Tài Liệu Khác

 
MỘT VÀI BỔN PHẬN CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ
 
 
Tông đồ là tín đồ của một tôn giáo (Lê ngọc Trụ), là người bảo vệ hay truyền bá một chủ nghĩa gì (Thanh Nghị).
1. Tông đồ thực ra là gì ?
Thưa là người được sai phái, được cử đi làm đại diện cho Chúa để loan báo tin mừng cứu độ. Nghĩa này mới là nghĩa chính của động từ apostello trong tiếng Hy lạp. Apostolos bởi apostello mà ra. Nhưng văn chương Hy lạp không dùng chữ apostolos ở dạng danh từ, chỉ có văn chương nhà đạo thời các Tông đồ mới dùng thôi. Ngoài chữ apostolos ra, Tân Ước lại còn dùng chữ doulos. Doulos nghĩa là tôi tớ, người phục vụ lời của Thiên Chúa. Bởi vậy, tông đồ là người được sai đi để phục vụ lời của Thiên Chúa. Như vậy, nghĩa của chữ tông đồ được nới rộng chứ không thu hẹp lại trong Nhóm Mười Hai.
Tông đồ là như thế, còn bổn phận của tông đồ là thế nào ?
Trước hết, đối với Thiên Chúa, người tông đồ phải :
 
Nói đúng ý của Thiên Chúa.
Mà ý của Thiên Chúa là mọi người phải nên thánh, nghĩa là nên tốt, ăn ở tử  tế với anh em đồng loại và chu toàn bổn phận làm con đối với Thiên Chúa. Tông đồ phải nói đúng ý đó ra cho những người mình được sai tới.
Đi tới mọi nơi
Được sai đi đâu, tông đồ phải đi tới đó và ở lại cho đến khi có lệnh đổi đi nơi khác, chứ không phải như ngôn sứ Gio-na được sai đi Ni-ni-vê lại tự ý đi tới Tác-xít.
Làm như  ý người sai
Ý Chúa khi sai các Tông đồ đi là muốn các ông rao giảng Tin Mừng và dạy dỗ muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các tông đồ ngày nay kế tiếp công việc của các Tông đồ ngày xưa cũng là thế, nghĩa là đi giảng dạy cho muôn dân và làm phép rửa cho họ. Chúa muốn cho các Tông đồ khi đi đường không mang bị, mang gậy, mang túi tiền nghĩa là thanh thoát, nhẹ nhàng, không phải bận tâm gì đến vật chất để dồn tâm trí và sức lực vào công việc rao giảng và làm phép rửa. Như vậy,  công việc Chúa muốn cho người tông đồ làm thật là rõ ràng ; những việc khác chỉ là phụ thuộc và phải đưa về công việc chính.
Nếu làm thế nào mà cái tùy lại trở thành cái chính, thì tức là đã không tuân theo ý Đấng đã sai phái rồi.
Đó là xét về bổn phận đối với Thiên Chúa.
2. Còn bây giờ bổn phận của người tông đồ đối với chính mình thì sao ?
Phải tin tưởng
Tin tưởng ở Đấng đã sai mình đi, tin tưởng ở quyền năng của Người, ở chương trình và dự định của Người. Lòng tin tưởng này chỉ có được, khi người tông đồ hiểu biết  về những hành động của Thiên Chúa đối với dân Do thái trong Cựu Ước và đối với Hội thánh từ đầu cho tới nay. Ngoài sự hiểu biết này ra, điều quan trọng hơn là hiểu biết chính Thiên Chúa, bằng sự học hỏi, suy nghĩ, tiếp xúc và cầu nguyện. Tông đồ phải gắn liền đời mình với Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn mạch phát xuất mọi sinh lực và hoạt động của người tông đồ giữa bao mối bận tâm và các công việc khác trong đời sống hàng ngày.
Bằng lòng chịu thử thách
Hai bài đọc trong lễ thánh Phê-rô và thánh Phao-lô đều nói đến những thử thách người tông đồ phải chịu, khi thi hành sứ mệnh. Cuộc đời của Mười Hai Tông đồ kết thúc thế nào, chúng ta đã biết. Có thể nói gian lao thử thách là chuyện thường tình đối với người tông đồ. Ngược lại mới là điều bất thường. Đã làm tông đồ thì phải chấp nhận luật này. Đây không phải chỉ là lối nói quen thuộc hay một khuynh hướng bi thảm hóa vấn đề, đề tìm thấy cái thú ngay trong cái khổ mà chính là sự thật rút ra từ  đời sống các ngôn sứ trong Cựu Ước và các Tông đồ trong Tân Ước. Chúng ta chỉ cần đọc lại một vài đoạn trích trong lễ hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô cũng đủ thấy, ví dụ :
"Thời kỳ ấy, vua Hê-rô-đê ra tay ngược đãi một số người trong Hội thánh.  Nhà vua đã cho chém đầu ông Gia-cô-bê là anh ông Gio-an. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do thái, nhà vua lại bắt cả ông Phê-rô nữa." (Cv 12,1-3).
Trong mấy dòng trên, chúng ta thấy có những động từ ngược đãi, chém đầu, cho bắt. Những động từ đó diễn tả cái gì, nếu không phải là một tình trạng thử thách mà người tông đồ phải gánh chịu.
Ngoài ra là những lời thánh Phao-lô gửi cho môn đệ Ti-mô-thê : "Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi". (2 Tm 4,6) Những chữ đổ máu ra, làm lễ tế, bỏ mặc đều cùng diễn tả một tình cảnh như  trên.
Chờ đợi phần thưởng
Nhưng những gian lao thử thách ấy không phải là uổng phí mà là cái giá người tông đồ sẵn sàng trả để đổi lấy phần thưởng sau này như  thánh Phao-lô nói :
"Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây, tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính ; Chúa là vị thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện".(2 Tm 4,7-8).
Đó là một vài bổn phận của người tông đồ đối với Thiên  Chúa và đối với chính bản thân. Nếu hiểu cho đúng và chu toàn những nhiệm vụ đó, tông đồ sẽ là người thật sự được sai đi và làm công việc được giao phó. Người ấy xứng đáng đón nhận lời ngợi khen của ngôn sứ  I-sai-a :
"Đẹp thay trên đồi núi
bước chân người loan báo tin mừng,
công bố bình an". (Is. 52, 7).
Hội thánh cần những tông đồ như thế. Những tông đồ này là vòng nguyệt quế làm vẻ vang cho Hội thánh và góp phần vào việc xây dựng một Hội thánh xinh đẹp, đúng với ý của Đấng Sáng lập là Chúa Giê-su Ki-tô. Ước mong sao thời nào Hội thánh cũng có những tông đồ kiểu mẫu theo loại này.
Lm Đỗ Xuân Quế