Người Chủ Chăn

Chuyển dịch từ Le berger de mon troupeau, La trousse du berger của Maryse Dumas và Roger Groleau, Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo tại địa phận Sherbrooke, Québec

Phần 5. Mục Vụ Đặt Tay Cầu Nguyện

Cầu nguyện cho người khác là vì chúng ta yêu mến họ. Và cử chỉ đặt tay là dấu chỉ nói lên tình yêu Thiên Chúa đối với loài người.

« Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được cứu thoát. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính rất có hiệu lực. » (Gc 5, 14-16)

5.1 Định nghĩa sự đặt tay

* Đặt tay là một dấu chỉ nói lên Tình Yêu Thiên Chúa đang sống động trong Giáo Hội. Là một trong những cách đặc biệt Thiên Chúa muốn diễn đạt tình yêu của Ngài qua người đặt tay đến người được cầu nguyện.

* Đặt tay là một cử chỉ, là lời cầu nguyện trích dẫn từ trong Sách Thánh và trong đời sống của Giáo Hội.

Trong Cựu Ước:
St 48, 14-15
Ds 8, 10
Ds 28, 18
Lv 9, 22
Dnl 34, 9

Trong Tân Ước:
Mt 10, 16; 19, 13-15
Mc 1, 41-42; 5, 23; 6, 5; 16, 17
Lc 24, 50
Cv 6, 6; 8, 17; 13, 3; 28, 8-9 
Gc 5, 15-16
1 Tm 1, 6

* Cử chỉ đặt tay là cho Thiên Chúa mượn bàn tay và trái tim của chúng ta để Ngài hoạt động và qua chúng ta để nối kết Ngài với người bạn của mình. Qua chúng ta, chính Chúa Giêsu sẽ đến để giải thoát, chữa lành, tăng sức mạnh, an ủi hay ban Thánh Thần cho người bạn chúng ta.

* Đặt tay là một mục vụ mà Thiên Chúa sẽ tác động về mọi phương diện: thể xác, tâm lý, cảm xúc, tinh thần và tâm linh.

* Đặt tay là để cho Thiên Chúa hoạt động với quyền năng của Ngài. Là sự đáp trả lời mời gọi của Chúa Giêsu : « Dọc đường, hãy rao giảng rằng : Nước trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không thì cũng hãy cho không như vậy. » (Mt 10, 7-8)

« Đây là những dấu lạ theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn độc, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe. » (Mc 16, 17-18)

 

* Đặt tay là dịp để chúng ta loan báo Tin Mừng, để chúng ta trao dồi và rèn luyện đức tin.

* Đặt tay cầu nguyện giúp chúng ta tăng trưởng thêm về đời sống tâm linh. Thật ra, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta thật yếu đuối và bất lực trước những nhu cầu khốn khổ của tha nhân, và qua đó chúng ta mới nhận thức được tầm quan trọng trong sự trợ giúp của Thiên Chúa và Lòng Thương Xót của Ngài qua mục vụ đặt tay này.

5.2 Ý nghĩa của đặt tay

a) Cử chỉ chúc lành

Khi chúng ta chúc lành cho ai là chúng ta đang khẩn cầu lòng nhân từ của Thiên Chúa đoái thương đến đời sống, nhu cầu và trường hợp của người đó. Đặt tay cầu nguyện cho họ là chúng ta đang trở nên dụng cụ của lòng khoan nhân và tình yêu của Thiên Chúa.

« Sau hết, tất cả anh chị em hãy đồng tâm nhất trí, thông cảm với nhau, hãy yêu thương nhau như anh em, hãy ăn ở nhân hậu và khiêm tốn. » (1Pr 3, 8)

 

b) Cử chỉ thánh hiến

Trong mục vụ đặt tay, chúng ta cầu xin Chúa hãy đến làm mới lại Ơn Thanh Tẩy của người được cầu nguyện để khơi dậy các ân hụê và đặc sủng của Chúa trong họ.

Điều này cũng nói lên rằng họ phải được cắt đứt tất cả các liên hệ giữa họ với điều gì khác để họ có thể đắm chìm trong niềm vui và tình yêu của Thiên Chúa

.

c) Cử chỉ Giáo Hội

Khi chúng ta đặt tay cầu nguyện, chúng ta đang làm một cử chỉ của Giáo Hội. Vì Giáo Hội là Nhiệm Thể Đức Kitô, nên ở đâu có hai ba người tụ họp lại nhân Danh Chúa Giêsu, thì ở đó có Chúa Giêsu, và ở đó là một Giáo Hội thu nhỏ.

« Vì ở đâu có hai ba người tụ họp lại nhân Danh Thầy, thì ở đó có Thầy ở giữa. » (Mt 18, 20)

 

d) Cử chỉ dâng hiến

Khi chúng ta đặt tay cầu nguyện là chúng ta đang dâng hiến chính con người mình để trở nên khí cụ cho tình yêu Thiên Chúa, và chúng ta cũng đang dâng hiến người được cầu nguyện cho Chúa Kitô để Ngài tuôn đổ quyền năng Thánh Thần của Ngài xuống trên họ và dìm họ trong tình yêu Thiên Chúa Cha.

e) Cử chỉ lòng khoan nhân

Với thời gian kiên nhẫn mà chúng ta dùng để làm mục vụ đặt tay cho người bạn của mình, Thiên Chúa có thể khơi lên trong tim họ niềm hy vọng sâu sa đối với Ngài. Đón tiếp người bạn của mình không phải với lòng xét đoán, nhưng với hết cả trái tim và tình yêu của chúng ta đó là bước đầu để giúp người bạn mình khám phá ra Lòng Thương Xót và Nhân Hậu của Thiên Chúa.

f) Cử chỉ tình đoàn kết

Mỗi một người trong chúng ta là một phần Nhiệm Thể của Đức Kitô, vì thế, chúng ta tin rằng ân sủng và sự chúc lành của Thiên Chúa đang tuôn xuống không những chỉ cho người được cầu nguyện, nhưng là cho tất cả mọi người.

« …vui với người vui, khóc với người khóc. » (Rm 12,15)

« Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. » (1 Cr 9,22)

 

g) Cử chỉ can thiệp

Để trả lẽ cho sự công bình ngay thẳng của Thiên Chúa Cha vì tội lỗi của loài người, đặt tay cầu nguyện là một hành động can ngăn cơn thịnh nộ của Ngài qua quyền năng của Chúa Thánh Thần và trong Danh Thánh Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng sự dữ và tử thần.

5.3 Kết quả của sự đặt tay cầu nguyện là gì?

a) Chữa lành và giải thoát

Qua mục vụ đặt tay này, Thiên Chúa muốn chữa lành và giải thoát cho con cái của Ngài về mọi phương diện :

* Chữa lành thể xác : Chúa Giêsu đến để thúc đẩy tiến trình việc chữa lành hoặc Ngài có thể chữa lành liền ngay trong giây lát.

* Chữa lành nội tâm, tâm lý : sợ hãi, lo lắng, đau khổ, cảm giác tội lỗi, không chấp nhận chính mình, cảm giác cô đơn bị bỏ rơi, hoang tưởng…

* Chữa lành những mối liên hệ giữa ta với người : không tha thứ, thù hận…

* Giải thoát : Chúa Giêsu đến để cắt đứt tất cả những mối quan hệ nào không đến từ Thiên Chúa. Có ba loại :


1) Quan hệ giữa chúng ta và tổ tiên (ảnh hưởng xấu của ông bà tổ tiên còn ràng buộc trên chúng ta do những tội họ đã phạm)
2) Sự mất thăng bằng giữa thân thể và tâm hồn
3) Mối quan hệ với các thần khí khác (chẳng hạn như thần khí ô uế, thần khí xác thịt…)

b) Được ủy thác trong sứ mệnh mới

Chúng ta đặt tay cầu nguyện cho những người nào được ủy nhiệm cho một nhiệm vụ mới để họ được tắm trong trong ân sủng và quyền năng của Thánh thần với trách nhiệm mới này.

c) Dìm trong Chúa Thánh Thần

Chúng ta cầu xin ơn dìm trong Chúa Thánh Thần là chúng ta đang xin Thiên Chúa làm mới lại và khơi dậy lên những ơn hụê và những đặc sủng mà chúng ta đã nhận lãnh qua Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức. Điều này cũng nói lên rằng chúng ta đang cầu xin Thiên Chúa đến cởi trói Chúa Thánh Thần trong tâm hồn của chúng ta.

5.4 Tâm tình của người được cầu nguyện

Để Thiên Chúa có thể hoạt động một cách tự do trên người được đặt tay, chúng ta hãy tìm xem họ có một trong những tâm tình sau đây không:

* Đức tin
* Niềm trông cậy
* Phó thác
* Tâm hồn đơn sơ như trẻ nhỏ
* Cởi mở trái tim và tâm hồn để cho Chúa hoạt động
* Tự nhận thức rằng mình yếu đuối và đang cần đến sự ra tay cứu giúp của Thiên Chúa
* Tin tưởng rằng Thiên Chúa đang yêu thương mình và muốn giải thoát cho mình khỏi mọi xiềng xích của tội lỗi và đau khổ.

Nếu không có một trong những điểm trên, chúng ta nên xét lại việc đặt tay cầu nguyện : Có thể họ chỉ đang cần giải bày tâm sự, nói ra những điều ẩn chứa trong lòng và những nổi niềm của mình, nhưng chưa muốn tiến xa hơn?

5.5 Những giai đoạn trong mục vụ đặt tay chữa lành

a) Trước khi đặt tay

Ở nhà :

Mỗi ngày, chúng ta nên lắng động tâm hồn để nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc trước cho những người mà Ngài sẽ gởi đến cho chúng ta.

Khi đến ngày để họp nhóm cầu nguyện :

* Hãy tự kiểm thảo mình : kiểm tra xem mình có đang mệt mỏi không? Có đang đau đớn gì không? Tâm trạng chúng ta đang như thế nào? Sức khỏe của chúng ta như thế nào? Tâm hồn của chúng ta có bình an không? Việc kiểm tra toàn diện này chuẩn bị cho chúng ta có được những biện phân tốt nhất trong mục vụ đặt tay.

* Chúng ta hãy đến gặp người có trách nhiệm hôm ấy và trình bày cho họ biết rằng chúng ta đã sẵng sàng.

* Chúng ta hãy tìm xem ai là người thích hợp để làm thành một tổ trong mục vụ này. Nếu có thể được, chúng ta đừng thay đổi tổ.

* Một tổ có thể có một người mới và một người cũ, nhưng tuyệt đối không nên có hai người mới.

Trong tổ :

* Hãy lắng động tâm hồn, đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

* Hãy cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong tổ

* Hãy đọc đoạn Lời Chúa sau đây Ep 6,10-17 : hãy mặc lấy áo giáp của người Kitô Hữu

b) Trước khi bắt đầu đặt tay :

* Chào đón người bạn của chúng ta : hỏi tên, nhu cầu, sự mong đợi của họ trong mục vụ này, có phải là lần đầu họ được đặt tay? (Hãy để cho họ tự do nói lên những điều họ cần)

Chúng ta hãy dùng thời gian để đón tiếp và thương yêu họ : chúng ta sẽ dễ dàng cầu nguyện cho một người nào đó khi chúng ta có được niềm tin tưởng của họ.

Nếu là lần đầu tiên họ được đặt tay cầu nguyện, chúng ta nên đọc cho họ đoạn phúc Âm Mc 16,17-18 để bảo đảm với họ rằng mục vụ đặt tay là một mục vụ của Giáo Hội và giải thích cho họ biết ý nghĩa của của mục vụ này.

(Lời dịch giả : Để tôn trọng người được đặt tay, chúng ta nên giải thích những tiến trình trong mục vụ đặt tay và cần có sự ưng thuận của họ. )

* Hãy lắng động tâm hồn.

* Dâng lời nguyện « bảo vệ »

+++ Giai đoạn này rất là quan trọng +++

Hãy xin Máu Thánh Chúa bao phủ, bảo vệ chúng ta, người được cầu gnuyện, gia đình chúng ta, đồ đạc chúng ta.

Đây là một biện pháp phòng ngừa không thể thiếu được vì không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ về người được đặt tay cũng như về hành trang tâm linh của họ (thí dụ : liên quan đến những môn huyền bí, tử vi, phù thuỷ, ếm, bù ngải, v.v.)

* Chúng ta đặt ý chỉ cầu nguyện và nhu cầu của người bạn chúng ta trong việc ca ngợi để Thiên Chúa sẽ ra tay thực hiện những điều đó.

Việc ca ngợi phải luôn luôn hiện diện suốt quá trình của mục vụ này.

c) Trong khi đặt tay

* Quy tắc tổng quát : chúng ta đặt tay trên vai của người được cầu nguyện.


Hãy ghi nhớ điều này : khi đặt tay, chúng ta không nên đè mạnh lên vai người được cầu nguyện.

* Hãy phân định thần khí với tất cả những gì xảy ra dựa trên khoa học, trên Lời Chúa hay tất cả những dấu chỉ nào của Thiên Chúa. Nếu chúng ta cảm thấy có một việc nào đó đang cản trở hoạt động của Chúa, chúng ta hãy tìm nguyên nhân vì sao và hãy cầu nguyện xin Chúa cất lấy đi những chướng ngại đó.

* Hãy để ý xem những phản ứng bề ngoài của người được đặt tay : ánh mắt láo liên, cử chỉ kích động, trạng thái căng thẳng…

* Hãy cầu nguyện cho ý chỉ của người bạn chúng ta, cầu nguyện cho được giải thoát, chữa lành trên thân xác hay tất cả những dấu chỉ nào mà Thiên Chúa gởi đến cho bạn, v.v…

* Hãy để cho người bạn chúng ta nghiền ngẫm những gì họ đang sống, đang cảm nghiệm, đang nghe trong lúc đặt tay. Chúng ta không nên nói quá nhiều trong cùng một lúc.

* Đừng dành lấy phần độc quyền. Một tổ nhỏ được cấu tạo ít nhất là hai người và mỗi một người đều có thể lên tiếng trình bày những gì Chúa Thánh Thần nói trong tim họ.

* Mặc dù chúng ta có một dấu chỉ chắc chắn rằng người bạn chúng ta đã được chữa lành về thể xác, cấm bảo họ ngừng không dùng những thuốc uống thường ngày cho căn bệnh vừa được chữa lành. Chúng ta phải gởi họ đến bác sĩ của họ, chỉ có một mình duy nhất bác sĩ của họ mới có thể lên tiếng rằng họ có cần tiếp tục dùng thuốc nữa hay không.

* Chúng ta hãy giữ tâm tình khách quan. Không nên rơi vào bẫy để đưa ra những lời khuyên quá trực tiếp. Không nên nói nếu tôi là bạn, tôi đã làm như thế này thế kia

* Không nên quá lo lắng về những giây phút im lặng trong lúc đặt tay. Không nhất thiết chúng ta lúc nào cũng phải lên tiếng nói, Thiên Chúa mới ra tay một cách mạnh mẽ.

* Để cho người được cầu nguyện có thể chuẩn bị đầy đủ hơn trong việc đón nhận những lời khuyên dựa trên kiến thức hay khoa học, những lời tiên tri, lời ngôn sứ, tốt hơn hết hãy đợi đến phần giữa của việc đặt tay trước khi chúng ta lên tiếng.

* Hãy thận trọng đừng cầu nguyện quá lâu hay cầu nguyện chưa đủ cho người bạn chúng ta.

* Hãy để cho người bạn chúng ta luôn quy hướng về Chúa Giêsu. Luôn nhấn mạnh về hành động của Thiên Chúa qua quyền năng của Chúa Thánh Thần.

d) Sau khi đặt tay :

* Không nên kéo dài việc đặt tay cầu nguyện. Nếu như người bạn chúng ta mong muốn đuợc tiếp tục hay làm lại việc cầu nguyện này như lúc đầu, chúng ta nên giải thích một cách ôn tồn rằng Thiên Chúa đang ra tay và Ngài sẽ hành động với điều kiện bạn để cho Ngài hoạt động tự do trong bạn. Chúng ta cũng nói với họ rằng Ngài sẽ hành động tiếp tục trong suốt buổi cầu nguyện hôm nay, trong Thánh Lễ, trong suốt tuần này…

* Mặc dù việc ca ngợi có chỗ của nó trong suốt buổi đặt tay cầu nguyện, nhưng chúng ta cũng phải kết thúc buổi đặt tay này trong ca ngợi. Tạ Ơn Thiên Chúa về tất cả những gì Ngài đã làm và sẽ làm.

* Hãy mời gọi người bạn chúng ta tiếp tục cảm tạ Thiên Chúa trong suốt buổi cầu gnuyện và trên đường về nhà.

* Nếu có một đoạn Lời Chúa đặc biệt nào gởi đến trong niềm tin của người được cầu nguyện, chúng ta hãy mời gọi họ nghiền ngẫm và đọc lại đoạn ấy khi trở về nhà để có thể hiểu được trọn vẹn những gì Thiên Chúa muốn nhắn gởi qua những đoạn này.

5.6 Những trở ngại ngăn cản hành động của Thiên Chúa

Nếu chúng ta ghi nhận được một trong những thái độ sau đây trên người được đặt tay, điều này tất yếu sẽ gây nên những trở ngại mà Thiên Chúa phải vượt qua. Chúng ta phải ngừng lại giây lát trong cầu nguyện.

. Thiếu chân thành
. Thiếu tự nguyện, không thật lòng muốn thay đổi, không muốn nói « vâng » với Thiên Chúa
. Thiếu tha thứ : từ chối không muốn tha thứ hay tự tha thứ
. Thiếu niềm tin, nghi ngờ : nghi ngờ về hành động thật sự của Thiên Chúa
. Chỉ tập trung vào mình và hoàn cảnh của mình chứ không phải vào Chúa
. Ràng buộc với bệnh tình của mình
. Kiêu ngạo
. Ích kỷ, có chiều hướng cho mình là trung tâm của mọi sự

Điều quan trọng là chúng ta nên khuyên họ đi xưng tội sau khi được chữa lành để cho hoạt động trong việc thanh tẩy của Thiên Chúa có thể được tiếp tục (thí dụ: chúng ta nhận thấy rằng sự thiếu tha thứ là một tình trạng tội lỗi, nếu người được cầu nguyện chưa hề xưng tội về việc này, chúng ta khuyến khích họ nên đi gặp một vị linh mục ngay.)

5.7 Những lời khuyên cho một mục vụ đặt tay tốt đẹp

Chúng tôi xin lặp lại : Không bao giờ lên tiếng nói người được đặt tay phải ngưng uống những thuốc mà học vẫn thường xuyên uống. Hãy nhấn mạnh rằng cần có sự xác nhận của bác sĩ về việc chữa lành… chỉ có một mình bác sĩ mới có thể miễn cho họ việc xử dụng thuốc.

* Cầu nguyện, cầu nguyện, cầu nguyện. Cầu nguyện trước khi đặt tay cho những người mà Chúa sẽ gởi đến cho chúng ta. Cầu nguyện sau khi đặt tay cho những người mà chúng ta vừa đặt tay.

* Quy tắc phải tôn trọng : Hành động với sự quân bình và biện phân.

« Trước mặt Thiên Chúa, trước mặt Đức Kitô Giêsu và các thiên thần được tuyển chọn, tôi tha thiết khuyên nhủ anh giữ các điều ấy cách vô tư, không làm gì vì thiên vị. Anh đừng vội đặt tay trên ai, đừng cộng tác vào tội lỗi của người khác. Hãy giữ mình trong sạch. » (1Tm 5,21-22)

 

Thần khí của ngôn sứ phải phục tùng ngôn sứ : khi chúng ta có lời tiên tri, chúng ta nên hỏi Thiên Chúa ơn phân định và ơn khôn ngoan để biết có nên nói ra hay không. (Thí dụ, chúng ta phân định vần đề có liên quan đến tình dục qua sự hãm hiếp; chúng ta phải hết sức tế nhị, phải xin Thiên Chúa chỉ cho chúng ta biết cách nêu lên vấn đề này nếu cần, v.v…)

* Nếu có một người hành động khác thường trong tổ đặt tay cầu nguyện (thí dụ, một người nào đó luôn luôn lên tiếng, không để cho một ai khác lên tiếng cả). Chúng ta không nên giải quyết riêng việc này. Hãy đến gặp người có trách nhiệm của buổi cầu nguyện đó; không nên để quá lâu trước khi vấn đề này được giải quyết, nếu không sự dữ sẽ len lỏi vào trong nhóm.

* Chúng ta đừng quên rằng kết quả của việc đặt tay lệ thuộc một phân về tâm trạng của người được cầu nguyện chứ không phải chỉ có riêng về cách thức chúng ta làm trong khi đặt tay.

* Chúng ta không nên để cho sự nghi ngờ mà ma quỷ gieo vào lòng chúng ta xâm chiếm tâm hồn mình. Thí dụ, chúng ta tự nghĩ rằng chúng ta không xứng đáng để Thiên Chúa dùng mình. Phải xua đuổi những nghi vấn này trong Danh Giêsu.

Năm 1977, linh mục Jean-Paul Régimbal đã nói một trong những đại hội : « Hãy nghi ngờ những mối nghi vấn của bạn và hãy đặt lòng tin trong đức tin của bạn » Điều này áp dụng rất thích hợp trong mục vụ đặt tay của chúng ta. Không nên bao giờ nghi ngờ hoạt động thật sự của Chúa Thánh Thần.

5.8 Vài điều cần nên sáng tỏ trong mục vụ đặt tay

Tất cả những đặc sủng đều cao trọng cả vì đến từ Thiên Chúa.

Không có gì phải lo lắng khi chúng ta đặt tay, có lúc Chúa Thánh Thần tác động cách mãnh liệt như sét đánh; và rồi mục vụ đặt tay kế tiếp, hoạt động của Chúa Thánh Thần lại tỏ lộ một cách âm thầm. Thần Khí Chúa sẽ khơi lên những đặc sủng cần thiết và cá biệt cho từng trường hợp đặt tay.

Thánh Thần Chúa hành động cách khác nhau tùy theo người đặt tay vì mỗi một người trong chúng ta đều khác biệt và Thiên Chúa đã tôn trọng sự khác biệt này. Và Thánh Thần Chúa cũng hoạt động cách khác nhau tùy theo người được đặt tay cầu nguyện… (Không nên gò bó Chúa Thánh Thần trong một khuôn khổ)

5.9 Sự thông hiểu về đặc sủng (dấu chỉ bên ngoài)

Những dấu chỉ bên ngoài được thể hiện trong lúc đặt tay là những món quà của Thiên Chúa. Chúa ban cho mỗi người ơn giải thích riêng bởi thường thì ý nghĩa sẽ khác biệt nhau tùy từng trường hợp, tùy từng người. Tốt hơn hết là chúng ta đừng nên nêu ra những dấu chỉ nào chúng ta nhận thấy được, nhưng hãy nói lên ý nghĩa của những dấu chỉ đó để tránh những sự lầm lẫn có thể xảy ra.

Khi chúng ta cảm thấy rõ rệt dấu chỉ của sự hiện diện và hành dộng của Thiên Chúa trong mục vụ đặt tay, điều quan trọng là phải xin Thiên Chúa ơn biện phân về việc giải thích cho những dấu chỉ này. Đừng do dự khi phải dùng tới những Lời Chúa để giúp hiểu thêm về những dấu hiệu chữa lành hay giải thoát.

Chúng ta nên tránh khi xếp loại những dấu chỉ bên ngoài một cách tuyệt đối, tránh gán ghép cho một dấu hiệu nào đó chỉ luôn nói lên ý nghĩa giải thoát (chẳng hạn như khi chúng ta thấy một đường ngang ngay cổ tay của người được cầu nguyện, thì đừng nghĩ rằng dấu chỉ này chỉ có thể nói lên việc tự tử). Thường thì sự giải thích một dấu hiệu bên ngoài nào đó sẽ thay đổi tùy theo người được đặt tay cảm thấy như thế nào và tùy theo Thiên Chúa muốn làm gì lúc đó.

5.10 Khoa huyền bí

Chúng tôi sẽ giải thích thêm chi tiết trong những phần sau

Tuy nhiên, sau đây là những điểm quan trọng nhất mà chúng ta cần biết :

* Nếu như chúng ta gặp ai đang thực hành hay đang chạm trán với những khoa huyền bí dưới bất cứ một hình thức nào, hãy đọc Đệ Nhị Luật 18, 9-1 và Galat 5, 18-21.

 

* Sau đây là một phần trích dẫn trong trang sách Ministère de libération et de délivrance (Mục vụ giải phóng và giải thoát) :

« Mặc dù người mà chúng ta đang cầu nguyện đã hay đang dưới sự ảnh hưởng của khoa huyền bí hoặc của những người đang thi hành những điều này, thật là sai trái nếu chúng ta nghi rằng mỗi lần như thế người đó phải cần đến mục vụ giải thoát. Hình như tốt hơn nếu chúng ta tránh làm cho người được cầu nguyện khỏi phải bối rối khi chúng ta nói rằng họ đang dưới sự ảnh hưởng của một quyền lực bí ẩn nào. Ngay như điều đó là sự thật, chúng ta cũng không nên quá phóng đại sự việc vì như thế sẽ gây tổn thương và gây ra cảm giác tội lỗi cho người được đặt tay, nhất là khi chủ tâm lúc đầu của họ là tốt (làm một cách vô ý thức). »

 

* Thay vì nói Thiên Chúa đang giải thoát một người khỏi mọi ảnh hưởng của ma quỷ, chúng ta nên nói Thiên Chúa đang giải thoát một người nào đó. Nếu như thông điệp đưa ra quá tổng quát, tốt hơn chúng ta nên giữ im lặng để tránh gieo những mâu thuẫn trong lòng họ; Thiên Chúa cũng sẽ hành động như thường.

* Khi chúng ta cầu nguyện cho những người duới những ảnh hưởng này, chúng ta phải sử sự một cách khéo léo. Chúng ta phải vũ trang dưới quyền năng của Chúa Giêsu và mời Ngài đến giải thoát họ khỏi mọi ảnh hưởng đó hay chặt đứt đi tất cả những mối liên hệ nào về môn thần bí còn đang ràng buộc họ.

Tùy theo tính nghiêm trọng của mỗi trường hợp mà chúng ta nên gởi họ tới một vị linh mục hay không. Không có một lý do nào chúng ta phải làm công việc trừ quỷ mà chỉ có duy nhất linh mục được ủy nhiệm sứ vụ này bởi Đức Giám Mục mới có thể thực hiện thôi.

Trong trường hợp như thế, sẽ thích hợp hơn nếu chúng chúng ta nói tới việc cầu nguyện giải thoát, do một số tín hữu nào đó đã được huấn luyện sẽ thực hiện điều này.

Điều hiển nhiên là chúng ta không thể tạo ra một mục vụ cầu nguyện giải thoát. Nếu như chúng ta cảm thấy nhu cầu cần đến trong khi đặt tay, thì Thiên Chúa sẽ cho chúng ta hay và Chúa Thánh Thần sẽ linh ứng cho chúng ta biết những phương pháp tiến hành.

Thường thì chúng ta nên hướng dẫn những tiến trình giải thoát cho người được cầu nguyện nếu họ đã bắt đầu trên đường tâm linh.

* Nói đến khoa huyền bí là một vấn đề tế nhị, vì ngay cả những người trong CTĐS, đối với họ thật sự không phải là một chuyện lớn lao gì khi họ đọc mục Tử Vi của bạn trên những tờ báo. Thường đây là một thói quen để làm giống như người khác, hay để coi cho vui thôi. Hoặc có thể là một người nào khác trong môi trường của họ đã sống những điều này, và người mà chúng ta đặt tay đã bị ảnh hưởng mà không biết.

« Thể loại » của khoa học thần bí

1) Khoa thần bí « cơ bản » :


Tử vi, bói bài, chỉ tay…

2) Khoa thần bí « cấp tiến »


Thiên nhãn (tài nhìn thấu suốt quá khứ và tương lai), thuật thôi miên, sự cảm từ xa hay thần giao cách cảm, thiên văn học, đồng cốt, ma thuật…

3) Khoa thần bí « cao cấp »:


Phù thủy, tôn thờ Satan (messe noire), quỷ thuật, thuật thông linh (spiritisme)…

* Những ai thực hành hay tiếp nhận thể loại 1 : họ đang trong tình trạng có thể nói là cánh cửa tâm linh của bản thể họ đang mở. Khi chúng ta mở những cánh cửa ấy, chúng ta không biết trước được những ai hoặc những gì mà chúng ta sẽ phải đương đầu…

* Những ai thực hành hay tiếp nhận thể loại 2 : họ đang trong tình trạng mà chúng ta có thể định nghĩa là bị chiếm hữu cách vô ý thức, có nghĩa là họ đang tạo nên những liên hệ với những thần khí xấu (ma quỷ chẳng hạn) mà không biết, một cách vô ý thức ( thí dụ, môn thiên văn học, thuật thôi miên… cũng như những môn khoa học đông phương như thiền tiên nghiệm (méditation transcendantale), yoga …)

* Những ai thực hành hay tiếp nhận thể loại 3 : là những người đang có mối quan hệ hoặc chiếm hữu với thần khí xấu. Vì để thực hiện những môn khoa học này, chúng ta phải ký kết một hiệp ước rõ ràng hay không với Satan; có nghĩa là một việc làm với ý thức và tự nguyện.

Trong những trường hợp lớn, tốt hơn là nên đệ trình lên người chịu trách nhiệm của nhóm hay một linh mục trong Thánh Linh.

5.11 Sử dụng Lời Chúa

Không nên quá sợ hãi khi phải sử dụng tới Lời Chúa trong mục vụ của chúng ta. Tuy nhiên, phải sử dụng một cách hợp lý : chúng ta không mở Sách Thánh chỉ vì chúng ta thích thú mở mà không có một lý do chính đáng nào.

Đôi khi chúng ta mở một đoạn Sách Thánh với lòng tin trong mục vụ này (có thể là vì Chúa đang linh ứng cho ta biết một đoạn nào), tuy nhiên chúng ta lại không cảm nghiệm được gì. Chúng ta phải nghiền ngẫm đoạn này trong tim, Thiên Chúa sẽ giải thích cho chúng ta hay. Nếu như điều này cũng không làm cho chúng ta hiểu thêm một chút nào, thì chúng ta có thể nói cho người đang được cầu nguyện nghe, có lẽ họ sẽ hiểu đoạn Sách Thánh đó hơn chúng ta (vì liên quan đến họ).

Nếu có thể được, hãy cố gắng trích những Lời Chúa từ Tân Ước vì những đoạn trong phần này rõ ràng và dễ hiểu hơn.

Tùy lúc thuận lợi và với ơn phân định :

. Chúng ta mở Lời Chúa cho người được cầu nguyện
hay
. Chúng ta chỉ cho họ biết đoạn nào Thiên Chúa đang muốn nhắn gửi và để cho họ tự mở lấy (nếu là lần đầu, chúng ta có thể chỉ cho họ cách mở Sách Kinh Thánh).

5.12 An nghỉ trong Chúa Thánh Thần

Ơn an nghỉ trong Chúa Thánh Thần là một sự biểu lộ khác về Tình Yêu Thiên Chúa đối với con cái của Ngài, và điều này được thường xuyên thể hiện trong mục vụ đặt tay.

Chúng tôi sẽ giải thích tường tận hơn về ơn này trong những phần sau.

5.13 Sự ý thức

* Tôi có ý thức được tất cả những trách nhiệm mà mục vụ đặt tay đòi hỏi không?
* Tôi có đến chỗ hẹn cầu nguyện đúng giờ không?
* Tôi có luôn sẵn sàng không hay lúc nào tôi cũng đợi người khác đến kêu gọi tôi?
* Tôi có hay viện những lý do để không thực hành mục vụ đặt tay không?
* Tâm linh của tôi có được nuôi sống đầy đủ bằng những lời Chúa? bằng những bài đọc tâm linh?
* Tôi đã nhận đầy đủ những huấn luyện và những thông tin của người chịu trách nhiệm trong nhóm về mục vụ đặt tay chưa?