VATICAN. Hôm 14-12-2007, Bộ Giáo lý đức tin đã công bố Văn kiện mới tái khẳng định quyền và nghĩa vụ của các tín hữu Kitô truyền giảng Tin Mừng, đồng thời bác bỏ những chủ trương sai lầm nhắm loại bỏ việc truyền giáo và việc đón nhận tha nhân vào Giáo Hội.
Văn kiện có hình thức một bản ”Chú thích đạo lý” (note doctrinale) và được công bố bằng 6 thứ tiếng: Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha. Tài liệu này được giới thiệu trong cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh do ĐHY William Joseph Levada, Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, ĐHY Ivan Dias, Tổng trưởng Bộ truyền giáo và ĐHY Francis Arinze, Tổng trưởng Bộ phụng tự và kỷ luật bí tích. Ngoài ra có Đức TGM Angelo Amato, Tổng thư ký Bộ giáo lý đức tin.
Văn kiện đề ngày 3-12-2007, được ĐTC Biển Đức 16 phê chuẩn trong buổi tiếp kiến dành cho ĐHY Tổng trưởng Levada ngày 6-10 trước đó và truyền công bố.
Ngoài phần dẫn nhập và kết luận, ”Chú thích đạo lý” của Bộ giáo lý đức tin dài 19 trang, được chia làm 3 phần với tổng cộng 13 đoạn, lần lượt đề cập đến các khía cạnh nhân loại học đặc biệt là tự do và chân lý, khía cạnh Giáo Hội học, và đại kết của công cuộc truyền giảng Tin Mừng.
Nội dung tổng quát của Văn kiện
1. Trong phần dẫn nhập, Bộ giáo lý đức tin cho biết ”Chú thích đạo lý” này chủ yếu nhắm trình bày ý nghĩa sứ mạng truyền giảng Tin Mừng Kitô như được Giáo Hội Công Giáo hiểu, đó là loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô; từ ” Tin Mừng ” dịch từ tiếng hy lạp ” Evangelion ” trong Kinh Thánh Tân Ước. ”Chúa Giêsu Kitô, được Chúa Cha sai đi loan báo Tin Mừng, đang kêu gọi mọi người hoán cải và tin. ”Các con hãy đi khắp thế gian, và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa thì sẽ được cứu rỗi, ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,15-16).
2. Văn kiện ”Chú thích đạo lý” trích dẫn thông điệp Redemptoris Missio (Sứ mạng của Đấng Cứu Chuộc), do ĐGH Gioan Phaolô 2 ban hành, nhắc nhớ rằng: ”Mỗi người đều có quyền được nghe ”Tin Mừng” của Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải và hiến thân trong Chúa Kitô, để thực hiện trọn vẹn ơn gọi của mình”. Tương ứng với quyền lợi đó là nghĩa vụ phải rao giảng Tin Mừng” (n.2).
3. Ngày nay có một sự hỗn độn đang gia tăng về mệnh lệnh truyền giáo của Giáo Hội. Một số người cho rằng ”mọi toan tính thuyết phục người khác về vấn đề tôn giáo là áp đặt giới hạn cho tự do của tha nhân”, và họ đề nghị chỉ cần ”mời gọi người khác hành động theo lương tâm của đương sự” và “giúp tha nhân trở thành người trọn hảo hơn hoặc trung thành hơn với tôn giáo của họ, chỉ cần kiến tạo những cộng đoàn có khả năng hoạt động cho công bằng, tự do, hòa bình, liên đới”, chứ không nhắm hoán cải người khác trở về với Chúa Kitô và đức tin Công Giáo.
Có những người khác cho rằng không được cổ võ sự hoán cải về cùng Chúa Kitô vì người ta có thể được cứu độ ”mà không cần đích thị phải biết Chúa Kitô và không cần chính thức gia nhập Giáo Hội. Đứng trước những chủ trương ấy, Bộ Giáo lý đức tin thấy cần phải công bố Chú thích đạo lý này” (n.3).
I. Những hệ lụy về nhân loại học
4. Một số hình thức của chủ thuyết bất khả tri (agnosticisme) và thuyết duy tương đối phủ nhận con người có khả năng nhận biết chân lý. Thực ra tự do của con người không thể tách rời khỏi sự tham chiếu chân lý. Thiên Chúa đã ban cho con người trí tuệ và ý chí để có thể nhận biết và yêu mến những gì là thiện hảo và chân thật. Việc thực thi chung kết ơn gọi của con người hệ tại sự chấp nhận mạc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô như được Giáo Hội rao giảng.
5. Ta không thể dấn thân trong sự tìm kiếm chân lý mà chỉ cậy dựa vào sức riêng của mình. Điều không thể tránh được là sự tìm kiếm chân lý như thế bao hàm sự giúp đỡ của tha nhân và tín nhiệm nơi kiến thức đã nhận lãnh được từ tha nhân. Vì thế giáo huấn và sự đối thoại mà người ta thỉnh cầu từ một người khác, trong tự do hoàn toàn, để được biết và yêu mến Chúa Kitô không phải là ”một sự xen mình trái phép” vào tự do của tha nhân, ”trái lại, đó là một món quà hợp pháp và là một dịch vụ có thể làm cho quan hệ giữa con người với nhau được phong phú hơn” (5).
6. Sự thông truyền chân lý để người khác đón nhận cũng là điều phù hợp với ước muốn tự nhiên của con người là làm cho tha nhân được chia sẻ những gì mình có, sự chia sẻ này, đối với các tín hữu Công Giáo, bao gồm cả hồng ân đức tin trong Chúa Giêsu Kitô. Các phần tử của Giáo Hội dĩ nhiên mong ước chia sẻ với tha nhân đức tin mà họ đã nhận lãnh nhưng không. 7. Nhờ việc rao giảng Tin Mừng, các nền văn hóa được chân lý Tin Mừng tác động một cách tích cực. Cũng vậy, với việc rao giảng Tin Mừng các phần tử của Giáo Hội Công Giáo cởi mở đón nhận những món quà từ các truyền thống và các nền văn hóa khác, vì ”mỗi cuộc gặp gỡ với một người hoặc một nền văn hóa cụ thể có thể biểu lộ tiềm năng của Tin Mừng ít được diễn tả rõ ràng trước đó và những tiềm năng ấy sẽ làm cho đời sống cụ thể của các tín hữu Kitô và Giáo Hội thêm phong phú” (n.6).
8. Mọi biện pháp đối thoại bao hàm sự cưỡng bách hoặc xúi giục một cách sai trái, không tôn trọng phẩm giá và tự do tôn giáo của hai tác nhân trong cuộc đối thoại, thì không thể hiện hữu trong công cuộc truyền giảng Tin Mừng Kitô giáo.
II. Những hệ lụy về giáo hội học
9. ”Từ ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (...) Tin mừng, trong quyền năng của Thánh Linh, được rao giảng cho mọi người, để họ tin và trở thành môn đệ của Chúa Kitô và phần tử Giáo Hội của Chúa”. ”Hoán cải là một sự thay đổi não trạng và hoạt động”, biểu lộ cuộc sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô; đó là một chiều kích của đời sống Kitô.
10. Đối với việc rao giảng Tin Mừng Kitô, ”sự tháp nhập các phần tử mới vào Giáo Hội không phải là bành trướng một nhóm quyền lực, nhưng là sự gia nhập một mạng thân hữu với Chúa Kitô, nối liền trời với đất, các đại lục và các thời đại khác nhau”. Theo nghĩa đó, ”Giáo Hội là một chiếc xe chuyển đạt sự hiện diện của Thiên Chúa và vì thế, Giáo Hội là một dụng cụ nhân bản hóa đích thực con người và thế giới” (n.9)
11. ”Chú thích đạo lý” của Bộ giáo lý đức tin trưng dẫn Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Vui Mừng và Hy vọng, của Công đồng chung Vatican 2, khẳng định rằng sự tôn trọng tự do tôn giáo và sự thăng tiến tự do ấy không được làm cho chúng ta trở nên dửng dưng đối với sự thật và sự thiện. Trái lại chính tình yêu ấy thúc đẩy mọi môn đệ của Chúa Kitô loan báo sự thật cứu độ cho mọi người” (n.10). Sứ mạng yêu thương này phải được chu toàn qua việc loan báo bằng lời nói và cuộc sống chứng tá. ”Để ánh sáng chân lý được chiếu tỏa cho mọi người, trước tiên cần có chứng tá thánh thiện. Nếu lời giảng bị cuộc sống thực tế phủ nhận thì khó được người ta đón nhận”. Ngoài ra, Văn kiện cũng trích dẫn Tông huấn ” Evangelii nuntiandi ” về việc loan báo Tin Mừng, do ĐGH Phaolô 6 ban hành, khẳng định rằng ”cả chứng tá đẹp đẽ nhất cũng vô hiệu lực về lâu về dài nếu không được soi sáng, chứng minh và... diễn tả minh bạch bằng việc loan báo rõ ràng và không chút mơ hồ về Chúa Giêsu Kitô” (n.11).
III. Những hệ lụy về đại kết
12. ”Chú thích đạo lý” của Bộ giáo lý đức tin tái khẳng định vai trò quan trọng của phong trào đại kết trong sứ mạng truyền giảng Tin Mừng của Giáo Hội. Những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô có thể làm thương tổn trầm trọng sự đáng tin cậy của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội. Nếu phong trào đại kết thực hiện được sự hiệp nhất rộng lớn hơn giữa các tín hữu Kitô, thì công cuộc truyền giảng Tin Mừng cũng nhờ đó được hữu hiệu hơn.
13. Khi công cuộc truyền giảng Tin Mừng của Công Giáo được thực hiện tại một nước trong đó có các tín hữu Kitô không Công Giáo sinh sống, thì các tín hữu Công Giáo phải hết sức để ý đến điều này khi chu toàn sứ mạng của mình, đó là ”phải thực sự tôn trọng truyền thống và những phong phú thiêng liêng của các tín hữu Kitô ấy” và phải có một tinh thần cộng tác chân thành với họ. Công cuộc rao giảng Tin Mừng có thể tiến triển bằng đối thoại chứ không phải bằng cách chiêu dụ tín đồ. Với các tín hữu Kitô không Công Giáo, các tín hữu Công Giáo phải thi hành sự đối thoại bác ái và sự thật trong tinh thần tôn trọng, một cuộc đối thoại không phải chỉ là trao đổi ý kiến, nhưng còn là một sự trao đổi các hồng ân, để sự sung mãn các phương thế cứu độ được trao tặng cho những người đồng bạn trong cuộc đối thoại. Như thế, có sự khích lệ họ hoán cải sâu xa hơn, về cùng Chúa Kitô.
”Về vấn đề này, cũng cần ghi nhận rằng nếu một tín hữu Kitô không Công Giáo, vì lý do lương tâm và vì xác tín về chân lý Công Giáo, họ xin được hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo, thì cần phải tôn trọng sự kiện ấy như một hoạt động của Chúa Thánh Linh cũng như một sự biểu lộ tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Trường hợp đó, không phải là chiêu dụ tín đồ theo nghĩa tiêu cực được gán cho từ này” (12).
Kết luận
Văn kiện của Bộ giáo lý đức tin nhắc lại rằng mệnh lệnh truyền giáo thuộc về chính bản chất chân thực của Giáo Hội. Về vấn đề này, Văn kiện trưng dẫn lời ĐTC Biển Đức 16: ”Việc loan báo và làm chứng tá Tin Mừng là việc phục vụ đầu tiên mà các tín hữu Kitô có thể làm cho mỗi người và toàn thể nhân loại, họ được kêu gọi thông truyền cho mọi người tình yêu của Thiên CHúa, Đấng tự biểu lộ sung mãn trong Đấng Cứu Thế duy nhất là Chúa Giêsu Kitô”.
Phần kết luận của Văn kiện cũng trích dẫn câu của ĐTC Biển Đức trong thông điệp ”Deus Caritas est” (Thiên Chúa là tình thương): ”Tình thương đến từ Thiên Chúa liên kết chúng ta với Ngài và biến đổi chúng ta thành một ” Chúng Tôi ”, một cộng đoàn, vượt lên trên mọi chia rẽ của chúng ta và làm cho chúng ta được nên một, cho đến khi Thiên Chúa trở thành mọi sự trong mọi người” (1 Cor 15,28).
LM Trần Đức Anh, OP
(VietCatholicNews 14/12/2007)