Hộ Giáo

ThanhKinhChủ đề phúc âm hóa tương đối khá mới đối với các giới Công Giáo. Trước đây, “phúc âm hóa” thường được liên kết với các nhóm Thệ Phản, Tin lanh`  tới từng nhà gõ cửa, xin giảng đạo. Còn người Công Giáo, khi quan tâm tới sự lớn mạnh của Giáo Hội, thường chỉ gửi đóng góp cho các nhà truyền giáo phương xa có phương tiện hoạt động, nghĩa là nghĩ tới những xứ truyền giáo. Ý niệm phúc âm hóa khá xa lạ đối với họ. Dù hạn từ này và những hạn từ tương tự như nó không hẳn xa lạ gì đối với các văn kiện của Giáo Hội kể từ hậu bán thế kỷ 20, nhưng trước đó, tìm được chúng chắc chắn không dễ dàng chi. Thực vậy, trong các văn kiện của Công Đồng Vatican I, hạn từevangelium (phúc âm) chỉ xuất hiện một lần duy nhất, nhưng theo nghĩa bốn Tin Mừng đã thành văn.

Ngược lại, mở lại các văn kiện của Công Đồng Vatican II (1962-1965), ta sẽ khám phá ra từ gốc evangel (phúc âm) và các từ rễ nhưevangelizeevangelizingevangelization (phúc âm hóa), hơn 200 lần. Các từ này được dùng chỉ hành động truyền bá phúc âm, chia sẻ sứ điệp và cuộc đời Chúa Giêsu Kitô. Giữa hai công đồng, sự việc quả có thay đổi lớn. Các vị giáo hoàng là những người chú ý đến sự kiện này trước tiên. 

Khi Đức HY Giovanni Montini đảm nhiệm Ngôi Tòa Phêrô vào năm 1963, ngài lấy hiệu là Phaolô. Với danh hiệu này, Đức Phaolô VI muốn rập khuôn thừa tác vụ của mình theo vị Tông Đồ Các Dân Ngoại từng đi khắp nơi rao giảng Chúa Kitô. Và quả ngài làm thế thật, vì ngài là vị giáo hoàng đầu tiên tông du khắp năm châu bốn biển. 

Ngài lên đường truyền giáo và truyền giáo không phải là thừa tác vụ của một mình ngài. Nó thuộc toàn thể Giáo Hội. Ngài tổ chức lại Giáo Triều Rôma và đổi tên Bộ Truyền Bá Đức Tin thành Bộ Phúc Âm Hóa Các Dân Tộc. Ngài biến phúc âm hóa thành một ưu tiên. Vào năm 1975, khi công bố tông huấn đầu tiên gọi là “Evangelii Nuntiandi” (Về Việc Phúc Âm Hóa Trong Thế Giới Ngày Nay), ngài than phiền rằng người Công Giáo chúng ta quên khuấy nhiệm vụ căn bản nhất của mình. Ngài viết “Phúc âm hóa, thực ra, là ơn phúc và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là căn tính sâu sắc nhất của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để phúc âm hóa…”

Lời kêu mời của Đức Phaolô không thể bị tránh né và chừa cho người khác được. Ngài viết rằng: “Đối với Giáo Hội, trình bày sứ điệp Tin Mừng không phải là chuyện đóng góp tùy ý. Trái lại nó là nhiệm vụ đặt lên Giáo Hội bởi chính mệnh lệnh của Chúa Giêsu, để con người biết và được cứu rỗi. Sứ điệp này quả cần thiết. Nó có tính độc đáo. Người ta không thể thay thế nó được. Nó không cho phép dửng dưng, chắp vá hay thỏa hiệp. Nó là chuyện cứu rỗi con người”. 

Điều Đức Phaolô VI coi như quan trọng đã được Đức Gioan Phaolô II nâng lên hàng khẩn thiết. Chính vị giáo hoàng sau đã cho nó danh xưng “tân phúc âm hóa” và làm cho nó thành một chương trình đầy thuyết phục. Ngài đưa ra danh xưng này ngay ở đầu triều giáo hoàng của mình. Thực thế, trong lần về thăm quê hương Ba Lan lần đầu năm 1979, ngài đã ngỏ lời với đồng bào của ngài, những người vốn bị các “vua chúa” Cộng Sản đàn áp cả hàng mấy thập niên qua, nhất là về phương diện thực hành đức tin, bằng những lời này: “Một cuộc tân phúc âm hóa đã bắt đầu, giống như thể một công bố mới, dù trên thực tế nó vẫn là một như thuở nào”. 

Thuật ngữ trên gây chấn động. Ấy thế nhưng nó chỉ tái hiện trong công trình của ngài một lần nữa vào năm 1983. Tuy nhiên, vào lúc này, nó đã trở thành một điều gì đó được tập chú, có định hướng và mang dáng dấp một chương trình đàng hoàng. Nó đã xác định ra một viễn kiến. Năm đó, khi nói chuyện với các giám mục Châu Mỹ La Tinh, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố rằng tân phúc âm hóa sẽ chính thức được phát động vào năm 1992, dịp kỷ niệm 500 năm Châu Mỹ được phúc âm hóa lần đầu. 

Ngài nghiêm chỉnh ra sao đối với dự án trên? Ngài nghiêm chỉnh đủ để cam kết mọi điều Giáo Hội có cho sự thành công của nó. Trong thông điệp “Redemptoris Missio” năm 1990, ngài quả quyết trằng “Tôi thấy đã đến lúc phải cam kết mọi nghị lực của Giáo Hội vào việc tân phúc âm hóa… Không tín hữu nào của Chúa Kitô, không định chế nào của Giáo Hội, có thể tránh né nhiệm vụ này, là công bố Chúa Kitô cho mọi dân tộc”. 

Phúc âm hóa do đó là một ưu tiên đối với Đức Gioan Phaolô II. Ngài mau mắn tiếp nối thói quen đi tông du mục vụ của vị tiền nhiệm, nhưng gia tăng nhịp độ và tần số; do đó, ngài đã du hành gần một triệu dặm đường qua khắp 129 quốc gia và ngỏ lời với một số cử tọa đông nhất trong lịch sử. Ngài đưa ra sáng kiến Ngày Giới Trẻ Thế Giới, đôi khi lôi cuốn hàng triệu bạn trẻ một lần. Ngài cũng vươn tay ra chào đón các phương tiện truyền thông điện tử. 

Quả là một ưu tư lớn đối với Đức Gioan Phaolô II. Nhưng vị kế nhiệm ngài đã nhiệt tình tiếp nối công trình này. Thực vậy, chính Đức Bênêđíctô XVI đã lập ra một bộ tại Vatican để giám sát việc tân phúc âm hóa. Ngài cũng triệu tập một thượng hội đồng để thảo luận về tân phúc âm hóa. Đáng lưu ý hơn nữa, ngài là người đầu tiên nói tới hiện tượng này một cách phân tích và hợp thần học, coi nó như một chương trình khác với các cố gắng trong quá khứ. Trong một bài giảng vào năm 2010, ngài cho rằng tân phúc âm hóa không “mới” trong nội dung, nhưng trong đà đẩy bên trong của nó… ‘mới’ trong cách tương hợp với quyền năng Chúa Thánh Thần và phù hợp với thời gian và hoàn cảnh; ‘mới’ vì cần thiết cho cả các nước từng tiếp nhận việc công bố Tin Mừng rồi”. 

Tóm lại, tân phúc âm hóa mới ở chỗ nào? Trong lễ khai mạc thượng hội đồng giám mục năm 2010, Đức Bênêđíctô nói rõ hơn. Ngài bảo: tân phúc âm hóa sẽ được tiến hành không chỉ bởi hàng giáo sĩ và các nhà truyền giáo, mà còn bởi mọi chi thể của Giáo Hội. Nó sẽ không chỉ là chuyện trong giây lát, kết thúc với việc khai tâm. Nó là lời mời gọi liên tục hồi tâm, trở lại. Các Kitô hữu sẽ cố gắng phúc âm hóa không những như các cá nhân mà còn như những nền văn hóa và xã hội nữa, qua việc chiến thắng các trào lưu duy tục từng khiến nhiều người Công Giáo mất đức tin. Nhưng điều quan trọng hơn cả, nó sẽ không chỉ hướng về những ai chưa ý thức được Tin Mừng; nó còn nhằm hồi sinh những người Công Giáo đã ra nguội lạnh trong đức tin của mình. Nó sẽ phúc âm hóa những người đã trở thành phi Kitô Giáo. 

Trong tông huấn “Verbum Domini” năm 2010, Đức Bênêđíctô XVI viết: “Nhiều anh chị em chúng ta đã ‘được rửa tội nhưng chưa được phúc âm hóa đầy đủ’. Trong một số trường hợp, nhiều quốc gia trước đây phong phú về đức tin và ơn gọi nay đang đánh mất bản sắc mình dưới ảnh hưởng của nền văn hóa duy tục. Nhu cầu tân phúc âm hóa… cần phải được tái khẳng định một cách can trường”. 

Các phản bác thông thường 

Tại Bắc Mỹ, lời kêu gọi trên vốn được tiếp nhận với nhiều thành quả lẫn lộn. Trên tạp chí America cách nay hơn 20 năm, Đức HY Avery Dulles, S.J., đã nêu lên để thảo luận một số các phản bác tiêu biểu của người Mỹ đối với tân phúc âm hóa (“Đức Gioan Phaolô II và Tân Phúc Âm Hóa”, 1 tháng 2, 1992). 

Ngài cho rằng những hạn từ như phúc âm hóa và chủ nghĩa duy phúc âm có “một cung giọng Thệ Phản”. Chúng ta vốn liên kết các hạn từ này với não trạng chính thống cực đoan (fundamentalism) và do đó với những phương pháp phi Công Giáo, thậm chí phản Công Giáo nữa. Chủ nghĩa duy phúc âm chủ trương một thứ duy cảm xúc, duy thức tỉnh lòng đạo quần chúng (revivalism) và duy phản tri thức. Nó là loại tôn giáo ta bắt gặp khi lục lọi các đài vào lúc đêm khuya và bỗng rơi vào một nhà truyền giảng phúc âm từ xa (televangelist). Bất cứ ông ta làm gì, cũng không phải là điều ta sẽ làm. Thế là lại phải đổi đài. 

Đàng khác, người Mỹ vốn được dưỡng dục để mạnh mẽ tin rằng tôn giáo là chuyện riêng tư. Nó là một trong hai chủ đề người ta tránh không bàn tới trong chốn lịch thiệp. Chủ đề kia là chính trị. 

Tuy nhiên, Đức HY Dulles nhận định rằng các cấm kị trên thực ra vô giá trị. Hàng xóm và người đồng sở làm với ta vẫn không ngừng bàn tới chính trị. Và việc phúc âm hóa của người Công Giáo đâu phải là thứ duy phúc âm cực đoan. Các vị giáo hoàng của ta đâu có yêu cầu ta chinh phục thế giới bằng cuốn sách đã trở thành vũ khí. Ngài viết rằng “tôi cho rằng các vị giáo hoàng thời ta đã nhận diện được cách chính xác tiếng Chúa kêu gọi Giáo Hội ngày nay và đã đưa ra phương cách chữa trị hữu hiệu cho các căn bệnh hiện nay của Giáo Hội. Giáo Hội từng trở nên quá hướng nội. Nếu người Công Giáo hiện nay đôi khi yếu đức tin, thì điều này một phần là vì họ ngần ngại không chịu chia sẻ nó”. Ta cần phải thắng vượt sự ngần ngại này. Ta cần phúc âm hóa. 

Nguồn của phúc âm hóa

Nhưng mà đâu là chìa khóa của tân phúc âm hóa? Scott W. Hahn, hiện giữ ghế giáo sư Thần Học Thánh Kinh và Tân Phúc Âm Hóa tại Đại Học Steubenville của Dòng Phanxicô tại Ohio, và là sáng lập viên và chủ tịch Trung Tâm Thần Học Thánh Kinh Thánh Phaolô, trong một bài nói chuyện trong Năm Đức Tin tại Chủng Viện Thánh Giuse ở Yonkers, N.Y., có kể lại câu truyện bản thân. Ông nhớ năm 1992, vì thắc mắc như trên, nên ông cố gắng tìm câu trả lời. Một ngày kia, mở tờ L’Osservatore Romano, tờ báo của Tòa Thánh, ông bỗng đọc thấy tựa đề sau: “Hãy Đặt Tân Phúc Âm Hóa Trên Căn Bản Phép Thánh Thể”. 

Tựa đề này khiến ông chú ý không những vì xem ra nó nhằm trả lời câu hỏi kia, nhưng nó còn có vẻ vô nghĩa đối với ông nữa. Vì gợi ý của nó hoàn toàn phản trực quan. Dù gì, Phép Thánh Thể cũng dành cho những người đã được khai tâm rồi, những người vốn năng tham dự Thánh Lễ. Trong khi phúc âm hóa giả thiết phải hướng ra ngoài. Tuy nhiên, cái tựa đề ấy lại nằm chình ình trên một bài giảng của Chân Phúc Gioan Phaolô II trong đó, ngài nhắc tới Phép Thánh Thể như là “khởi điểm” (chứ không phải cùng đích) của việc vươn ra ngoài kia, nó là “nguồn” và là “nền tảng của Tân Phúc Âm Hóa”. 

Chẳng bao lâu sau, chủ đề đó được nhiều người chú ý. Đức HY Francis George của Chicago có đọc một diễn văn về Công Giáo Tính và tân phúc âm hóa và ngài đã đạt tới cùng một kết luận: “Mọi nhà truyền giảng phúc âm đều công bố Đức Kitô là ai; những người Công Giáo truyền giảng phúc âm thì công bố một Đức Kitô Thánh Thể”. 

Năm 2000, Đức HY Joseph Ratzinger nói với một nhóm giáo lý viên rằng Giáo Hội luôn luôn khởi đầu các cố gắng truyền giảng phúc âm của mình tại bàn thờ. “Giáo Hội luôn phúc âm hóa và chưa bao giờ ngưng con đường phúc âm hóa ấy. Giáo Hội cử hành mầu nhiệm Thánh Thể hàng ngày, ban các bí tích, công bố lời sự sống, tức Lời Chúa, và dấn thân vào chính nghĩa công lý và bác ái. Và việc phúc âm hóa này đang mang lại hoa trái”. 

Thánh Lễ nhắc ta nhớ rằng phúc âm hóa là một ơn phúc trước khi là một trách vụ. Nó là việc nhận lãnh trước khi là việc hành động. Và ta không thể chia sẻ điều mình trước đó không có. 

Lễ Hy Sinh và Bí Tích

Hahn kể rằng cách nay không lâu, ông đang vội đi vào phi trường, thì nghe có tiếng ai gọi tên. Quay lại, ông thấy một người cùng tuổi đang tiến tới với đôi tay giang rộng. Khi anh ta xưng tên là Chris, ông nhận ra ngay là đã gặp nhau tại phòng ăn trưa tại trường trung học ngày nào.

Lúc còn là một thiếu niên, Hahn vốn là một Kitô hữu “tái sinh”, tức một người tin lành tha thiết muốn biện luận để thế giới thấy được sự thật mà ông vốn cho là quá hiển nhiên. Chris là một người sáng sủa, sau đó đã thành công trong nghề bác sĩ y khoa và trung gian buôn bán cổ phần. Dù được dưỡng dục trong đức tin Công Giáo, anh ta không hiểu rõ lắm về tín lý của Đạo. Nhưng, anh ta cũng không quan tâm đến việc theo bất cứ hệ phái nào ngoại trừ Đạo Công Giáo. Dù khéo léo về biện bác bao nhiêu đi chăng nữa, Hahn cũng đã không thành công trong việc thuyết phục anh ta thay đổi tín phái. Ấy thế nhưng lúc gặp nhau tại phi trường, anh ta hứng khởi nói với Hahn rằng ông đã thành công vì cuối cùng anh ta đã bỏ Công Giáo để trở thành một “Kitô Hữu Thánh Kinh”. Hahn bận phải đáp máy bay, nên chỉ kịp nói với anh ta là “bọn mình cần nói chuyện thêm”. Hai người trao đổi danh thiếp và trong tuần ấy, họ đã chuyện vãn với nhau trên điện thoại. 

Chris nhắc Hahn nhớ: một trong các câu hỏi mà trước đây Hahn hay “đánh bẫy”anh ta ở phòng ăn trưa là “Trong Tân Ước, anh có tìm thấy chỗ nào nói tới lễ hy sinh Thánh Lễ hay không? Canvariô mới là lễ hy sinh. Thánh Lễ chỉ là một bữa ăn”. Bây giờ, anh ta muốn hỏi Hahn câu hỏi đó. 

Trong cuộc chuyện vãn đầu tiên, Hahn cố gắng đánh tan mọi thiên kiến để tìm ra một cơ sở chung. Cả Công Giáo lẫn Thệ Phản đều đồng ý rằng lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên thánh giá được thực hiện “một lần cho mãi mãi” (Dt 7:27, 10:10; 1 Pr 3:18). Không có lễ hy sinh cứu chuộc nào ngoài thánh giá. 

Tuy nhiên, Hahn yêu cầu Chris suy xét việc này: đối với một người Do Thái ở thế kỷ thứ nhất, không có điều gì trên Canvariô gợi ý cho thấy một lễ hy sinh tại đó cả. Không một người Do Thái ngoan đạo nào từng chứng kiến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh lại về nhà và thuật lại điều mình chứng kiến như là một lễ hy sinh. Đối với họ, lễ hy sinh phải diễn ra bên trong Đền Thờ, trên một bàn thờ, có sự chủ tọa của một tư tế thuộc dòng Lêvi. Việc đóng đinh Chúa Giêsu xẩy ra ở ngoài các bức tường, nơi không có Đền Thờ, không có thầy Lêvi, không có cả bàn thờ. Nó giống một cuộc hành quyết đẫm máu của người Rôma, không giống một lễ hy sinh. 

Hahn hỏi Chris: điều gì đã biến đổi cuộc hành quyết Chúa Giêsu thành một lễ hy sinh? Anh ta ú ớ không trả lời được. Lúc ấy, Hahn mới nhỏ nhẹ nói với anh ta rằng trong nhiều năm, chính Hahn cũng không trả lời được câu hỏi này. Nhưng Thánh Phaolô và các giáo phụ đã giúp Hahn trả lời câu hỏi ấy. 

Giây phút có tính biến đổi ấy chính là lúc Chúa Giêsu dâng mình và máu Người tại Bữa Tiệc Ly. Người nói tới việc dâng ấy bằng ngôn từ hy lễ, truyền cho các môn đệ duy trì nó mãi mãi như một lễ tưởng niệm Người: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Người gọi nó là “giao ước mới”, hay tân ước, trong máu của Người (Mt 26:28), nghe như lời Môsê khi ông thừa nhận Cựu Ước bằng một lễ hy sinh (Xh 24:8). Các tông đồ cũng thế, các ngài nói tới lễ tưởng niệm Người bằng ngôn từ hy lễ: “Vì Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta, đã được hiến tế” (1 Cor 5:7).

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày đã biến đổi Thứ Sáu Tuần Thánh từ một cuộc hành quyết thành một lễ hy sinh, và Chúa Nhật Phục Sinh là ngày đã biến đổi lễ hy sinh thành một bí tích. Thân Xác Chúa Kitô được chỗi dậy trong vinh quang, để từ nay được thông truyền cho tín hữu. Thực vậy, quả cùng là một lễ hy sinh khi Người dâng lên lúc lập Phép Thánh Thể và lúc chết trên Canvariô, chỉ khác nay nhân tính thánh thiện của Người được thần hóa và có tính thần hóa (deified and deifying). Đó là lễ hy sinh thượng tế Người dâng trên trời và dưới đất.

Nó chính là hy lễ thánh thiện của Thánh Lễ. Nếu Phép Thánh Thể chỉ là một bữa ăn, thì Canvariô sẽ chỉ là một cuộc hành quyết, không hơn không kém. 

Trong Tân Ước, hy lễ Thánh Thể được nói tới ở chỗ nào? Hy lễ ấy chính là “tân ước” (new covenant=new testament)! Đã từ lâu, “Tân Ước” là một bí tích trước khi là một văn kiện. Mãi tới năm 190 CN, ta mới bắt đầu thấy từ ngữ này được dùng để mô tả một cuốn sách. Đến tận thế kỷ thứ tư, Giáo Hội mới dứt khoát thừa nhận hình thức qui điển của cuốn sách này. Nhưng đến lúc đó, hy lễ Tân Ước đã phúc âm hóa cả thế giới rồi. Cuốn sách được gọi là Tân Ước ví nó rất gần gũi với lễ hy sinh Thánh Thể. Sách Thánh vốn là các bản văn phụng vụ; cần được đọc trong khung cảnh đó mới được hiểu một cách chính xác. 

Cuộc đàm đạo giữa Hahn và Chris kéo dài cả mấy tháng, nội dung các cuộc đàm đạo này đã được Hahn cô đọng trong tác phẩmConsuming the Word, do nhà Doubleday xuất bản. Trong mấy tháng đó, tình bạn của họ được đổi mới và thâm hậu hóa. Cuối cùng, Chris và vợ đã trở về với Giáo Hội Công Giáo sau nhiều thập niên xa cách. 

Câu truyện hậu trường của Chris chẳng có chi bất thường. Nó cũng là câu truyện của nhiều người Công Giáo thuộc thế hệ anh ta mà cũng là thế hệ của Hahn. Lòng ta ít nhất cũng nên được kích thích để vươn ra với họ với những gì tốt nhất ta có được. Hahn có lý khi tin rằng một cuộc tân phúc âm hóa đặt căn bản trên Phép Thánh Thể sẽ thành công. Đây là lời dạy của một vị giáo hoàng. Nên luôn là một cuộc đánh cá tốt. Vả lại, ta thấy điều này vẫn thường xẩy ra chung quanh ta.

Ta có nhiệm vụ phải phúc âm hóa. Đây là lời kêu gọi khẩn thiết và nài nỉ của Giáo Hội. Giống Giáo Hội, ta hiện hữu là để phúc âm hóa. Giống Thánh Phaolô, ta không thể là chính mình, ta không thể hạnh phúc, ta sẽ không bao giờ được thỏa mãn ở trong đời nếu ta sao lãng không vươn tay ra với người lân cận: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cor 9:16)./

Vũ Văn An
5/18/2013