Tài Liệu Khác

Nguyên ngữ của chữ Mạc Khải

Vài hàng ''phi lộ'':

Bài viết nhắm làm sáng tỏ nguyên nghĩa (sens étymologique) của chữ ''MẠC KHẢI'' được dịch từ chữ Hy-lạp ''ἀποκάλυψις'', được đọc là: ''apocalypsis''. Nhiều tiếng như La-tinh, Anh, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Ý... cũng có các chữ tương tự: ''apocalypsis, apocalyse, Apokalyse, apocalipsis, apocalisse ...''. Do ý nghĩa này, chữ ''revelatio, revelation, révélation, Revelation, revelacióna, rivelazione'' là những danh từ của động từ gốc La-tinh ''revelare'' có nghĩa đen (nghĩa thật: sens propre) là ''lấy, cất cái màn che đi''! Cho nên, bài viết  ủng hộ ''dụng ý tốt'' (bonne intention) của rất nhiều Học Giả Thần Học bởi vì chữ ''MẠC KHẢI: RÉVÉLATION'' lấy từ Nguồn là Kinh Thánh !

+ ++

Trước đây, tôi đã từng dùng chữ ''mặc khải''. Nhưng, sau khi tham khảo nhiều tài liệu và một số từ ngữ Anh, Pháp, Đức, La-Hy, Việt … về chữ ''mặc'' và nghiên cứu về chữ ''màn'' (mạc) trong Cựu Ước, nhất là trong Tân Ước, tôi liền sử dụng từ ''mạc khải''.

A.  Chữ ''MẶC'' và ''MẠC'' trong Từ Điển 

1. MẶC

a) Từ Điển Hán-Việt Đào Duy Anh và vài Từ Điển khác - Chữ ''mặc'' có nghĩa như sau: mực, sắc đen, không hơi tiếng, lặng lẽ. Ví dụ: mặc ngư là con mực; mặc lại là quan lại tham ô (làm việc đen tối, xấu xa); mặc tả là nhớ mà viết trầm ra; mặc niệm là cầu nguyện, tưởng nhớ trong im lặng. Mặc khải là lặng lẽ mở ra.  

b) Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu (Nhà Xuất Bản Đà Nẵng, năm 2005) -  Chữ ''mặc'' có nghĩa: sắc đen, mực, yên lặng, không nói, không cười.

c) Việt-Pháp Từ Điển của Đào Đăng Vỹ -  Chữ ''mặc'' có nghĩa: encre noire, écrit, littérature, noir, obscur; silence, silencieux, tacite, tacitement. Nhà thơ yêu trăng chọn bút hiệu ''Hàn Mạc Tử'', liền được ông (nào tôi quên quý danh) đề nghị đổi thành ''Hàn Mặc Tử'', tức là ''người bút mực'' thay vì ''người (sau) màn lạnh''.  Chữ ''tao nhân mặc khách '' là ''nhà thơ'' chứ không phải là ''người làm thơ huyền nhiệm''.

d) Phật Giáo Từ Điển - Chữ ''mặc'' là ''trầm mặc'': silent, profound, secret, dark. (Xin lưu ý: Từ điển này chỉ cho nghĩa là tính từ, chứ không phải danh từ.)

Trong cả bốn (4) cuốn vừa nêu, không ghi nghĩa ''Huyền nhiệm'' !

e) Cao Đài Từ Điển - Chữ ''mặc'' là lặng lẽ, nín lặng, không nói. Ngoài ra, tác giả còn ghi: ''Khải: mở ra. Mặc: yên lặng, thanh tịnh.'' Tác giả cho định nghĩa: Mặc khải là mở ra cho biết một điều thiêng liêng mầu nhiệm trong sự tĩnh lặng mà lý trí con người không thể giải thích được. T.d: Sự mặc khải của Thượng Đế.

Tác giả dùng bốn chữ ''trong sự tĩnh lặng'' là trạng ngữ cách thức (adverb phrase of manner) bổ nghĩa (modifying, modifier of) động từ ''khải''. Như vậy, trong ví dụ của tác giả, chữ ''mặc'' không phải là danh từ !!! Tác giả còn đưa ví dụ: ''sự mặc khải của Thượng Đế'' vì ông ta là người ngoài Kitô Hữu nên quan niệm rằng Ngài là Thiên Chúa giấu ẩn, không thể nào đến gần được … 

2. MẠC

a) Từ Điển Đào Duy Anh- Chữ ''mạc'' có nghĩa ''cái màn, yên lặng; xa''.

b) Từ Điển Thiều Chửu – Chữ ''mạc'' có nghĩa ''cái màn; cái bạt; lặng; xa tít; xa không thể tới được'' ....Vì thế, sự gì mới bắt đầu làm đều gọi là khai mạc, mở màn.

c)Việt-Pháp Từ Điển của Đào Đăng Vỹ – Chữ ''mạc'' là ''voile, rideau, tente, couverture''.

d) Phật Giáo Từ Điển – Chữ ''mạc'' là ''màng: a membrane.''

e) Cao Đài Từ Điển -  Chữ ''mạc'' là cái màn che ở trên sân khấu; chữ ''khai'' là mở ra, mở đầu, mở mang, bắt đầu. T.d: khai đàn, khai đạo, khai hóa. Chữ ''khai mạc'' là mở màn trên sân khấu, ý nói cuộc hội nghị bắt đầu, hay bắt đầu một cuộc lễ, một cuộc triển lãm. Diễn Văn khai mạc: Bài Diễn Văn của Ban Tổ Chức đọc trước khi Hội Nghị bắt đầu làm việc.

B. Ngữ nguyên – Ý kiến của người viết

Trước khi nêu lên ý kiến và các câu Kinh Thánh với những phạm trù (catégories) có nghĩa là ''màn, màng'', tôi xin giải thích nguyên ngữ (étymologie) của từ RÉVÉLATION (MẠC KHẢI) như sau:

a) Ngữ nguyên

Nhờ trực quan sinh động như ''sấm sét ngang dọc xé màn trời (voûte / voile céleste) khi Chúa tắt hơi, nhờ biết đến sự kiện bức màn trong Đền Thánh bị xé ra ở giữa và đến cái màng con mắt của Saulô ...'', các Tông Đồ và Giáo Phụ mới dùng những từ Hy-lạp ''apocalypsis''. Tiếp đầu ngữ Hy-lạp ''apo'' có nghĩa ''cách, tách biệt, khỏi: off, from, away''; còn ''calypsis'' là do ''kalyptein'' có nghĩa là ''che, phủ: cover'' ! Như vậy, ''không che phủ nữa'' tức là ''tỏ ra cho biết, cho thấy'' ! Từ ý nghĩa này, các Thánh Tông Đồ và các Giáo Phụ mới dùng chữ La-tinh REVELATIO là danh từ của động từ REVELARE. Ngoài một vài nghĩa thông dụng, tiếp đầu ngữ RE còn đồng nghĩa với DÉ có nghĩa phủ định, bỏ đi (négation, suppression) hay bớt đi (réduction, diminution). Còn ''ngữ căn'' (radical) hay ''từ gốc'' VELARE (che) là do danh từ Latinh VELUM là cái MÀN, tức là VOILE (*) trong tiếng Pháp, là VEIL trong tiếng Anh. Thậm chí người Anh còn dùng VELUM, (số nhiều: vela) với nghĩa là cái MÀNG bọc mỏng (a thin membranous covering) của cá biển hay nấm (muschrooms). Như vậy, động từ ''REVELARE, RÉVÉLER, REVEAL'' có nghĩa là ''tháo màn hay màng che phủ đi'', tức là MẠC KHẢI: DISCLOSE !  

b) Ý kiến

Khi dựng nên Thiên Thần, Thiên Chúa đã mạc khải (tỏ bày) Quyền Năng và Tình Yêu của Ngài. Và, khi dựng nên Vũ Trụ, cũng thế, Ngài đã tự mạc khải như Kinh Chúc Tụng trong Thánh Lễ: ''Trời và đất đầy vinh quang Chúa. Hoan hô Chúa trên các tầng trời.'' 

Thiết tưởng cần làm sáng tỏ thêm rằng chữ ''mạc'' trong ''mạc khải'' không có ''phạm thượng'', mà rất ''tượng hình'' đối với con người là thọ tạo hữu hạn. Cho nên, trong Cựu Ước (Xuất Hành), Thiên Chúa đã dạy con người làm cho Ngài Nhà Tạm bằng vải, tấm thảm bằng lông dê, sợi gai mịn và bạt che bằng da cừu nhuộm đỏ và da cá heo, làm một bức màn che cửa lều bằng vải đỏ tía, vải điều, làm năm cột gỗ keo thiếp vàng để treo bức màn đó … (Xh 36-38) 

c) Các câu khác trong Kinh Thánh có chữ MÀN

Cựu Ước: 

1. Chúa truyền lệnh: ''Con hãy đặt hương án đó trước Màn che Hòm Bia Chứng Tri … là nơi Ta sẽ gặp gỡ con.'' (Xuất Hành 30, 6. Thì tương lai ''mettras / shall put'' có giá trị là mệnh lệnh.) Do đó, sau này, Thánh Phaolô mới nhắc đến Bức Màn ấy: ''Đằng sau bức màn thứ hai, có một cái lều gọi là Nơi Cực Thánh. (Do Thái hay Hipri 9,3) 

2. Chữ ''mạc mạc'' có nghĩa là mây đen, là màn che như trong Cựu Ước: ''Chúa dùng bóng tối làm màn bao phủ, lấy mây đen nghịt làm trướng che Ngài. (TV 105, 39) Kinh Thánh cũng gọi tầng trời là màn như sau: ''Ngài căng trời như màn trướng ...'' (TV 104, 2)

3. Ngày xưa, Chúa tự mạc khải chỉ bằng Lời nói cho những ai được biệt chọn, chứ không cho họ  ngắm Thánh Nhan của Ngài như sau: ''Vinh quang Chúa Giavê ngự trên núi Xi-nai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Ngài gọi ông Mô-sê. (Xh 24, 16) Như vậy, có thể nói rằng Thiên Chúa chỉ ''mở hé màn'' cho người trong Cựu Ước nghe tiếng Ngài mà thôi.

Tân Ước:

1. Trong Tân Ước, Thiên Chúa ''mở màn trướng là trời'' để Lời Hằng Hữu trong Cha nhập thể và nhập thế như Dân Do Thái đã ngóng trông. Thiên Chúa là LỜI (Logos, Verbe, Parole, Word, Wort) thì Ngài không ''thinh lặng'' như suy nghĩ của Anh-Em Cao Đài hay người ngoài Kitô Giáo. Ngài tự mạc khải là ''kéo màn ngăn cách'' để ''Thiên-nhân tương dữ: Trời và người giao hảo, xe chữ ĐỒNG'' để họ chẳng những nghe tiếng Ngài, mà còn nhìn ngắm Ngài như Thánh Gioan đã tuyên xưng: ''Và Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng tôi và chúng tôi đã ngắm vinh quang của Ngài, vinh quang của Con Một từ Cha ...'' (Gioan 1,14)

2. Màn trời phải được ''xé ra'' (se déchirer) để Chúa Thánh Linh và Chúa Cha tự mạc khải như sau: ''Vừa lên khỏi nước, Ngài thấy các tầng trời xé ra và Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài; và một tiếng phát ra từ trời: ''Con là Con chí ái của Ta mà Ta đã sủng mộ. (Mc 1,10-11)

3. Trên núi Tabôrê, sau khi đã tỏ (mạc khải: révélé) cho ba Tông Đồ: Phêrô, Gioan, Giacôbê thấy Ngài đàm đạo với Môsê và Êlia, Chúa Giêsu lại dùng mây làm màn che như sau: ''Ông đang nói thế thì xảy đến một đám mây, và nó rợp bóng trên họ. Họ kinh hãi lúc các Ngài đi vào đám mây. Và một tiếng phát ra tự đám mây: ''Ngài là Con Ta, mà Ta đã chọn, các ngươi hãy nghe Ngài." (Lc 9,34, 35)

4. Màn Đền Thánh (Le Voile du Temple) bị xé ra ở giữa là dấu chỉ rằng Chúa Cha yêu mến Con Một của Ngài phải tắt hơi trên Thập Giá. Nhưng đó cũng là mạc khải (xé màn ra) cho biết rằng GIỜ TRỌNG ĐẠI của Chương Trình Cứu Rỗi đã điểm bởi lẽ CÁI CHẾT của CON MỘT mang lại SỰ SỐNG đời đời cho người tin vào Chúa Cứu Thế. Theo phong tục xưa của Do Thái, mỗi lần con trai mình qua đời, người cha xé áo xống từ trên xuống dưới (depuis le haut jusqu'en bas) để chịu tang.

5. Tông Đồ ra Mộ Chúa, chỉ thấy dải vải và tấm khâm phủ đầu Ngài được cuộn riêng một chỗ. Bấy giờ, các ngài mới tin Chúa đã sống lại. Như vậy, những tấm vải che ấy đã được Chúa tháo ra (mạc khải) để các ngài tin vững vàng. (Gioan 20, 1-10)

6. Theo Phật Giáo Từ Điển, ''MẠC'' còn có nghĩa là MÀNG. Vậy thì qua phép lạ chữa người mù được thấy, Chúa Giêsu đã mở màng mắt thể lý và Đức Tin cho nhiều người. Chẳng hạn, hai môn đồ đi chung với Chúa trên đường Emmau mà vẫn không nhận ra Ngài. Nhưng, khi Chúa trao cho họ bánh nơi bàn ăn, ''mắt họ liền mở ra và họ nhận biết Ngài.'' (Luca 24, 31) Còn người bắt Đạo khét tiếng cũng được Chúa mở màng mắt như sau: ''Và lập tức, bong khỏi mắt Saulô như những cái vảy, và ông lại thấy được.'' (Cv 9,18) Nhờ ''mạc khải'' ấy mà Saulô trở thành Tông Đồ Phaolô cho Lương Dân ! (Xin đọc thêm cả Đoạn 9 Tin Mừng theo Thánh Gioan về người mù bẩm sinh được Chúa mở màng mắt và T.M theo Th. Marcô 8, 31-37 kể việc Chúa chữa người điếc và ngọng.  ''Ephata! -  Con hãy mở ra! Vậy là Chúa dạy chúng ta mở ''mắt, tai, tay, miệng, lưỡi, lòng, trí'', tức là lấy đi cái màn, màng ngăn cách con người với Thiên Chúa.)

7. Trước khi trở thành người đầu tiên Tử Đạo, Thánh Stêphanô được Chúa mạc khải nên ông ta nói: "Này, tôi thấy các tầng trời mở ra và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa." (Cv 7, 56) 

Chính vì ý nghĩa của chữ MẠC là MÀNG, mà người Anh viết, nói như sau: ''It was a revelation to me !'' Còn người Pháp, Đức, Việt thì cụ thể hơn: ''Cela m'a ouvert les yeux ! - Das hat mir die Augen geoffnet ! Điều ấy đã làm tôi sáng mắt ra !''

C.  LỜI KẾT

Tóm lại, MẠC KHẢI là từ phải được Kitô Hữu Việt Nam trân trọng vì ý nghĩa của NÓ, vì có SÁCH, có CHỨNG là LỜI CHÚA trong KINH THÁNH. Ước gì được như vậy.

Đức Quốc, 29.6.2011
Người viết: Đaminh Phan văn Phước 

Ghi chú:

* Theo luật biến âm (évolution phonétique), phụ âm cuối /u/ yếu đi để trở thành /e/ câm. - La voyelle finale s'affaiblit sous forme de /e/. Người Pháp thời xưa bỏ luôn âm /m/ trong VELUM để có VOILE. Ví dụ khác: Họ lấy chữ GAUDIUM, bỏ âm /m/, biến /u/ thành /e/, biến luôn /g/ thành /j/, /au/ là ''diphtongue: nhị trùng âm'' thành /o/ và cũng bỏ hẳn /d/ là phụ âm ''transitoire, intermédiaire'' (tạm thời, trung gian), giữ lại /i/. Từ đó, tiếng Pháp có chữ JOIE mà E là câm / không đọc. Người Anh lấy JOIE, biến thành JOY là vậy.