Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Chinh Phục Tự Do Nội Tại

Tác giả Anselm Grün


Phần II

4) Sống chừng mực, công chính và bình an

Bức thư thánh Phao-lô gởi ông Ti-mô-thê diễn tả ân sủng khi chúng ta có được Đức Giêsu Kitô ở trong lòng theo tinh thần của Thư Thứ Nhất thánh Phê-rô. Nó cũng xem sự cứu chuộc là một cách giải thoát chúng ta khỏi các phức hệ vô nghĩa. Chắc chắn bức thư này viết vào khoảng năm 100. Mục đích của tác giả không những đảm bảo việc đào tạo trách nhiệm cho cộng đoàn để họ đảm trách nhiệm vụ của họ; nó còn mong muốn hình thành một cách thức giảng dạy mới của thánh Phao-lô, vào cuối thế kỷ thứ nhất. Bức thư này diễn tả sứ điệp giải phóng của thánh Phao-lô trong một ngôn ngữ giống ngôn ngữ Hy Lạp: “Quả thế, ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người. Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy, là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang. Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện.” (Tt 2: 11-14)

Để mô tả sự tự do của người kitô, các thành ngữ dùng trong đoạn văn là những thành ngữ rất phổ biến trong thế giới Hy Lạp. Chúng ta thấy ở đây chữ épiphanie-xuất hiện là chữ mang ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa La Mã đối với hoàng đế. Khi vị hoàng đế đến thăm một vùng nào, người ta nói vị vua xuất hiện; sự xuất hiện này sẽ mang lợi lộc đến cho vùng như giảm thuế, xây các công trình đường xá, nhà hát kịch. Nơi Chúa Kitô, đó là ân sủng của Thiên Chúa, là tình yêu đầy tràn cho con người. Mục đích của sự xuất hiện này là cứu rỗi con người, một sự cứu rỗi không phải để giảm thuế hay tránh được các cưỡng bức của chính quyền nhưng là để làm cho con người thoát được cảnh sống hời hợt và thiếu tự do.

Như thế ân sủng của Thiên Chúa có một tác dụng giáo dục; nó dạy chúng ta sống trong sự thật và hướng dẫn để chúng ta sống một cuộc sống lành mạnh; nó xây dựng và hình thành trong chúng ta những con người sống theo thánh ý Chúa, những con người đích thực. Vì thế thư thánh Phao-lô gởi cho ông Ti-mô-thê có thể nói: “Thiên Chúa biểu lộ lòng nhân hậu và yêu thương của Người đối với nhân loại” (Tt 3: 4). Trong Chúa Kitô, hình ảnh tạo vật là con người trở nên hữu hình. Trong Chúa Kitô, nhân loại được thể hiện theo chương trình hoạch định của Thiên Chúa. Đối với ông Peter Wust, một triết gia kitô đã đau khổ rất nhiều trong thời quốc xã, thành ngữ “thể hiện nhân tính của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô” là câu nói trọng tâm của Thánh Kinh. Trên giường chết, ông dùng câu này để từ giả các học trò của ông.

Để phù với hình ảnh mà Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta, qua các nghịch cảnh chúng ta cố gắng để giải thoát khỏi thái độ báng bổ nghịch đạo, khỏi những ham muốn phù phiếm. Với sự hỗ trợ của hai khái niệm, tác giả bức thư gởi ông Ti-mô-thê mô tả tình trạng thế giới lúc đó. Con người sống như thử không có Chúa. Họ không quan tâm đến để biết xem Chúa mong chờ gì ở mình. Lối sống của họ như lối sống người lương dân, không tôn trọng lề luật, không lo cho công chính, không tựa vào đâu. Họ bị chế ngự bởi các ước muốn lệch lạc. Đối với những người thuộc phái khắc kỷ, các ước muốn mang một khái niệm rất quan trọng; nó chỉ định một người không có tự do và vì thế có những nhận định sai lạc mà cho đó là thực tế. Đối với triết gia Épictète, các ước muốn này thể hiện qua cơn giận dữ và các mâu thuẫn. Ai bị ràng buộc vào đam mê thì đầu óc họ không còn sáng suốt, không còn nhận định đúng, sẽ đi đến thảm bại. Các ước muốn này là những chuyện phù phiếm huênh hoang bởi vì họ chỉ nhìn đến những chuyện trần thế, chiếm hữu của cải, thỏa mãn dục tính. Theo tổ phụ Evagrius Ponticus, ba ham muốn của con người là ăn chơi vô độ, sống ô trọc và tham lam vô độ.

Sự xuất hiện cứu rỗi của Đức Giêsu Kitô giải phóng chúng ta khỏi thái độ báng bổ nghịch đạo, vênh vang và nô lệ bản năng. Người kitô là người được tự do, nắm cuộc sống của mình trong tay và không để đam mê cuốn hút mình. Sự xuất hiện của tình yêu, tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô giáo dục chúng ta để chúng ta có một đời sống tốt. Sau này, tác giả Clément d’Alexandrie đã phát triển tư tưởng cứu độ của Đức Giêsu Kitô khi người xem Đức Kitô là nhà giáo dục dạy dỗ người kitô trở nên một người hiểu đạo, một người tự do, sống hòa hợp với bản chất, phối hợp khôn ngoan minh triết Hy Lạp với đức tin vào Chúa, Đấng tạo dựng muôn loài và là Cha của Đức Giêsu Kitô.

Qua ba từ ngữ, bức thư gởi ông Ti-mô-thê mô tả thế nào là tự do của người kitô: sống chừng mực, công chính và sùng kính ở trần thế. Ở đây chúng ta lại gặp lại ba khái niệm căn bản của triết lý Hy Lạp: chữ sophron có nghĩa là có một tinh thần ngay thẳng, có một cái nhìn lành mạnh về thế giới. Bình thường nó có nghĩa thông minh trong nghĩa có lý, chừng mực, ngay thẳng, đức hạnh nhưng cũng có ý muốn nói: suy nghĩ một cách thông minh, nghĩa là không có ảo tưởng.

Thái độ thứ nhất là chùng mực, chừng mực là có một cái nhìn đúng về thực tế, nhìn việc đúng việc, không nhìn một cách sai lầm. Trong triết lý của phái khắc kỷ, chừng mực là một trong những đức tính chính. chùng mực có nghĩa là sống hợp với bản chất sâu xa của mình, không để sự vật bên ngoài chế ngự mình bởi vì mình có một quan hệ đúng với chúng.

Thái độ thứ hai là công chính. Người kitô sống theo công chính, có nghĩa là họ tôn trọng luật lệ Quốc Gia và nhất là họ giữ các điều răn của Chúa. Họ sống chính trực, cũng có nghĩa là sống hòa hợp với bản chất của mình. Họ giữ một cuộc sống không làm xấu, không làm hại, không hủy hoại thứ trật bên trong của họ. Đối với triết gia Épictète, công chính là sống hòa hợp với thứ trật bên trong của tinh thần, hòa hợp với chính mình. Trong bài giảng dạy của thánh Chrysostome, tự làm khổ mình luôn luôn bị xem là bất công. Ai không quan tâm đến bản chất tự nhiên của mình thì sẽ không ngừng rơi vào cảnh tự hủy. Trong triết lý của phái khắc kỷ, công chính không phải áp dụng cho chính đương sự mà còn áp dụng cho tất cả mọi người. Sống theo công chính với người khác là tôn trọng những đòi hỏi hợp lý của họ, tôn trọng tự do của họ và trả lại cho họ những gì của họ.

Thái độ đặc biệt kitô thứ ba là sùng kính. Sùng kính được mô tả như quan hệ của mình với Chúa. Chỉ khi nào trả lại cho Chúa cái gì của Chúa thì chúng ta mới thật sự là những con người tự do. Liên kết với Chúa giúp chúng ta không bị cơn lốc hủ hóa mà những người kitô thế hệ đầu tiên đã gặp phải. Sùng kính có nghĩa là xem tất cả mọi sự khởi bắt từ Chúa, thấy chúng giống như Chúa thấy. Nếu tôi nhìn thực tế trong ánh sáng của Chúa, thì tôi không còn ảo tưởng. Khi đó các sự vật như của cải, bề ngoài không còn quan trọng nữa. Nếu tôi nhìn sự việc đúng, tôi cũng sống đúng. Sùng kính không còn bị xem như thành quả của con người mà là một thái độ tương hợp với bản chất của nó, bởi vì nó được thấy và được sống trong Chúa.

Cuộc sống trong tự do làm nảy sinh hy vọng và đưa đến sự toàn thiện. Đời sống trần thế không phải là tất cả. Chỉ khi nào tôi hy vọng có một ngày, Thiên Chúa xuất hiện trong vinh quang, Chúa sẽ thực hiện tất cả các ước nguyện của tôi, tôi sống tương thuận với thực tế. Ân sủng của Thiên Chúa không phải chỉ xuất hiện trong lịch sử. Sự xuất hiện đích thực sẽ xảy ra vào ngày cuối cùng, khi Đức Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại sẽ hiện ra trong vinh quang và tất cả mọi người sẽ được thấy rõ. Chỉ những ai sống trong hy vọng này mới sống trong tự do. Ở đây có một chữ để nói đến hy vọng là chữ makarios – có phúc lớn. Ai sống trong ân phúc hy vọng có một ngày Chúa xuất hiện sẽ không bám chặt vào của cải và cũng không bị dục vọng lôi cuốn. Họ thật sự được tự do. Như thế tự do của người kitô được mô tả qua hai thành ngữ. Trước hết là dấu chỉ cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, Đấng hy sinh thân mình để cứu chúng ta ra khỏi mọi điều bất chính. Người giải thoát chúng ta khỏi sống trong tình trạng ngoài luật pháp, một tình trạng phổ biến rất rộng vào thời bấy giờ, nhưng ngày hôm nay nó vẫn còn hiệu lực. Người thanh tẩy chúng ta, cho chúng ta thuộc về dân của Người. Người làm mới chúng ta, tạo chúng ta thành những con người thuộc về Chúa. Và dấu chỉ thuộc về Chúa của chúng ta là lòng nhiệt thành làm điều tốt của chúng ta. Một phương cách hành động mới là dấu chỉ đặc biệt cho tự do của người kitô: nhiệt thành làm việc bác ái.

Nếu chúng ta chú giải các lời khẳng định của bức thư gởi ông Ti-mô-thê với bối cảnh là triết lý khắc kỷ và diễn tả trong bối cảnh hiện nay của chúng ta, thì lúc đó chúng ta sẽ thấy rõ sống ngay thẳng, hòa hợp với bản chất của mình và sống có phẩm cách đó là những yếu tố thiết yếu của đời sống kitô.

Điều kiện để có một đời sống tự do là sống chừng mực, công chính và sùng kính. Người kitô có một ý nghĩ đúng về thế giới thì có thể sống hòa hợp với chính mình, với Chúa và với tâm hồn mình. Những gì mà triết lý phái khắc kỷ mong chờ ở con người để biết mình có tự do nội tại thì người kitô học bằng cách ngắm nhìn Chúa Giêsu Kitô. Ân sủng của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa thể hiện trong Chúa Giêsu Kitô, hình thành một người kitô sống trong tự do, trong chừng mực để mình không làm mình khổ, để cảm nhận mình sống tốt.

--- o0o ---