tâm điểm con người họ, đức hạnh họ. Trước hết, ông đưa ví dụ sắt bị hư vì rỉ rét, đàn cừu vì chó sói, vải len vì mối mọt. Con người sai khi nghĩ rằng bệnh tật, chết chóc, nghèo khổ, mất quyền lực, bị khinh chê có thể làm tổn thương họ. Người có sức mạnh đích thực là người suy nghĩ đúng thế nào là cuộc sống và thích ứng một cách trung thực vào cuộc sống. Ai có nhận thức đúng về thục tế sẽ không bị bất cứ một tác hại nào bên ngoài đụng đến họ. Thánh Chrysostome nói rõ: ‘Sức mạnh của con người là gì? Không phải là tiền bạc để phải sợ nghèo. Không phải tự do để phải sợ làm nô lệ: đó là sự chăm sóc để có được một cái nhìn đúng thế nào là cuộc sống và sự ngay thẳng để theo đó mà sống”. Ông đưa ra tấm gương ông Gióp, bị mất của cải, bị bệnh tật nhưng vững mạnh và công chính, thoát ra khỏi hoàn cảnh bần cùng của tai ương bên ngoài mà không bị thiệt hại, vì lòng tin vào Chúa của ông giúp ông nhận chân sự việc, giá trị thật của những của cải bên ngoài. Như thế không những ông được danh tiếng vì đức hạnh mà còn được tự do rất lớn, ông vững mạnh hơn sau khi bị thử thách.

Jean Chrysostome đưa ra một ví dụ khác theo chiều hướng ngược lại, đó là ông A-Dong. Có thể nói Chúa làm tổn thương ông khi đuổi ông ra khỏi thiên đàng nhưng không phải Chúa làm tổn thương ông nhưng chính sự dại dột, sự thiếu tiết độ, thiếu cẩn trọng của ông đã làm thương tổn ông. Ông Gióp mất hết của cải nhưng lại không bị tổn hại. A-Dong cũng có thể không bị đau khổ nếu chính ông không làm cho ông đau khổ vì tính nhẹ dạ và hèn nhát của ông. Rồi thánh Chrysostome nêu lên ví dụ của các thánh tông đồ: đói, khát, trần truồng không làm họ lung lay. Nhưng chính trong nghèo khó bần cùng và khó khăn họ gặp đã làm họ nổi tiếng và họ sống cao cả như chứng nhân của một cuộc sống được Chúa trợ giúp.

Kinh nghiệm của ông La-da-rô cũng vậy, ông không bị bệnh tật và nghèo đói làm ngã lòng nhưng chính qua bệnh tật và nghèo đói mà cuộc sống ông được vinh danh.

Ông Giu-se thời Ai Cập cũng vậy: hận thù của anh em, lời vu khống của vợ ông Phô-ti-pha, bị tù đày không thể nào làm hại được ông.

Sau đó, thánh Chrysostome đưa ra lời khuyên: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng” (G 1: 21). Và ông thêm lời của thánh Phao-lô: “Chúng ta không mang gì vào trần gian thì cũng chẳng mang gì ra được”. (1Tm 6: 7). Người ta nói xấu về mình và lăng nhục mình, vậy thì mình phải nhớ những lời này: “ Khốn cho các ngươi khi được người ta ca tụng”. (Lc 6: 26). Và : Phúc thay cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại” (Mt 5: 11). Bị đi đày sao? Con không nghĩ là con không có tổ quốc ở đây sao, con phải xem như con là khách lạ ở quả đất này. Con bị bệnh năng sao? Vậy thì con lặp lại lời của thánh Phao-lô: “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới.” (2Cr 4: 16).

Thánh Jean Chrysostome rút từ tất cả ví dụ trên câu kết luận như sau: “Như thế thì nếu quyền lực hay sỉ nhục, lưu đày hay bệnh tật, tra tấn và ngay cải cái tệ nhất trong tất cả cái tệ là cái chết cũng không thể làm cho mình đau buồn mà lại còn có ích cho mình thì làm sao – chỉ cho tôi biết – ai lại có thể làm thương tổn mình – nếu không phải là những điều như trên làm thương tổn? Tôi muốn chứng minh ngược lại: rằng đa số những người bị thương tổn và cảm thấy mình bất hạnh là đều do chính họ làm cho họ”. Đến đây, nhà hùng biện nêu ví dụ của ông Ca-in, người đã hủy hoại phần lớn đời mình; ví dụ của vợ ông Hê-rô-đê, người đòi cái đầu của Gio-an, ví dụ của anh em ông Giu-se. Tất cả những người này khi làm khổ người khác đã tự làm khổ mình. Và ông lặp lại điệp khúc này hoài: “Người bị thương tổn không phải vì người khác làm cho họ mà chính họ làm cho họ”. Rồi ông nhắc đến thánh Phao-lô, người bị bao nhiêu tai họa: tù đày, đắm tàu, đói khát. “ Tôi vui mừng được chịu đau khổ cùng anh em” (Cl 1: 24) và : “Chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân.” (Rm 5: 3).

Rồi thánh Chrysostome đi trở lại để khảo luận đề tài được ông ưa thích: giàu có, giàu có làm hại tâm hồn nhiều hơn là làm tốt cho tâm hồn. Ai tích trử của cải thì gậy ông đập lưng ông, chuẩn bị để chịu một khổ hình không thể nào chịu đựng nổi. Rồi Chrysostome nhắc lại các nhân vật trong Sách Thánh, từ A-Dong đến Chúa Kitô và chứng minh “nếu mình không tự làm thương tổn mình thì không một ai có thể làm mình thương tổn, dù cho cả thế giới có nhào vào tấn công thô bạo đi nữa. Để biện minh cho chủ đề của mình, ông đưa ra ví dụ ngôi nhà xây trên đá và ngôi nhà xây trên cát. Giông bão, lũ lụt không thể nào làm hại ngôi nhà xây trên đá. Ai xây ngôi nhà nội tâm của mình trên hòn đá tảng là Chúa Kitô thì không nao núng trước bất cứ một tấn công nào. Ngược lại, vì u minh, vì nhẹ dạ, vì biến chất, ai xây nhà trên cát thì chính mình sẽ bị thiệt hại. không phải bão tố làm sụp nhưng chính sự bất cẩn của mình. Và Chrysostome lại kết luận: “Ai không tự mình làm thương tổn mình thì những gì họ chịu đựng sẽ làm cho họ mạnh hơn. Còn ai tự mình làm thương tổn mình thì sẽ đau khổ, sẽ suy sụp, sẽ tàn lụi dù cho chẳng có ai làm thương tổn họ.”

Câu chuyện ba em bé trong lò lửa của sách Tiên Tri Đa-ni-en là gương cho thấy không ai có thể làm thương tổn mình ngoài mình. Xa cha mẹ, nghèo đói, cô đơn, xa các lễ vật hàng ngày ở Đền Thờ, xa các bài hát thánh vịnh cũng không thể nào làm thiệt hại các em. Ngược lại, điều đó càng làm cho các em được vinh dự còn hơn có tất cả của cải quốc gia. Ở một xứ xa lạ, bị vứt vào lò lửa, chúng hát ca ngợi Chúa mà bài hát vẫn còn lưu truyền đến ngày hôm nay và vẫn còn ngân vang mãi, làm cho Chrysostome nhắc lại: “Ai không tự mình làm thương tổn mình thì không thể nào nào bị thương tổn vì người khác. Tôi sẽ lặp lại câu này mãi mãi.” Tù đày, mất tổ quốc, bị thiêu đốt, bị chết không thể nào làm cho ba đứa trẻ nao núng “cái gì có thể làm thương tổn được người có được minh triết và cẩn trọng? Không có gì hết, dù cho cả thế giới này có quay lại chống họ. bởi vì Thiên Chúa ở bên cạnh họ và không để họ bị lửa táp. Như thế phải lấy câu này làm gia sản của bạn: nếu bạn dâng lên Chúa tất cả những gì bạn phải làm, bạn sẽ thấy Chúa giúp đỡ bạn”. Jean Chrysostome không những ngạc nhiên vì thấy ba đứa bé thắng được ngọn lửa mà còn ngạc nhiên thấy các em làm chứng cho sự thật và vẫn giữ một ý nghĩ đúng về sự việc các em bị vứt vào lửa. Vì thế các em nhận triều thiên vì lòng xác quyết trước khi bị vứt vào lửa. Với một lòng tin tưởng lớn lao, một tự do vô biên, các em nói với vua: “Chúng tôi không cần trả lời ngài về chuyện này. Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi, thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng, chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài dựng đâu.” (Đn 3: 16-18)

Những lời nói này đã chứng tỏ các em là người thắng cuộc. Ý nghĩ đúng của các em về sự việc đã giải phóng các em khỏi quyền lực của ngọn lửa. Có trong tay câu chuyện của ba đứa bé, Jean Chrysostome hỏi độc giả: “Bạn nói gì về chuyện này? Bạn bị đày, bị đuổi khỏi xứ? Nhìn đi, họ cũng vậy. Bạn bị tù, bị quân man rợ hành hạ? Họ cũng vậy. Bạn không có ai đến giúp, không có ai cứu, không ai an ủi? Họ cũng vậy. Bạn bị gông cùng? Bạn bị thiêu? Bạn bị chết? Bạn không thể nào thấy cái gì tệ hơn như vậy. Nhìn đi: họ cũng bị tra tấn và cuối cùng, họ thoát ra khỏi hoàn cảnh một cách cao cả, huy hoàng và họ được Chúa thưởng.”

Rồi nhà hùng biện kết thúc bài khảo luận: “Như đã nói lúc đầu, tôi muốn kết thúc bài khảo luận này cũng như vậy: Khi người nào bị thuệt hại, bị thương tổn thì chính họ làm cho họ khổ chứ không phải người khác dù cho những người làm thương tổn họ, đối xứ bất công với họ có nhiều đi chăng nữa. Bởi vì tất cả cư dân trên quả đất này sẽ không cách nào làm thương tổn đến người cẩn trọng, chuyên chú một lòng với Chúa, trừ ra chính họ làm thương tổn họ. Như vậy chúng ta phải luôn cẩn trọng trong tất cả mọi sự, chịu đựng tất cả cay đắng với tâm hồn cao cả để có thể có được của cải vĩnh cửu và bất diệt trong Chúa Giêsu Kitô, bây giờ, mãi mãi và đời đời. Amen.”

10) Đức tin, con đường của tự do

Nếu chúng ta muốn, trong hoàn cảnh chúng ta, chúng ta cũng có thể rút tỉa lợi ích theo lời biện luận của thánh Chrysostome dù điều này cón hơi mới lạ đối với chúng ta, quan trọng đối với tôi là phải nhận thức và xem đức tin như con đường dẫn tới tự do nội tại. Trước hết, đức tin không phải là luân lý, là giữ các điều răn, các lề luật nhưng là một con đường tự do. Thật ngạc nhiên khi thấy với một lực tự do nội tại rất lớn, thánh Chrysostome đã xây dựng ở đây một nền giảng dạy triết học dựa trên các ví dụ trích từ Thánh Kinh và ông đã ghi chú – để ngày nay chúng ta thấy – phương cách mà tâm lý và thần học gặp nhau. Giống như các nhân vật trong Cựu Ước và Tân Ước, ai tin ở Chúa và tìm nguồn an ủi nơi Người, sẽ nhìn thế gian này một cách đúng và có một nhận thức chính xác về thục tế. Và vì vậy họ không còn làm khổ họ. Đức tin ở đây không phải trước hết chỉ tin vào những điều Giáo Hội dạy mà còn là một cái nhìn đúng về thực tế. Đức tin ở đây được mô tả như một nghệ thuật sống lành mạnh, như tài nghệ khéo léo muốn làm điều tốt và sống thuận hòa với chính mình. Ai thấy rõ thực tế, thu xếp trên dưới trật tự thuận theo bản tính tự nhiên của mình, nối kết một quan hệ tốt với chính mình thì người đó không bao giờ tự làm khổ họ, các việc bên ngoài không còn tác động trên họ.

Trong bài viết này, thánh Chrysostome mượn một vài quan điểm của triết gia Épictète phái khắc kỷ. Không nêu ra một cách trực tiếp, ông chỉ nêu ra một phần. Không sợ đối mặt, ông mượn các lời giảng dạy của vị triết gia lương dân này và liên hệ chúng với Sách Thánh. Công việc để thần học đối thoại với triết lý và tâm lý ở thời của ông cũng là công việc quan trọng của thời bây giờ. Và Chrysostome đã giúp chúng ta thấy đức tin không phải là một cái gì thuần túy thần thánh nhưng là một lối sống cụ thể, nghệ thuật có một đời sống lành mạnh, một con đường tự do mà không ai có thể lấy đi của chúng ta, bởi vì Chúa đã trao tặng cho chúng ta. Chúng ta càng tin Chúa là lẽ sống và là nguồn an ủi cho đời sống – như các nhân vật trong Thánh Kinh – thì chúng ta càng tự do đối với những gì người khác làm trên chúng ta, với sự kiện bên ngoài, với thúc đẩy muốn có hết muốn đạt hết. Tin vào Chúa dẫn chúng ta trước hết đến cái tự do tối thượng này, với đức tin này, tất cả các chuyện khác đều có chừng mực: tự do đứng trước cái chết, vì cái chết không còn làm hại chúng ta. Nếu chúng ta có đức tin, cái chết sẽ là cánh cửa mà qua cánh cửa này, chúng ta sẽ đến được đời sống thật và được tự do tuyệt đối trong Chúa.

11) Tự làm khổ mình

Chắc chắn vấn đề thánh Chrysostome quan tâm cũng là vấn đề chúng ta quan tâm: Bằng cách nào vươt qua được sự phán xét của người khác? Làm sao giải thoát để không bị lệ thuộc bởi những chuyện bên ngoài như chiếm hữu của cải, thành công, được người khác chấp nhận, được bảo đảm an toàn? Làm sao thắng được cơn sợ khi đứng trước cái chết, bệnh tật, sợ bị suy yếu, bị ruồng bỏ? Bao nhiêu là vấn đề làm cho người đời xưa cũng như người đời nay xao xuyến. Đó là vấn đề tôi thường gặp khi làm công việc hướng dẫn thiêng liêng, biết bao người tự đặt mình trong những hoàn cảnh mà họ tự làm khổ họ, họ nhiều hơn mới đầu tôi tưởng.

Tự hạ mình có thể ở dưới dạng tự phạt mình. Một bà kể cho tôi nghe bà tự phạt bằng cách giả bệnh để khỏi bị cha đánh. Như thế, người cha không thể nào phạt bà. Đối với người đàn bà này, bệnh tật là phương tiện duy nhất để tránh đòn. Nhưng đâu là cái giá để trả cho chuyện này? Bệnh của bà là sự tự hủy, giải pháp duy nhất để tránh bị người khác làm thương tổn. Khi còn nhỏ, có thể bà không có một khả năng nào để phản ứng lại, ít nhất giả bệnh cũng giúp bà sống sót. Nhưng đến khi trưởng thành, nếu bà vẫn tiếp tục dùng con đường này, thì cuối cùng bà sẽ tự làm khổ bà. Bây giờ bà đã hiểu các cơ chế bà dùng để sống còn, bà đã hiểu thế nào là một đời sống đích thực, như thế bà phải ngưng làm khổ bà. Tuy nhiên chỉ đơn giản hiểu cơ chế thôi không đủ để giải phóng ra khỏi vấn đề này. Bà phải đối diện được với cái khổ trong quá khứ, không còn lên cơn giận dữ khi nghĩ đến người cha hung bạo và bất xứng thì cách đối xử con nít của bà sẽ biến mất và bà sẽ có khả năng tổ chức lại cuộc sống. Bà sẽ học để đối diện với các mâu thuẫn và trưởng thành lên nhờ chúng. Lúc đó bà sẽ không cần đến hình thức tự hủy để thoát khỏi đau khổ. Qua những mâu thuẫn, bà sẽ mạnh lên, dần dần, bà sẽ tìm lại niềm vui trong chiến đấu, thích thú thấy mình được nâng cao, ước muốn sống được như vậy.

Có người tự làm khổ mình vì họ đặt cho mình một cái bệ quá cao trong lối sống, với những tham vọng to lớn, những lý tưởng quá cao. Nếu họ không thực hiện được tham vọng, họ bị đau: họ có cảm giác tội lỗi, tự trách mình và thường là tự hạ giá mình. Đây là trường hợp của một bà luôn luôn cảm thấy mình bị chồng xúc phạm, theo bà, ông chồng bà phải lòng các cô và chỉ chú ý đến các cô này. Ở đây thương tổn đến từ bên ngoài. Nhưng khi quan sát kỹ vấn đề, qua sự kiện bà nghi chồng, đã làm bà sống lại quá khứ đau khổ đã chịu đựng với sự giáo dục nghiêm khắc của bà mẹ mà bà không có cách nào cự lại. Một ngày, bà ý thức bà đã phóng đại tầm quan trọng các thương tổn ông chồng gieo trên bà khi cứ liên tục nghĩ chồng mình có quan hệ tình cảm với một người đan bà khác. Duy trì những ý nghĩ như vậy bà đổ bệnh. Câu chuyện không đúng với thực tế bởi người đàn ông này không gặp người đàn bà kia vì lý do tình cảm mà thảo luận về công việc, hai người cần gặp nhau để làm việc. Bà càng tưởng tượng đến cách đối xử của chồng với người đàn bà kia bà càng bị các suy nghĩ này áp đảo. Bà khổ không những do bà tưởng tượng đến quan hệ này nhưng còn do bà không tin ở mình cũng như không tin ở Chúa. Bà cảm thấy không thoải mái trong người. Bà lấy giá trị của chồng làm giá trị của bà. Bà hoàn toàn tùy thuộc vào ông và chính vì bà lệ thuộc như vậy nên ông mới có thể làm tổn thương bà, biết bà không thể nào dám xa ông.

Trong bối cảnh như vậy, trước hết đương sự cần học để có thể giải phóng nội tâm mình. Trong quan hệ với chồng, bà cần giữ một khoảng cách và phải thấy ở mình có một giá trị không đụng chạm đến được. Như thế tổn thương do người chồng gieo sẽ ít sâu đậm hơn. Ông không thể nào tấn công đến nhân phẩm cũng như hủy hoại đến điều xây dựng nên con người bà. Khi người đàn ông hiểu người đàn bà này đã có tự do, bà không sợ phải xa ông thì ông sẽ không còn làm bà khổ về thái độ lén lút của ông. Chính ông lại là người đau khổ nhiều hơn. Đúng vậy, trong trường hợp này, sự lén lút của ông sẽ tác hại trên ông: vợ ông có thể vì thế mà bỏ ông, ông sẽ ở một mình, như thế chính ông làm khổ ông và lời tấn công của ông sẽ rơi vào khoảng không. Ông không còn hà hiếp vợ, gậy ông đập lưng ông.

Thường thường chúng ta không muốn làm tổn thương người khác cũng không muốn làm người khác đau khổ, vì thế chúng ta quay về làm khổ mình. Khi người bạn gái không muốn làm trái ý người bạn trai, cô ở lại với anh thay vì nghe theo tiếng nói tình cảm của cô, tình bạn này không thể duy trì được, cô sẽ tự làm mình đau khổ. Tình bạn này cũng sẽ chẳng giúp gì hơn cho anh bạn của cô. Cô càng ỏ lại với anh, cô càng cho anh hy vọng và khi cô xa anh, anh càng đau khổ hơn. Quan trọng là phải nghe tình cảm của mình, những nhịp đập thinh lặng của quả tim. Đó cũng là nơi Chúa Thánh Thần nói chuyện với chúng ta. Thường thường khi chúng ta quan tâm giúp đỡ người khác, không muốn làm khổ họ không phải sự thật như vậy mà chúng ta làm vì sợ mất mặt, chúng ta tự tạo cho mình một hình ảnh, hình ảnh này là nguồn cội đau khổ cho mình và cho người khác.

Sự xấu chúng ta làm – như triết gia Épictète và giám mục Chrysostome cùng nói – là do chúng ta diễn giải sai thực tế. Nếu tôi nghĩ tôi chỉ có giá trị nếu tôi thi đậu thì tôi tự làm tổn thương tôi. Tôi bị áp lực và càng gần đến ngày thi tôi càng hoảng. Nếu tôi không đậu, tôi mất tin tưởng, tôi cho tôi là người bất tài, tôi không chấp nhận tôi. Hoặc tôi nghĩ dứt khoát tôi phải có chiếc xe đắt tiền để xứng đáng là chủ công ty, như thế tôi hoàn toàn tùy thuộc vào dư luận. Tôi nghĩ rằng với chiếc xe này họ sẽ phục tôi, vậy là tôi làm việc cật lực để mua cho được. Dư luận sẽ có thể không để ý đến chiếc xe của tôi. Tôi cực nhọc cũng chẳng lợi ích gì và như thế tôi chỉ làm khổ tôi. Và nếu có vài người trầm trồ khen chiếc xe thì không phải những lời trầm trồ này làm cho tôi sống được.

Tôi chạy sau lưng bản sắc của tôi, tôi đi tìm nó nơi người khác, nhưng tôi chạy trong khoảng trống không, chạy vòng vòng vì thế t sẽ không có hạnh phúc. Rất nhiều người để cho những chuyện giả tạo loại này hướng dẫn họ, họ rơi vào khoảng trống không và đầy phi lý. Họ chiến đấu cật lục để có hạnh phúc nhưng sống như thế họ chỉ đi bên lề hạnh phúc.

Triết gia Pascal Bruckner mô tả một loại tự thoái hóa tiêu biểu của thời đại này. Ông nghĩ rằng chủ nghĩa cá nhân đang thống trị xã hội ngày nay không giải phóng chúng ta, nhưng một cách kinh khủng, nó cho chúng ta thấy địa ngục của con người thời đại. “Tôi cảm thấy có tội đối với người khác, tất cả những người khác, với người tôi phải trả nợ. Tôi chết dưới sức nặng của lời buộc tội mông lung mà tôi không tài nào hình dung ra bởi vì lời buộc tội này ngắm trực tiếp vào sự việc tôi là tôi”. Rất nhiều người có cảm tưởng mình ngồi thường trực trên chiếc ghế can phạm. Đối diện với người khác, họ phải thường xuyên tự biện minh.

Một nữ tu sống với ám ảnh không ngừng, lúc nào bà cũng phải làm việc. Bà không tài nào vui hưởng cuộc đời. Bà cảm thấy mình phải chứng tỏ cho các đồng bạn thấy lúc nào mình cũng đang làm việc. Điều này làm cho bà nghĩ lúc nào bà cũng bị xét đoán vì người ta ít thấy bà bỏ thì giờ để cầu nguyện. Bà càng cảm thấy mình bị xét đoán, bà càng tưởng tượng ra bà phải biện minh. Và bà không còn cầu nguyện được bởi vì ngay cả trong khi cầu nguyện, bà cũng cảm thấy mình ngồi trên chiếc ghế can phạm. Bà phải biện minh tất cả những gì mình làm. Vì thế bà không thể nào làm bất cứ cái gì mà không lo lắng, không bao giờ bà có thể vui hưởng giây phút hiện tại.

Triết gia Bruckner diễn tả điều này như sau: “Đối với nhiều người, muốn là con người thật của mình có nghĩa là “tìm sự chấp nhận nơi người khác, tự đặt mình dưới sự cai trị khắc nghiệt của người cáo buộc mình”. Đó cũng là một loại tự thoái hóa do diễn giải sai những gì mình làm cho đời mình. Lúc nào cũng tưởng tượng mình ngồi trên chiếc ghế can phạm để làm gì cũng phải biện minh cho người này người kia.

Một ví dụ khác của hai người bạn cho thấy vì nhận thức sai thực tế mà họ làm khổ nhau. Cuộc gặp gỡ kết thúc trong hiểu lầm. Người bạn trai lạnh lùng bỏ đi, để lại cô bạn gái trong tình trạng bối rối. Trong suốt hai ngày, người này người kia nghĩ xấu về nhau và buồn bã vì nghĩ tình bạn của họ đã gãy đổ. Khi gặp lại nhau, họ ý thức nỗi khổ họ đã gây cho nhau. Họ tự tạo trong đầu một ý nghĩ cố chấp và sai về người kia nên không còn biết sự thật là họ thương nhau. Cả hai ngày, họ để hết thì giờ để đào sâu vết thương họ gây cho nhau nên càng làm cho vết thương càng sâu đậm. Họ thấy cuộc đời quá khó. Cuối cùng, không phải người bạn trai làm tổn thương cô bạn gái cũng không phải cô bạn gái làm khổ người bạn trai; mỗi người tự làm khổ mình và tự tội nghiệp mình.

Trong các vấn đề của các cặp, ý kiến chúng ta có trên người khác đóng một vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, một người đàn bà cứ cho rằng chồng mình mê cô thư ký, ý tưởng này đầu độc cuộc sống của bà. Một cô nói cho tôi biết chồng cô ghen khi cô gặp bạn gái của cô. Ông điên đầu muốn biết cô kể gì với cô bạn gái: có thể cô nói về ông, về các giới hạn, các khó khăn của ông. Ông không thể nào chịu đựng được điều này vì vợ ông ở ngoài tầm kiểm soát của ông, làm tổn thương uy quyền của ông, ông muốn người vợ là của ông. Những tư tưởng sai như thế lúc nào cũng làm mình khổ. Nếu người đàn ông này đau khổ vì vợ gặp một trong các cô bạn của bà, thì đó là vấn đề riêng của ông. Không phải người vợ làm ông đau khổ nhưng chính ông làm khổ ông vì nghĩ sai và vì tính kiêu ngạo dị hợm của ông.

Thánh Jean Chrysostome mời gọi chúng ta xem lại nhận thức của chúng ta. Trên thực tế, đa số trường hợp không phải người khác làm chúng ta khổ mà chính chúng ta làm chúng ta khổ vì nhận thức sai. Kế đó là quyết định của chúng ta, nếu người khác làm tổn thương chúng ta, hoặc chúng ta tiếp tục đau khổ bằng cách tự phạt, tự giảm giá trị mình, hoặc chúng ta tự thoát ra bằng cách nhìn thẳng vào thực tế. Chính lúc đó là lúc chúng ta có một khoảng cách đối với các thương tổn và khám phá được sự thật cuộc sống chúng ta; chúng ta sẽ tìm được bình an nội tâm, bình an không thể nào bị thương tổn vì chúng ta mang hình ảnh của Chúa trong lòng, bình an mà không một ai có thể lấy đi vì không ai có thể đụng đến nhân phẩm chúng ta.

13) Các người trẻ trong lò lửa

Và đây là ba người trẻ trong hỏa lò. Đó là những người Do Thái dòng dõi quý phái, bị đày ở Babylone. Họ được vua nuôi nấng đối xử tử tế, vua dự trù sẽ thâu dùng họ. Nhưng vì họ từ chối thờ tượng thần của vua, họ bị một số người Xa-Đốc tố cáo. Dù đứng trước mặt vua, họ vẫn giữ lập trường, họ bị trói và vứt vào lò lửa đang cháy phừng phực. “Rồi giữa ngọn lửa, họ vừa đi lại, vừa ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa” (Đn 3: 24). Một thiên thần của Chúa xuống lò lửa với họ, “đẩy ngọn lửa ra khỏi lò. Thiên sứ làm cho trung tâm lò thành nơi mát mẻ như có một làn gió nhẹ rì rào, khiến cho lửa không hề đụng tới họ và chẳng gây phiền hà đau đớn gì cho họ” (Đn 3: 49) Và cả ba người đều hát bài hát ca ngợi mà cho đến bây giờ chúng ta còn hát bài hát đó trong Giờ Phụng Vụ buổi sáng chúa nhật.

Đây không phải chỉ là sự ngạc nhiên của phép lạ trong Thánh Kinh mà ba người trẻ này được dự phần, bởi vì nếu chỉ có phép lạ thì câu chuyện không làm chúng ta quan tâm. Chrysostome đã chú giải số phận của ba người trẻ này giống như số phận của chúng ta hiện nay. Ông lấy ba người trẻ này làm ví dụ để chứng tỏ không có gì bên ngoài có thể làm thương tổn đến chúng ta dù cho đó là ngục tù, xa quê hương, cô đơn hay quyền lực. Điều đặc biệt nơi ba người trẻ này là lòng tin vào Chúa. Bởi vì họ dính chặt vào Chúa, tình trạng bất lợi không thể giết chết họ. Đối với thánh Chrysostome, không phải phép lạ là chuyện quan trọng nhưng những người trẻ này có một cái nhìn đúng về thực tế. Lòng tin vào Chúa làm cho họ nghĩ đúng, họ thiết lập được một quan hệ đúng đối với xứ sở và họ hàng. Đối với chiếm hữu của cải và tự do. Phép lạ cứu ba người này khỏi lò lửa là bằng chứng họ có một thái độ đúng với sự việc, thái độ họ có được do lòng tin. Nếu tôi bám vào Chúa thì lửa cũng không thể nào gây tổn thương cho tôi.

Chắc chắn chúng ta không bị vứt vào lửa nhưng tinh thần của ba người trẻ trong lò lửa có thể gợi cho chúng ta một tấm gương và giúp chúng ta liên tưởng tới kinh nghiệm của chúng ta. Trong giấc mộng, lửa có thể tượng trưng cho đam mê, tình yêu, dục tính, sự tấn công. Chúng ta thường hay mơ mái nhà bị cháy. Đa số trường hợp, điều đó có nghĩa tinh thần và bản năng chúng ta phối hợp với nhau rất chặt chẽ. Lửa là một cảnh báo nối ý thức à vô thức, làm tinh thần và bản năng thông hiệp với nhau. Nếu không mái nhà chúng ta cũng sẽ cháy, tinh thần chúng ta cũng sẽ bắt lửa, bừng lên một đam mê mãnh liệt, mạnh đến mức mà chúng ta không còn suy nghĩ sáng suốt được. Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy như ở trong lò lửa, người phừng phừng nóng bừng vì các đam mê của mình. Bừng bừng tình yêu cho một người mà họ không đáp trả lại. Hay một ước muốn tình dục sôi sùng sục trong người.

Hình ảnh ba người trẻ trong lò lửa chứng tỏ cho thấy lòng tin tưởng vào Chúa bảo vệ chúng ta khỏi bị ngọn lửa đam mê đốt cháy, lòng tin này sẽ làm mình thấy rõ chúng. Đam mê có thể làm cháy cảm xúc chúng ta. Nhưng lòng tin vào Chúa, con người thiêng liêng của chúng ta không thể nào bị lửa đốt. Con người thiêng liêng, cái tôi của Épictète giống như thiên thần xuống lò lửa với chúng ta. Nó làm cho lò lửa bên trong của mình mát mẻ. Giũa lò lửa rừng rực, nó là lãnh vực mà lửa không bén tới. Đó là nơi mà thiên thần trú ẩn trong lòng chúng ta, nơi mà Chúa cũng trú ẩn ở đó.

Như thế lòng tin vào Chúa là lãnh thổ nội tâm mà đam mê không bước chân đến được, hơn nữa nó làm cho chúng ta thấy rõ sự việc hơn. Nếu tôi tìm trụ chống đỡ là Chúa thì lúc đó tôi không còn tìm trụ chống đỡ nơi của cải, bám vào người khác, bám vào những thói quen cũ. Lòng tin ở Chúa có thể đem đến tự do cho tôi như ba người trẻ này đã có tự do khi đứng trước mặt vua. Ông vua không thể làm cho họ bỏ niềm tin họ đã có và cũng không thể làm tổn thương họ, xóa bản sắc của họ vì họ cắm rễ sâu chặt vào Chúa, họ vững tin ở chính họ, họ có tất cả những gì cần thiết để sống.

Có lòng tin vào Chúa có nghĩa là lúc nào cũng hòa hợp với Chúa, vui hưởng những gì Chúa cho, những gì Chúa đòi hỏi và mong chờ ở chúng ta. đối với thánh Chrysostome, lòng tin tưởng ở Chúa là có một nhận thức đúng về thực tế. Nó giải thoát mình khỏi quyền lực của các vua trần thế và những người mình nghĩ họ có quyền quyết định trên cuộc sống của mình, những người làm mình sợ vì họ là cấp trên trong công việc hoặc vì họ có địa vị cao trong xã hội. Nó làm chúng ta giải thoát khỏi những người mà chúng ta lệ thuộc vào, những người quyết định tương lai hoặc ngăn chặn đường đi của chúng ta.

14) Ông Giu-se ở Ai-Cập

Đối với thánh Jean Chrysostome, hình ảnh ông Giu-se trong Cựu Ước là một chứng minh cho chủ đề: không có gì có thể làm thương tổn mình nếu chính mình không làm mình thương tổn. Ông Giu-se suy ngẫm nhiều về các giấc mộng của mình. Ông cảm thấy hòa điệu với tiếng nói bên trong, qua tiếng nói này Chúa muốn nhắn nhủ ông. Ông không chấp nhận cách giải thích của các anh, các anh không coi trọng ông vì ông còn trẻ, họ ghét và ruồng bỏ ông vì ông không giống họ, ông lại là đứa con được người cha yêu thương. Họ muốn giết ông. Nhưng, theo lời khuyên của Rưu-vên, họ vứt ông trong cái giếng cạn và rồi bán ông cho thương buôn. Lái buôn đem ông về Ai-cập và bán cho ông Pô-ti-pha, một viên chức cao cấp của vua Pha-ra-ô. Nhưng rồi mọi sự cũng suông sẻ vì Chúa ở với ông (St 39: 2). Ông không có thành kiến với lòng ghen tương của các anh dù họ đã ném ông vào giếng, đã bán ông, ông thật sự không bị tổn thương. Ông phó mình trong tay Chúa, vì thế ông cảm thấy mình tự do khi đứng trước quyền lực đầy ác ý của các anh. Họ muốn làm hại ông nhưng trên thực tế, họ lại làm lợi cho ông. Không có ai trong các anh em lại có một tương lai sáng chói như ông.

Tuy nhiên con đường của ông Giu-se không phải là không chông gai. Vì ông làm tốt mọi việc nên chủ nhà giao cho ông quản lý cơ sở. Dưới thời ông làm việc, tài sản được gia tăng. Mọi việc thuận lợi với ông. Nhưng bà vợ ông Pô-ti-pha lại để ý đến ông và muốn ngủ với ông. Ông trung tín, không bị sa vào chước cám dỗ, ông làm theo lương tâm. Thế là bà Pô-ti-pha dựng mưu hại ông, vu khống ông muốn ngủ với bà. Ông chủ bỏ tù ông. Thêm một lần nữa, ông gặp chuyện không may. Dù ở trong tù, ông vẫn giữ một mực giữ lương tâm trong sáng. Bị tù, ông vẫn có được tự do nội tại vì ông biết ông ở trong tay Chúa. Ông đoán mộng cho bạn đồng tù, tài năng này làm ông được ra khỏi tù để đoán mộng cho vua Pha-ra-ô mà lúc đó tất cả các phù thủy và hiền sĩ toàn cõi Ai-cập không đoán ra được. Vừa giải mộng xong cho vua Pha-ra-ô, ông được vua tin dùng cai quản toàn cõi Ai-cập. Thêm một lần nữa, Chúa giải thoát ông khỏi bàn tay của những người ghen tương và bất chính. Không có gì có thể làm hại ông. Thánh Chrysostome nói: ngược lại, người khác càng muốn làm hại ông thì ông càng được danh dự.

Câu chuyện quá đẹp khó có trong thực tế nhưng trong cuộc sống chúng ta, thỉnh thoảng cũng có những ví dụ giống như vậy. Đôi khi gặp chuyện không may nhưng nếu chúng ta biết nương tựa vào Chúa, thì Chúa sẽ làm thay đổi đời sống chúng ta. Và bỗng chúng ta thấy có một ý nghĩa nào đó trong chuyện bất hạnh, bất công xảy đến với chúng ta. Cơn khủng hoảng làm chúng ta bước những bước đi tới trong đời sống nội tâm cũng như trong đời sống bên ngoài. Một bạn đồng tu chín mươi chín tuổi kể cho tôi nghe ông đã bị khổ sở như thế nào khi bị Đức quốc xã lên án ông có hành vi vô luân trên các người trẻ. Nhưng lòng tin của cha Viện Trưởng và cộng đoàn đã nâng đỡ ông trong thời gian ông ở trong tù và ông nói với tôi, khi ra khỏi thử thách này, ông cảm thấy mạnh hơn và trưởng thành hơn nhất là đức tin của ông được củng cố mạnh hơn.

Tuy nhiên thời gian ở tù là thời gian khủng khiếp. Trong bất hạnh, người ta cảm thấy mình ít được tự do nội tại. Đối với ông Giu-se cũng vậy, giai đoạn ở trong giếng hay ở trong tù không phải la giai đoạn dễ dàng. Ông đau khổ cho hoàn cảnh của mình. Nhưng minh định được ý nghĩa các giấc mộng đã làm cho ông hy vọng, nhà tù không phải là nơi ở cuối cùng của ông, rằng phú cho ông một ơn cao trọng mà không ai có thể tước đi của ông được. Câu chuyện của ông Giu-se làm chúng ta hy vọng Chúa có thể thay đổi số phận chúng ta, trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng ở trong tay Người dù lúc chúng ta ở dưới đáy cuộc đời, lúc cảm thấy như mình bị giam tù.

Đương nhiên có những câu chuyện không có đoạn cuối đẹp như vậy. Có những người vào tù một cách bất công, bị tra tấn, bị hành quyết. Chỉ cần nghĩ đến những nhân vật trong lịch sử Đức quốc xã hồi thế chiến thứ nhì thì rõ, linh mục người Đức Alfred Delp, chống đối quốc xã, bị bắt năm 1944, bị hành quyết năm 1945. Dietrich Bonhoffer, thần học gia bị bắt năm 1943, bị hành quyết năm 1945 và nữ tu Edith Stein bị bắt và bị hành quyết năm 1942. Khi tôi đọc tiểu sử của họ, lúc nào tôi cũng cảm thấy đau lòng khi nghĩ đến những nhân vật với tài năng lón lao, với giá trị đức tin cao cả lại không thoát được bàn tay của quốc xã dù có rất nhiều cố gắng để giải thoát họ.

Nhưng cùng một lúc, tôi cảm nhận những nhân vật này không bị hoàn cảnh phũ phàng bên ngoài vùi dập, họ vẫn giữ nhân phẩm và tự do nội tại một cách trọn vẹn. Bonhoeffer cư xử như một người có tự do với những người canh tù. Có người còn đến kể cho ông nghe các vấn đề của họ. Họ trao đổi với ông một cách thoải mái vì họ cảm nhận nơi ông có một tinh thần phóng khoáng giữa một môi trường đầy nghi ngờ, đầy phụ thuộc và đầy kinh hoàng. Đối với ông, tự chủ là con đường đi tới tự do. Vì thế ông viết cho bạn của ông là Eberhard Betghe: “Nếu bạn muốn đi tìm tự do thì trước hết bạn phải cho tâm trí của bạn đi vào kỷ luật. Không một ai sống kinh nghiệm huyền nhiệm tự do mà không đi qua con đường kỷ luật”. Và sau cuộc mưu sát bất thành ngày 20-07-1944, rõ ràng là ông sẽ bị kết án tử hình, ông viết: “Trên con đường tự do, cái chết là cuộc lễ long trọng nhất.”

Còn đối với ông Delp, trong nhà tù, ông không ngừng viết những trang về tự do của người kitô, ông xem đây là thái độ ứng xử thiết yếu của người kitô trong mọi thời. Một ít thời gian trước khi bị kết án, ông viết chính trong nhà tù ông mới học được thế nào là tự do nội tại: “Chúa đã cho phép tôi có được một khoảng không gian tốt đẹp cho tự do nội tại. Nhưng trên hết là ân sủng của những tuần lễ khủng khiếp: giữ những khoảng ách đối với chính mình. Lòng tin chắc mà tôi đặt vào tôi đã bị gãy nhưng dần dần sự hiện diện của Chúa gần với tôi và thể hiện với tất cả độ sâu đậm của nó. Làm sao người ta chỉ sống một nữa hay một phần tư như tôi đã sống.” (Thư viết ngày 7-01-1945 cho bà Louise Oesteicher). Ngày 11-01-1945, sau khi bị kết án, ông viết: “Bây giờ tôi mới thật sự trở thành một người có tự do nội tại, thật hơn, đáng tin hơn, đúng hơn trước. Bây giờ không những con mắt tôi có thể nắm bắt nét nổi bật và tất cả chiều kích của thực tế; nó còn có độ nhạy bén cần thiết để ước lượng được các quan điểm khác nhau. Không còn chỗ cho những kiểu đi tắt và những quan điểm méo mó.” Chỉ khi ở trong tù ông mới cảm thấy mình thật sự được tự do và cái tự do của ông liên hệ chặt chẽ với quan điểm đúng của ông về thực tế. Bây giờ mới hóa giải được các hình ảnh sai lầm về thực tế mà ông đã có từ trước. Bây giờ Chúa đã lấy đi tấm màng che mặt của ông và chính lúc đó ông mới thấy được thực tế hiện thực dưới mắt Chúa. Chúng ta thấy rõ điều này trong bài suy niệm của ông vào chủ nhật thứ ba Mùa Vọng năm 1944: “Tự do là hơi thở làm cho chúng ta sống. Chúng ta ở đây, ngồi dưới đất trong những căn hầm ẩm thấp và những nhà tù chật trội. Rốt cùng, đây lại là lần đầu tiên chúng ta không còn thấy mọi sự dưới bóng hào quang giả tạo, một nhân phẩm giả tạo nhưng chúng ta có thể nhận chúng ra vì chúng là như vậy: một cuộc sống không được cứu thoát.” Nếu chúng ta thấy thực tế như Chúa thấy, thì chúng ta thật sự có tự do. Như thế, ngay cả nhà tù không lấy mất đi tự do nội tâm của chúng ta.

Theo linh mục Alfred Delp, có hai điều kiện căn bản để có được tự do nội tâm: thờ phượng và yêu thương. Chỉ những ai vượt được, quỳ xuống cúi mình trước Thiên Chúa thì khi đó mới hiểu thế nào là tự do. “Con người tham dự vào tự do nếu nó vượt qua các giới hạn riêng của mình.” Trong bài suy niệm về lễ Hiển Linh năm 1945, ông chứng tỏ cho thấy những người đến quỳ trước Hài Đồng Giêu trong máng có Bê-lem là những người thật sự tự do. Ông nói: “Adoro – tôi xin thờ và Suscipe –xin nâng tôi lên là hai chữ mà nguồn gốc tự do của nhân loại bắt nguồn từ đó. Quỳ gối gập đôi và hai bàn tay trắng dang ra là hai cử chỉ đầu tiên của một con người tự do.” Và đứng trước lời buộc tội và án xử cận kề, ông tóm tắt sứ điệp của lễ Hiển Linh: “Ôi con người, đừng cầm cự gì nữa, hãy phó thác mình cho Chúa và mình sẽ tìm được con người của chính mình: bây giờ người khác chiếm giữ mình; họ gây kinh hoàng, họ hết hành hạ cực hình này đến cực hình khác. Nhưng đây là bài hát tự do: không một hình thức sự chết nào có thể giết chúng ta. Từ đó sự sống vươn lên trong khoảng không gian không có biên giới.”

Delp đã đau khổ tận cùng trong nhà tù. Trên thực tế, ông bị cảnh sát đánh đến bật máu, vì quá đau ông không thể nào ngủ được, đã có lúc ông nghĩ đến tự tử. Ông đã nếm cái đau khổ đến cùng tận. Dù vậy, ông vẫn tin vào tự do của con người dù trong hoàn cảnh cay nghiệt như phòng tra tấn của Đức quốc xã. Tự do mà linh mục Delp nói không phải là lòng dửng dưng nhưng một tự do nội tại trong hoàn cảnh cực kỳ tuyệt vọng nhất, trong đám mây mù dày đặc ngăn không cho thấy một viễn cảnh tương lai nào. Đó là ý thức tận căn rằng rốt cùng, không có một người nào có quyền trên chúng ta, thậm chí có quyền giết chúng ta. Chúa là đấng giải thoát chúng ta trước quyền lực của những tên sát nhân, những tên đồ tể. Đó là chứng nghiệm một đức tin sâu xa mà Thánh Kinh không ngừng nói đến và các thánh tử đạo thời nay đã làm chứng cho chúng ta một cách mới mẻ.

Nhưng cũng có những kinh nghiệm khác, có những người đã bị thương tổn tận cùng trong các trại tập trung. Văn sĩ Jorge Semprun đã kể trong quyển sách Viết hay là chết, là trong giấc mơ ông liên tục nghe tiếng nói của mấy tên canh ngục. Văn sĩ người Ý-Do Thái, Primo Levi viết một thời gian ngắn trước khi tự tử: “Với tấm lòng buồn xót xa vô hạn, chúng tôi phải xác nhận thêm một lần nữa, có những vết thương sâu xa không thể nào lành được; nó vượt thời gian để đi theo... Ai đã từng bị tra tấn vẫn là người bị tra tấn... Ai đã từng chịu cực hình thì không thể nào cảm thấy quả đất là nhà của mình.”

Trong trường hợp này, không thể nói những người này tự làm khổ họ. Những vết thương bên ngoài cay đắng đến độ nó in đậm đến cả mấy chục năm. Trong những trường hợp này, người ta chỉ có thể hy vọng và cầu nguyện để Thần Khí chữa lành những vết thương chết người như vậy. Jorge Semprun đã cần đến hai mươi năm mới có thể viết về những gì ông đã sống trong trại tập trung.

Cũng một phương cách như vậy, người ta có thể đặt vấn đề về ý tưởng theo đó không ai có thể làm mình tổn thương ngoài chính mình trong trường hợp các phụ nữ bị đối xử hung bạo khi còn nhỏ. Trẻ con không có một khả năng nào để chống lại các hung bạo này, vì thế chúng sẽ đau khổ suốt đời. Đôi khi, trong công việc tháp tùng thiêng liêng, tôi đau khổ thật sự khi các bà kể cho tôi nghe họ bị lợi dụng tình duc khi còn nhỏ. Thật khủng khiếp khi ý thức được cái hung ác của loài người đối với nhau.

Câu nói của Jean Chrysostome không làm chúng ta coi nhẹ các tổn thương này. Nó chạm đến tận cùng vào lòng con người. Điều đau đớn trong các trường hợp lợi dụng tình dục là rất nhiều nạn nhân tự cho mình cũng là người có lỗi chứ không gán cho người tấn công mình. Làm như vậy, họ tự làm thương tổn họ. Họ bị đau thương bởi một người đàn ông không có trách nhiệm về dục tính của họ. Nhưng thay vì đổ cơn giận lên người làm hại mình thì họ lại có mặc cảm tội lỗi, cho rằng mình đã không có một quan hệ gắn bó, tiếp tục quan hệ với họ... Để không bị mất người cha, người chú đã làm tổn thương họ, họ gánh trách nhiệm của hành vi này. Thường thường cơ chế tự cho mình là có tội đeo đẳng suốt một đời. Trong tất cả mọi lãnh vực, những người đàn bà này đều cảm thấy mình có tội. Ví dụ, nếu họ cảm thấy một trống rỗng nào đó trong đời sống thiêng liêng, thì ngay lập tức, họ tự hỏi họ đã phạm lỗi lầm nào. Hoặc nếu có một quan hệ không thành công, lúc nào họ cũng đi tìm phần trách nhiệm của mình. Mặc cảm tội lỗi đã làm cho họ duy trì các vết thương lâu dài và như thế họ tự làm khổ họ.

Cái vòng luẩn quẩn đi từ tổn thương bên ngoài đến tự cho mình có lỗi chỉ có thể được tháo gỡ lúc người bị tấn công bắt đầu biết cáng đáng cơn giận của mình. Như thế mới làm cho họ có một nguồn năng lực mới và giải thoát họ khỏi quyền uy của người có tội. Họ có thể mang các tổn thương của mình đến trước mặt Chúa, nói chuyện với Chúa để họ dần dần được biến đổi.

Đối với nữ tu Hildegard de Bingen, nhận biết được khả năng biến đổi tổn thương thành ngọc quý là vấn đề trọng tâm của tiến trình tăng trưởng của loài người. Đức tin có thể tạo hy vọng nơi người bị tấn công để họ có thể biến tổn thương thành hạt ngọc. Tôi thường thuyết phục các phụ nữ bị tổn thương, rằng không có gì có thể đụng đến được phẩm giá mà Chúa đã ban cho họ dù bao nhiêu sỉ nhục họ phải chịu. Một người đàn ông có thể làm họ đau đớn tận cùng trong lòng nhưng ông ta không thể lấy đi nhân phẩm của họ. trong lòng người phụ nữ, vẫn còn một góc mà vết thương làm cho họ đau đớn không chạm đến được.

Khi cả thể xác và tâm hồn đều bị tấn công thì điều xúc phạm sâu xa nhất, trước hết vẫn là phạm vi xúc cảm. Nhưng phạm vi nội tâm, nơi Chúa thiết lập căn nhà của Chúa vẫn bình yên vô sự. Từ đó, sức mạnh cứu rỗi có thể thấm dần dần vào quả tim và làm thay đổi tình cảm. Tôi biết có nhiều phụ nữ tranh đấu thành công để chống lại bạo lực bất công họ gánh chịu và từ đó, họ trở thành các nhà tâm lý trị liệu thông cảm với những người đồng cảnh ngộ và là niềm hy vọng cho những người này. Đúng là biến thương tổn thành ngọc quý. Họ không chuyển giao thương tổn của họ. Ngược lại, qua những thương tổn này, họ trở thành những người đi chữa lành người khác.

Trong công việc tháp tùng thiêng liêng của tôi, rất nhiều người nói đến đau khổ mà người khác gieo lên họ, chẳng hạn người con bị người cha khinh thường chế nhạo, gây tổn thương sâu xa mà đứa bé không cách nào đề kháng. Hoặc, một phụ nữ bị bà ngoại cho là điếm nhục gia phong vì cô là con ngoại hôn. Một em bé không mang trách nhiệm của người sinh ngoại hôn. Trong những trường hợp như thế, ở cương vị người tháp tùng thiêng liêng, tôi phải cùng họ đi vào tận đáy vực đau khổ của họ. Tôi sẽ không tôn trọng họ nếu tôi trích ngay lập tức lời của thánh Jean Chrysostome. Nhưng khi vết thương đã được xem xét kỹ lưỡng, đã được thấm nhập, thì đến một lúc, câu nói đó sẽ được nêu lên, để giải quyết một lần, để nó không bao giờ được đi trở lại nữa. Nếu coi thường giai đoạn này, thì lúc đó đúng là việc tự tùng xẻo mình. Nạn nhân và tổn thương in đậm vào nhau, họ sợ phải xa nhau. Trên thực tế, họ biết những gì gây tổn thương cho họ nhưng họ không biết cái gì sẽ xảy ra cho họ một khi họ được giải thoát. Viễn cảnh bất định làm họ sợ. Ở giai đoạn này, ngạn ngữ “không ai làm tổn thương bạn ngoài chính bạn” có thể làm cho họ hòa giải với quá khứ đau thương, giải thoát được quá khứ họ sẽ dám tin tưởng dấn thân vào con đường tương lai.

Trong câu chuyện ông Giu-se, định mệnh được lặp lại. Trước hết ông bị các anh vứt xuống giếng, rồi bị chủ giam tù. Trong công việc tháp tùng thiêng liêng, tôi thường hay gặp những người mà một cách vô thức, họ cứ đặt mình trong những hoàn cảnh đã làm cho họ đau khổ trước đây. Thường thường rất khó để hiểu tại sao, chẳng hạn những người đàn bà bị lợi dụng tình dục đến gặp các chuyên gia trị liệu thì lại bị chính những người này lợi dụng, hoặc tại sao có người vẫn tuân chịu nghe mệnh lệnh của cấp trên dù người này coi thường mình, y hệt như ngày xưa họ bị cha của họ coi thường. Tại sao một người đàn ông lại chọn vợ là người đánh mình giống như ngày xưa ông đã từng bị chị đánh? Tại sao người đàn bà bị chồng đánh lại quay về ở với chồng dù không có gì bảo đảm là bà sẽ không bị đối xử tàn tệ lại.

Người ta không thể nào nói những người này cân nhắc suy nghĩ rồi mới đi tìm đồ tể của mình. Bề ngoài, chúng ta đứng trước một luật: ai không tự giác thấy rõ các tổn thương của mình thời thơ ấu thì sẽ rơi vào những hoàn cảnh đau khổ. Tôi có đề cập vấn đề này với một nữ chuyên gia trị liệu, bà nghĩ việc lặp lại những hoàn cảnh này có thể mang đến một cơ may cho trí tuệ. Cũng như một học sinh ở lại lớp thì lần sau sẽ dễ đậu hơn, như thế đầu óc sẽ liên tục tìm cách học hỏi những gì chưa nắm vững được qua lần đầu. Người nữ tu bị mẹ bề trên đối xử như người mẹ ngày xưa từng đối xử với mình, một khi trưởng thành, sẽ học hỏi một cách ứng xử mới hơn.

Thục sự ra chúng ta cần đặt mình thường xuyên vào trong những hoàn cảnh giống nhau mới có thể có những bước chân vững chắc trên tiến trình tăng trưởng. Và bây giờ, đến một lúc, người nữ tu có thể giữ một khoảng cách với mẹ bề trên, không để bà làm thương tổn mình bằng những cú nhéo, biết tự bảo vệ và trung thực với mình. Dù sao, cũng có những người chẳng học hỏi gì ở kinh nghiệm sống, cứ lặp đi lặp lại mãi một việc. Có những thảm kịch tái diễn cho đến hồi chót là hồi hủy hoại hoàn toàn. Đã có tấm gương của ông Giu-se, thánh Chrysostome sẽ nói những người “tái phạm” này là những người tự đánh mình, tự gây thiệt hại cho mình.

15) Ông Gióp

Đối với thánh Chrysostome, ông Gióp là một ví dụ bổ túc chính xác cho chủ đề này. Thánh Gióp đã bị Chúa thử thách không những chỉ khi ông mất hết tất cả của cải. Thật ra sự mất mát này là một cái gì bên ngoài mà đứng trước nó, con người kính sợ Chúa có thể đối diện với một tâm trạng cam chịu và sỉ nhục. Nhưng các con ông bị chết, đó là điều ông đau lòng nhất. Những gì quý giá nhất, làm cho ông hãnh diện nhất là các con thì lại bị lấy đi. Đứng trước mất mát này, ông cam chịu:

Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ,
Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.
Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi:
Xin chúctụng danh Chúa! (G 1: 21)

 

Cuối cùng Xa-tan can thiệp và, được Chúa cho phép, “khiến ông mắc phải chứng ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu” (G 2: 7). Bây giờ ông Gióp sống trong tận cùng đau khổ và nguyền rủa ngày ông sinh ra: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: “Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!” (G 3: 3)

Như thế ông Gióp đau khổ cùng cực và câu chuyện của ông được không phù hợp để khẳng định chủ đề không ai làm mình đau khổ ngoài mình. Bị đau khổ và chịu thiệt hại do Xa-tan gây ra, mà Xa-tan lại được Chúa cho phép can thiệp vào đời sống ông Gióp, lại bị bạn bè nói ông là người trách nhiệm duy nhất cho các bất hạnh của ông. Chắc chắn ông đã phạm tội cách này cách khác, nếu không Chúa đã không giáng phạt như thế. Nhưng ông Gióp không để cho các bạn đè bẹp mình. Dù đau khổ, ông vẫn kiên trì nói ông sống chính trực trước mặt Chúa. Ông không tự làm thương tổn mình, cũng không cho mình là kẻ có tội, không nghi ngờ hạnh kiểm của mình, không tìm xem mình đã phạm những lỗi gì. Nơi ông không có gì là giả hình nhưng là trung thực. Ông biết ít nhất ông cũng cố gắng sống theo ý Chúa. Và cuối cùng Chúa đã chứng minh ông có lý.

Bất hạnh của ông Gióp không phải do tội của ông nhưng do bản chất không thể nào hiểu được của Thiên Chúa, đấng làm cho ông thấy điều kỳ diệu của bản chất, cao cả và không nắm bắt được, mà ông Gióp không thể nào tưởng tượng được. Ông Gióp nghiêng mình trước sự cao cả của Thiên Chúa và thú nhận: “Trước kia con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây chính mắt con chứng kiến. Vì thế, điều đã nói ra, con xin rút lại, trên tro bụi, con xin thống hối ăn năn.” (G 42: 5-6) Ông không tự cho mình là người tội lỗi, nhưng là người được làm từ tro bụi và vì thế không được quyền thảo luận với Chúa. Và Chúa cho ông được hạnh phúc lại; ông có được của cải gấp đôi trước, có bảy con trai, ba con gái. Ông được Chúa chúc phúc, sống thọ và no đủ suốt đời.

Quyển sách của ông Gióp dạy cho tôi bài học của câu ngạn ngữ không ai làm khọ mình ngoài mình không phải là một luật tuyệt đối. Ông Gióp đã đau khổ tột cùng, không những đã mất của cải vật chất mà còn mất cả con cái là những người mang tình thương đến cho ông.

Khi mất con vì bệnh tật hay tai nạn, cha mẹ đau khổ vô cùng và ông Gióp nếm mùi đau khổ này. Tuy nhiên, trong mất mát, đức tin có thể là một tia sáng thanh cao làm cho người ta hy vọng, không có gì mà không mang một ý nghĩa. Ngược lại, đối với một số người, những hoàn cảnh như vậy lại làm cho họ không thể nào hiểu được. Càng thấy cuộc đời vô nghĩa, họ càng phóng lớn nổi khổ, cho rằng mình có lỗi vì đã không dạy con đúng, cho rằng mình đã đi sai mọi ngã đường. Ông Gióp thì ngược lại, dù bất hạnh, ông vẫn phó mình trong tay Chúa. Ông biết là ông không thể mang một cái gì vào trong mồ, rằng con cái là quà tặng ông không xứng đáng được hưởng nên Chúa có thể lấy lại.

Nhưng một tiếp cận như thế chỉ có thể có được nếu chúng ta được tự do biểu lộ nỗi đau đớn của chia cắt. Lúc đó, dần dần một quan điểm như thế sẽ vạch đường và ánh sáng của nó sẽ ngày càng chiếu vào những ngõ tăm tối trong quả tim cho đến lúc có được một lòng tin tưởng mới. Mới đầu thánh Gióp cũng không bằng lòng số phận của mình; ngươc lại ông than vãn dông dài: “Hồn tôi chẳng còn ham sống, tôi muốn để mặc cho tiếng thở than tuôn trào, và muốn thốt ra lời khi tâm hồn cay đắng. Tôi sẽ thưa với Thiên Chúa: Xin đừng kết án con, xin cho con biết tại sao Ngài tố cáo con. Phải chăng Ngài thích thú khi đàn áp, khi coi rẻ công trình tay Ngài sáng tạo, và ủng hộ mưu đồ của bọn ác nhân?” (G 10: 1-3). Chắc chắn than vãn làm tâm hồn bớt nặng nề. Khi chúng ta để cho nổi cay đắng của mình có dịp tuôn ra ngoài thì nó có thể làm biến đổi. Than vãn thì khác than oán. Khi oán than thì mình quay vòng vòng, đắm chìm trong nước mắt và tuyệt vọng. Còn khi than với Chúa thì mình kêu đến Chúa. Trong cuộc đối thoại này, có một cái gì trong tôi đang thay đổi.

Trường hợp tệ hơn là chấn thương đụng đến thân thể. Không phải chỉ những bệnh không chữa lành mới làm chúng ta đau khổ tận cùng. Ung nhọt mà Xa-tan giáng xuống thánh Gióp có thể là những chấn thương tâm lý, những bứt rứt của hệ thần kinh, những lo lắng, tính tự ái, những cấm cản và tất cả những gì làm hoen ố tâm hệ chúng ta. Suy thoái tinh thần cũng có thể là mủ ung thối làm hao mòn kiệt sức tâm trí chúng ta. Phải đối diện với loạn năng về mặt tâm lý sẽ làm chúng ta cảm thấy bất lực và bị mất phẩm cách. Một phụ nữ bị ung thư não sẽ có những cơn động kinh; từ trước đến nay, bà làm chủ được cuộc sống nhưng nay bị đau như vậy, bà cảm thấy tổn thương sâu xa. Bà không còn tự săn sóc mình. Gương mặt tươi cười bây giờ bị biến dạng vì cơn đau. Bà lúc nào cũng ngẩng cao đầu để sống, bây giờ cảm thấy mình như hạt bụi bên đường, quay lăn lóc bên này bên kia. Chồng của bà ở bên cạnh bà, không được trợ giúp, ông cảm thấy đau khổ tận cùng khi chứng kiến những cơn động kinh này. Đứng trước những hoàn cảnh này, tôi chỉ biết tỏ lòng thương xót, tôi cẩn thận không nói đến lời nói của thánh Chrysostome. Đó là những người bị tổn thương đến tận cùng con người của họ và họ chẳng làm gì được. họ không tự làm cho họ đau. Nếu tôi tìm cách nói cho họ nghe lời thánh Chrysostome, tôi chẳng làm gì được mà còn làm tăng thêm nổi đau khổ của họ, giống như các bạn của ông Gióp đã nói với ông, tôi làm nặng thêm nỗi đau khi tôi gán cho họ là nguyên do căn bệnh.

Như thế chủ đề khắc kỷ mang một ý nghĩa nào? Nó có không hợp với con người và có tính cách ngoài đạo giáo hay ngược lại, nó minh chứng được trong những trạng huống cực kỳ quá độ? Thánh Chrysostome không sợ khi bảo vệ cho lời nói này dù cả trong trường hợp của ông Gióp, ông bị phung hủi, ngồi giữa đống tro, lấy mảnh sành mà gãi. Có những đau khổ mà đứng trước mặt họ tôi chỉ biết im lặng. Trước hết tôi nghiêng mình kính trọng trước đau khổ của nhân loại và tôi tự cấm không được nói dù bất cứ cái gì. Tôi giữ thinh lặng. Tôi xem trọng nổi đau khổ và tôi chia sẻ những gì tôi cảm nhận với người thổ lộ nỗi đau của họ cho tôi nghe. Rồi tôi suy nghĩ cách nào mà người kia có thể chấp nhận được nỗi đau của họ.

Nếu tôi ngừng ở lòng thương xót thì có thể giúp họ một thời gian ngắn nhưng sau đó thì không còn giúp được. Như thế, tôi phải rất cẩn thận đi tìm một hướng đi nội tâm, để dù trong một căn bệnh mất thể diện như bệnh động kinh cũng không làm họ bị xúc phạm: tôi cố gắng hướng họ chú ý đến phẩm cách thiêng liêng, một phẩm cách mà không một căn bệnh dù khủng khiếp thế nào đi nữa cũng không thể nào hủy hoại họ được. Nhưng tôi phải khéo léo tế nhị và trước hết tôi phải thông cảm với nổi đau khổ và để nổi đau khổ này ngấm vào con người tôi.

Chủ đề của thánh Chrysostome không có nghĩa là người kitô thì sẽ không đau khổ. Ngược lại, những quyển sách cuối cùng của Tân Ước là một chuỗi thử thách mà người kitô phải chịu. Nhưng đau khổ không phải không có ý nghĩa; trọng tâm của đau khổ là người kitô có thể sống hiệp thông với Chúa Kitô. Trong chiều hướng này, nó không làm nặng thêm nỗi đau nhưng nó giúp mình chịu đựng. Trong lá thư đầu tiên, thánh Phê-rô đã nói: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách.” (1 Pr 1: 6). Nghĩ rằng đau khổ là phần số của đời mình sẽ làm cho mình chịu đựng được đau khổ. Và đức tin giống như tia sáng chiếu trong bóng tối của thử thách sẽ định hướng chúng ta, đưa chúng ta đến với Chúa, đấng nâng đỡ chúng ta khi chúng ta đau khổ.

Đau khổ sẽ trở nên không chịu đựng được nếu chúng ta nhìn nó với một cặp mắt sai lầm, khi chúng ta đi tìm nguyên do ở chính chúng ta. Chúng ta tự lấy roi đập mình. Chúng ta đào sâu thêm vết thương và tiếp tục tra tấn mình. Chúng ta phải như thánh Gióp, dù trong những lúc đau khổ nhất cũng giữ phẩm cách, tin chắc chúng ta đã sống tốt và đau khổ này không phải là một hình phạt nhưng là một cái gì chúng ta không hiểu được của phần số, chúng ta phải giao phó vào bàn tay của Chúa. Và đó là những gì có thể hướng dẫn chúng ta, sau một thời gian dài đau khổ. Chúng ta sẽ thấy đau khổ đã biến đổi cuộc đời chúng ta, cho mang một sức sống mới mà từ đó đến nay chúng ta không biết, từ đó chúng ta mới có được tự do. Những người từng đi qua con đường gian truân thường là những người trưởng thành chín chắn và có tâm hồn bình thản, họ có quả tim mở rộng, một nội tâm tự do đối diện với nỗi sợ mà họ cảm thấy nguy hiểm cho cuộc sống của chính họ.

Trong những kinh nghiệm đau khổ tận căn như của ông Gióp, chủ đề theo đó không ai tự mình làm khổ mình, có thể giúp chúng ta tránh không làm nặng thêm nỗi đau, một nỗi đau không từ bên trong mà do bên ngoài đem đến. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng có thể sống mà không chịu đau khổ, đó là lý do làm chúng ta thương tổn mạnh nhất. Đau khổ phải không được tồn tại. Chúng ta tự mình làm khổ vì những suy nghĩ lệch lạc. Nếu chúng ta ý thức rồi ra chúng ta sẽ gặp đau khổ thì chúng ta sẽ thành công sống được với nó mà không làm nó nặng hơn vì mình tự làm khổ mình. Nếu chúng ta nhận đau khổ từ bàn tay Chúa và nếu qua nó, chúng ta hiệp thông với Chúa thì nỗi đau này chúng ta sẽ chịu đựng được.

Như thánh Gióp, chúng ta cũng có thể chống lại đau khổ và bất hạnh. Trong sự chống lại, vẫn còn lòng tự tin. Như thánh Gióp, chúng ta có thể than vãn cho số phận và cáo buộc Chúa đã để chúng ta trong tình trạng này. Cáo buộc khác với than oán. Trong cáo buộc, chúng ta bám vào phẩm cách chúng ta. Trong than oán, chúng ta rơi vào tình trạng tự thương hại và chúng ta mất tự tin. Chúng ta có thể than phiền mọi chuyện đều xấu, không còn làm gì được, không còn một ý nghĩa nào. Một vài người khép kín mình trong đau khổ và từ chối sự sống. Chắc chắn vết thương sâu xa nhất vẫn là: phủ nhận và từ chối sống. Dù trong đau đớn không thể nào hiểu được, cố giữ phẩm cách nội tâm, một phẩm cách không thể nào bị nỗi đau chạm đến, và đó là sứ điệp của ông Gióp mà thánh Chrysostome muốn chuyển tải cho chúng ta qua lời nói của ông.

16) Căn nhà xây trên đá

Tôi muốn trích ở đây ví dụ của ông Ca-in và A-ben cũng như kinh nghiệm của thánh Phao-lô để bảo vệ cho câu nói của thánh Chrysostome. Đọc bài của ông, tôi được đánh động bởi cách các Giáo Phụ chú giải Bài Giảng Trên Núi nói về ngôi nhà xây trên đá. Họ cho rằng cuộc đời chúng ta thường xuyên bị phong ba bão táp. Và đó là phần số của đời người. Nhưng chúng ta sẽ tránh được các tai ương này nếu chúng ta biết xây nhà trên đá, căn nhà nội tâm của chúng ta cũng vậy. Trong chương trình xây nhà, trước hết phải xây nền nhà cho vững. Ai xây nhà trên cát sẽ gặp vấn đề ngay và họ sẽ là nạn nhân khi ngôi nhà bị bão táp cuốn trôi. Trong giấc mơ, ngôi nhà lúc nào cũng là hình ảnh tình trạng ý thức của chúng ta. khi căn nhà bị sụp đổ, điều đó chứng tỏ những gì chúng ta sống từ trước đến nay không còn đứng vững nữa, chúng ta phải xây một ngôi nhà mới, trên một miếng đất mới. Ai sống hời hợt bên ngoài, không có đời sống nội tâm trong tay, người đó xây nhà trên cát, vì thế họ là nạn nhân của chính họ.

Thánh Mát-thêu kết thúc bài Giảng Trên Núi bằng hình ảnh ngôi nhà xây trên cát. Đối với thánh sử, ai nghe Lời Chúa và đem ra áp dụng thì người đó thông minh biết xây nhà trên đá. Một ứng xử đúng là biết xây nhà trên miếng đất chắc chắn. Ngược lại, ai nghe Lời Chúa nhưng không đem ra áp dụng thì: “ví như người ngu dại xây nhà trên cát” (Mt 7: 26). Chữ ngu dại - moros trong tiếng Hy-lạp có nghĩa đen là: ngu đần, vô nghĩa, ngu ngốc, ngây dại, lạt lẽo. Người biết cái gì tốt cho mình nhưng không làm gì hết bởi vì họ không thấy thoải mái hoặc ngược với mong chờ của người khác, người đó sẽ tự hại mình. Ở đây, đạo đức kitô có một cách giải thích hoàn toàn mới. Không phải trung thành với các tiêu chuẩn nhưng là sống thuận với bản chất tự nhiên của chúng ta. Ai sống ngược với bản chất của mình sẽ tự làm mình khổ. Lời Chúa muốn chúng ta dấn thân trong một đời sống tốt bởi vì Lời Chúa phù với bản chất tự nhiên của chúng ta. Đối với thánh Chrysostome, một sức mạnh cuối cùng, chỉ những ai nghe Lời Chúa và đem ra áp dụng thì mới thoát được hiểm nguy mình tự hại mình.

--- o0o ---

Trở Lên Trên