Hộ Giáo
Bài viết của Joel Peters - Phạm Bảo chuyển ngữ

Phần IV

11. Một quyền bính “ngoài Kinh Thánh” đã xác định Quy Điển Thánh Kinh. 
 
Bởi Kinh Thánh không đến với một bảng mục lục các điều được linh hứng, nên học thuyết Duy Kinh Thánh tạo ra một tình trạng khó xử khác : Làm sao mà người ta có thể biết được chắc chắc quyển sách nào thuộc về Kinh Thánh – nhất là thuộc về bộ Tân Ước ? Sự việc đơn thuần là người ta không thể biết được trừ phi có cấp thẩm quyền bên ngoài Kinh Thánh có thể nói cho mà biết. Hơn thế nữa, cấp thẩm quyền này phải bó buộc là một cấp thẩm quyền vô ngộ, vì khả năng sai lầm trong việc xác định quy điển Thánh Kinh (20) sẽ có nghĩa là tất cả mọi tín hữu sẽ có nguy cơ sở hữu những quyển sách sai lạc trong bộ Kinh Thánh của mình, một tình trạng sẽ làm cho học thuyết Duy Kinh Thánh trở nên vô hiệu. Còn một khi có một quyền bính vô ngộ như thế, thì học thuyết Duy Kinh Thánh sẽ sụp đổ tan tành thành mây thành khói. 
 
Một sự kiện khác có tính lịch sử rất khó hòa giải với học thuyết Duy Kinh Thánh đó là không một ai khác ngoài Giáo Hội Công Giáo cuối cùng đã xác định được và đã phê duyệt thư bộ Thánh Kinh. Cả ba Công Đồng đã được đề cập đến ở phần trên, tất cả đều là các Công Đồng của Giáo Hội Công Giáo này. Giáo Hội Công Giáo đã đưa ra sự xác định tối hậu, dứt khoát, không thể nhầm lẫn về thư bộ Thánh Kinh tại Công Đồng Tren-tô năm 1546 – định rõ một danh bộ gồm 73 quyển sách tương tự cùng một danh bộ các quyển đã được gộp trong thế kỷ thứ tư. Nếu Giáo Hội Công Giáo lúc bấy giờ có khả năng đưa ra một quyết định vô ngộ và có căn cứ đích xác liên quan đến một vấn đề quan trọng như là quyển sách nào thuộc về bộ Kinh Thánh, thì căn cứ trên điều gì mà người ta lại đi chất vấn về thẩm quyền của Giáo Hội trên các vấn đề khác thuộc về luân lý và đức tin ? 
 
Ít nhất là người Tin Lành phải thừa nhận một quan điểm mà Martin Luther, người sáng lập ra tôn giáo của họ, cũng đã phải thừa nhận, đó là : Giáo Hội Công Giáo đã gìn giữ được  và xác định được Kinh Thánh : “Chúng ta bắt buộc phải nhượng bộ người Công Giáo nhiều điều – thí dụ như : họ giữ được Lời Chúa mà chúng ta đã nhận được từ nơi họ; nói cách khác, chúng ta nên biết rằng mình chẳng biết điều gì về Lời Chúa cả.”(21) 
 
12. Niềm tin rằng Kinh Thánh “có tính tự khẳng định” không đứng vững dưới sự Thẩm Xét  
 
Việc thiếu một câu trả lời thỏa đáng cho vấn nạn về cách xác định thư bộ Kinh Thánh, người Tin Lành vẫn thường phải vận dụng đến khái niệm Kinh Thánh có tính “tự khẳng định”, tức là, những quyển sách Thánh đã tự minh chứng là được Thiên Chúa linh hứng. Vấn đề chính cùng với sự khẳng định như thế, thì đơn giản là ngay cả một cuộc thẩm xét chóng vánh về lịch sử Giáo Hội sẽ chứng minh điều đó là hoàn toàn không đúng. 
 
Lấy thí dụ, có vài quyển sách từ bộ Tân Ước – Sách Gia-cô-bê, Giu-đa, Thư thứ hai của Thánh Phêrô, Thư thứ hai của Thánh Gioan, Thư thứ ba của Thánh Gioan và Sách Khải Huyền – có lúc đã được đưa ra bàn luận về mặt tình trạng hợp quy điển. Những quyển sách ấy có nhiều chỗ được chấp nhận, đồng thời cũng có những chỗ khác phải bị loại bỏ. Thậm chí có những đấng bậc vĩ đại về mặt tu đức  như Thánh A-tha-na-si-ô (297-373), Thánh Giê-rôm (342-420) và Thánh Au-gút-ti-nô (354-430) đã thảo ra các danh bộ sách Tân Ước để làm chứng cho những điều nói chung được công nhận như là điều đã được linh hứng trong đời đại và nơi chốn của chúng, nhưng không một danh bộ nào phù hợp chính xác với thư bộ Kinh Thánh cuối cùng đã được Giáo Hội Công Giáo xác định vào cuối thế kỷ thứ tư, và đó chính là thư bộ Kinh Thánh mà người Công Giáo đang có ngày nay (22) 
 
Nếu Kinh Thánh thực sự có tính “tự khẳng định” thì tại sao lại có quá nhiều bất đồng và tình trạng không rõ ràng chắc chắn nơi những quyển sách khác nhau này ? Tại sao hết thảy những quyển sách khác nhau này lại có những mối bất đồng nào đó ? Tại sao thư bộ Kinh Thánh không được xác nhận sớm hơn nếu các quyển sách này đều cho là có khả năng nhận biết một cách hết sức dễ dàng ? Câu trả lời mà người ta buộc phải chấp nhận về phương diện này, đơn giản là Kinh Thánh không có tính chất “tự khẳng định” một chút nào hết. 
 
Thậm chí còn có điều thú vị hơn nữa là có sự việc một số quyển sách trong bộ Kinh Thánh không xác định được tác giả của mình. Ý niệm về tự khẳng định – nếu có thật – sẽ hợp lý hơn nếu từng tác giả và mọi tác giả Kinh Thánh đều tự xác nhận mình, vì chúng ta có thể dễ dàng thẩm xét hơn tính đáng tin cậy về tài liệu của tác giả đó, có thể nói như vậy, hay ít nhất là xác định được người nào chính là người vì Thiên Chúa mà đang nói ra các câu Kinh Thánh. Nhưng về mặt này lại để cho chúng ta mù mờ trong một số trường hợp. 
 
Lấy Sách Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu làm một thí dụ : không có một chỗ nào trong văn bản thể hiện quyển sách này là của Thánh Mát-thêu, một trong 12 vị Tông Đồ, là người đã viết ra quyển sách đó. Vì thế, chúng ta còn lại có hai khả năng để xác định tác giả của nó là ai : 1/ Điều Thánh Truyền đã nói đến, 2/ Sự uyên bác có trong Kinh Thánh. Trong trường hợp nào thì nguồn gốc xác định đều là một nguồn gốc ngoài Kinh Thánh và vì thế sẽ rơi vào sự lên án của học thuyết Duy Kinh Thánh. 
 
Đến lúc này thì người Tin Lành có thể phát biểu về luận điểm này là : không cần thiết để biết có phải là Mát-thêu chính là người thực sự soạn ra quyển Phúc Âm này hay không, bởi ơn cứu độ của một người không tùy thuộc vào việc biết hay không biết tác giả chính là Mát-thêu hay một người nào khác. Nhưng đưa ra một quan điểm như thế quả là một quan điểm gây khó dễ. Điều mà người Tin Lành đang nói lại có thực chất là : một khi Sách Phúc Âm đích thực chính là Lời Chúa và là phương tiện mà nhờ đó có người nhận biết về ơn cứu độ của Đức Kitô, thì người đó không có cách nào biết được chắc chắn về trường hợp Sách Phúc Âm của Thánh Mát-thêu có phải thuộc về các Tông Đồ nguyên thủy hay không, và vì thế không có cách nào biết được tính chất xác thực (có nghĩa là Lời Chúa) hay không. Và nếu tính chất xác thực của quyển sách này đáng nghi ngờ thì tại sao lại gộp sách này vào bộ Kinh Thánh ? Còn nếu tính chất xác thực của quyển sách này là điều chắc chắn, thì làm sao mà quyển sách này được biết là của Mát-thêu khi không có được tự minh chứng tác giả của nó ? Người ta chỉ có thể kết luận rằng Kinh Thánh không có tính tự khẳng định. 
 
Có thể người Tin Lành mong muốn rơi ngược trở lại điều khẳng định tự thân của Kinh Thánh, đó là được linh hứng, trích theo đoạn văn trong Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi tín hữu Ti-mô-thê, đoạn 3, câu 16 như sau : “Tất cả những gì viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích…” Tuy nhiên, ngay bên trong và tự ở chính mình, lời tuyên bố được Thiên Chúa linh hứng chưa hẳn là sự đảm bảo được linh hứng. Hãy xem xét đến sự kiện có các bài viết của Mary Baker Eddy, là người sáng lập ra giáo phái Khoa Học Cơ Đốc, tuyên bố là mình được Thiên Chúa linh hứng, hay những bài viết của Joseph Smith, người sáng lập giáo phái Mormon, cũng tuyên bố là mình được linh hứng. Đó chỉ là hai trong số nhiều thí dụ có thể có, chứng tỏ rằng bất kỳ một bài viết cá biệt nào đều có thể tuyên bố hầu như bất cứ điều gì. Rõ ràng là để cho chúng ta biết chắc chắn được một tác phẩm nào đó có đích xác là được Thiên Chúa linh hứng hay không, chúng ta cần nhiều điều hơn là chỉ có một lời tuyên bố rằng bài viết ấy đã được Thiên Chúa linh hứng. Sự đảm bảo được linh hứng phải đến từ bên ngoài văn bản đó. Trong trường hợp của Kinh Thánh, sự đảm bảo phải đến từ một nguồn không phải là Kinh Thánh. Nhưng thực chứng bên ngoài đã bị học thuyết Duy Kinh Thánh loại bỏ. 
 
13. Hiện nay không có một Bản Thảo Kinh Thánh Nguyên Thủy nào 
 
Một luận điểm nghiêm túc – và là một luận điểm chí tử cho học thuyết Duy Kinh Thánh – đó là chúng ta không sở hữu một bản thảo nguyên thủy của bất kỳ cuốn sách Kinh Thánh nào. Hiện nay, thực sự là có hàng ngàn bản thảo hiện hữu đều là những bản sao của các quyển Kinh Thánh nguyên thủy – không những thế có những bản thảo trông còn giống bản sao của bản sao hơn – mà sự việc này không giúp cho vị thế của học thuyết Duy Kinh Thánh vì lý do đơn giản là khi không có các bản thảo gốc thì người không thể biết chắc chắn là mình thực sự sở hữu quyển Kinh Thánh thật, nguyên vẹn và trọn bộ (23). Các bản chép tay gốc đều được linh hứng, trong khi các bản sao thì không. 
 
Người Tin Lành sẽ muốn giải thích rằng việc không có các bản thảo Kinh Thánh gốc chỉ là chuyện vặt, bởi Thiên Chúa đã bảo tồn Kinh Thánh bằng việc tiếp tục sao chép ra qua nhiều thế kỷ (24). Tuy nhiên, có hai vấn đề đối với dòng suy luận này. 
 
Vấn đề thứ nhất là bằng việc duy trì sự quan phòng của Thiên Chúa liên quan đến việc sao lục, có người quả quyết về một điều nào đó không được chép trong Kinh Thánh, và vì thế, theo chính sự xác quyết của Duy Kinh Thánh, thì không thể đáp ứng như là quy luật đức tin. Nói cách khác, một khi người ta không thể tìm ra được các đoạn văn trong Kinh Thánh nói rõ rằng Thiên Chúa sẽ che chở cho việc truyền bá các bản thảo, thì niềm tin sẽ không được giữ. Sự việc chủ yếu là Kinh Thánh không đưa ra lời tuyên bố như thế. 
 
Vấn đề thứ hai là nếu Quý Vị có thể bảo lưu ý kiến Thiên Chúa che chở cho việc truyền bá Lời Người dưới hình thức chép tay, thì Quý Vị cũng có thể giữ ý kiến một cách đúng đắn là Người cũng che chở cho việc truyền bá Lời Người theo hình thức truyền khẩu nữa (xin đọc lại Thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca, đoạn 2, câu 14 [15] và hai dạng thức của một mạc khải từ Thiên Chúa). 
 
Sau cùng, việc giảng Phúc Âm khởi sự từ truyền khẩu (xin tham khảo Lc 1,1-4 và Rm 10,17). Không phải cho đến sau này có một số lời truyền khẩu được đưa ra chép lại – và trở thành Kinh Thánh – mà chính là sau này những bản viết tay này được tuyên bố là do Thiên Chúa linh hứng và có thể tin được. Một khi Quý Vị có thể giữ ý kiến là Thiên Chúa che chở cho việc truyền bá giáo huấn của Người qua truyền khẩu, thì Quý Vị đã minh chứng về nền tảng đối với Thánh Truyền và đã bắt đầu việc chống đỡ cho vị thế của Công Giáo. 
 
14. Các bản thảo Thánh Kinh có chứa hàng ngàn câu khác nhau. 
 
Sự việc mới được ghi nhận là có hàng ngàn bản thảo Kinh Thánh hiện hữu; những bản thảo này có chứa đựng hàng ngàn sự khác nhau; có một tác giả ước lượng rằng có hơn 200.000 chữ khác nhau (25). Trong khi phần lớn những sự khác nhau này đề cập đến các mối quan tâm thứ yếu – như là cách viết, thứ tự câu chữ, và những điều tương tự - cũng còn có những sự khác nhau về một tính chất quan trọng hơn : 
 
a)   Bản chứng viết tay cho thấy đôi khi người chép sửa đổi các chữ trong Thánh Kinh cho hài hòa với các đoạn văn, để chỉnh lại cho thích hợp với sự kiện lịch sử và để thiết lập sự đúng đắn hoàn chỉnh về mặt học thuyết (26); và 
 
b)   Có các tiết đoạn chia ra làm nhiều câu (tức là : nhiều hơn là chỉ một câu đơn giản trong vấn đề đang được nói đến) vì thế có vài cách đọc bản thảo khác khau, như là trong Ga 7,39; Cv 6,8; Cl 2,2; 1 Tx 3,2 (27). Những sự kiện này để mặc người Tin Lành trong tư thế không biết được là mình có sở hữu điều được viết bởi các tác giả Kinh Thánh nguyên thủy hay không. Và nếu đúng như thế, thì làm sao mà người Tin Lành có thể tự xưng là đặt nền tảng đức tin của mình duy nhất trên Kinh Thánh, khi không thể xác định chắc chắn tính chất xác thực của bản văn Kinh Thánh ?(28) 
 
Quan trọng hơn nữa, có thêm một vài sự khác nhau về mặt nguyên bản giữa các bản thảo Tân Ước. Hai thí dụ dưới đây sẽ minh họa cho quan điểm : 
 
Thứ nhất, theo các bản thảo mà chúng ta có, có thể có 4 đoạn kết trong Sách Phúc Âm của Thánh Mác-cô : đoạn kết ngắn, bao gồm các câu từ câu 1 đến câu 8 trong đoạn 16; đoạn kết dài hơn, bao gồm các câu từ câu 1 đến câu 8 cộng thêm các câu từ câu 9 đến câu 20; đoạn kết trung gian, bao gồm từ 2 đến 3 hàng chữ giữa câu 8 và đoạn kết dài hơn; và đoạn kết dài hơn theo hình thức mở rộng, bao gồm một vài câu sau câu 14 của đoạn kết dài hơn (29). Điều tốt nhất có thể nói về những đoạn kết khác nhau này là chúng ta đơn giản không biết chắc chắn, từ ngay trong Kinh Thánh, chỗ nào Phúc Âm của Thánh Mác-cô kết thúc, và, tùy theo đoạn (hay những đoạn) kết thúc nào được gộp vào Kinh Thánh của Giáo Hội Tin Lành, có thể nhà xuất bản liều lĩnh thêm vào các câu, hay bỏ qua các câu theo bản gốc – như vậy là vi phạm học thuyết Duy Kinh Thánh, mà học thuyết lại đòi hỏi “Kinh Thánh là duy nhất và toàn vẹn” làm nền tảng đức tin. Cho dù Kinh Thánh của Giáo Hội Tin Lành bao gồm tất cả các đoạn kết với các câu chú giải và (hoặc là) các chú thích, vẫn không thể nào chắc chắn đoạn nào trong bốn đoạn kết thúc là xác thực. 
 
Thứ hai, có bản chứng viết tay đối với các cách đọc xen kẽ một vài câu then chốt của Kinh Thánh, như là câu 18, đoạn 1 Sách Phúc Âm theo Thánh Gioan, ở chỗ đó khả dĩ có hai cách diễn đạt (30). Một số bản Kinh Thánh (như là Bản Kinh Thánh của King James) đọc theo cách diễn đạt của Douay-Rheims : “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (xin xem chú thích thêm của người dịch ở phần cuối). Cả hai cách diễn đạt đều được bản chứng viết tay minh chứng, và vì thế Quý Vị sẽ nhận thấy các nhà nghiên cứu Kinh Thánh dựa theo sự phán quyết đã được đào tạo tốt nhất của mình cho quyết định nào là “hoàn chỉnh”. Một tình trạng tương tự cũng xảy ra trong câu 28, đoạn 20 Sách Tông Đồ Công Vụ, ở đây bản chứng viết tay cho thấy có lẽ Thánh Phaolô đang đề cập đến “Hội Thánh của Chúa” (tiếng Hy Lạp là Kuriou) hoặc là “Hội Thánh của Thiên Chúa” (tiếng Hy Lạp là Theou).(31) 
 
Bây giờ, trước luận điểm này xem ra có vẻ như là không đáng kể, nhưng giả thiết là Quý Vị đang cố gắng truyền giáo cho một thành viên của một giáo phái nào đó đang chối bỏ thiên tính của Đức Giêsu Kitô. Trong lúc câu 18, đoạn 1 của Phúc Âm theo Thánh Gioan và câu 28, đoạn 20 của Sách Tông Đồ Công Vụ rõ ràng không chỉ là các đoạn văn dùng để bảo vệ thiên tính của Đức Chúa, Quý Vị vẫn không thể tận dụng những câu này với con người thành viên của giáo phái ấy, tùy thuộc vào truyền thống viết tay mà Kinh Thánh của Quý Vị đi theo. Điều ấy để lại cho Quý Vị một ít khả năng không đáng kể để ủng hộ cho một học thuyết Kinh Thánh chủ yếu, và ngay bản chất của sự việc này trở nên khá mơ hồ với luận điểm của học thuyết Duy Kinh Thánh. 
 
15. Có hàng trăm phiên bản Kinh Thánh 
 
Như đã đề cập trong điểm thứ 14 ở trên, có hàng ngàn và hàng ngàn khác nhau trong các bản thảo Thánh Kinh. Vấn đề càng tồi tệ hơn bởi có sự việc lịch sử đã biết đến hàng trăm phiên bản Kinh Thánh, khác nhau trong chuyển dịch ngôn ngữ cũng như về các nguồn gốc bản văn. Câu hỏi được nêu ra là : “Phiên bản nào là bản chính xác ?” hoặc “Phiên bản nào gần nhất với bản thảo gốc ?” Câu trả lời có thể sẽ tùy theo nhà nghiên cứu Kinh Thánh nào mà Quý Vị coi là đáng tin cậy và có uy tín. 
 
Sự việc đơn giản là một số các phiên bản Kinh Thánh ấy rõ ràng kém phẩm chất hơn các phiên bản khác. Các khám phá khảo cổ học đã khiến cho lĩnh vực nghiên cứu Kinh Thánh có khả năng tiến triển (thí dụ như khám phá về các Cuộn Giấy Ghi Chép Kinh Thánh ở Biển Chết), những khám phá ấy đã vô cùng cải thiện kiến thức của chúng ta về các ngôn ngữ Kinh Thánh cổ và các thiết định Kinh Thánh. Ngày nay chúng ta hiểu biết nhiều biến số tác động trên việc nghiên cứu Kinh Thánh hơn các bản sao của chúng ta 100 năm, 200 năm hay 1.000 năm trước đây. Từ quan điểm này, các phiên bản Kinh Thánh hiện đại sẽ có tinh ưu việt hơn các phiên bản Kinh Thánh cổ xưa. Nói cách khác, Kinh Thánh căn cứ trên Bản tiếng La Tinh Vulgata của Thánh Giê-rôm (thế kỷ thứ tư) – trong tiếng Anh, đây là phiên bản Douay-Reihms – đều được đặt cơ sở trên các văn bản gốc mà từ đó đến nay đã mục nát, và như thế, các phiên bản tuyền thống này phớt lờ 16 thế kỷ có thể có sự sửa đổi làm cho bản văn sai lạc đi. 
 
Sự việc này gây nên một vấn đề đáng kể cho người Tin Lành, vì có nghĩa là theo một số khía cạnh thì những người Tin Lành hiện đại sẽ có bộ Kinh Thánh “tốt hơn” hay chính xác hơn các bậc tiền bối của họ; trong khi theo các khía cạnh khác, họ có lẽ có một bộ Kinh Thánh thiếu chính xác hay “nghèo nàn” hơn – điều ấy lần lượt có nghĩa là những người Tin Lành hiện đại hoặc là có một tài liệu khả tín tối hậu “đáng tin cậy hơn” hoặc là có một tài liệu khả tín tối hậu “thiếu tin cậy” hơn những người đi trước họ. Nhưng sự hiện hữu các mức độ có tính chính xác bắt đầu làm suy yếu học thuyết Duy Kinh Thánh, vì điều ấy có nghĩa là một bộ Kinh Thánh này không xác thực là một tài liệu khả tín tối hậu như bộ Kinh Thánh khác. Và nếu đó không phải là bộ Kinh Thánh xác thực, thì cái khả năng truyền bá học thuyết sai lầm sẽ gia tăng, và sau đó phiên bản Kinh Thánh cá biệt này không đủ chức năng làm tài liệu khả tín tối hậu, bởi nó không thực sự là phiên bản Kinh Thánh cuối cùng. 
 
Có một luận điểm khác là những người dịch Kinh Thánh, là những con người, không hoàn toàn khách quan và không hoàn toàn vô tư. Có thể có một số người diễn tả một đoạn văn đã cho, theo một thái độ phù hợp gần gũi hơn với một hệ đức tin, hơn là với người khác.  Một thí dụ về khuynh hướng này có thể thấy được trong các bản Kinh Thánh của người Tin Lành trong đó người ta tìm thấy có chữ Hy Lạp paradoseis. Bởi vì người Tin Lành từ chối sự hiện hữu của Thánh Truyền, nên một số dịch giả Thánh Kinh của Giáo Hội Tin Lành đưa ra từ ngữ như là “các lời dạy” hay “phong tục” hơn là “truyền thống”, trong khi chữ cuối cùng hướng đến việc cho uy thế của Giáo Hội Công Giáo có trọng lượng hơn. 
 
Còn một điều cân nhắc nữa là thực tại có một số phiên bản Kinh Thánh dứt khoát là những bản xuyên tạc các bản văn Kinh Thánh, như trong trường hợp bản New World  Translation của Hội Thánh Chứng Nhân của Giê-hô-va. Ở đây, những “dịch giả” đưa ra các đoạn văn then chốt theo cách thức thích hợp với các học thuyết sai lầm của họ (32). Giờ đây trừ phi có một thẩm quyền bên ngoài Kinh Thánh để tuyên bố những bản dịch ấy không đáng tin cậy hay nguy hiểm, thì bằng thẩm quyền nào để có thể có người gọi những bản dịch ấy không thích hợp sử dụng trong việc dạy giáo lý ? Nếu người Tin Lành trả lời bằng phát biểu rằng vấn đề này có thể xác định được trên cơ sở nghiên cứu Kinh Thánh, thì người ấy không hề biết đến sự kiện Hội Thánh Chúng Nhân của Giê-hô-va cũng trích các nguồn nghiên cứu Kinh Thánh nhằm hỗ trợ cho công việc dịch các đoạn văn này của họ ! Vấn đề sau đó chuyển sang một cuộc thi đấu đưa một nguồn tài trí này chống lại một nguồn tài trí khác – một uy quyền của con người này chống lại uy quyền của con người khác. 
 
Cuối cùng, vấn đề chỉ có thể giải quyết được nhờ sự trung gian của một huấn quyền vô ngộ phát biểu thay mặt cho Đức Kitô. Người Công Giáo biết rằng thẩm quyền đó là Giáo Hội Công Giáo La Mã và hiến chế Magisterium hay Huấn Quyền của Giáo Hội. Trong việc thực thi quyền bính này, các Giám Mục Công Giáo ban ra một bút phê imprimatur (có nghĩa là “Chuẩn cho in ra”) được đính vào các trang mở đầu của các phiên bản Kinh Thánh nào đó cũng như các tài liệu tu đức khác nhằm báo cho người đọc biết cuốn sách không chứa đựng điều gì nghịch lại với các bài giáo huấn của Đức Kitô hay của các Thánh Tông Đồ (33)
 
Còn tiếp 
 
============================= 
 
20.  Người đọc phải chú ý đến điều Giáo Hội Công Giáo không tuyên bố nhờ vào việc xác định các quyển Kinh Thánh mà làm cho Kinh Thánh trở nên có tính quy điển. Chỉ một mình Thiên Chúa mới là tác giả của quy điển Thánh Kinh. Thay vì thế, Giáo Hội Công Giáo chỉ tuyên bố rằng mình và chỉ có mình mới có thẩm quyền và có trách nhiệm về việc chỉ ra một cách không thể sai lầm những quyển sách nào bao gồm trong thư bộ Kinh Thánh đã do Thiên Chúa soạn ra. 
 
21.  Chú giải Phúc Âm Thánh Gioan, chương 16 – trích theo tác phẩm “Catholic Answers to "Bible" Christians” của Paul Stenhouse ((Kensington : Chevalier Press, 1993), trang 31. 
 
22.  Graham, trích sách đã dẫn, trang 31. 
 
23.  Những bản sao của Kinh Thánh cổ xưa nhất - Codex Vaticanus and Codex Sinaiticus – cả hai đều có niên đại từ thế kỷ thứ tư sau công nguyên, không bản sao nào chứa đựng toàn bộ Kinh Thánh, trong khi đa phần các bản thảo đã mất hay bị hủy hoại. Đại đa phần các bản thảo còn lại đều chỉ là những phân đoạn của Kinh Thánh mà thôi. 
 
24.  Điều khôi hài ở đây là nhờ vào các nỗ lực không mệt mỏi của các đan sỹ làm việc một cách cần cù chăm chỉ trong các đan viện mà Lời Chúa được viết lại đã tồn tại được qua nhiều thế kỷ. Lời tuyên bố rằng Giáo Hội Công Giáo đã làm mọi việc trong quyền hạn của mình để lấp liếm Kinh Thánh là một sự lừa dối độc hại nhất, và người ta chẳng khó khăn gì để có thể bác bẻ lại lời tuyên bố này thậm chí bằng việc khảo nghiệm hết sức thoáng qua hay nghiên cứu chóng vánh về lịch sử Giáo Hội. Ngược lại, Giáo Hội Công Giáo, trong vai trò duy nhất là người bảo vệ Kho Tàng Đức Tin, đã gìn giữ được toàn vẹn tính của Kinh Thánh khỏi bị dịch sai và giả mạo, là những bản sao Kinh Thánh sai lạc và giả mạo đã bị thiêu cháy hoặc tiêu hủy để ngăn ngừa các Sách Phúc Âm giả được lưu hành. 
 
25.  Raymond F. Collins, Introduction to the New Testament (Garden City, NY: Doubleday & Company, Inc., 1983), trang 77. 
 
26.  Sách đã dẫn, từ trang 100 đến trang 102. 
 
27.  Bruce M. Metzger (tác giả người Tin Lành), The Text of the New Testament : Its Transmission, Corruption, and Restoration (Oxford University Press, 1992), trang 221-225, 234-242. 
 
28.  Điều đã được các người Tin Lành bảo lưu là : trong tất cả sự khác nhau trong các bản thảo Kinh Thánh, không có sự khác nhau nào bàn đến một học thuyết chủ yếu. Cho dù điều khẳng định này không đúng, nó cũng không thay đổi được sự việc là ở chỗ này người Tin Lành thừa nhận, chí ít một cách quanh co, đều có thể được dùng để chấp nhận điều thua kém hơn hay khác biệt với Kinh Thánh “đích thực”. Và nếu quả là như thế, thì chính người Tin Lành đã bắt đầu làm suy yếu học thuyết Duy Kinh Thánh rồi. 
 
29.  Tham khảo tác phẩm của Metzger, trang 226-228. 
 
30.  Tham khảo tác phẩm của Collins, trang 102. 
 
31.  Tham khảo tác phẩm của Metzger, trang 234. 
 
32.  Nói về nhiều thí dụ có thể được viện dẫn, việc luận bàn về khoảng cách chỉ giới hạn chúng ta một ít để minh họa cho luận điểm mà thôi. Trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, đoạn 1, câu 1 – bản New World Translation dịch là “…và Ngôi Lời là một vị thần thánh” chứ không phải là “và Ngôi Lời chính là Thiên Chúa”, vì những người theo Hội Thánh Chứng Nhân bác bỏ Thiên Tính của Đức Giêsu Kitô. Trong Thư của Thánh Phaolô gửi các tín hữu Cô-lo-sê, đoạn 1, từ câu 15 đến câu 20 – bản dịch Kinh Thánh New World Translation đã bốn lần thêm chữ “khác” vào bản văn, vì những người theo Hội Thánh Chứng Nhân tin rằng chính Chúa Giêsu Kitô là một thụ tạo. Trong Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu, đoạn 26, câu 26 – bản New World Translation dịch là “…có nghĩa là Mình Thầy…” thay vì dịch “Này là Mình Thầy”, bởi vì những người theo Hội Thánh Chứng Nhân bác bỏ Sự Hiện Diện Thực Sự của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. 
 
33. Hơn nữa, phiên bản Kinh Thánh tiếng La-tinh Vulgata cổ đã được Giáo Hội đặc biệt chính thức công nhận trong Công Đồng Tren-tô giữa tất cả các bản Kinh Thánh tiếng La-tinh bấy giờ đang lưu hành. Công Đồng Tren-tô đã tuyên bố : “Hơn nữa, cũng trong Thánh Công Đồng này [Tren-tô]… quy định và tuyên bố rằng bản Kinh Thánh La-tinh Vulgata cổ, đã được sử dụng trong rất nhiều năm qua, nay được Giáo Hội châu phê, được giữ một vị trí chính thức trong các bài thuyết giáo, các bài tranh luận, các bài giảng, các bài giải thích công khai, và không một ai được coi thường hay lợi dụng bất cứ lý do nào để bài bác.” (Khóa 4, ngày 08-04-1546). Từ đó, khi Đức Giáo Hoàng Piô XII phát biểu trong Tông Thư Divino Afflante Spiritu (“Về công cuộc thúc đẩy nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh”), bản Kinh Thánh Vulgata “khi được dịch theo ý nghĩa mà Giáo Hội đã luôn luôn hiểu” thì “tránh khỏi bất kỳ mọi sai lầm nào trong các vấn đề thuộc về đức tin và các vấn đề luân lý.” 
 
Vài năm 1917, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X (1903-1914) đã đề xướng một cuộc tái xét duyệt bản Vulgata nhằm đạt đến mức độ nhiều chính xác hơn với nguyên bản. Sau khi Ngài từ trần, dự án to lớn này được các vị Giáo Hoàng khác xúc tiến. Vào năm 1979, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành bộ “Vulgata Mới” như là “Editio typica” hay là “Bản quy chuẩn”. 
 
=========================== 
 
Chú thích thêm của người dịch : (trích theo chú thích trong bản dịch Kinh Thánh của Lm Nguyễn Thế Thuấn, CSsR. để minh họa rõ nét ý của tác giả muốn trình bày) : 
 
Con Một – có bản viết : Thiên Chúa (và là) Con Một (có thể xác thực), Chúa Kitô là Đấng mạc khải độc nhất về Chúa Cha, vì Ngài là Con.