Trong những chuyến đưa các phái đoàn du lịch và hành hương qua Medjugorje, thuộc nước cựu Nam Tư (Yugoslavia), vào khoảng giữa thập niên 80s, người viết bài này đã có dịp chứng kiến rất nhiều anh chị em Kitô hữu ngoài Công Giáo, nhưng rất sốt sắng và nhiệt thành trong việc tôn sùng Ðức Mẹ. Nhiều người trong họ còn tập xử dụng tràng chuỗi mân côi để cầu nguyện và tham dự các thánh lễ không khác gì giáo dân Công Giáo thuần thành.
Tuy nhiên, đó chỉ là những trường hợp cá nhân không làm sự khác biệt về thần học, trong việc sùng kính Ðức Mẹ, giữa Công Giáo và các hệ phái Tin Lành hay Thệ Phản (Protestants) có thể biến đi trong một sớm một chiều. Chúng ta sẽ tìm hiểu từ những hệ phái có nền thần học gần gũi với Công Giáo nhất đến những giáo phái mà vai trò của Ðức Mẹ trong công trình cứu chuộc của Chúa Kitô chỉ được nhắc qua trong giáo thuyết của họ một cách hết sức nhạt mờ.
Trong khi đó, Hồi Giáo (Islam), một tôn giáo hết sức khác biệt với Thiên Chúa Giáo, lại có những điểm tương đồng thích thú. Một trong những điểm tương đồng đó là sự tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria trong tôn giáo và văn hóa của họ.
TRONG GIÁO HỘI CHÍNH THỐNG ÐÔNG PHƯƠNG (Eastern Orthodox)
Việc sùng kính Ðức Mẹ trong giáo hội Chính Thống Đông Phương (CTÐP) được coi là nhiệt thành và rầm rộ bề ngoài hơn cả giáo hội Công Giáo Tây Phương (La Mã), ít là trong hiện tại. Giáo thuyết của họ về ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ không giống giáo hội La Mã. Họ cho rằng Ðức Mẹ là một thụ tạo tinh tuyền nhất, trong sạch hơn cả các Thiên Thần. Nhưng mặt khác họ lại tin rằng việc giao hợp nam nữ, dù rằng giữa vợ chồng, là một điều tội lỗi. Như vậy việc kết hợp giữa các Thánh Gioakim và Anna không thể sinh ra một Maria "vô nhiễm nguyên tội" được. Tiền đề của họ đã không giống giáo hội La Mã nên kết đề của họ khác xa như vậy là việc hiển nhiên.
Giáo hội CTÐP chấp nhận tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Họ cũng tin rằng Ðức Mẹ được quyền năng cầu bầu cùng Chúa cho các kẻ tội lỗi. Giáo thuyết của giáo hội CTÐP ảnh hưởng nhiều bởi lý thuyết của Theophanes thành Nicea (chết năm 1381), môn đệ của nhà huyền nhiệm học Gregory Palamas, cho rằng Ðức Maria là vị đầu tiên được tạo dựng giữa các thiên thần Seraphim, sau đó mới trở thành người. Lý thuyết này còn được Isidore Glabas (chết năm 1397) tán đồng. Ông ta cho rằng Ðức Mẹ không hẳn là thiên thần, cũng không hẳn là người, nhưng là cả hai, đã được chính Chúa sai xuống trần.
Nhà thần học và Thánh Mẫu học (Mariology) thời danh của giáo hội CTÐP là Sergius Bougakov (1871-1944), đã từ một kẻ Marxist trở về với Chúa và được thụ phong linh mục trong giáo hội CTÐP năm 1918 và đã từng dạy môn thần học ở Paris. Ông cho rằng "Trong sự thiếu sùng kính Ðức Mẹ ở giáo thuyết, Tin Lành (Protestantism) đã khác biệt trong cùng một mức độ với Chính Thống cũng như với Công Giáo. Mến yêu và sùng kính Ðức Trinh Nữ là linh hồn của nền đạo đức Chính Thống, là trái tim sưởi ấm và đem sinh khí đến toàn thể con người. Một Ðức Tin trong Ðức Kitô mà không nhắc đến việc Ngài giáng sinh bởi Ðức Trinh Nữ, và không tôn sùng Mẹ của Ngài, là một Ðức tin khác biệt, một Kitô giáo khác biệt hẳn với Chính Thống giáo." (First Lady of the world, Peter Lappin, p. 159).
TRONG ANH GIÁO (Anglicanism)
Thái độ của Anh Giáo đối với Ðức Mẹ đã thay đổi theo từng thời và khác biệt giữa những nhóm độc lập trong giáo hội của họ. Thuở khởi đầu cuộc ly giáo với giáo hội mẹ là Công Giáo (thế kỷ XVI), họ đã đập phá tất cả các thánh tượng và đền thánh của Ðức Mẹ, ngăn cấm việc cầu xin với Ðức Mẹ và các Thánh.
Ðến thế kỷ thứ XVII những người Carolines (môn đệ của Charles II) đã cố gắng gây lại một chút sùng kính Ðức Mẹ, nhưng họ vẫn không chấp nhận việc cầu xin cùng Ðức Mẹ. Những kẻ theo chủ nghĩa hợp lý (Rationalism) ở thế kỷ thứ XVIII lại hủy bỏ tất cả những việc sùng kính Ðức Mẹ được gây lại trong thế kỷ trước.
Nhưng vào thế kỷ thứ XIX, phong trào sùng kính Ðức Mẹ lại bột phát và có phần mạnh mẽ hơn cả thế kỷ XVII. John Keble xuất bản tập thơ "Ave Maria" trong đó Ðức Mẹ được xưng tụng là "Nữ Tì có phước" và "hoa huệ trong vườn địa đàng." Tập thơ đã gây ảnh hưởng rất lớn trong giáo hữu Anh Giáo. Ngoài ra phong trào ở Ðại Học Oxford cũng giúp các giáo hữu nhận biết tầm quan trọng của Ðức Mẹ trong chương trình cứu chuộc của Chúa.
Ngày nay, nhiều nhóm trong giáo hội Anh Giáo đã công khai dựng tượng Ðức Mẹ trong hoặc trước thánh đường của họ, mà tượng Ðức Mẹ Lộ Ðức được ưa chuộng nhiều nhất. Một vài linh mục Anh Giáo còn lần chuỗi mân côi với các giáo hữu, có khi họ còn đọc kinh chung với các tín hữu Công Giáo nữa. Tuy nhiên, hai tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và Hồn Xác Lên Trời vẫn là những vấn đề cần bàn thảo thêm giữa các nhà thần học Công Giáo và Anh Giáo.
TRONG GIÁO HỘI LUTHERAN VÀ CÁC GIÁO HỘI TIN LÀNH KHÁC
Một sử gia về tôn giáo nổi tiếng, Tiến Sĩ Ross Mackenzie, đã phát biểu rằng: "Dù bất cứ thực tại nào đang có trong các giáo phái Tin Lành hôm nay, không một nhà cải cách (Reformers) nào kể cả những người kế vị họ đã đặt vấn đề về nền tảng Kinh Thánh của hai câu trong kinh Tin Kính, rằng Ðức Chúa Giêsu "bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Ðức Trinh Nữ Maria." Calvin, Luther và Swingli đều đã dạy về sự trinh khiết muôn đời của Ðức Mẹ. Những nhà cải cách tiên khởi còn gọi Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos), bởi vì..."Mẹ đã mang thai Ngài, mà Ngài là Thiên Chúa." Những người theo Luther và Calvin cùng đồng ý rằng lời tiên tri của Ðức Mẹ "muôn đời sẽ khen tôi có phúc" luôn luôn được thể hiện trong giáo hội. Calvin đã kêu gọi các giáo hữu theo ông phải sùng kính và ca tụng Ðức Mẹ như một lương sư, đã dạy dỗ họ qua mệnh lệnh của con Mẹ. Gần đây nhất là khoảng năm 1655, những người thuộc nhóm Waldensians, trong tập "Confession" của họ còn ghi nhận rằng Ðức Nữ Trinh Cực Thánh và các Thánh vinh hiển đáng được "chúc tụng, sùng kính và noi theo." Ðức Trinh Nữ đã được gọi là "có phúc trong mọi người nữ." (Trích lời phát biểu của tiến sĩ MacKenzie ở Washington, 4/1976, ibid. p.162).
Tiến Sĩ Mackenzie còn kêu gọi các giáo hữu Tin Lành "thay đổi tâm lòng." Ông ghi nhận rằng những lời la hét "không giáo hoàng" và "không thánh mẫu học" có thể gây những tiếng vang, nhưng cải cách thật sự phải mang ý nghĩa lắng nghe Lời của Chúa. Ðặt ngôi vị của Ðức Maria đúng chỗ trong chương trình Cứu Chuộc của Ngài.
Sự chểnh mảng trong việc nghiên cứu về Ðức Maria ở các giáo hội Tin Lành, cũng như trong các cuộc phụng tự của họ, đã đưa đến sự sa sút trong niềm tin và không thấu hiểu vai trò của Mẹ. Tiến sĩ Donald Dawe, chủ tịch tiên khởi của Hội Hòa Ðồng Tôn Giáo của Ðức Trinh Nữ Maria ở Hoa Kỳ đã viết rằng chúng ta phải cám ơn những nhóm hội học về Tân Ước. Những cuộc nghiên cứu này đã giúp cả người Tin Lành lẫn Công Giáo thông hiểu ơn về ý nghĩa nhân tính thực sự của Chúa Giêsu, và vai trò của Mẹ ngài trong chương trình Cứu Chuộc.
Một cách tổng quát, trong các giáo hội Kitô, chỉ có Chính Thống Giáo, Anh Giáo (ở Mỹ được gọi là giáo hội Episcopal) và giáo hội Lutheran là còn sự tôn kính Ðức Mẹ trong tín lý của họ. Các giáo hội Thệ Phản còn lại đã dùng sự bất tôn kính Ðức Mẹ và các Thánh như một trong những chủ đề chung của họ để chống lại giáo hội Công Giáo.
NỖ LỰC HIỆP NHẤT CỦA CHÂN PHÚC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
Nhân lễ Truyền Tin, 25/3/1987, Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho công bố tông thư Mẹ Ðấng Cứu Thế (Redemptoris Mater), trong đó Ngài mời gọi tất cả các Kitô hữu hãy chấp nhận Ðức Mẹ như nguồn lực kết hợp. Tông thư được công bố nhằm chuẩn bị các giáo hữu Công Giáo hướng về Năm Thánh Mẫu, từ 7/6/1987 đến 15/8/1988.
Ðức Thánh Cha nêu rõ sự trùng hợp thích thú giữa Năm Thánh Mẫu và lễ kỷ niệm 1,000 năm Phép Thanh Tẩy của Thánh Vladimir và trong cùng khoảng thời gian Kitô Giáo đã được giảng dạy trong miền đất Ukraine, nơi có nhiều nhà thờ Chính Thống. Ngài kêu gọi giáo dân Công Giáo vào Chính Thống Giáo cùng liên hoan mừng lễ trong lời cầu nguyện.
Ðối với các giáo hữu Anh Giáo và Lutheran, ÐTC ghi nhận sự khác biệt trong tín lý của họ về Ðức Mẹ, nhất là trong hai tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và Hồn Xác Lên Trời. Trong khi các nhà lãnh đạo của hai giáo hội đó ước mong giáo hội Công Giáo xóa bỏ lời kết án và truất phép thông công (Anathemas) đối với những ai không tin vào hai tín điều này. LM thần học gia Avery Dulles (Mỹ, được đặc cách vinh thăng Hồng Y khi ngài đã về hưu) và nhiều nhà thần học Công Giáo khác đã thỉnh cầu giáo hội tháo bỏ án phạt nói trên như một cử chỉ hòa đồng đối với những người ngoài Công Giáo.
Mặc dù các giáo hữu của hai giáo hội nói trên không hẳn đã đồng ý với tất cả những điều Chân Phúc Gioan Phaolô II đã trình bày trong tông thư, nhưng họ đã rất phấn khởi và đón chào thông điệp của Ngài. Ðối với Ðức Thánh Cha, Ngài đã có một cái nhìn đầy hy vọng và lạc quan về một tương lai mà các giáo hội Kitô Giáo Tây Phương đến gần nhau hơn và cùng chấp nhận rằng Ðức Mẹ đóng một vai trò lớn hơn trong niềm tin của họ.
ÐỨC MẸ TRONG THẾ GIỚI HỒI GIÁO (Islam)
Lịch sử cho chúng ta thấy đã hai lần, vào các thế kỷ thứ IX và XVI, người Hồi Giáo đã tấn công, bao vây và hăm dọa sự tồn vong của Kitô giáo. Bởi những sự kiện đó và bởi những khác biệt trong tín điều, không ai có thể tin vào một sự kết hợp giữa hai tôn giáo lớn nhất hoàn cầu này.
Nhưng trong ngày 28/11/1979, tại nguyện đường của tòa đại sứ Ý ở Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), ÐTC Gioan Phaolô II đã nhắc đến một niềm tin chung giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo là hai giáo hội phải công nhận và cùng phát triển một sự liên kết tinh thần để đương đầu với vật chất chủ nghĩa. Tại Yaounde thuộc nước Camaroons (Phi Châu), ÐTC đã phát biểu cùng các nhà lãnh đạo Hồi Giáo rằng trong thời đại phân hóa này Hồi Giáo và Kitô Giáo phải tìm đến đối thoại với nhau.
Ngày 19/8/1985, đánh dấu lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng được mời đến thăm viếng một quốc gia nhận Hồi Giáo làm quốc giáo. Tổng Thống Marocco, đồng thời là giáo chủ Hồi Giáo của quốc gia này, đã ân cần thỉnh cầu ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm xứ sở của ông. Gần 100 ngàn người đã tràn ra đường phố dương cao khẩu hiệu chào đón vị giáo chủ Công Giáo: "Chào Mừng Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, đến Morocco, quê hương Hồi Giáo." Ðáp lại ÐTC đã kêu gọi dân chúng Hồi Giáo và Kitô Giáo chấp nhận nhau trong sự khiêm nhường và chịu đựng.
Nhìn vào thế giới Hồi Giáo, người Kitô hữu không thể không nhìn thấy một vài gía trị thực hữu. Qua những khiếm khuyết trong các xã hội Tây Âu, người Hồi Giáo đã cương quyết không để những tệ nạn, như hoang dâm, ma túy, tội phạm...xâm nhập vào xã hội của họ. Ðối với họ, Tây Âu đã đi qúa xa trong sự sa đọa, không thể cứu vãn được nữa mà sự tàn phá của bom, hỏa tiễn nguyên tử sẽ là cả hình phạt lẫn sự cứu chữa. Một vài người còn đi xa hơn, cho như là bổn phận, đòi phải giải phóng Tây Âu khỏi cảnh sa đọa, khỏi tay quỉ dữ.
Trong bối cảnh này, Ðức Maria đã đóng vai trò gì? Ngài đã được cả hai tôn giáo vĩ đại nhất chấp nhận và ân cần đón tiếp, trở nên điểm tương đồng cho họ. Ðối với người Công Giáo, Fatima là linh địa, nơi Ðức Mẹ đã hiện ra để cảnh tỉnh thế gian, nếu nhân loại không cải đổi và ăn năn đền tội, thảm họa sẽ diễn ra, kể cả việc một số quốc gia sẽ bị xóa tên.
Ðối với người Hồi Giáo, Fatima là tên người con gái rất được thương yêu của tiên tri Mohammed, bà được tôn vinh nhất trong mọi người nữ và đáng được phụ nữ Hồi Giáo noi gương. Hệ phái hồi giáo Shiites tin rằng chỉ có con cháu của bà Fatima là xứng đáng được cai trị dân Hồi Giáo.
Một số người Hồi Giáo thuộc giống Moors, từ Marocco đã theo chân tiên tri Mohammed chinh phục bán đảo Iberia, gồm Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha hiện nay. Họ đã để lại dấu tích của họ ở hai nơi quan trọng là Granada, với lâu đài nổi tiếng Alhambra, và Fatima.
Trong đền thờ Hồi Giáo "Mái Vòm Trên Ðá" (Dome of the Rock), ở Jerusalem, nơi tiên tri Mohammed "lên trời", người ta đã ghi tạc lời sách Koran bênh đỡ Ðức Maria, trước sự tấn công của người Do Thái về sự không hề bị tiêm nhiễm các tội của Mẹ. Sách Koran ghi nhận: "Trong Bà, Ðấng luôn luôn trinh khiết, Chúa sẽ thở hơi Thánh Linh."
Người Hồi Giáo chấp nhận Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, mặc dù họ không tin vào tội tổ tông. Họ cho rằng trong khi tất cả những linh hồn khác đều bị qủi Satan bắt giữ từ khi sinh ra, thì linh hồn Ðức Maria đã không bị. Họ cũng chấp nhận tín lý Hồn Xác Lên Trời của người Kitô. Sách Koran đã dùng những từ ngữ của Kinh Thánh, "Issa bin Maryam" (Giêsu, con Ðức Maria) để nhắc đến Chúa.
Người Hồi Giáo còn coi trọng Ðức Mẹ hơn bà Fatima của họ. Bà Fatima là "phụ nữ vĩ đại nhất thế giới, sau Ðức Trinh Nữ Maria." Sau khi bà Fatima qua đời, tiên tri Mohammed đã viết về con ông rằng Fatima "có chỗ cao nhất trên thiên đàng, sau Ðức Trinh Nữ Maria."
Chúng ta có quyền hy vọng rằng với mối thiện cảm mà người Hồi Giáo hiện có đối với Ðức Maria, sẽ làm cho họ cùng đứng chung chiến tuyến với người Kitô, chống lại kẻ thù chung là các chủ nghĩa vật chất và vô thần. Cô Jacinta, một trong ba trẻ ở Fatima được nhìn thấy và nhận lệnh của Ðức Mẹ, đã dẹp tan tất cả những nghi ngờ về vai trò hòa giải của Ngài, khi cô nói rằng "Chúa đã trao nền hòa bình trên thế giới cho Ðức Mẹ."
Trở lại với những tín hữu Kitô ngoài Công Giáo, đã lặn lội sang tận Medjugorje, đất Nam Tư, để minh chứng niềm tin vào Ðức Mẹ, kẻ viết bài này đã bị "cám dỗ" trong tư tưởng muốn mời họ tham gia vào việc chia sẻ Mình Thánh Chúa. Thánh Lễ là việc thờ phượng Chúa không thể thiếu đối với những người có lòng tin Công Giáo, càng không thể thiếu trong việc "dự tiệc" với Ngài. Những người anh chị em đó, dù chưa mang danh Công Giáo, dù giáo hội của họ vẫn còn thiếu sót trong việc tôn vinh Ðức Mẹ, nhưng từ những tấm lòng thành khẩn, thiết tha của họ, Ðức Mẹ không thể không nhìn đến và thương yêu họ cũng như tất cả con cái của Mẹ, là toàn thể nhân loại, trên cõi thế này.
LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng (nguon vietcatholic.org)